Kết quả nghiên cứu phát triển các tổ chức dùng nước quản lý hiệu quả và bền vững công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn ở tỉnh Cao Bằng

Năm 2010-2012, Trung tâm tư vấn PIM đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu phát triển các tổ chức dùng nước quản lý hiệu quả và bền vững công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn ở tỉnh Cao Bằng”.

                                                                                                               PGS.TS Trần Chí Trung

Quản lý vận hành và bảo dưỡng sau đầu tư xây dựng công trình là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo các công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt (CNSH) hoạt động hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, quản lý vận hành và bảo dưỡng bền vững công trình thủy lợi và CNSH là một quá trình phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố về thể chế, tài chính, kỹ thuật, xã hội. Sự tham gia của người dùng nước là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của quản lý các công trình thuỷ lợi và CNSH. Năm 2010-2012, Trung tâm tư vấn PIM đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu phát triển các tổ chức dùng nước quản lý hiệu quả và bền vững công trình thuỷ lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn ở tỉnh Cao Bằng”. Đề tài đã được Sở KHCN tỉnh Cao Bằng nghiệm thu vào tháng 6/2012.

 Các kết quả nghiên cứu chủ yếu của đề tài như sau:

1) Nghiên cứu phát triển tổ chức dùng nước quản lý hiệu quả và bền vững công trình thuỷ lợi

– Đề xuất 2 loại mô hình tổ chức dùng nước (TCDN) quản lý công trình thủy lợi phù hợp cho tỉnh Cao Bằng gồm: (1) Ban quản lý thủy nông xã và (2) Hợp tác xã dịch vụ thủy nông. Mô hình Ban quản lý thủy nông xã có các ưu điểm là vừa đáp ứng được các yêu cầu về tư cách pháp lý lại vừa đáp ứng được các tiêu chí về sự tham gia của người dùng nước phù hợp với đặc điểm của tỉnh Cao Bằng, sự tham gia của người dùng nước được phát huy qua các Tổ quản lý thủy nông của Ban quản lý thủy nông xã. Đây là mô hình có con dấu, tài khoản, bộ máy tinh gọn, có chuyên môn, gắn được vai trò, trách nhiệm của chính quyền trong công tác quản lý thủy nông ở cơ sở, thuận lợi trong việc quản lý và thanh quyết toán tài chính ở địa phương phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay của tỉnh Cao Bằng. Mô hình Ban quản lý thủy nông xã phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, tuy nhiên đối với những địa phương mà cộng đồng có khả năng quản lý thì cần thành lập Ban quản lý thủy nông có tài khoản, con dấu riêng để hoạt động, ban quản lý là do dân bầu để phát huy hiệu lực điều hành, quản lý công trình thủy lợi. Trong khi đó mô hình Hợp tác xã dịch vụ thủy nông có ưu điểm là một TCDN hoàn chỉnh đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về tư cách pháp lý và đảm bảo các nguyên tắc phát huy sự tham gia của người dùng nước. Ban quản lý hợp tác xã là do dân bầu là những người có đủ năng lực, uy tín đối với người dân nên sẽ phát huy hiệu lực điều hành, phát huy trách nhiệm vận động người dân tham gia quản lý công trình thủy lợi. Hình thức hợp tác xã quản lý công trình thủy lợi phù hợp cho các địa phương ở thị tứ, ven đô ở vùng vùng thấp có điều kiện kinh tế phát triển phát triển, trình độ dân trí cao, có năng lực quản lý công trình thủy lợi và có năng lực quản lý tài chính của hợp tác xã.

– Hỗ trợ xây dựng 2 mô hình TCDN quản lý công trình thuỷ lợi là mô hình Ban quản lý thủy nông xã Bình Long, huyện Hòa An và Mô hình Ban quản lý thủy nông xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Các yếu tố quan trọng để các mô hình này hoạt động hiệu quả là có quy chế hoạt động của Ban quản lý thủy nông xã được UBND huyện phê duyệt và quy chế hoạt động của Tổ quản lý thủy nông do người dân tham gia xây dựng, thông qua đại hội người dùng nước và được UBND xã phê duyệt. Các Ban quản lý thủy nông đảm bảo thực hiện tự chủ tài chính trên nguyên tác cân đối thu chi do đã thu được phí thủy lợi nội đồng do người dân đóng góp. Kết đánh giá hiệu quả hoạt động ở các mô hình TCDN  điểm cho thấy sự phù hợp, tính hiệu quả và bền vững của các mô hình này. Kết quả xây dựng các mô hình điểm TCDN quản lý công trình thủy lợi là bài học thực tiễn có giá trị cho việc phát triển các TCDN trên phạm vi toàn tỉnh Cao Bằng.

