KIỂM SOÁT LŨ VÙNG ĐÊ BAO NAM VÀM NAO GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HUYỆN CHỢ MỚI TỈNH AN GIANG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU NƯỚC BIỂN DÂNG

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Các diễn biến thời tiết bất thường, thiên tai, bão, lũ và khô hạn… gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh và làm tăng tốc độ tan băng ở các đầu cực trái đất làm mực nước biển dâng cao. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu mực nước biển dâng thêm 1m thì ở Việt Nam gần 5% đất, 11% dân số, 7% đất nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng, mức độ tổn thất sẽ vào khoảng 10% GDP. Trước những thách thức đó, Tỉnh An giang đã cho lập dự án kiểm soát lũ, thích ứng với biển đổi khí hậu tại huyện Chợ Mới, là một vùng đất được bao quanh bởi hệ thống sông Tiền giang và sông Hậu giang, nhằm mục đích ổn định sản xuất, phòng tránh thiên tai và mang lại đời sống ấm no hạnh phúc cho người dân.

Th.S Phạm Văn Ban và nnc
Trung tâm tư vấn PIM- Viện KHTL Việt Nam

I- GIỚI THIỆU VÙNG DỰ ÁN :

Dự án Kiểm soát lũ vùng đê bao Nam Vàm Nao triển khai tại huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, là huyện thuộc vùng đất phù sa màu mỡ của Đồng Bằng Sông Cửu long, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, địa hình khá bằng phẳng, dốc dần từ phía Tây Bắc xuống Đông Nam, từ 2 phía bờ sông Tiền sông Hậu vào trung tâm tạo thành hình lòng chảo, chênh lệch cao độ mặt ruộng bình quân từ 0,3-0,6m. Vùng dự án được bao quanh bởi hệ thống đê sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, địa chất có đặc trưng vùng cù lao, chế độ thủy văn, thủy triều ảnh hưởng của hai sông này là chế độ bán nhật triều.

Sản xuất nông nghiệp của huyện với thế mạnh là trồng lúa và hoa màu, 5 năm trở lại đây sản lượng rau màu của Huyện chiếm 70% sản lượng rau của cả tỉnh, nông nghiệp phát triển từ 2 vụ sang 3 vụ, khai thác hết tiềm năng đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm nền tảng phát triển giao thông nông thôn và phân bố lại dân cư, giúp giải quyết vấn đề an ninh lương thực góp phần ổn định đời sống nhân dân ở địa phương.

Từ thực tế sản xuất và phân bố dân cư, vùng dự án đã hình thành nên 4 phân vùng với 76 tiểu vùng dựa trên cơ sở điều kiện canh tác, sông rạch, đường giao thông và bờ bao tự nhiên. Ranh giới các phân vùng là các đê bao vành đai ngoài gọi là đê bao phân vùng dài 161,06 km, cao trình từ +3,2m đến +3,5m, bề mặt đê rộng từ 4m-6m. Các tiểu vùng được bao quanh bởi hệ thống đê vành đai trong gọi là đê bao tiểu vùng dài 384,36 km, thực chất đây là hệ thống bờ kênh các cấp, có nhiệm vụ vừa là bờ kênh, vừa là đê bao các tiểu vùng. Hê thống kênh cấp 1, cấp 2 dài 320,95 km, với nhiệm vụ tưới tiêu kết hợp, kết cấu chủ yếu là kênh đất, đáy kênh đang bị bồi lắng, mặt cắt ngang thu hẹp đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ tưới tiêu, vận tải thủy bộ của kênh, cao trình đáy kênh từ +0,0m đến -1m. Kênh nội đồng với 262 tuyến dài 436,2km. Dưới đê bao là các cống điều tiết, gồm 590 cống lớn nhỏ các loại, có nhiệm vụ tưới tiêu kết hợp, diện tích phụ trách từ 50ha – 150ha, cửa van điều tiết chủ yếu là cửa gỗ không chủ động trong đóng mở cống, cao trình đáy phụ thuộc vào địa hình nơi đặt cống, chủ yếu từ -0,5m đến +0,0m.

