MÔ HÌNH GIÁM SÁT CỘNG ĐỒNG TRONG DỰ ÁN XÂY DỰNG HỆ THỐNG THUỶ LỢI HUYỆN NỎNG BỐC, TỈNH KHĂM MUỘN, NƯỚC CHDCND LÀO (BAO GỒM ĐOẠN KÈ BỜ SÔNG MÊ CÔNG

Đinh Vũ Thùy

Trung tâm tư vấn PIM

Phạm Văn Ban

Ban Kế hoạch- Tổng hợp, Viện KHTL Việt Nam

Tóm tắt: Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào do Chính phủ Việt Nam tài trợ cho nước bạn Lào. Dự án có vai trò hết sức quan trọng trong việc cấp nước sản xuất nông nghiệp và cải thiện dân sinh, kinh tế- xã hội của 04 bản Cút Chắp, Xiêng Vảng, Xiêng Vảng Thông, Soong Mương Nưa của huyện Nỏng Bốc. Dự án cũng góp phần trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào. Bài báo này giới thiệu về phương pháp và nội dung hỗ trợ thành lập mô hình giám sát cộng đồng trong dự án, mô hình giám sát cộng đồng là cơ sở quan trọng trong việc tổ chức và thực hiện giám sát cộng đồng trong quá trình thực hiện dự án.

Từ khóa: Hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc, Giám sát cộng đồng

Abstract: The project to build an irrigation system in Nong Boc district, Kham Muon province, Lao PDR funded by the Government of Vietnam for Laos. The project plays a very important role in supplying water for agricultural production and improving the people’s livelihood and socio-economic status in 04 villages of Cut Chap, Xieng Vang, Xieng Vang Thong and Soong Muong Nua of Nong Boc district. The project also contributes to promoting the friendly cooperation between Vietnam and Laos. This article introduces the methods and contents to support the establishment of a community monitoring model in the project, the community monitoring model is an important basis in organizing and implementing community monitoring in the process project implementation.

Key words: Nong Boc district irrigation system, Community monitoring

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thực hiện với mục đích cấp nước tưới cho diện tích 500ha đất canh tác thuộc địa bàn 4 bản dân cư là bản Cút Chắp, Xiêng Vảng, Xiêng Vảng Thông, Soong Mương Nưa của huyện Nỏng Bốc thuộc cụm Xoong Muang, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn.

Trước khi dự án được xây dựng thì toàn bộ khu vực vùng dự án chưa có công trình thủy lợi, người dân sử dụng nước mưa để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nên chỉ canh tác được 1 vụ/năm (vụ mùa). Vì vậy dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu cấp nước tưới phục vụ canh tác nông nghiệp trong khu vực dự án đảm bảo canh tác được 2 vụ, nâng cao năng suất và chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp góp phần tăng cường phát triển kinh tế- xã hội cho các bản thuộc khu vực dự án. Dự án triển khai xây dựng một hệ thống thủy lợi bao gồm một trạm bơm đầu mối để lấy nước từ sông Mê Kông, một trạm bơm cấp hai để nâng cao cột nước và hệ thống đường ống, kênh mương, công trình trên kênh…để đưa dẫn và điều tiết nước.

Thực tế hiện nay cho thấy nhiều công trình thủy lợi được thiết kế, xây dựng không phù hợp, chất lượng công trình bị xuống cấp hư hỏng rất nhanh sau khi bàn giao. Trong khi đó, người dân lại là người hưởng lợi trực tiếp từ công trình, có kiến thức bản địa và am hiểu về khu vực thực hiện dự án nhưng rất ít được tham gia vào các giai đoạn thực hiện dự án. Hệ thống thủy lợi bao gồm các công trình kết cấu hạ tầng mang tính chất cộng đồng cao. Để một hệ thống thủy lợi phát huy được hết hiệu quả thì ngoài vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi thì việc quản lý vận hành khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi cũng là hết sức cần thiết và đóng vai trò quan trong. Vì vậy việc thành lập một tổ chức giám sát cộng đồng có đủ năng lực đại diện cho người hưởng lợi để tham gia vào các giai đoạn thực hiện dự án (thiết kế, giám sát thi công, bàn giao nghiệm thu…) là hết sức cần thiết và cấp bách.

II. THÀNH LẬP MÔ HÌNH GIÁM SÁT CỘNG ĐỒNG TRONG DỰ ÁN XÂY DỰNG HỆ THỐNG THUỶ LỢI HUYỆN NỎNG BỐC, TỈNH KHĂM MUỘN, NƯỚC CHDCND LÀO (BAO GỒM ĐOẠN KÈ BỜ SÔNG MÊ CÔNG)

2.1. Quy trình thực hiện thành lập

Quy trình thực hiện thành lập tổ chức giám sát cộng đồng đáp ứng được yêu cầu thực tế, công khai, minh bạch, có sự tham gia của đầy đủ các thành phần liên quan và đặc biệt là người hưởng lợi trong khu vực dự án như sau:

2.2. Kết quả thực hiện thành lập Tổ chức giám sát cộng đồng

2.2.1.    Khởi động động nâng cao nhận thức

a.Khảo sát đánh giá thực trạng giám sát cộng đồng tại Lào và vùng dự án

Hiện nay Lào đã ban hành Luật Thủy lợi, trong Luật Thủy lợi có nhiều quy định quan trọng liên quan đến giám sát, quản lý vận hành của người dân. Cụ thể như sau:

  • Các dự án được thành lập Ban phát triển dự án tại địa phương để tham gia thực hiện quản lý giám sát công tác thực hiện dự án
  • Việc quản lý khai thác công trình thủy lợi được giao cho người dân quản lý
  • Nhà nước không hỗ trợ kinh phí trong quá trình quản lý vận hành công trình thủy lợi, người dân phải tự đóng góp thủy lợi phí theo Quy định tại Nghị định số 26/1998/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ Lào.

Qua kết quả đánh giá khảo sát có thể thấy, tại Lào công tác giám sát cộng đồng còn rất nhiều hạn chế, chỉ có ở một vài dự án có yêu cầu thành lập tổ chức giám sát cộng đồng do thực tế nhận thức của chính quyền địa phương và người hưởng lợi đều cho rằng vai trò của giám sát cộng đồng là vô cùng quan trọng.

b.Tổ chức hội thảo khởi động ở cấp tỉnh, cấp huyện để nâng cao nhận thức về giám sát cộng đồng

Thành phần tham gia: Đại diện Cục Thủy lợi- Bộ Nông Lâm nghiệp Lào, Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Khăm Muộn: Lãnh đạo Sở, trưởng phòng Thủy lợi và các cán bộ chuyên môn của Sở; Ủy ban chính quyền huyện Nỏng Bốc tỉnh Khăm Muộn: Lãnh đạo Ủy ban chính quyền, lãnh đạo và chuyên viên của các phòng chuyên môn của huyện; Lãnh đạo của 04 bản hưởng lợi và đại diện người hưởng lợi trong khu vực dự án.

Nội dung hội thảo: Trình bày, trao đổi, phổ biến một số nội dung chính của dự án xây dựng hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc; Trình bày mục tiêu, yêu cầu thành lập các tổ chức giám sát cộng đồng; Thảo luận, thống nhất lựa chọn mô hình giám sát cộng đồng phù hợp; Thành lập nhóm hành động PIM (PAG), nhóm “Sáng lập” để tham gia trong quá trình thực hiện thành lập tổ chức giám sát cộng đồng.

Kết quả đạt được: Hội thảo đã thống nhất thành lập 01 mô hình giám sát cộng đồng; Thống nhất về loại hình, quy mô, hình thức tổ chức và hoạt động của mô hình; Thống nhất về danh sách các thành viên tham gia nhóm hành động PIM (PAG), nhóm “Sáng lập.

2.2.2.    Dự thảo các nội dung liên quan

Để đảm bảo các nội dung liên quan đến Tổ chức giám sát cộng đồng phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương và dự án, đội Tư vấn phối hợp cùng nhóm hành động PIM (PAG), nhóm “sáng lập” căn cứ kết quả thảo luận, khảo sát đánh giá thực tế để đề xuất mô hình tổ chức giám sát cộng đồng phù hợp (mô hình được đề xuất là Ban Giám sát cộng đồng) và hỗ trợ xây dựng dự thảo Quy chế hoạt động cho Ban Giám sát cộng đồng.

Tiêu chí để lựa chọn thành viên của Ban giám sát cộng đồng sẽ bao gồm các những người dân có uy tín, đại diện cho người hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Kết quả thảo luận thống nhất ban đầu trong hội thảo khởi động cấp xã đã lựa chọn 13 thành viên gồm trưởng, phó bản, công an, ….của 4 bản hưởng lợi (như danh sách. Sau khi thảo luận, thống nhất qua nhiều cuộc họp và ý kiến góp ý của các thành phần liên quan, danh sách trù bị tham gia vào Ban Giám sát cộng đồng sẽ gồm 14 thành viên đại diện cho 4 bản hưởng lợi trong khu vực dự án.

Đội tư vấn cũng đã xây dựng dự thảo Quy chế hoạt động của Ban giám sát cộng đồng, tổ chức họp lấy ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan như Cục Thủy lợi Lào, Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Khăm Muộn, Ủy ban chính quyền huyện Nỏng Bốc, đại diện người hưởng lợi. Quy chế hoạt động dự thảo được thống nhất là cơ sở để trao đổi, thảo luận, thông qua tại hội nghị thành lập Ban giám sát cộng đồng.

Đội tư vấn hỗ trợ cho nhóm “sáng lập” chuẩn bị các nội dung liên quan đến tổ chức hội nghị thành lập Ban Giám sát cộng đồng như trù bị nhân sự, dự thảo Quy chế hoạt động, mời các thành phần tham dự như Cục Thủy lợi Lào, Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Khăm Muộn, Ủy ban chính quyền huyện Nỏng bốc, đại diện người dân….