2) Nghiên cứu phát triển tổ chức dùng nước quản lý hiệu quả và bền vững công trình CNSH nông thôn

– Đề xuất đề xuất 3 mô hình TCDN quản lý công trình CNSH phù hợp cho tỉnh Cao Bằng gồm: (1) Ban quản lý công trình cấp nước sinh hoạt (2) Tổ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt và (3) Ban quản lý thủy nông xã quản lý công trình thủy lợi và công trình CNSH. Mô hình Ban quản lý công trình cấp nước sinh hoạt có ưu điểm là phát huy được sự tham gia của người dùng nước do có quy chế hoạt động được người dùng nước tham gia xây dựng và ban quản lý được người dân tín nhiệm bầu ra. Đối với công trình CNSH liên xóm, liên xã thì mô hình Ban quản lý có bộ máy gọn, nhẹ hoạt động theo phạm vi phục vụ của công trình, không phụ thuộc vào ranh giới hành chính các xóm và xã.  Ban quản lý là hình thức tổ chức phù hợp để quản lý các công trình CNSH liên xóm có quy mô phục vụ trên 500 hộ và các công trình CNSH liên xã. Mô hình Tổ quản lý công trình CNSH có ưu điểm là bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, phát huy được sự tham gia của người dùng nước do có quy chế hoạt động được người dùng nước tham gia xây dựng và Tổ quản lý được người dân tín nhiệm bầu ra. Mô hình Tổ quản lý là hình thức tổ chức phù hợp để quản lý các công trình CNSH quy mô trong 1 xóm và các công trình CNSH quy mô liên xóm phục vụ dưới 500 hộ. Mô hình Ban quản lý thủy nông xã kết hợp quản lý các công trình thủy lợi và CNSH trong xã có ưu điểm là có bộ máy gọn nhẹ, thuận tiện trong việc tổ chức, quản lý cả 2 loại hình công trình thủy lợi và CNSH nông thôn, phát huy được sự tham gia của người dùng nước do có quy chế hoạt động được người dùng nước tham gia xây dựng và các Tổ quản lý được người dân tín nhiệm bầu ra. Mô hình Ban quản lý thủy nông kết hợp quản lý công trình thủy lợi và công trình CNSH phù hợp cho các xã có các công trình CNSH quy mô phục vụ dưới 500 hộ.

– Hỗ trợ xây dựng mô hình Ban quản lý thủy nông quản lý công trình thủy lợi kết hợp quản lý công trình CNSH nông thôn ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Một hoạt động quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý công trình CNSH ở mô hình này là đã hỗ trợ xây dựng quy chế hoạt động của Ban quản lý thủy nông xã. Kết quả đánh giá cho thấy các yếu tố quan trọng để các mô hình này hoạt động hiệu quả là có quy chế hoạt động được UBND huyện phê duyệt và quy chế hoạt động của các hội dùng nước do người dân tham gia xây dựng, thông qua đại hội người dùng nước và được UBND xã phê duyệt. Các  Hội dùng nước đảm bảo thực hiện tự chủ tài chính trên nguyên tác cân đối thu chi do thu được phí nước do người sử dụng nước đóng góp. Mô hình điểm TCDN quản lý công trình CNSH nông thôn là bài học thực tiễn có giá trị cho việc phát triển các TCDN trên phạm vi toàn tỉnh Cao Bằng.

3) Đề xuất quy chế quản lý công trình thủy lợi và CNSH nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

– Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình TCDN tại các xã điểm, đề tài đã đề xuất dự thảo quy chế quản lý công trình thủy lợi và CNSH nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Dự thảo quy chế quản lý công trình thủy lợi và CNSH nông thôn đã được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cao Bằng chấp thuận để xây dựng quy chế quản lý công trình thủy lợi và CNSH trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trình UBND tỉnh phê duyệt. Quy chế quản lý công trình thủy lợi và CNSH nông thôn là văn bản có tính pháp lý quan trọng để hướng dẫn các địa phương thực hiện phát triển các TCDN quản lý hiệu quả và bền vững công trình thủy lợi và CNSH nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.