Hệ thống đê bao hiện hữu mới đáp ứng được mục tiêu chống lũ vừa và nhỏ điển hình là lũ năm 1996, 2000, nhiều năm trở lại đây khi gặp lũ xuất hiện sớm, cường suất cao, đã gây ngập cục bộ, gây thiệt hại cho sản xuất lúa vụ Hè Thu. Các vùng kiểm soát lũ còn nhiều hạn chế, quản lý và vận hành chưa đồng bộ, thiệt hại rất lớn nếu như để xảy ra sự cố vỡ đê trong mùa lũ. Mặt khác do địa hình thấp phía trong nội đồng, nhiều nơi chưa tiêu thoát được nước bẩn, nước ô nhiễm, nên môi trường ô nhiểm ngày càng nhiều, nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất,sức khỏe và đời sống người dân.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hệ thống đê bao Nam Vàm Nao không còn đáp ứng được trong điều kiện thời tiết khí hậu thay đổi, cũng như yêu cầu nâng cao đời sống nhân dân vùng nông thôn, đòi hỏi đáp ứng khả năng đảm bảo tưới và tiêu ngày càng cao. Gia tăng phát triển có thể làm gia tăng khả năng ô nhiễm trong vùng, cần thiết tạo nạo vét kênh rạch để chủ động nước tưới, tạo sự thông thoáng để cải tạo chất lượng nước trong vùng. Nước tù, nước đọng có thể là một trong các nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh trong vùng. Đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu nước biển dâng thì vùng này là nơi đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đến tính mạng con người và sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy xây dựng dự án kiểm soát lũ đê bao Nam Vàm Nao nhằm gia tăng mức bảo vệ cho vùng, ổn định sản xuất và phát triển bền vững.

II- CÁC YÊU CẦU CỦA DỰ ÁN :

– Đảm bảo chống lũ triệt để cho vùng Chợ Mới trong bối cảnh có xét đến biến đổi khí hậu;

– Đảm bảo tưới và tiêu chủ động trong vùng;

– Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

– Khai thác sử dụng nước hợp lý, phục vụ đa mục tiêu, thống nhất theo lưu vực sông và hệ thống công trình thủy lợi, không chia cắt theo địa giới hành chính. Khai thác sử dụng đi đôi với bảo vệ, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, tái tạo nguồn nước bằng biện pháp công trình và phi công trình. Chú ý đến bảo vệ môi trường nước, đặc biệt môi trường nước trong hệ thống công trình thủy lợi.

– Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai: lũ, hạn hán, úng ngập, xâm nhập mặn… Có kế hoạch và biện pháp thích hợp cho từng vùng, chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu thiệt hại.

– Xây dựng các công trình, bố trí sản xuất theo cơ chế tiểu vùng mở, có thể tách rời hoặc sát nhập khi cần thiết.

III- KẾT QUẢ TÍNH TOÁN :

Bằng phần mềm tính toán theo mô hình thủy lực và chất lượng nước mike 11 đã cho kết quả mực nước tại các phân vùng, trong điều kiện tương tự như lũ năm 2000 kết hợp với nước biển dâng 30cm, 50cm, 75cm và 1m thì mức nước lũ bình quân khu vực dự án có thể dâng thêm 11cm, 18cm, 30cm và 41cm, chỗ cao nhất có thể dâng thêm lần lượt là 16cm, 27cm, 49cm và 64cm, như vậy hệ thống đê hiện hữu không còn đáp ứng được, đó là chưa kể đến khả năng xuất hiện lũ lớn hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu. Điều đó khẳng định là các tuyến đê bao phải tôn cao áp trúc để đảm bảo an toàn trong khu vực.

1- Tuyến đê bao phân vùng :

Có nhiệm vụ chống lũ sông ngoài, kết hợp giao thông đường bộ. Kết quả tính toán xác định cao trình đỉnh đê bao phân vùng thiết kế đều được tôn cao áp trúc bình quân 0,3cm đến 0,5cm, kết cấu mặt láng nhựa 2 lớp TC 3kg/m2 dày 2,5cm và láng nhựa 3 lớp TC 4.5kg/m2 dày 3.5cm theo TCVN

2- Tuyến đê bao tiểu vùng :

Đê bao tiểu vùng chính là các bờ kênh nội đồng. Thông qua kết quả tính toán thủy lực và cao trình đê tiểu vùng hiện tại thì hầu hết đã đủ cao trình chống lũ tương đương với tần suất lũ năm 2000, còn lại một số tuyến đê tiểu vùng chưa đạt cao trình chống lũ cải tạo nâng cấp tôn cao, áp trúc, có nhiệm vụ chống lũ nội đồng, kết hợp giao thông nông thôn. Bề mặt các tuyến đê bao tiểu vùng được cứng hóa đảm bảo yêu cầu giao thông nội đồng.

3- Hệ thống cống dưới tuyến đê : Là cống hở, cống tròn có nhiều khẩu độ khác nhau, tổng cộng là 590 cống các loại:

– Cống khẩu độ 10m xây dựng mới tại vị trí đầu kênh chính tiếp giáp với sông Tiền giang, Hậu giang, Vàm Nao có nhiệm vụ : Kiểm soát lũ, khống chế mực nước theo yêu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phát triển giao thông thủy, là nơi xáng cạp qua lại nạo vét kênh, giao thông đường bộ trên cống phù hợp với tải trọng thiết kế của đường giao thông.

