Hội thảo cấp quốc gia về PIM trong khuôn khổ dự án VWRAP

Bộ NN và PTNT, Ban quản lý Trung ương dự án thủy lợi (CPO) phối hợp với Ngân hàng thế giới/Viện Ngân hàng Thế giới (WB/WBI) chủ trì, cùng với sự hỗ trợ của tư vấn Viện Khoa học thủy lợi (Trung tâm tư vấn PIM) đã tổ chức hội thảo quốc gia đầu tiên trong khuôn khổ của dự án VWRAP “Phát triển PIM thông qua các tổ chức dùng nước”

HỘI THẢO CẤP QUỐC GIA VỀ PIM TRONG KHUÔN KHỔ DỰ ÁN VWRAP

  1. Giới thiệu

Từ sau hội thảo quốc gia đầu tiên về PIM ở Việt nam ( từ ngày 7 đến 11/4/1997)  tại Cửa Lò – Nghệ An, đã có 17 hội thảo quốc gia tiếp theo (trong đó có 8 hội thảo chuyên đề liên quan). Đặc biệt sau Hội thảo khu vực với sự tham gia của 5 nước được tổ chức tại thành phố Hạ Long từ ngày 30/3 đến 2/4/2004 đã đi đến thống nhất, ban hành “Khung chiến lược PIM”, “Lộ trình phát triển PIM ở Việt nam”, “Thông tư số 75/2004/TT-BNN, ngày 20 tháng 12 năm 2004 về việc “Hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước”.  PIM đang hướng tới mục tiêu “ xã hội hóa về thủy lợi”.

Trong khuôn khổ của dự án “ Hỗ trợ thủy lợi Việt nam” (VWRAP), Hiệp định tín dụng phát triển, khoản tín dụng số 3880-VN của Ngân hàng Thế giới có 4 hợp phần: (i) Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi; (ii) Quản lý an toàn đập; (iii) Phát triển lưu vực sông Thu Bồn; (iv) Quản lý dự án và xây dựng năng lực. “Phát triển PIM thông qua các tổ chức dùng nước nhằm khuyến khích nông dân tham gia quản lý tưới’’ là một nội dung quan trọng thuộc hợp phần “Hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi”.

Thực hiện hợp phần “Hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi” nói trên, từ ngày 12 – 20 tháng 4 năm 2007 đã tiến hành tổ chức 6 hội thảo thuộc 6 tiểu dự án bao gồm: tiểu dự án Yên lập (Quảng ninh),  Cầu sơn, Cấm sơn (Bắc giang), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Phú Ninh (Quảng nam),  Đá bàn (Khánh hòa), Dầu tiếng (Tây ninh và TP Hồ Chí Minh). Đây là hoạt động khởi động dự án theo hướng “có sự tham gia của nông dân” vùng dự án thông qua việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức hợp tác dùng nước ngay từ đầu.

Để xây dựng một chương trình hành động, thống nhất nội dung “Phát triển PIM thông qua các tổ chức dùng nước’’, Bộ NN và PTNT, Ban quản lý các dự án thủy lợi trung ương (CPO) phối hợp với Ngân hàng thế giới/Viện Ngân hàng Thế giới (WB/WBI) chủ trì, cùng với sự hỗ trợ của tư vấn Viện Khoa học thủy lợi (Trung tâm tư vấn PIM) đã tổ chức hội thảo quốc gia đầu tiên trong khuôn khổ của dự án VWRAP‘’Phát triển PIM thông qua các tổ chức dùng nước’’ , nhằm thống nhất qui trình thành lập tổ chức dùng nước ở các khu mẫu thuộc 6 tiểu dự án, phát triển PIM gắn liền với hiện đại hóa hệ thống, rút kinh nghiệm để phát triển tổ chức dùng nước trên toàn hệ thống và cả nước.

–          Địa điểm : Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

–          Thời gian : từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 5 năm 2007 (3 ngày)

–          Thành phần đại biểu gồm có :

+        Đại diện Viện ngân hàng thế giới WB

+        Đại diện các cục, vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội nông dân Việt Nam

+        Các Sở Nông nghiệp và PTNT, PMU, IMC tại 6 tiểu dự án

+        Các chuyên gia quốc tế, NGO, tổ chức quốc tế

  1. Mục đích của hội thảo:

–          Đánh giá sau 2 năm thực hiện Khung chiến lược và lộ trình PIM

–          Chia sẻ bài học kinh nghiệm về PIM trong và ngoài nước về phát triển tổ chức dùng nước nhằm nâng cao hiệu quả tưới

–          Xác định nội dung, vai trò PIM trong dự án VWRAP

–          Xây dựng kế hoạch phát triển các tổ chức dùng nước/PIM tại 13 khu mẫu của 6 tiểu dự án dự án VWRAP

  1. Kết quả Hội thảo :

Sau 2,5 ngày hội thảo tại hội trường và 0,5 ngày đi thực địa, hội thảo đã nghe và thảo luận sôi nổi với từng nội dung của 20 báo cáo. Nội dung chủ yếu của các báo cáo trình bày trong hội thảo và thảo luận như sau:

–        Giới thiệu dự án VWRAP trong đó có hợp phần PIM, khẳng định việc thực hiện PIM là một mục tiêu của dự án.