2.2.3.    Tổ chức hội nghị thành lập

Hội nghị thành lập Ban giám sát cộng đồng là một bước vô cùng quan trọng trong việc chính thức công nhận tổ chức và hoàn thành các thủ tục pháp lý để tổ chức đi vào hoạt động.

Thành phần tham dự bao gồm: Tư vấn hỗ trợ thực hiện dự án, nhóm PAG, nhóm “sáng lập”, đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên môn Ủy ban chính quyền và các ban ngành đoàn thể của xã Xoong Muang, đại diện các bản hưởng lợi, đại diện người hưởng lợi.

Hội nghị thành lập Ban giám sát cộng đồng được Tổ chức với một số nội dung chủ yếu như sau:

  • Giới thiệu mục đích, nội dung, yêu cầu phải thành lập tổ chức giám sát cộng đồng;
  • Thảo luận thống nhất mô hình của tổ chức giám sát cộng đồng phù hợp;
  • Thảo luận và thống nhất về cơ cấu tổ chức, thành phần, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức giám sát cộng đồng;
  • Lựa chọn, thống nhất và bầu thành viên của tổ chức giám sát cộng đồng;
  • Trao đổi, thảo luận, thống nhất các nội dung trong Quy chế hoạt động

Kết quả Hội nghị đã bầu được Ban quản lý của Ban giám sát cộng đồng gồm có 1 trưởng ban, 2 phó ban.

Quy chế hoạt động đã được thảo luận và thông qua với một số nội dung như gồm có 5 chương, 13 điều. Quy định rõ chức cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban, phó ban, các thành viên, chế độ làm việc, cơ chế tài chính, chế độ làm việc của Ban…

Để đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động của Ban Giám sát cộng đồng, đội tư vấn đã hỗ trợ Ban giám sát cộng đồng sau khi thành lập hoàn thiện các thủ tục pháp lý như Quyết định thành lập, Quyết định ban hành Quy chế hoạt động

2.2.4.    Đào tạo nâng cao năng lực

Để đảm bảo năng lực cho Ban giám sát cộng đồng trong hoạt động giám sát, đội tư vấn đã tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo, xây dựng bộ tài liệu đào tạo nâng cao năng lực về giám sát cộng đồng và Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho tổ chức giám sát cộng đồng và các thành phần có liên quan.

Căn cứ bộ tài liệu đào tạo đã được xây dựng, Đội tư vấn đã phối hợp cùng Ban giám sát cộng đồng để tổ chức đào tạo tập huấn cho Ban giám sát cộng đồng và đại diện một số người dân hưởng lợi trong khu vực dự án. Một số nội dung như sau:

  • Mục tiêu: Các học viên tham gia lớp đào tạo nắm rõ được vai trò trách nhiệm, nội dung tham gia trong các giai đoạn thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, thi công và nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng.
  • Thành phần: Đại diện chính quyền các bản hưởng lợi, tất cả các thành viên của Ban giám sát cộng đồng.
  • Thời gian: 3 ngày

Nội dung chính bao gồm: i) Đào tạo, hướng dẫn cộng đồng tham gia trong giai đoạn thiết kế công trình thủy lợi; ii) Đào tạo, hướng dẫn cộng đồng tham gia trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng; iii) Đào tạo, hướng dẫn cộng đồng tham gia trong giai đoạn thi công; iv) Đào tạo, hướng dẫn cộng đồng tham gia trong giai đoạn bàn giao công trình đưa vào sử dụng

III. KẾT LUẬN

Ban giám sát cộng đồng là một tổ chức đại diện cho người hưởng lợi trong vùng dự án trong việc giám sát, góp ý, theo dõi trong các giai đoạn thực hiện dự án từ thiết kế, thi công, bàn giao nghiệm thu… Vì vậy việc tổ chức và hoạt động hiệu quả góp phần rất quan trọng vào thành công chung của dự án. Ban giám sát cộng đồng trong khuôn khổ dự án Xây dựng hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào được thành lập mới một các bài bản, theo một quy trình chặt chẽ và đầy đủ. Mô hình tổ chức giám sát cộng đồng được lựa chọn thông qua nhiều hội thảo, họp thảo luận lấy ý kiến góp ý của các ban ngành từ trung ương (Cục Thủy Lợi) đến địa phương là tỉnh Khăm Muộn, huyện Nỏng Bốc và người hưởng lợi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Báo cáo khả thi dự án hệ thống thủy lợi Xiêng Vang, xã Xoong Mương, huyện Nong Bok, tỉnh Khăm Muộn nước CHDCND Lào.

[2]. Trung tâm tư vấn PIM. Báo cáo thành lập tổ chức giám sát cộng đồng thuộc gói thầu “Đào tạo, tư vấn hỗ trợ quản lý vận hành, giám sát của người dân” thuộc dự án “xây dựng hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào (bao gồm cả đoạn kè sông Mê Kông)”.