Kết quả thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế

Xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn có ý nghĩa quan trọng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Bài báo này giới thiệu kết quả thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Các giải pháp thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế là bài học kinh nghiệm có giá trị cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu khoa học cũng như các địa phương tham khảo áp dụng

                                                                                     PGS.TS.Trần Chí Trung
KS.Nguyễn Duy Dũng
Trung tâm tư vấn PIM

1. Đặt vấn đề

Khi nói đến cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới chúng ta thường nhắc tới các hạng mục công trình như: Đường giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện, công trình văn hoá thể thao, trạm y tế, trường học, thông tin liên lạc. Hệ thống công trình thủy lợi, giao thông nông thôn là cơ sở hạ tầng quan trọng bậc nhất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Hạ tầng kỹ thuật thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, cấp nước dân sinh và các ngành kinh tế khác, đồng thời cũng góp phần phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, là khâu then chốt để thực hiện chương trình phát triển kinh tế- xã hội nói chung và để thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng. Thực tiễn nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây khẳng định, hệ thống giao thông nông thôn phát triển đến đâu, thì hàng rào đóng kín của kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc bị chọc thủng đến đó. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển đã tác động tích cực đến việc thực hiện các chương trình cơ giới hóa trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở kết quả điều tra đánh giá của đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ về giao thông nông thôn, thủy lợi phù hợp với quy hoạch làng xã phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ” do Trung tâm PIM thực hiện (2013), bài viết này trình bầy kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới

Theo Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2013 và dự kiến kế hoạch 2014 đến ngày 24/9/2013 của Văn phòng điều phối ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế trong số 105 xã của toàn tỉnh thì có 92 xã thực hiện Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong đó có 34 xã đạt tiêu chí về thủy lợi (37,0%) và 20 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn (22,0%). Huyện đạt tiêu chí thủy lợi cao nhất là huyện A Lưới (11 xã); các huyện đạt thấp (2 xã) là huyện Quảng Điền. Huyện đạt tiêu chí giao thông nông thôn cao nhất là huyện A Lưới (8 xã), các huyện đạt thấp (1 xã) là các huyện Nam Đông, Phong Điền, Hương Thủy, Phú Lộc, thậm chí huyện Quảng Điền chưa có xã nào đạt tiêu chí giao thông. Theo đánh giá của địa phương thì thủy lợi, giao thông là các tiêu chí khó đạt trong xây dựng nông thôn mới.

Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có tổng cộng 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới: Xã Hương Hòa, xã Hương Giang, Hương Lộc; (huyện Nam Đông), Quảng Phú (huyện Quảng Điền), Phong Hải, Phong An (huyện Phong Điền), Thủy Tân (huyện Hương Thủy), Phú Thượng (huyện Phú Vang). (Nguồn: Trang thông tin điện tử Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế).

3. Kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.148 công trình thủy lợi loại vừa và nhỏ, bao gồm: 55 hồ chứa, 321 đâp dâng, 715 trạm bơm (điện, dầu), 4 đập ngăn mặn, 6 cống ngăn mặn, 181km đê biển, đê sông, đê phá và 174 cống dưới đê. Toàn tỉnh có trên 2.000 km kênh mương chính, trong đó có 1.022 km kênh mương có diện tưới từ 20 đến 300 ha gồm khoảng 60% là kênh chính, kênh cấp 1 và cấp 2, và có trên 1.000 Km kênh mương nội đồng mặt ruộng. Theo báo cáo rà soát Quy hoạch thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020, tại thời điểm tháng 1 năm 2013 toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 847,4 km kênh các loại.

Diện tích tưới đảm bảo hiện nay đạt 46.670 ha trên tổng diện tích theo quy hoạch đề ra là 49.920 ha, đạt 94% tổng diện tích. Phần diện tích còn lại khoảng 3.300ha chưa chủ động nguồn nước, những năm hạn nặng thì thời gian thiếu nước thường tập trung vào giữa vụ đến cuối vụ Hè – Thu.

Theo kết quả thực hiện phân cấp quản lý thì công ty khai thác thủy lợi quản lý 30 hồ chứa, 98 đập dâng, 39 trạm bơm điện và 1 trạm bơm dầu, chủ yếu là các công trình đầu nguồn, hồ đập quan trọng, cống một số trạm bơm để ngăn mặn, tạo nguồn cấp nước, tổng diện tích phục vụ của công ty là 14.769 ha. Số công trình còn lại vừa và nhỏ giao cho địa phương quản lý.

