Ngày 03/08/2019, tại Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai tại khu vực miền núi phía Bắc. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương đã dự và chỉ đạo hội nghị
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết tháng 6 năm 2019, khu vực MNPB đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước là 32,79%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28,0% (hoàn thành sớm hơn 01 năm so mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ); Có 07/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 (Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên).
Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015), thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã.
Cả vùng đã có 06 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (cả nước có 84 đơn vị). Theo báo cáo của các địa phương, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên…đã có đơn vị cấp huyện hiện nay hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới trong năm 2019. Việc những địa phương khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện có sức lan tỏa rất lớn và tạo động lực phấn đấu trong tỉnh và toàn vùng, điều này thể hiện nông thôn mới hoàn toàn có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, chứ không chỉ tập trung vào một hay vài xã có điều kiện ưu đãi hơn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương cho biết, khu vực miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, chiếm 28,75% tổng diện tích cả nước với trên 30 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa đặc trưng. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Nhưng đây cũng là khu vực có địa hình tự nhiên phức tạp, chia cắt hiểm trở, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, kinh tế – xã hội chậm phát triển. Sau 9 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương khu vực miền núi phía Bắc vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn các vùng khác.
Sau hơn 9 năm thực hiện, hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn tiếp tục được các địa phương đặc biệt chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp góp phần thay đổi diện mạo nông thôn; cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Nhiều địa phương đã có những chuyển biến rõ nét về xây dựng đường giao thông nông thôn (Tuyên Quang, Bắc Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái…).
Trong khi đó, kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực theo định hướng cơ cấu lại sản xuất. Hướng đi cho sản xuất nông nghiệp đã từng bước được hình thành khá rõ nét và khai thác được các thế mạnh, lợi thế khu vực miền núi phía Bắc đang từng bước trở thành trung tâm cây ăn trái của cả nước. Khu vực MNPB đã hình thành được các vùng cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn, như: Vải thiều (Bắc Giang), nhãn lồng (Sơn La), cam (Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình), bưởi (Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La), chuối (Phú Thọ, Thái Nguyên); na dai núi đá (Lạng Sơn); xoài (Sơn La); mận (Lào Cai, Sơn La)… Các vùng trồng cây ăn quả đã góp phần tạo ra các sản phẩm quả đa dạng, có giá trị kinh tế cao để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Phát biểu Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước, Nông thôn mới là căn bản, phát triển hiện đại hóa Nông nghiệp nông thôn là then chốt, người dân là chủ thể… Đây là cơ sở của tổng kết và hoạch định kế hoạch cho 10 năm tiếp theo. Sức sáng tạo của nhân dân là vô cùng quan trọng khi triển khai chính sách và các cấp, ngành phải căn cứ thực tiễn cuộc sống, hòa mình với đời sống nhân dân để đánh giá cách làm hay, nhân rộng trên địa bàn mình và nhân rộng ra cả nước…/
Nguồn: Thanh Hiền- Báo điện tử Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn