Cây dứa ở Bình Định: Bỏ thì thương, vương thì… nợ!

(Trích nông nghiệp): Thực hiện chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến Rau quả xuất khẩu Bình Định, Hoài Nhơn là một trong ba huyện được chọn để trồng dứa nguyên liệu. Từ năm 2002 đến 2006, toàn huyện có 97 hộ nông dân và doanh nghiệp tư nhân tham gia trồng 187,7ha dứa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cây dứa đang khiến nông dân rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì… mang nợ!”.

Trồng dứa không hiệu quả

Năm 2003, ông Bùi Minh Đậu (ở thôn Giao Hội 1, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn) là một trong những người đầu tiên trồng dứa theo mô hình khuyến nông. Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ một phần chi phí vật tư, phân bón và nhất là Công ty thực phẩm xuất khẩu Bình Định cho mượn chồi dứa giống, ông Đậu đã cải tạo 3 ha đất trồng 1 ha dứa Cayen và 2 ha dứa Queen dưới tán điều. Bây giờ gặp lại ông Đậu thấy ông buồn xo, không như vẻ phấn khởi hồi đầu mới trồng dứa.

 Ông Đậu than thở: “Diện tích dứa Cayen của tôi phát triển khá tốt, năm 2005 thu hoạch được 20 tấn dứa quả, bán cho nhà máy dứa Quảng Nam thu 20 triệu đồng. Còn năm nay dứa Cayen thu hoạch chẳng đáng là bao, nhà máy thì đã đóng cửa, mang ra chợ bán lẻ tổng cộng được có 3 triệu đồng. Dứa Queen thì điếc đặc từ lúc trồng cho đến nay. Chỉ tính tiền tôi bỏ ra mua phân, thuốc bảo vệ thực vật cho 3 ha dứa từ bấy đến nay đã mất đứt trên 60 triệu đồng. Nợ từ các tổ chức tín dụng  trên 10 triệu đồng đã đến kỳ hạn trả, nhưng tôi vẫn chưa biết xoay xở đâu ra”.

Theo khung thiết kế sản xuất ban đầu thì sản lượng dứa trồng có thể đạt 50-60 tấn/ha. Bình quân 1 ha cho thu hơn 50 triệu đồng. Nhưng thực tế cây dứa tại huyện Hoài Nhơn chỉ đạt từ 15-18 tấn/ha, nhiều hộ thu không bù nổi chi. Quá thất vọng vì cây dứa, nên hầu hết các hộ trồng dứa từ năm 2003-2004 đều không đầu tư thâm canh trở lại. Diện tích dứa nguyên liệu ở huyện Hoài Nhơn cứ thế giảm dần…

Nỗi lo nợ vay ngân hàng

Thực trạng trồng dứa kém hiệu quả đang đẩy người trồng dứa ở Hoài Nhơn vào tình cảnh vô cùng khó khăn, nhiều hộ không có khả năng thanh toán số nợ đã vay của ngân hàng đang đến kỳ hạn trả nợ.

Đến nay, Hoài Nhơn còn 28 hộ nông dân và 1 tổ chức còn số dư nợ tại ngân hàng gần 2,3 tỷ đồng. Trong đó, 20 hộ có nợ gốc quá hạn với tổng số tiền trên 296 triệu đồng và nhiều hộ khác còn nợ lãi quá hạn phải trả.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Hoài Nhơn, toàn bộ số nợ trên là nợ xấu không có khả năng thanh toán cho ngân hàng. Trong số đó, có 8 hộ nông dân thu hoạch dứa từ khoảng tháng 6.2005 đến tháng 1.2006, khi Nhà máy chế biến dứa chưa xây dựng xong, phải tự lo khâu vận chuyển ra bán cho Nhà máy dứa Quảng Nam. Tuy nhiên, hiện nay Nhà máy này đã tuyên bố phá sản, để lại khó khăn cho các hộ gia đình có diện tích trồng dứa lớn nhất huyện và là những người tiên phong trồng dứa ở Hoài Nhơn, vì không thể đòi được số tiền hơn 70 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, một nông dân ở thôn Đệ Đức 1, xã Hoài Tân có số nợ vay ngân hàng 43 triệu đồng cho biết: “Hiện nay, kinh tế gia đình chúng tôi vô cùng khó khăn, ngoài số nợ vay ngân hàng, chúng tôi còn vay bên ngoài hàng chục triệu đồng để chăm sóc dứa. Bây giờ cây dứa phá sản, không biết lấy đâu tiền mà trả nợ! Rất mong các ngành chức năng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để nông dân được nhờ!”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 7.2007 đến nay, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Bình Định đang tạm thời đóng cửa vì sản xuất bị thua lỗ. Điều đặt ra hiện nay là các cấp các ngành chức năng cần có biện pháp để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nông dân trồng dứa khoanh nợ, giãn nợ. Xét cho cùng thì nông dân trồng dứa chỉ là nạn nhân của một phong trào phát triển kinh tế bị đổ vỡ!

Nguyễn Hân