Hội thảo “Chế độ tưới và quản lý thủy nông có sự tham gia đối phó với hạn hán” 01-02-2010

Hội thảo được tổ chức vào ngày 28/1/2010 tại thành phố Bắc Giang với mục tiêu cùng nhau chia sẻ, trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến chế độ tưới, phát triển thủy lợi nội đồng và Quản lý thủy nông có sự tham gia để đánh giá vai trò của các yếu tố này trong tiết kiệm nguồn nước, nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống công trình thủy lợi, chủ động phòng tránh thiên tai hạn hán trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

1. Giới thiệu

Một trong những thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt đó là vấn đề an ninh lương thực khi dân số ngày càng gia trong điều kiện có ít đất, ít nước hơn cho trồng trọt do tác động của sự gia tăng dân số, công nghiệp hóa, đô thị hóa và đặc biệt là tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Vì vậy, phát triển nông nghiệp bền vững là mong muốn không chỉ của nông dân mà là của toàn nhân loại, và trong hoàn cảnh đó việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất và sử dụng nước được cho là những giải pháp hữu hiệu.

Từ năm 2008 đến nay, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc” đã triển khai nghiên cứu trên địa bàn nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ với mục tiêu cơ bản là tìm kiếm các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nước tưới thông qua hai nội dung nghiên cứu chủ yếu là (1) Nghiên cứu chế độ tưới tối ưu cho lúa ở huyện Yên Dũng – Bắc Giang, cây mía ở huyện Mai Sơn – Sơn La, cây bưởi ở Phú Thọ và (2) xây dựng chương trình vận hành tối ưu hệ thống tưới Cầu Sơn – Cấm Sơn. Ngoài ra, đề tài cũng nhấn mạnh đến việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng và quản lý hệ thống thủy nông (PIM) phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước góp phần quản lý nước hiệu quả..

Với mục tiêu cùng nhau chia sẻ, trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến chế độ tưới, phát triển thủy lợi nội đồng và PIM để đánh giá vai trò của các yếu tố này trong tiết kiệm nguồn nước, nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống công trình thủy lợi, chủ động phòng tránh thiên tai hạn hán trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, vào ngày 28/01/2009, tại thành phố Bắc Giang, Trung tâm tư vấn PIM, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo:

“Chế độ tưới và quản lý thủy nông có sự tham gia đối phó với hạn hán”

Hội thảo do ông Nguyễn Thế Quảng – Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam và ông Đồng Minh Châu – Chi cục trưởng chi cục thủy lợi Bắc Giang chủ trì. Tham dự hội thảo ngoài các đại biểu đại diện cho các Bộ, Ban ngành của Trung ương và địa phương như Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp & PTNT; Sở Nông nghiệp & PTNT Bắc Giang; các công ty KTCTTL trong tỉnh Bắc Giang; lãnh đạo huyện, xã, thôn thuộc huyện Yên Dũng và Lạng Giang tỉnh Bắc Giang còn có các đại biểu đến từ các cơ quan chuyên môn như Đại học thủy lợi; Trung tâm tư vấn PIM, Viện nước tưới tiêu và môi trường, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam; tổ chức quốc tế JICA.

2. Kết quả hội thảo

Sau một ngày hội thảo, các đại biểu đã được nghe cán bộ của Trung tâm tư vấn PIM và Trường Đại học thủy lợi báo cáo các kết quả nghiên cứu và có những góp ý thiết thực để nghiên cứu được hoàn thiện. Các báo cáo điển hình được trình bày trong hội thảo có dung chủ yếu như sau:

PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn – Giám đốc Trung tâm tư vấn PIM – Báo cáo Phân tích về các biện pháp canh tác lúa tối ưu trên hệ thống thủy nông tưới lúa Việt Nam, Báo cáo nhấn mạnh về Kết quả phân tích cho thấy tưới tiết kiệm trong hệ thống kênh tưới lúa cần hướng vào việc giảm lượng bốc thoát hơi nước mặt ruộng. Các kết quả phân tích về năng suất đất và nước với các chế độ tưới khác nhau cho thấy chế độ tưới tiết kiệm nước tốt nhất là tưới luân phiên giữa 2-3 cm nước xen kẽ với độ ẩm tối đa đồng ruộng từ khi cấy đến giai đoạn trổ đòng, sau đó lại tưới luân phiên xen kẽ giữa độ ẩm tối đa đồng ruộng và để ẩm đất từ 60-80% độ ẩm tối đa đồng ruộng… (Xem chi tiết )