Hệ thống công trình thủy lợi của 15 xã điều tra bao gồm: 40 hồ chứa, 77 trạm bơm và 15 đập dâng. Tổng chiều dài các kênh thuộc công trình độc lập do xã quản lý là 411,05km, hiện tại đã cứng hóa được khoảng 42%, chủ yếu là gạch, gạch táp lô và bê tông đổ tại chỗ.

 Trạm bơm tưới tiêu kết hợp xã Quảng Vinh huyện Quảng Điền          Kênh tưới tiêu kết hợp xã Phú Thanh huyện Phú Vang

Hình 1: Công trình thủy lợi tại các xã điều tra

Hiệu quả tưới: Tổng diện tích lúa 2 vụ Đông xuân và Hè thu cần tưới của các xã là 10.696,4 ha. Tuy nhiên diện tích tưới được mới chỉ đáp ứng hơn một nửa, đạt tỉ lệ 64,5%. Diện tích không tưới được chủ yếu do hệ thống công trình thủy lợi không đảm bảo cấp nước. Đối với diện tích màu (4.011,4ha), về cơ bản cấp đủ được cho các loại cần phải tưới, còn lại đa phần là không cần. Ngoài ra, hệ thống trạm bơm còn đảm bảo cấp nước cho 90% diện tích nuôi trồng thủy sản cao triều.

Bảng 1: Tổng hợp diện tích tưới tại các xã điều tra

Vụ Lúa (ha) Màu (ha)
Diện tích gieo trồng Diện tích tưới chủ động Tỉ lệ Diện tích gieo trồng Diện tích tưới chủ động Tỉ lệ
Đông xuân 5.709,5 3.927,3 68,8 1.767,2 134,8 7,6
Hè thu 4.986,9 2.970,8 59,6 2.244,2 277,5 12,4
Tổng 10.696,4 6.898,1   4.011,4 412,3  

Tổ chức quản lý: Theo Thông tư 41 của Bộ NN&PTNT (2013) đã bổ sung một chỉ tiêu để đánh giá tiêu chí thủy lợi là chỉ tiêu có tổ chức quản lý công trình hiệu quả, bền vững. Trong 15 xã điều tra có 14 xã (93,3%) đạt chỉ tiêu này là các xã có HTX dịch vụ nông nghiệp quản lý công trình thủy lợi, trung bình mỗi xã có 2-3 HTX, xã nhiều nhất có 6-7 HTX như xã Phong Sơn huyện Phong Điền (6HTX), xã Phong Chương huyện Phong Điền (7HTX), duy nhất có 1 xã là Vinh Xuân huyện Phú Vang là xã chưa có mô hình thôn quản lý công trình thủy lợi. Đánh giá kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi theo Thông tư 41 của Bộ NN&PTNT thì trong số 15 xã điều tra chỉ có 1 xã đạt tiêu chí thủy lợi là các xã Phú Mỹ huyện PhúVang

4. Kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế tập trung nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng tiên tiến, hiện đại. Hiện, tỉnh đã cơ bản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT tại các xã bãi ngang ven biển, hoàn thành một số tuyến giao thông quan trọng phá thế chia cắt ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tạo thuận lợi giao thông và sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh sự giao thương giữa các vùng trong tỉnh. Tổng chiều dài tuyến đường xã toàn tỉnh là 1.911,52 km. Trong đó, mặt đường BTXM 938,864 km; bê tông nhựa 112,468 km; thấm nhập nhựa 5 km; cấp phối 232,169 km; sỏi đỏ 166,604 km; cát 47 km; đất 461,414 km. Như vậy, tỷ lệ rải mặt BTXM chiếm 49,1%; Bêtông nhựa chiếm 5,8%; Thấm nhập nhựa chiếm 0,25%; Đất tự nhiên chiếm 45,05%.

Đánh giá hiện trạng hệ thống đường GTNT: Gần 60% tuyến đường trục xã, liên xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa và 100% xã có đường ô tô đến trung tâm , đảm bảo phục vụ một cách cơ bản nhu cầu đi lại trước mắt cho người dân ở khu vực nông thôn trong mùa khô,  tuy nhiên trong mùa mưa lũ nhiều tuyến đường bị ngập lụt nặng chia cắt các vùng dân cư, các vùng kinh tế cũng bị ảnh hưởng rất lớn tới đời sống kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

Theo kết quả điều tra chi tiết tại 15 xã điểm của 3 huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền có chiều dài, chiều rộng, tỉ lệ cứng hóa và hình thức cứng hóa các tuyến đường được tổng hợp như sau:

Bảng 2: Thực trạng các loại đường GTNT của 15 xã điều tra.