– Cống khẩu độ 5m trên đê bao phân vùng có nhiệm vụ : Kiểm soát lũ, khống chế mực nước theo yêu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phát triển giao thông thủy để thuyền qua lại.

– Cống khẩu độ 3m trên đê bao phân vùng và tiêu vùng có nhiệm vụ : Kiểm soát lũ, tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phát triển giao thông thủy lợi nội đồng (chẹc qua lại) tiểu vùng và liên tiểu vùng.

– Cống tròn khẩu độ 1ф80 và 2ф80 trên đê bao tiểu vùng : Có nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

4- Hệ thống kênh mương nội đồng – kết hợp với giao thông thủy lợi nội đồng :

Tổng chiều dài hệ thống kênh chính và kênh cấp 1 dài 320km, chiều rộng đáy kênh hiện trạng từ 3,0-7,0m, và sẽ được thiết kế với chiều rộng từ 3,0 – 10m, nhiệm vụ của các tuyến kênh là : Dẫn nước tưới từ sông vào các khu nội đồng và tiêu nước mưa, nước lũ từ khu nội đồng ra sông. Ngoài ra các kênh rạch này còn phục vụ để ghe/tàu qua lại. Bờ kênh kết hợp là đê bao tiểu vùng, kết hợp giao thông nông thôn.

IV- HIỆU QUẢ TỔNG HỢP DỰ ÁN:

Dự án: “Kiểm soát lũ vùng đê bao Nam Vàm Nao” là một trong những dự án lớn, nhiều hạng mục xây dựng, vốn đầu tư lớn, đa mục tiêu, không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất mà chỉ là nền tảng cho việc bảo vệ sản xuất và tính mạng người dân, cho nên phải có lộ trình xây dựng sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả nhanh nhất đối với sản xuất và người dân. Trước mắt trong giai đoan đầu từ 2010-2015 đầu tư xây dựng những đoạn đê xung yếu của đê bao phân vùng, các cống và kênh thuộc tiểu vùng, liên tiểu vùng, công trình giao thông nội đồng, nhà quản lý. Hiện nay dự án đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo của lộ trình đầu tư, khi thực hiện sẽ tạo được bước đột phá cho sự phát triển trong vùng dự án, hiệu qủa kinh tế – xã hội của dự án mang lại hết sức to lớn, phù hợp với Nghị quyết về “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn” của Hội nghị Lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) từ ngày 09 – 17/7/2008, Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính Phủ; Ban hành Chương trình hành động của Chính Phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiệu quả cụ thể là :

– Về nông nghiệp:

Kiểm soát mực nước bên trong nội đồng, chủ động nguồn nước tưới, tiêu thoát nước bẩn, nước ô nhiểm; chủ động sản xuất, phát triển sản xuất 3 năm 8 vụ, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

– Về nông dân:

+ Tạo điều kiện cho người dân (nông dân) trong vùng dự án phát triển trình độ văn hoá, kiến thức chuyên môn, và học nghề để đủ kỹ năng tiếp cận với khoa học, công nghệ hiện đại trên cơ sở đồng bộ với việc tổ chức lại sản xuất, phát triển hệ thống trạm trại, hệ thống khuyến nông, khuyến công…, nâng cao được năng lực cộng đồng, tạo ra được nguồn nhân lực thích ứng với sự phát triển đột phá trong nông thôn mới.

+ Tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nghèo, lao động nông nhàn mùa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa lũ, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, ổn định an ninh và trật tự an toàn xã hội;

+ Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân vùng nông thôn trong tình hình môi trường ngày càng ô nhiểm nhiều hơn.

– Về nông thôn:

+ Xây dựng nông thôn mới, hiện đại kết hợp với đặc trưng truyền thống đồng bằng sông Cửu Long; đảm bảo sức khỏe cộng đồng góp phần ổn định và phát triển đời sống kinh tế – xã hội cho người dân trong vùng .

+ Góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Hệ thống kiểm soát lũ toàn vùng (4 phân vùng) sẽ khống chế mực nước, bảo vệ các tuyến đường giao thông và các cơ sở hạ tầng trường học, trạm xá, kho tàng, nhà cửa của người dân không bị hư hại do ngập lũ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu của người dân và lưu thông hàng hóa (đặc biệt là nông, thủy sản, vật tư)

+ Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Bảo tồn nguồn nước sạch (đặc biệt là nước đầu nguồn), hệ sinh thái tự nhiên; Quản lý việc đổ chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, xữ lý rác, nước thải.