Khi lòng dân đã thuận: ‘Dân tin – động lực phát triển bền vững nông thôn mới’ (15/06/2015)

Trong bài phỏng vấn báo Nông nghiệp, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng-Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chia sẻ: “Hiếm có một Chương trình MTQG nào mà thu hút được cả hệ thống chính trị vào cuộc rốt ráo và sự đồng thuận đến tuyệt đại đa số của người dân như Chương trình xây dựng NTM” Từ những gì hiện hữu sau gần 5 năm đi vào thực hiện, ông Lộc cho rằng đây sẽ là chương trình lan tỏa khắp mọi làng quê Việt Nam với một sức sống bền vững chưa từng có

    Hiện thực rõ nét

Phải chăng ông muốn khẳng định những kết quả đạt được trong chương trình là phù hợp với mục tiêu đặt ra?

 Đúng vậy. Xuất phát từ những mặt yếu cơ bản của nông nghiệp – nông dân – nông thôn nước ta mà Chương trình NTM đề ra mục tiêu: kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao. Nông thôn phát triển theo quy hoạch. Hạ tầng kinh tế xã hội tương đối hiện đại để phát triển lâu dài. Môi trường xanh – sạch – đẹp. Dân trí được nâng cao; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở phải được cải thiện. Đây chính là những đặc trưng cơ bản NTM trong giai đoạn 2010-2020 được lượng hóa bằng 19 tiêu chí.

Tổng quan là vậy, còn cái cụ thể ở đây là gì thưa ông?

Sau gần 5 năm thực hiện chúng ta có đủ cơ sở để đánh giá, đối chiếu với các chủ trương đề ra. Cả nước hiện có 864 xã và 4 huyện đạt chuẩn NTM. Dự tính cuối năm nay có khoảng 1.800 xã đạt chuẩn NTM (trên 20% số xã). Ở những nơi đạt chuẩn thì mục tiêu đã rõ nhưng trên bình diện chung cả nước, kể cả nơi chưa đạt chuẩn thì bình quân thu nhập khu vực nông thôn đã tăng 1,84 lần so với năm 2010. Hạ tầng nông thôn cải thiện rõ nét làm thay đổi hẳn bộ mặt làng quê. Điều này không chỉ tạo điều kiện để phát triển KT – XH mà còn tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Đây là điều mà người dân cảm nhận rõ nhất. Mặt khác, môi trường nông thôn được quan tâm – nhiều nơi phát động phong trào “đẹp làng – sạch nhà – sạch ngõ”. Con số 48% số xã đã có tổ thu gom rác (tăng 38%) so với trước đã nói lên điều đó. Cái được lớn nhất chính là nhận thức của người dân về NTM đã tăng rõ rệt, từ thụ động đến nay đại đa số hiểu rằng đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ đối với nông dân. Chính phủ hỗ trợ một phần, còn lại người dân phải tự làm. Làm cho mình và cho con cháu mình hưởng. Do đó mà tin tưởng và tích cực đóng góp. Ngay ở những xã khó khăn nhất cũng xây dựng được 1-2 công trình, nơi nhiều làm được 10 – 12 công trình. Về nguồn lực, cả nước đã huy động được trên 851.000 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó, NSNN chiếm 31,3%; DN có 5,7% còn lại là nhân dân đóng góp. Chừng đó cho thấy sức dân đã tham gia Chương trình lớn đến mức nào. Chỉ tính riêng năm 2014, cả nước có hơn 19.000 công trình hạ tầng nông thôn được xây dựng nhưng dường như không xảy ra một vụ kiện cáo nào cả. Chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng, Chương trình NTM rất hợp lòng dân và tin chắc nó sẽ có sức sống bền vững lâu dài.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng (Ảnh: ĐVC)

Đột phá ở địa phương

NTM là một chương trình tổng thể, phong phú. Quá trình triển khai xuất hiện nhiều cách làm mới mẻ, sáng tạo. Ông có thể chia sẽ một số mô hình để lại dấu ấn nhất?
Chính sách của Trung ương chỉ là “mẫu số chung” thôi. Nước ta có nhiều vùng sinh thái, nhiều vùng kinh tế – văn hóa nên không thể áp dụng rập khuôn, mà đòi hỏi cách vận dụng, cách làm sáng tạo ở địa phương mới có thể thành công được….

Tôi ấn tượng với Chương trình OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) của Quảng Ninh. Trên cơ sở các làng nghề cũ truyền thống trong địa bàn, tỉnh đã lựa chọn và có chính sách để hỗ trợ các hộ làm nghề nâng cấp thiết bị máy móc tiên tiến, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, hỗ trợ vay vốn, kiểu dáng mẫu mã và tiếp cận thị trường… Do vậy mà thời gian không dài, những làng nghề trước đây “èo uột” nay đã có sức sống, sôi động hơn trong SX hàng hóa. Thu nhập của người dân tăng nhanh và nhiều sản phẩm làm ra từ làng đã lắng đọng trong tâm hồn du khách về mảnh đất này. Hay như chương trình dồn điền đổi thửa gắn với cải tạo lại đồng ruộng cho phù hợp đưa cơ giới hóa vào SX ở Thái Bình. Mô hình xây dựng “khu dân cư kiểu mẫu”, “vườn kiểu mẫu” ở Hà Tĩnh. Cách phát triển nông nghiệp ven đô gắn với việc hỗ trợ lãi suất cho hộ nông dân ở TP Hồ Chí Minh. Cách huy động nguồn lực ngoài ngân sách ở An Giang. Mô hình SXNN công nghệ cao ở Lâm Đồng. Giải pháp làm đường bê tông ở Tuyên Quang.

Mô hình nông thôn mới tiên tiến ở Quảng Ninh (Ảnh: ĐVC)

Còn điều khiến ông trăn trở với chương trình này cho đến thời điểm hiện nay?
Trước hết về chính sách. Chúng ta chưa có cơ chế, chính sách, cách làm phù hợp với đặc thù ở những vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng biên giới, hải đảo, vùng bãi ngang. Những vùng này tỷ lệ xã đạt chuẩn rất thấp và chênh lệch khá xa so với các vùng khác. Chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn chưa phát huy tác dụng. Chính sách tín dụng chỉ phát huy tốt ở các vùng SX hàng hóa. Chúng ta chưa có chính sách môi trường nông thôn và bài toán xử lý rác thải, nước thải nông thôn vẫn nan giải…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên thì thời gian tới với trách nhiệm là cơ quan tham mưu – Văn phòng Điều phối NTM Trung ương sẽ đề xuất những giải pháp chủ yếu nào, thưa ông?

Giải quyết những bất cập để NTM phát triển không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn là của các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là trách nhiệm của các địa phương nữa. Chúng tôi sẽ đánh giá đầy đủ thực trạng và nguyên nhân các mặt hạn chế để tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương khắc phục. Trước mắt năm sẽ đề xuất cơ chế, chính sách cho các vùng khó khăn: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng biên giới, bãi ngang hải đảo. Chính sách xử lý rác thải nông thôn. Đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí Quốc gia NTM theo hướng không làm giảm chất lượng tiêu chí nhưng giúp các địa phương linh hoạt trong vận dụng để nâng cao hiệu quả. Xây dựng cơ chế tạo động lực cho các xã đã đạt chuẩn tiếp tục nâng cao chất lượng NTM. Đặc biệt trên cơ sở tổng kết giai đoạn 1 sẽ đề xuất nhiệm vụ giải pháp hiệu quả hơn cho giai đoạn 2016 – 2020.

Xin cám ơn ông!

Cuộc đua nước rút

Ông Tăng Minh Lộc cho hay, cuối năm nay tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình NTM, chúng ta sẽ chứng kiến một số cuộc đua giữa “rùa” và “thỏ”. Theo ông Lộc, dấu ấn cá nhân của người đứng đầu làm đậm nét sự thành công cho chương trình. “Nơi nào người đứng đầu tâm huyết đều tạo ra đội ngũ tham mưu giỏi và đột phá… Điều này lý giải tại sao một số địa phương có xuất phát điểm thấp, mà vẫn tự tạo ra được chuyển biến nhanh và rõ nét như Hà Tĩnh, Tuyên Quang. Ngược lại, có nơi xuất phát điểm cao nhưng kết quả rất thấp như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh…”, ông Lộc cho biết.

       (Nguồn tin: Báo Nông nghiệp. Tổng hợp và biên tập: Phòng TT&HTQT)