–        Kết quả của hội thảo nhằm thúc đẩy phát triển PIM trong khuôn khổ của dự án VWRAP, tạo điều kiện để người dân được tham gia quá trình xây dựng hệ thống thuộc dự án.

–        Khẳng định những việc làm được và chưa làm được trong việc thực hiện khung chiến lược và lộ trình phát triên PIM trong hơn 2năm. Kết quả đạt được rất hạn chế, đã đưa ra các giải pháp khắc phục chung nhất.

–        Các thông tin về thực trang các mô hình PIM hiện có ở VN, những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện PIM ở VN, đã khẳng định: khó có thể chỉ ra được mô hình nào có thể áp dụng trên tất cả địa phương.

–        Khẳng định mối quan hệ gữa Công ty KTCTTL và Tổ chức dùng nước là mối quan hệ hợp đồng “mua bán” cùng nhau phát triển mang tính sống còn, trên cơ sở phân công, phân cấp quản lý công trình trên địa bàn

–        Kinh nghiệm phát triển PIM trên thế giới – Một số nước Đông và Nam Á Trung quốc, Ấn độ, Pakistan, đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, giúp cho việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình PIM hiệu quả ở Việt nam

–        Những bài học cả về thất bại và thành công, cách tiếp cận tạo cơ hội cho nông dân được tham gia ngay từ đầu trong quá trình thực hiện dự án, xây dựng mô hình PIM ở Đắc Lắc, đảm bảo tính bền vững của mô hình

–        Hiệu quả của các mô hình PIM đã được thành lập ở Hà tĩnh hoạt động hiệu quả, nhưng chưa được mở rộng ngay trên địa bàn Hà tĩnh.

–        Môi trường pháp lý thuận lợi để PIM phát triển là gì (tổ chức, thể chế, kỹ thuật, sự công nhận…).

–        Vấn đề quản lý tài nguyên nước theo đơn vị thủy lực, nguyên tắc nhìn nhận nước là một hàng hóa kinh tế và những phát sinh từ các mô hình PIM hiện nay như lợi nhuận hay phi lợi nhuận và “sự tham gia’’ chỉ được quy định trên giấy…

–        Đề xuất nội dung cụ thể để xây dựng và phát triển PIM tại các khu mẫu thuộc dự án VWRAP.

–        Vai trò của Công ty trong việc thành lập các tổ chức dùng nước trên địa bàn công ty quản lý như thế nào hay nói một cách khác là các hỗ trợ cụ thể của công ty sẽ mang tính quyết định trong việc hình thành các tổ chức dùng nước hiệu quả và bền vững.

–        Vai trò của PIM trong các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN).khẳng định các HTXNN(kiểu mới) đã kết hợp hài hòa lợi ích của HTX với tổ chức quản lý tưới, thể hiện được mô hình HTX là mô hình tiên tiến vừa mang ưu điểm của chuyên khâu thủy lợi vừa đảm bảo tính bề vững nếu biết kết hợp các ngành nghề kinh doanh để hỗ trợ lẫn nhau.

–        Các báo cáo của chuyên gia quốc tế đại diện cho các tổ chức JICA, DANIDA, tư vấn WBI/COWI  đã trình bày những kinh nghiệm về phát triển PIM tại Nhật Bản (mô hình LID) thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật; Bài học kinh nghiệm của Philipines về ảnh hưởng của chuyển giao quản lý tưới và đặc biệt là những kinh nghiệm và cản trở trong việc phát triển PIM tại một số tỉnh đã được chọn làm mẫu ở Việt Nam

–        Một số kinh nghiệm về tư nhân hóa trong quản lý tưới tiêu ở Trung Quốc.

–          Ngày thứ ba của hội thảo, các báo cáo tập trung vào vấn đề nổi bật là PIM phải đạt được những mục tiêu gì trong tương lai? nên giám sát quá trình thực hiện PIM như thế nào để kịp thời điều chỉnh các hoạt động, đưa ra các giải pháp khắc phục hoặc ban hành các văn bản liên quan đến quá trình thành lập và phát triển PIM nói chung và tại 13 khu mẫu thuộc 6 khu mẫu thuộc dự án VWRAP nói riêng.

Ngoài ra hội thảo đã nghe trình bày của tư vấn và thảo luận về kế hoạch thực hiện PIM tại 13 khu mẫu thuộc 06 tiểu dự án: thành lập và nâng cao năng lực cho các tổ chức dùng nước trong khuôn khổ của dự án VWRAP và JSDF.

Hội thảo đã cung cấp nhiều bài học quý báu để CPO, PMU, Tư vấn Viện KHTL và các bên liên quan của 6 tiểu dự án có những định hướng rõ ràng hơn trong hoạt động phát triển PIM tại 6 tiểu dự án.