ThS.NCS. Nguyễn Việt Anh – Đại học thủy lợi – Báo cáo một số kết quả nghiên cứu về quản lý nước mặt ruộng nhằm giảm phát thải Metan, tiết kiệm nước và không giảm năng suất lúa trên đất phù sa trung tính Đồng bằng sông Hồng. Báo cáo đã nêu bật chế độ nước mặt ruộng ảnh hưởng rất lớn đến cơ chế hình thành và phát thải khí Metan trên ruộng lúa. Đối với vùng đất phù sa trung tính ít chua đồng bằng sông Hồng, tưới nông lộ phơi sẽ giảm phát thải khí metan, tiết kiệm nước và năng suất lúa tăng so với tưới ngập nông thường xuyên. Cần lựa chọn thời điểm phơi ruộng hợp lý để tận dụng tối đa nước mưa, giảm nước tháo nhằm tiết kiệm nước tưới, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và tăng năng suất lúa. (Xem chi tiết )

ThS. Trần Phương Diễm – Chuyên gia tư vấn PIM – Báo cáo Quản lý thủy nông vùng Cầu Sơn- Cấm Sơn, tỉnh Bắc Giang. Báo cáo đã nêu lên tình hình quản lý thủy lợi của tỉnh Bắc Giang nói chung và của công ty KTCTTL Cầu sơn nói riêng, nêu lên những thuận lợi, khó khăn về công trình, cơ chế chính sách trong công tác quản lý và thảo luận đưa ra các giải pháp khắc phục. (Xem chi tiết)

Th.S Phạm Thịnh- Viện Quy hoạch thủy lợi – Giới thiệu Chương trình vận hành tối ưu hệ thống tưới Cầu Sơn. Báo cáo sử dụng phần mềm được lập trình sẵn. Sau khi có các số liệu đầu vào (số liệu đầu mối, hệ thống kênh, các công trình) và các giá trị liên quan, chọn các phương pháp tính toán tối ưu cho hệ thống. Trong báo cáo này đã lập chương trình tính toán tối ưu cho 3 lựa chọn: Tối ưu cho từng khu tưới, tối ưu cho từng nhánh kênh, tối ưu cho cả hệ thống (xem chi tiết)

SHOZO OHIRA – Chuyên gia quản lý tưới tiêu của JICA – Báo cáo Các hoạt động và kết quả đạt được trong quản lý thủy lợi có sự tham gia của dự án JICA-CDPIMs ở Việt Nam. Dự án này đã khuyến khích người dân hiểu biết về PIM thông qua thực nghiệm và đã nâng cao kiến thức của họ qua trình bày trực tiếp bằng hình ảnh về những thành quả đã được phát triển. Điều trước tiên dự án này thực hiện là nắm rõ hiện trạng quản lý tưới (kiểm tra vận hành, bảo dưỡng, phân phối nước) và tập trung vào cải thiện vấn đề PIM thông qua tận dụng hầu hết sự tham gia của các bên. (Xem chi tiết)

Th.S. Nguyễn Xuân Thịnh – Trung tâm tư vấn PIM – Báo cáo Xây dựng và phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và góp phần phát triển bền vững các tổ chức hợp tác dùng nước. Hệ thống thủy lợi nội đồng với chức năng cơ bản là hệ thống điều tiết nước mặt ruộng, nó có ý nghĩa quyết định đến cách thức điều tiết nước trên các thửa ruộng và hiệu quả sử dụng nước, đặc biệt là khi thực hiện các chế độ tưới theo hướng tối ưu nhằm nâng cao năng suất và tiết kiệm nước tưới trong thâm canh, đa dạng hóa cây trồng. Vì vậy nhu cầu phát triển hệ thống thủy nông nội đồng theo hướng hiện đại là nhu cầu tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và hội nhập quốc tế. (xem chi tiết)

Th.S Bùi Văn Cường – Trung tâm tư vấn PIM – Kết quả nghiên cứu chế độ tưới cho cây mía, trường hợp ở Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Kết quả nghiên cứu đã nhấn mạnh canh tác mía có tưới vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế góp phần cải thiện đời sống nhân dân trồng mía cũng như ổn định sản lượng và chất lượng nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy đường Sơn la nói riêng và ngành công nghiệp mía đường nói chung. (xem chi tiết)

Hội thảo đã ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu của đồng chí Lê Minh Sắt, lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ và đồng chí Nguyễn Bỉnh Thìn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với đại diện các đơn vị tham gia để các nghiên cứu được trọn vẹn đồng thời mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, góp phần đối phó có hiệu quả với thiên tai, hạn hán trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Hội thảo cũng muốn gửi đến một thông điệp rằng, mỗi người, mỗi ngành cần có các biện pháp thiết thực để sử dụng nước hợp lý, cho dù là nhỏ nhưng sẽ đóng góp to lớn đối với việc chống lại tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Nhóm thực hiện đề tài cấp Nhà nước