Kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nghệ An

Xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn có ý nghĩa quan trọng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Bài báo này giới thiệu kết quả thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Nghệ An. Các giải pháp thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Nghệ An là bài học kinh nghiệm có giá trị cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu khoa học cũng như các địa phương tham khảo áp dụng

                                                          KS.Bùi Khương Duy
Trung tâm PIM – VKHTLVN

1. Đặt vấn đề

Thực hiện theo Nghị quyết số 26/2008/TW về Tam nông, ngày 31/8/2011 tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 3875/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020. Qua thời gian thực hiện, Chương trình đã khẳng định đây là chủ trương hợp lòng dân nên được quần chúng đồng tỉnh ủng hộ và triển khai, nhận thức về xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi và giao thông nông thôn luôn là những phong trào mạnh nhất. Đường giao thông là tiền đề để phát triển, thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn. Công trình thủy lợi tác động trực tiếp đến nền sản xuất nông nghiệp – là nghề nghiệp chính của người dân ở nông thôn. Hai mảng này đòi hòi sự đầu tư lớn cả về vật chất lẫn sự đồng lòng xây dựng của cộng đồng, là khâu tạo nên sự đột phá, góp phần đưa bộ mặt nông thôn tỉnh khởi sắc.

Dựa theo kết quả điều tra đánh giá của đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ về giao thông nông thôn, thủy lợi phù hợp với quy hoạch làng xã phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ” – do Trung tâm PIM thực hiện, bài viết này nhằm tóm tắt kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và GTNT phục vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nghệ An.

2. Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới

Theo Báo cáo kết quả thực hiện xây dựng NTM đến tháng 10/2013, 431 xã của tỉnh Nghệ An đã hoàn thành phê duyệt đề án xây dựng NTM cấp xã, cũng như hoàn thành phê duyệt quy hoạch NTM, vượt trước so với yêu cầu.

Theo Kết quả thực hiện các nội dung, tiêu chí NTM (10/2013), đã có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM (xã Sơn Thành huyện Yên Thành); 06 xã đạt 16 tiêu chí ; 8 xã đạt 15 tiêu chí; 126 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 229 xã đạt từ 5-9 tiêu ch; 65 xã đạt từ 1- 4 tiêu chí. Trong đó có 47 xã (chiếm 11% tổng số xã) đạt tiêu chí thủy lợi và 6 xã (chiếm 2% tổng số xã) đạt tiêu chí giao thông.

Tỷ lệ các xã đạt tiêu chí thủy lợi và giao thông là rất thấp, bởi theo đánh giá của địa phương 2 tiêu chí này là khó đạt do đòi hỏi kinh phí xây dựng lớn.

3. Kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi

Tỉnh Nghệ An có 1.431 công trình thủy lợi, bao gồm: 624 hồ chứa, 247 đập dâng, và 559 trạm bơm, 5.949km kênh mương các loại, đã kiên cố được 4.744km (2012). Cụ thể: kênh loại I (kênh trục chính hệ thống lớn): 260,4km (KCH 65%); kênh loại II (kênh liên huyện, liên xã): 295,5km (KCH được 77%); kênh loại III (kênh liên thôn, nội đồng): 5.393,1km (KCH được 80%). Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới ổn định cho lúa đạt gần 175.000 ha/năm (tưới chủ động trên 88%), tưới màu và cây công nghiệp 20.000 ha; tạo nguồn tư­ới 18.000-20.000 ha cho cây trồng cạn, cây vụ đông, cấp nước nuôi trồng thuỷ sản gần 3.000 ha.

Thực hiện phân cấp quản lý, 572 hồ, 506 trạm bơm cùng toàn bộ đập dâng hiện do các tổ thủy nông cơ sở quản lý, các công trình còn lại do 7 Công ty TNHH thủy lợi chịu trách nhiệm. Điều này cho thấy việc quản lý vận hành công trình thủy lợi có vai trò rất to lớn của các tổ thủy nông địa phương

Kết quả điều tra chi tiết tại 15 xã điểm thuộc 3 huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và Thanh Chương cho thấy: 1) Trung bình các công trình thủy lợi tại các xã chủ động cấp nước cho sản xuất khoảng trên 70%, thấp nhất là 30% (Thanh Ngọc), và cao nhất là 100% (Diễn Phúc, Diễn Hoàng, Thanh Đồng). 2) Tỷ lệ kiên cố hóa kênh tại các xã đạt thấp, 3 xã đạt trên 85% bao gồm Nghi Thái, Nghi Quang và Đồng Văn, ngược lại một số xã đạt rất thấp như Thanh Ngọc (1%), Thanh Phong (7,5%), Diễn Hoàng (26%)… Hình thức kiên cố hay được sử dụng tại các địa phương là gạch, gạch táp lô, đá xây, giá thành rẻ nhưng chất lượng không tốt bằng bê tông. Bên cạnh đó đã có 2 xã sử dụng kênh bê tông lắp ghép để thay thế kênh hở nội đồng: xã Thanh Phong 2,5km, xã Đồng Văn 160m.

Thông tư 41 của Bộ NN&PTNT (2013) đã bổ sung them một chỉ tiêu đánh giá tiêu chí thủy lợi về tổ chức quản lý công trình hiệu quả, bền vững. Hiện tại 12/15 (75%) xã đã có hợp tác xã, 3 xã còn lại (Nghi Mỹ, Nghi Thái, và Nghi Quang) có các tổ thủy nông chịu trách nhiệm quản lý hệ thống thủy lợi.

Đánh giá kết quả xây dựng tiêu chí thủy lợi theo Thông tư 41 thì trong số 15 xã điều tra chỉ có 1 xã đạt là xã Nghi Quang.

4.  Kết quả xây dựng giao thông nông thôn

Xây dựng đường giao thông nông thôn là phong trào mạnh nhất trong xây dựng NTM của tỉnh Nghệ An, được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Đến tháng 10/2013, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp được 2.917 km các tuyến đường giao thông nông thôn (chiếm 29% tổng chiều dài).

Trong đó, nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn đường trục thôn, xóm 944 km; cứng hóa đạt chuẩn đường trục thôn, xóm 901 km; làm sạch và không lầy lội đường ngõ xóm, bản: 811 km; cứng hóa đường trục chính nội đồng: 261 km. Đây là bước đột phá mạnh trong xây dựng NTM ở Nghệ An.

Theo kết quả điều tra chi tiết tại 15 xã, kết quả thực hiện tieu chí GTNT cho thấy, trung bình tỷ lệ cứng hóa: 1) Đường trục xã/liễn xã đạt 61,1%, 2) Đường trục thôn/liên thôn đạt 57,7%, 3) Đường ngõ xóm 48,3%, 4) Đường nội đồng đạt 4% – tỷ lệ cứng hóa rất thấp. Trong đó, nổi cộm nhất là 2 xã Thanh Ngọc và Thanh Phong, hầu hết 100% các tuyến vẫn là đường đất.

Hình thức cứng hóa phổ biến là đá dăm láng nhựa (trục xã, một số tuyến trục thôn), bê tông xi măng (trục thôn/liên thôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng). Đối với một số xã ven biển, kết cấu đường nhựa thường nhanh hỏng do ngấm nước.

Bên cạnh đó, nhiều xã gặp phải tình trạng: làm đường trước khi có chủ trương xây dựng NTM, có những đoạn đường không đủ độ dày hoặc không đủ bề rộng theo tiêu chuẩn thiết kế quy định. Việc xây dựng bổ sung rất tốn kém.

Kết quả đánh giá xây dựng tiêu chí GTNT theo Thông tư 41, đến thời điểm điều tra chưa có xã nào đạt tiêu chí GT

5. Giải pháp huy động vốn

Để xây dựng được kết quả hiện nay, tỉnh Nghệ An không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn của Nhà nước, các cấp chính quyền mà còn là sự hợp tác của toàn thể cộng đồng cùng chung tay xây dựng.

–           Thủy lợi

Theo số liệu tổng hợp, trong 2 năm 2011-2012, nguồn vốn được huy động cho xây dựng tiêu chí thủy lợi và GTNT được thể hiện dưới bảng sau:

Hình 3: Nguồn thu – chi xây dựng thủy lợi – GNNT của tỉnh (2011-2012)

Cụ thể: vốn hỗ trợ của xã 15,57 tỷ, vốn lồng ghép 599,39 tỷ, vốn tín dụng 199,764 tỷ, vốn doanh nghiệp 103,96 tỷ, vốn dân góp 391,416 tỷ đồng.

–          Giao thông nông thôn

Ngoài các nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, đóng góp từ phía cộng đồng cũng rất quan trọng. Nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về NTM là điều các cấp chính quyền Nghệ An đã thực hiện tốt. Phong trào “Dân vận khéo” của Ban dân vận tỉnh ủy, tài liệu, pano, tờ rơi tuyên truyền, lễ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” … đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay cộng đồng đã hiến trên 4.393.220 mđất, nhiều hộ lùi hàng rào, chặt cây nhưng không đòi bồi thường; đóng góp gần 3.42 triệu ngày công và 3.489,59 tỷ đồng để thực hiện Chương trình.

Tỉnh còn ban nhiều quyết định nhằm hỗ trợ xây dựng cơ bản cho các địa phương. Về GTNT: Theo Quyết định 05/2010/UBND, tỉnh sẽ trợ giúp từ 20-65% giá trị xây dựng thực tế, còn lại do huyện xã, nhân dân đóng góp.

Kết luận

Công tác xây dựng vào vận hành công trình thủy lợi, giao thông nông thôn của tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung luôn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn vốn của Nhà nước và sự đóng góp của công đồng là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng hiện đang rất lớn. Bên cạnh đó nhiều công trình chưa phát huy hết hiệu quả và hiệu suất theo thiết kế, hoặc nhanh chóng xuống cấp do ảnh hưởng thiên tai, chất lượng xây dựng. Nâng cao khả năng năng phục vụ, sửa chữa kịp thời là phương pháp phù hợp hiện nay, thay vì phải xây mới hoặc nâng cấp lại. Huy động nguồn lực đóng góp từ phía cộng đồng bao gồm cả nhân lực và vật lực nhằm phục vụ xây dựng giao thông nông thôn và thủy lợi có vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Quản lý nguồn lực cũng là vấn đề mà nhiều địa phương đã và đang quan tâm. Việc thành lập các ban giám sát đầu tư xây dựng cộng đồng rất cần thiết, thể hiện sự dân chủ của nhân dân trong tham gia quản lý, điều hành xã hội, song cũng cần phải lựa chọn người có năng lực, vì cộng đồng. Từ đó cho thấy, để thay đổi nhận thức và kiến thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới của người dân là yếu tố quan trọng đáng quan tâm của các ban ngành lãnh đạo của Nghệ An nói riêng và toàn quốc nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Nghệ AN: Báo cáo Kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng NTM tỉnh Nghệ An đến tháng 10/2013.
  2. Sở GTVT tỉnh Nghệ An: Báo cáo kết quả thực hiện chính sách làm đường GTNT theo Quyêt định 3263/2012/UBND tỉnh Nghệ An năm 2013.

Trung tâm PIM (2013). Kết quả điều tra thực hiện đề tài cấp nhà nước: ”Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ về giao thông nông thôn, thủy lợi phù hợp với quy hoạch làng xã phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ”