Kết quả thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi ở tỉnh Hà Tĩnh

Phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và nông thôn. Bài báo này phân tích kết quả và kinh nghiệm thực hiện phân cấp quản lý ở tỉnh Hà Tĩnh. PGS. TS. Trần Chí Trung, KS. Phạm văn Hiệp Trung tâm tư vấn PIM

1. Đặt vấn đề

Phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi là một trong những yêu cầu đảm bảo cho các hệ thống công trình thuỷ lợi phát huy hiệu quả đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác. Phân cấp quản lý công trình thủy lợi đảm bảo sự đồng bộ khép kín về công tác quản lý, làm tốt chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi với các dịch vụ liên quan giúp người dùng nước sử dụng nước hiệu quả. Để thúc đẩy tiền trình phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 10 năm 2009 về “Hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, việc thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi ở nước ta còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa phát huy được hiệu quả quản lý khai thác công trình thuỷ lợi. Một trong những nhiệm vụ quan trọng Trung tâm tư vấn PIM được Bộ Nông nghiệp và PTNT thôn giao thực hiện dự án “Tư vấn hỗ trợ thí điểm chuyển giao quản lý tưới khu mẫu 3 Tiểu dự án Cầu Sơn – Cấm Sơn, Kẻ Gỗ và Phú Ninh thuộc dự án VWRAP” là hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh thực hiện phân cấp, chuyển giao quản lý công trình thủy lợi. Bài báo này trình bày kết quả và kinh nghiệm thực hiện phân cấp quản lý công trình thủy lợi ở tỉnh Hà Tĩnh.

2. Quy trình thực hiện phân cấp công trình thủy lợi

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 345 hồ chứa, 381 trạm bơm, 57 đập dâng, 12 cống ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu thoát lũ; 6.920 km kênh mương các loại. Năm 2012, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hợp nhất 7 doanh nghiệp khai thác thủy lợi thành 2 Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Hà Tĩnh và Nam Hà Tĩnh. Hệ thống tổ chức quản lý thủy nông cơ sở có 181 tổ chức Hợp tác dùng nước (HTDN) quản lý các công trình thủy lợi nhỏ (CTTL) và hệ thống thủy lợi nội đồng ở các công trình lớn.

Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi từ tháng 5/2011, kèm theo là danh mục phân cấp CTTL cho các công ty khai thác thủy lợi và địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các công ty trực tiếp quản lý, khai thác các công trình đầu mối, các trục kênh chính, kênh nhánh và các công trình điều tiết nước có quy mô vừa và lớn thuộc hệ thống thủy lợi liên huyện, liên xã có yêu cầu về quản lý, vận hành phức tạp, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các huyện, xã trong phạm vị hệ thống và giữa các đội tượng sử dụng nước. Phân cấp các công trình còn lại cho các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực quản lý, khai thác hệ thống CTTL nhỏ có tính chất kỹ thuật đơn giản quản lý.

Bảng 1. Tiêu chí phân cấp quản lý công trình thủy lợi cho địa phương quản lý ở tỉnh Hà Tĩnh

STT Loại hình công trình Tiêu chí phân cấp
1 Hồ chứa nước

 

+ Phạm vi phục vụ trong xã

+ Dung tích < 1.000.000 m3 hoặc hồ Hđập < 12 m.

2 Đập dâng + Phạm vi phục vụ trong xã;

+ Hđập < 10 m.

3 Trạm bơm + Phạm vi phục vụ tưới, tiêu trong xã

+ Diện tích tưới, tiêu nhỏ hơn 200 ha.

4 Các công trình đầu mối khác Cống ngăn mặn- giữ ngọt, cống tiêu thoát lũ và các công điều tiết lớn có tính chất kỹ thuật đơn giản.

Trong đó quy mô cống đầu kênh được quy định đối với từng vùng như sau:

+ Các địa phương miền núi: nhỏ hơn hoặc bằng 50ha.

+ Các địa phương còn lại: nhỏ hơn hoặc bằng 100ha.

Để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Sở NN&PTNT ban hành Hướng dẫn về việc thực hiện phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (2011). Theo đó, việc thực hiện của các đơn vị như sau:

Bước 1: Lập hồ sơ phân cấp:

Đối với công trình giao cho công ty quản lý:

– Các công ty thủy nông tiến hành lập danh mục công trình do đơn vị quản lý, cùng phòng nông nghiệp huyện, UBND xã và các tổ chức thủy nông cơ sở có công trình nằm trong danh mục phân cấp công trình của công ty, tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng và tài sản công trình dựa trên hướng dẫn của sở Tài chính.

– Sau khi đánh giá hiện trạng và tài sản công trình các bên có biên bản thống nhất, đối với việc xác định cống đầu kênh khi đã thống nhất vị trí sẽ được đánh dấu sơ bộ bằng cọc tre, vạch sơn. Sau đó các công ty lập hồ sơ phân cấp gửi chi cục thủy lợi thẩm định ,

– Kinh phí thực hiện được các công ty trích từ nguồn thủy lợi phí của công ty

Đối với công trình giao các tổ chức thủy nông cơ sở quản lý:

– UBND các huyện kiển tra đánh giá năng lực các tổ chức quản lý công trình thủy lợi ở các xã, tổ chức đào tạo, củng cố vcác tổ chức quản lý công trình thủy lợi ở các xã trên địa bàn huyện để có đủ năng lực quản lý công trình thủy lợi được phân cấp cho tổ chức quản lý. Kinh phí đào tạo và củng cố các tổ chức thủy nông cơ sở sẽ do ngân sách huyện phụ trách.

– Phòng Nông nghiệp huyện phụ trách cùng UBND các xã, các tổ chức hợp tác dùng nước, Công ty TNHH MTV thủy lợi thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng và tài sản công trình và thống nhất về hiện trạng công trình, tài sản công trình, vị trí cống đầu kênh, lập biên bản thống nhất giữa các bên tham gia.

– Phòng nông nghiệp tập hợp và lập hồ sơ phân cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện để trình chi cục thủy lợi thẩm tra, hồ sơ phân cấp trình chi cục thủy lợi phê duyệt.

Bước 2: Kiểm tra phê duyệt hồ sơ phân cấp:

– Việc kiểm tra và thẩm định lại hồ sơ phân cấp của được giao cho chi cục thủy lợi, tiến hành kiểm tra theo quy định phân cấp, kiểm tra thực địa các công trình , vị trí cống đầu kênh.

– Đối với vị trí cống đầu kênh được xác định là cống lấy nước trên kênh đáp ứng tiêu chí diện tích trong quy định phân cấp của tỉnh, được sự thỏa nhất và thống nhất giữa các Công ty TNHH MTV thủy lợi và các TCHTDN. sau khi kiểm tra, thẩm địnhcác hồ sơ chi cục thủy lợi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bước 3: Chuyển giao công trình

– Sau khi UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ phân cấp của các Công ty TNHH MTV thủy lợi và các huyện, tỉnh thành lập hội đồng chuyển giao công trình thủy lợi bao gồm chi cục thủy lợi, Công ty TNHH MTV thủy lợi, phòng nông nghiệp huyện, thị xã, UBND các xã, và các tổ chức hợp tác dùng nước để tiến hành bàn giao quản lý khai thác các công trình trên địa bàn.

  1. Kết quả thực hiện phân cấp quản lý

            Theo quyết định về phân cấp quản lý của tỉnh thì các công ty bàn giao cho địa phương quản lý 10 trạm bơm và các công ty nhận bàn giao từ địa phương 13 hồ chứa, 1 đập dâng. Đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện phân cấp và chuyển giao được 10/13 hồ chứa nước, 1/1 đập dâng và 4/10 trạm bơm, cụ thể là các địa phương đã chuyển giao 2 hồ chứa cho Công ty Sông Rác, 6 hồ chứa và 1 đập dâng cho Công ty Hương Khê, 2 hồ chứa cho Công Ty Hồng Lam. Trong khi đó chỉ có Công ty Hồng Lam đã thực hiện bàn giao xong 4 trạm bơm cho địa phương quản lý, còn Công Ty Can Lộc tuy đã thực hiện bàn giao 6 trạm bơm cho địa phương nhưng hiện tại địa phương chưa có tổ chức dùng nước đủ năng lực để tiếp nhận quản lý, vận hành trạm bơm nên địa phương đang yêu cầu công ty tạm thời quản lý. Do các công trình thủy lợi mới được bàn giao trong thời gian ngắn nên chưa đánh giá được đầy đủ hiệu quả công trình sau phân cấp, tuy nhiên, trước mắt có thể nhận thấy rằng một số hồ chứa trước đây do địa phương quản lý sau khi bàn giao cho Công ty quản lý thì việc kiểm tra, theo dõi được thực hiện thường xuyên, phát hiện sớm các ẩn họa và thực hiện công tác sửa chữa đảm bảo an toàn công trình tốt.

            Về thực hiện phân cấp quản lý kênh mương, đến nay đã có 6 đơn vị, địa phương đã hoàn thành hồ sơ ví trí cống đầu kênh và phân cấp quản lý kênh mương để Chi cục thủy lợi thẩm định trình UBDN quyết định phê duyệt các công ty Sông Rác, Kẻ Gỗ, Hương Sơn và các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Sơn. 2 huyện Cẩm Xuyên và Hương Sơn đã hoàn thành việc xác định vị trí cống đầu và tiến hành bàn giao vị trí cống đầu kênh. Công ty thủy lợi Kẻ Gỗ trích 200 triệu từ nguồn cấp bù thủy lợi phí cho việc xác định vị và cắm mốc cống đầu kênh. Các địa phương, đơn vị còn lại đang tổ chức điều tra, khảo sát công trình, xác định vị trí cống đầu kênh để lập hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt. Việc tổ chức hợp nhất 7 doanh nghiệp khai thác thủy lợi thành 2 Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Hà Tĩnh và Nam Hà Tĩnh cũng có phần làm chững lại tiến độ thực hiện phân cấp và xác định cống đầu kênh. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đôn đốc yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương hoàn thành thực hiện phân cấp quản lý kênh mương trên địa bàn tỉnh.

            Từ kết quả triển khai thực hiện cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi ở tỉnh Hà Tĩnh, một số bài học kinh nghiệm thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi được rút ra như sau:

–          Các cấp chính quyền, ban ngành ở địa phương đồng tình chủ trương thực hiện phân cấp quản lý công trình thủy lợi của Bộ. Đặc biệt là UBDN tỉnh  quan tâm, chỉ đạo chính quyền huyện, xã và các cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

–          Để thực hiện quy định phân cấp quản lý của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã ban hành hướng dẫn thực hiện phân cấp quản lý khai thác CTTL, quy định cụ thể phương pháp xác định vị trí cống đầu kênh, quy trình thủ tục, hồ sơ xác định vị trí cống đầu kênh để địa phương có cơ sở để thực hiện thuận lợi.

–          Một điểm đáng chú ý trong việc thực hiện phân cấp quản lý kênh mương ở tỉnh Hà Tĩnh là vị trí cống đầu kênh không chỉ được xác định ở các công trình thủy lợi vừa và lớn do công ty quản lý, mà vị trí cống đầu kênh cũng được xác định cho những công trình thủy lợi nhỏ do địa phương quản lý.

–          Công tác thực hiện chuyển giao công trình thủy lợi, xác định vị trí cống đầu kênh được thực hiện bài bản, khách quan thông qua các hội đồng chuyển giao công trình thủy lợi của công ty và các địa phương.

  1. Kết luận

            Phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi là một giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác. Hà Tĩnh là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý công trình thủy lợi. Để thực hiện quy định phân cấp quản lý của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã ban hành hướng dẫn thực hiện phân cấp quản lý khai thác CTTL, quy định cụ thể phương pháp xác định vị trí cống đầu kênh, quy trình thủ tục, hồ sơ xác định vị trí cống đầu kênh để địa phương có cơ sở để thực hiện thuận lợi. Công tác thực hiện chuyển giao công trình thủy lợi, xác định vị trí cống đầu kênh được thực hiện bài bản, khách quan thông qua các hội đồng chuyển giao công trình thủy lợi của công ty và các địa phương. Kinh nghiệm thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi ở tỉnh Hà Tĩnh là bài học có giá cho  cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương tham khảo áp dụng thực hiện phân cấp quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.


Tài liệu tham khảo

  1. Trung tâm PIM (2013). Báo cáo tổng kết dự án“Tư vấn hỗ trợ thí điểm chuyển giao quản lý tưới khu mẫu 3 Tiểu dự án Cầu Sơn – Cấm Sơn, Kẻ Gỗ và Phú Ninh thuộc dự án VWRAP”.
  2. UBND tỉnhHà Tĩnh. Quy định về phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (5/2011).
  3. Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh. Hướng dẫn thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (10/2011).