Loại đường Chiều dài (km) Tỉ lệ cứng hóa (%) Bề rộng trung bình (m) Hình thức cứng hóa (%)  
Nhựa BTXM Cấp phối Đất
Tổng Đã cứng hóa Mặt đường Nền  đường  
Trục xã/ liên xã 157,5 130,5 82,8 4,1 5,9 66,7 33,3 0 0  
Trục thôn, xóm 242,5 137,6 56,7 3,0 4,9 0 100 0 0  
Ngõ, xóm 362,8 146,1 40,2 2,6 3,8 0 85 0 15  
Trục chính nội đồng 319,0 78,4 24,5 3,0 3,9 0 66,7 26,6 6,6  

Hiện nay việc xây dựng đường giao thông nông thôn trong tỉnh được thực hiện theo hướng dẫn số 1034/SGTVT- CLTĐ ngày 18/9/2013 của Sở giao thông vận tải về việc “hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật, thiết kế mẫu, thiết kế điển hình xây dựng đường GTNT”.

Tiêu chí nông thôn mới: Tính đến tháng 10 năm 2013 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 20 xã đạt tiêu chí giao thông, trong số các xã điều tra có 01 xã đạt tiêu chí giao thông là xã Phú Mỹ huyện PhúVang, còn lại các xã chưa đạt, nguyên nhân chủ yếu là do khó đạt về tiêu chí cứng hóa đường trục chính nội đồng.

                      Đường liên thôn xã Quảng Thành huyện Quảng Điền     Đường trục chính nội đồng xã Quảng Thành huyện Quảng Điền

Hình 2: Một số tuyến đường giao thông nông thôn huyện Quảng Điền

5. Giải pháp huy động vốn

Bảng 3: Kết quả huy động nguồn lực thực hiện xây dựng Nông thôn mới 3 năm (2011-2013)
Đơn vị tính:    triệu đồng

TT Nguồn vốn Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Cộng
1 Vốn Chuơng trình NTM (NSTW) 17.242 19.909 18.260 55.411
2 Vốn Chương trình Mục tiêu QG khác 50.207 63.500 63.323 176.030
3 Vốn của tỉnh đầu tư 117.046 121.463 198.433 436.942
  Cộng 184.495 204.872 279.016 668.383

Ngoài nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, các huyện, thị xã đã đầu tư thực hiện các hạng mục thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới còn huy động nguồn vốn do dân đóng góp bằng tiền và hoa màu, tài sản trên 125,9 tỷ đồng, trên 12.500 ngày công lao động và 92.000 m2 đất. Nhiều đia phương, thôn, xóm đã tranh thủ sự ủng hộ, quyên góp của các tổ chức, người dân xa quê hương, đấu thầu các công trình trong xã trích quỹ xây dựng. Một số xã của huyện Quảng Điền người dân đã xây dựng một số tuyến đường giao thông nông thôn bằng vốn góp 100% của nhân dân như xã Quảng Vinh: bê tông các tuyến đường thôn với tổng chiều dài 1710m, tổng kinh phí xây dựng 850 triệu; xã Quảng Phú người dân đã tự nguyện hiến 2.462m2 đất làm đường giao thông.

6. Kết luận

Xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung các nguồn lực của cả Nhà nước và nhân dân, giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời tạo ra tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo, trong đó có việc phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đến nay, hệ thống thủy lợi của tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Hệ thống đường giao thông nông thôn của tỉnh cũng có nhiều chuyển biến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, thông thương giữa các vùng. Để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và GTNT, UBND tỉnh đã ban hành quy định phân công trách nhiệm cụ thể giữa tỉnh, huyện, thị xã, các xã và nguồn huy động của nhân dân trong việc đầu tư, đồng thời tổ chức tốt công tác vận động, tuyên truyền thực hiện triển khai thường xuyên sâu, rộng đến tận thôn, bản dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Một số giải pháp huy động tổng lực các nguồn vốn xây dựng đường giao thông nông thôn phát huy hiệu quả như thu hút các doanh nghiệp, con em xa quê, lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án khác vào Chương trình xây dựng NTM. Các giải pháp thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế là bài học kinh nghiệm có giá trị cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu khoa học cũng như các địa phương khác tham khảo áp dụng trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Thừa Thiên Huế. Báo cáo tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2013 và dự kiến kế hoạch 2014.
  2. Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tỉnh Thừa Thiên Huế. Báo cáo kết quả triển khai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mói trong 3 năm và năm 2013.
  3. Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn. Báo cáo rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020
  4. Website Sở khoa học và đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế.
  5. Trung tâm PIM (2013). Kết quả điều tra thực hiện đề tài cấp nhà nước: ”Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ về giao thông nông thôn, thủy lợi phù hợp với quy hoạch làng xã phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ”