Bài phát biểu của ông Pieter Smidt chuyên gia cao cấp Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) trong lễ ra mắt Trung tâm tư vấn PIM

Chúng tôi nhận thấy được vai trò của PIM trong việc cải thiện hiệu quả các công trình thuỷ lợi và nâng cao sự đóng góp của thuỷ lợi vào công tác xoá đói giảm nghèo ở Việt nam

BÀI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG PIETER SMIDT

Chuyên gia cao cấp

Ngân hàng Phát triển Châu Á

Thưa các quý vị đại biểu và các vị khách quý!

Đầu tiên tôi xin chúc mừng Bộ NN&PTNT với sự thành lập Trung tâm tư vấn PIM. Đây là một bước quan trọng trong tiến trình thúc đẩy PIM. Tất nhiên, nông dân tham gia quản lý tưới không phải là mới ở Việt nam, quá trình này đã được tiến hành nhiều thế kỷ nay với sự tham gia của người nông dân trong việc xây dựng và quản lý hàng nghìn hệ thống thuỷ lợi. Tuy nhiên, cái mới ở đây là Bộ NN&PTNT đã coi PIM như là một nhân tố quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả của các hệ thống thuỷ lợi.

Ngân hàng phát triển châu Á đã có một quá trình hợp tác lâu dài với Bộ NN&PTNT trong việc thử nghiệm các mô hình về PIM. Quá trình hợp tác bắt đầu với Dự án nâng cấp công trình phòng lũ và hệ thống tưới – được gọi là ADB1 và tiếp theo đó là các dự án hỗ trợ kỹ thuật. Các nhà tài trợ khác như DANIDA, Ngân Hàng Thế giới, và các Tổ chức phi chính phủ cũng hỗ trợ các hoạt động của PIM. Kết quả nhận được qua các dự án thử nghiệm là PIM có thể “vận hành”, có nghĩa là tổ chức những người sử dụng nước đóng vai trò hiệu quả trong việc quản lý các hệ thống thuỷ lợi và có trách nhiệm trong việc vận hành và bảo dưỡng các hệ thống thuỷ lợi, đặc biệt là các hệ thống công trình liên xã trong các hệ thống lớn.

Chúng tôi rất vui mừng vì Bộ NN&PTNT đã thúc đẩy việc quản lý các hệ thống thuỷ lợi. Trong kế hoạch quản lý thuỷ lợi của Bộ NN&PTNT với tiêu đề “Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý các công trình thuỷ lợi”, bốn lĩnh vực chính đã được đề cập như sau:

  • Hoàn thiện công trình và hiện đại hoá công nghệ
  • Hướng tới cung cấp dịch vụ và quản lý có sự tham gia của người dân
  • Cơ chế tài chính nhằm giảm mức độ trợ cấp
  • Bảo vệ hiệu quả các công trình khỏi xâm lấn

PIM đóng góp rất nhiều vào ba lĩnh vực sau. Hơn nữa, nâng cấp hay hiện đại hóa các công trình thuỷ lợi trong nhiều trường hợp là điều kiện quan trọng dẫn tới việc PIM có hiệu quả.

Chúng tôi cũng nhận thấy được vai trò của PIM trong việc cải thiện hiệu quả các công trình thuỷ lợi và nâng cao sự đóng góp của thuỷ lợi vào công tác xoá đói giảm nghèo ở Việt nam. Xoá đói giảm nghèo là một vấn đề trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và Chiến lược tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo toàn diện. Báo cáo của nhóm các nhà tài trợ họp vào tháng 12 năm 2003 đã nhấn mạnh vai trò của thuỷ lợi trong vấn đề xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rằng các hệ thống thuỷ lợi lớn đang đứng trước vấn đề hạn chế trong quản lý, tài chính và ảnh hưởng tới bảo dưỡng công trình. Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở thông qua tổ chức những người sử dụng nước đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ và sử dụng một cách có hiệu quả kinh tế nguồn tài nguyên nước.

Đánh giá qua hai dự án của ADB đã hoàn thành ở Việt nam chỉ ra rằng cộng đồng hưởng lợi không phải lúc nào cũng nhận được lợi ích từ các dự án đầu tư. Các lợi ích thường không đạt được do thiếu công trình, do chưa chú trọng tới các vấn đề quản lý và thể chế. Các dự án vẫn tiếp tục chú trọng tới việc xây dựng các hạng mục công trình lớn trong khi các hạng mục công trình nhỏ, các vấn đề quản lý và thể chế, mặc dù được xem là những vấn đề quan trọng trong việc hình thành lợi ích nhưng lại không được chú trọng nhiều. Đánh giá cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết có sự tham gia của nông dân ngay các giai đoạn đầu của dự án như quy hoạch, thiết kế phù hợp với tiếp cận tổng hợp có sự tham gia nhằm nâng cao năng lực thể chế bền vững cho các tổ chức những người sử dụng nước. Những bài học và kinh nghiệm từ những đánh giá này nên được áp dụng vào những dự án đang thực hiện và thiết kế các dự án mới.

Như tôi đã nêu ở trên, PIM là nhân tố quan trọng để cải thiện hiệu quả của các công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, PIM cần phải được kết nối trong một bối cảnh rộng hơn với việc đổi mới các Công ty khai thác công trình thuỷ lợi để cải thiện các dịch vụ thuỷ nông. Như vậy nhu cầu về PIM cần được đưa tới hệ thống kênh cấp 3 của các công trình do Công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi quản lý. Các tổ chức những người sử dụng nước cần phải có tiếng nói lớn về việc các hệ thống của họ được vận hành và bảo dưỡng như thế nào, các công ty khai thác công trình thuỷ lợi cần phải có trách nhiệm hơn với người sử dụng. Vì vậy, mối liên hệ giữa các tổ chức những người dùng nước và Công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi – và các cơ quan khác – cần phải được xác định rõ hơn. Điều cần phải nói tới là, Công ty khai thác công trình thuỷ lợi có thể trở thành các công ty dịch vụ, được sở hữu và quản lý bởi những nông dân nhận các dịch vụ tưới. Điều đó có thể đảm bảo việc quản lý các công trình có hiệu quả và công bằng ở tất cả các cấp. “Dòng chảy” PIM đòi hòi nhiều nỗ lực và cống hiến, trung tâm PIM đóng vai trò quan trọng trong những cố gắng này.

Cho phép tôi được kết luận rằng ADB tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện PIM thông qua hai dự án đang được thực hiện ADB3 – Dự án thuỷ lợi sông Hồng 2 và ADB4 –  Dự án Thuỷ lợi Phước Hoà. Cũng có thể nói trước về dự án ADB5 – Dự án thuỷ lợi miền trung có nguồn vốn vay được thực hiện vào năm nay sẽ có một hợp phần quan trọng hỗ trợ việc phát triển PIM trong khuôn khổ cải cách các công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.