“Với các mô hình NNCNC đang thực hiện, chúng tôi kỳ vọng đến năm 2020 sẽ đạt doanh thu 1,5 tỷ/ha nhưng Cty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam đã đưa ra con số doanh thu dự kiến đạt 3 tỷ/ha ngay trong năm 2017…”
Đó là mục tiêu ngay trong năm 2017 của Cty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam khi họ vừa khởi công xây dựng Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) Hà Nam tại xã Nhân Khang (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một mô hình điểm trong cuộc cách mạng thực sự về vấn đề tích tụ đất đai ở tỉnh này….
Mô hình điểm của 11 tỉnh ĐBSH…
Mô hình điểm của 11 tỉnh ĐBSH Một ngày giữa tháng 8 vừa rồi, trong chuyến thăm và làm việc ở tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng nhiều lãnh đạo cấp cao đã đến cánh đồng xã Nhân Khang – nơi mà suốt một thời gian dài cả hệ thống chính trị tỉnh này kiên quyết chọn làm mô hình điểm tích tụ đất đai để giải quyết vấn đề đang còn nan giải ở nhiều địa phương khác. Và hôm nay, khi Cty Cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam làm lễ khởi công xây dựng khu sản xuất thì khắp cánh đồng xã Nhân Khang đã phủ xanh kín những rau, hoa quả. Hệ thống tưới tiêu, canh tác được qui hoạch bài bản, qui mô cánh đồng tiền tỷ đã được hình thành rất rõ rệt. Đặc biệt là dưa lưới, loại cây trồng mũi nhọn cho tham vọng 3 tỷ đồng/ha. Cty Cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam được thành lập ngày 4/10/2016 do bà Trần Kim Liên (Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống cây trồng Trung ương – Vinaseed) làm Tổng Giám đốc. Một sự hình thành dựa trên cơ sở Dự án mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất cây trồng chất lượng cao ở xã Nhân Khang. Tham vọng ban đầu, đây sẽ nơi sản xuất kinh doanh các loại dưa lưới và rau quả nông sản cao cấp phục vụ nội tiêu và xuất khẩu theo mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam và vùng ĐBSH. Xa hơn nữa, dự án chắc chắn góp phần tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp Hà Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, góp sức xây dựng NTM, lời giải đích thực của bài toán đất đai….
Khởi công khu sản xuất NNCNC Hà Nam
Đây cũng có thể coi là nơi sẽ hiện thực hóa giấc mơ của bà Trần Kim Liên cũng như nhiều lãnh đạo Vinaseed và có lẽ là cả nhiều lãnh đạo của tỉnh Hà Nam. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016 – 2020, Vinaseed không chỉ phấn đấu trở thành tập đoàn cung cấp các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững hàng đầu Việt Nam, đã rất nhiều lần, những lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, giấc mơ của họ là cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người nông dân. “Tôi từng mất khá nhiều thời gian tìm hiểu và cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến ở khu vực biên giới Việt – Trung, dưa lưới của họ ào ạt nhập khẩu sang nước mình. Chạnh lòng là bởi, không có lí do gì chúng ta lại phải nhập sản phẩm của họ trong khi hoàn toàn có thể làm được với năng lực của mình. Bằng chính đất đai, chính sức lao động, chính con người, chính công nghệ của chúng ta có thể thay thế nhập khẩu thì tại sao lại không làm? Khi quyết định đầu tư dự án này, tham vọng của chúng tôi, ngay trong năm 2017 tới thôi, nơi đây sẽ trở thành trung tâm sản xuất dưa lưới lớn nhất miền Bắc. Còn mục tiêu tổng thể của dự án là hình thành trung tâm nông nghiệp công nghiệp cao hiện đại và quy mô lớn nhất khu vực, trở thành nơi chuyên nghiên cứu, ứng dụng, trình diễn, chuyển giao, kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp các dòng sản phẩm dưa lưới và rau cao cấp phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu”, bà Liên phát biểu trong lễ khởi công. Theo đề án cụ thể, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam sẽ được đầu tư theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 năm 2017 có tổng vốn đầu tư 75,4 tỷ đồng với quy mô diện tích 21,59ha. Trong đó gồm khu văn phòng điều hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ, nhà chế biến, kho lạnh bảo quản hiện tại, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nông sản tươi sạch. Khu sản xuất và hệ thống nhà kính điều chỉnh tự động theo công nghệ Isarel và Nhật Bản sẽ cung cấp các mặt hàng rau quả cao cấp với sản phẩm trọng tâm là dưa lưới. Đây sẽ trở thành nơi sản xuất dưa lưới lớn nhất miền Bắc, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ. Bà Liên cho biết, đến tháng 5/2017, công ty sẽ có những sản phẩm đầu tiên cung cấp ra thị trường với quy mô doanh thu 3 tỷ đồng/ha và hiệu suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 50%. Trong giai đoạn hai của dự án, từ năm 2018 – 2020, công ty sẽ đầu tư mở rộng quy mô trên 100 ha với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có và vốn ngân hàng. Nhưng hơn hết, mục tiêu lớn nhất của dự án sẽ mang theo khát vọng thay đổi tập quán sản xuất cũ, toàn bộ lực lượng lao động sản xuất là những người nông dân địa phương tham gia vào mô hình tích tụ. Sẽ có khoảng hơn 200 lao động ở xã Nhân Khang được đào tạo thành những công nhân nông nghiệp, trực tiếp sản xuất, làm chủ công nghệ trên cánh đồng của mình
Dưa lưới – mũi nhọn cho tham vọng 3 tỷ đồng/ha
Rất có thể, chỉ chưa đầy một năm nữa thôi, Cty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam sẽ trở thành mô hình điểm của tỉnh Hà Nam và 11 tỉnh ĐBSH trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện tích tụ ruộng đất theo chủ trương chính sách của tỉnh, tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm năng suất chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu
Lời giải của bài toán tích tụ đất đai
Đến thời điểm hiện tại đã có thể nói rằng, cánh đồng xã Nhân Khang chính là một lời giải cho bài toán tích tụ đất đai ở Hà Nam. Bà Nguyễn Thị Vang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam cho biết, cánh đồng Nhân Khang nằm trong tổng thể quy hoạch khu ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Hà Nam với quy mô 500ha cùng với 3 khu NNCNC khác là Nhân Bình – Xuân Khê (huyện Lý Nhân), An Mỹ – Đồng Du (huyện Bình Lục), Liêm Tiết (TP Phủ Lý). Với các mô hình này, huyện, xã đứng ra thực hiện các hợp đồng thuê đất của người dân với thời hạn 20 năm, UBND tỉnh Hà Nam ủy quyền Sở TN-MT thực hiện các thủ tục kêu gọi nhà đầu tư đủ năng lực. Thể thức ấy được triển khai ở Nhân Khang thành công mĩ mãn. Để tiến hành tích tụ, xã Nhân Khang đã vận động 400 hộ dân tham gia và được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Ông Đỗ Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Khang chia sẻ, bà con rất phấn khởi với hy vọng được cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống, học hỏi được kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao và đồng thời chuyển biến nhận thức không chỉ ăn no, ăn ngon mà còn ăn sạch. Mô hình tích tụ được triển khai theo hình thức đưa nông dân cùng vào cuộc tham gia góp đất, cùng đầu tư, cùng làm, từ đó đảm bảo cho bà con địa phương có thu nhập ngoài tiền cho thuê đất 21 triệu/ha/năm còn được đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định ngay trên quê hương, không còn phải ly hương nữa. “Với các mô hình NNCNC đang thực hiện, chúng tôi kỳ vọng đến năm 2020 sẽ đạt doanh thu 1,5 tỷ/ha nhưng Cty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam đã đưa ra con số doanh thu dự kiến đạt 3 tỷ/ha ngay trong năm 2017. Chắc chắn đây là một tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam, bởi với mức doanh thu đạt được như thế chúng ta có thể xem là cột mốc mới phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, bà Nguyễn Thị Vang nói
Hoàng Anh
Bài tham khảo trên trang Tái cơ cấu Nông nghiệp
Báo Nông nghiệp Việt Nam số 247 ngày 12/12/2016