MÔ HÌNH QUẢN LÝ TƯỚI HIỆU QUẢ CHO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của đất nước, trong đó các hệ thống thủy lợi có vai trò quan trọng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi từ cấp tỉnh đến địa phương còn nhiều bất cập, chưa phát huy hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi của vùng. Bài viết này giới thiệu khái quát về thực trạng quản lý thủy nông và đề xuất một số giải pháp phát triển mô hình quản lý tưới phát huy sự tham gia của người dùng nước cho vùng ĐBSCL.

Đặng Minh Tuyến

Trung tâm tư vấn PIM – Viện KHTLVN

1. Đặt vấn đề

Hệ thống tổ chức quản lý tưới có vai trò quan trọng trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, góp phần duy trì và phát huy hiệu quả của hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Ở nước ta hiện nay, mô hình tổ chức quản lý tưới bao gồm hai loại hình chính là Tổ chức của nhà nước và các Tổ chức Hợp tác dùng nước của người dân. Các Tổ chức của nhà nước quản lý, khai thác các công trình đầu mối, kênh chính của hệ thống thủy lợi có quy mô vừa và lớn, vận hành phức tạp. Các công trình còn lại chủ yếu do Tổ chức hợp tác dùng nước quản lý bao gồm các hệ thống công trình có quy mô nhỏ, độc lập hoặc kênh mương và công trình nội đồng thuộc các hệ thống lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy lợi đến tháng 11/2012, cả nước có 16.238 Tổ chức Hợp tác dùng nước bao gồm 03 loại hình chủ yếu là: (i) Hợp tác xã có làm dịch vụ thủy lợi gồm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và Hợp tác xã chuyên khâu thủy nông (39%), (ii) Tổ chức hợp tác gồm Hội sử dụng nước, Tổ hợp tác, Tổ, Đội thủy nông (51%); và (iii) Ban quản lý thủy nông (10%).

Như vậy, các mô hình Tổ chức hợp tác dùng nước hiện nay tồn tại theo nhiều loại hình, thể hiện tính đa dạng, linh hoạt thích ứng với điều kiện từng vùng miền. Thực tế cho thấy, việc tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi của các Tổ chức hợp tác đã góp phần quan trọng duy trì và nâng cao hiệu quả các hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác:Hiệu quả sử dụng nước mặt ruộng được nâng lên, phân phối nước công bằng và kịp thời hơn, làm tăng năng suất nông nghiệp.Chi phí vận hành giảm và công trình được duy tu bảo dưỡng tốt hơn.Người dân tham gia vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi cũng làm giảm gánh nặng cho Nhà nước.Tuy nhiên hoạt động của tổ chức dùng nước vẫn còn thiếu bền vững và chưa phát triển trên diện rộng dothiếu cơ chế tài chính phù hợp, việc đầu tư và hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi nội đồng còn mâu thuẫn; Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến thủy nông cơ sở do đó chưa có chính sách hỗ trợ phát triển.Các chính sách của trung ương còn thiếu và khó áp dụng cho tất cả các vùng miền, nhất là thông tư 75 của Bộ Nn&PTNT hướng dẫn mô hình tổ chức dùng nước. Năng lực hạn chế và chưa được đào tạo của cán bộ quản lý thủy nông cơ sở cũng là trở ngại lớn cho hoạt động hiệu quả của TCDN.

Đối với vùng ĐBSCL, mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi tương đối đa dạng và chưa phù hợp. Một số ít tổ chức quản lý thủy nông cơ sở đã được thành lập nhưng chưa theo đúng hướng dẫn và quy định của nhà nước dẫn đến thiếu bền vững và không phát huy hiệu quả.Chính vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất mô hình quản lý tưới phù hợp ở cấp cơ sở là hết sức cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả các hệ thống thủy lợi, phục vụ phát triển kinh tế vùng.

2.Thực trạng tổ chức quản lý thủy nông ở vùng Đồng bằng Sông Cửu long

Vùng ĐBSCL có diện tích 40.548,2 km², dân số 17.213.400 người, bao gồm 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.Tuy diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 30% của cả nước, nhưng ĐBSCL đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước. ĐBSCL là nơi xuất khẩu gạo chủ lực của đất nước.

Hình 1. Bản đồ đồng bằng sông Cửu Long

a) Hệ thống công trình
Do ảnh hưởng mạnh của triều thông qua các cửa sông, rạch chằng chịt trên địa bàn nên nhiệm vụ cơ bản của thủy lợi ở khu vực ĐBSCL chủ yếu là ngăn mặn, giữ ngọt, thau chua, xổ phèn cải tạo đất và phòng lũ. Vì vậy, các hệ thống thủy lợi ở vùng này thường là các hệ thống đê sông, đê biển, các cống ngăn mặn, giữ ngọt có quy mô lớn, thực hiện nhiệm vụ tổng hợp.

Toàn ĐBSCL hiện có trên 15.000 km kênh trục và kênh cấp I, gần 27.000 km kênh cấp II, khoảng 50.000 kênh cấp III và nội đồng, 80 cống rộng trên 5 m, trên 800 cống rộng 2-4 m và hàng vạn cống, bộng nhỏ, trên 1.000 trạm bơm điện lớn và vừa cũng như hàng vạn máy bơm nhỏ để chủ động tưới, tiêu nội đồng (70-80% diện tích). Hệ thống thủy lợi nội đồng được giới hạn sau hệ thống bờ bao các ô (đê bao kiểm soát lũ cả năm hoặc bờ bao kiểm soát lũ tháng tám). Quy hoạch thuỷ lợi nội đồng còn rất manh mún và không đồng đều. Hệ thống công trình thuỷ lợi nội đồng hiện còn rất đơn giản, chủ yếu là kênh mương kết hợp tưới tiêu, chưa đáp ứng được cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng và vật nuôi.Nước lấy từ kênh cấp II, III, kênh nội đồng… vào ruộng bằng các trạm bơm và qua các cống bọng.Các thửa ruộng được giới hạn bởi bờ ruộng thấp, bên trong là rãnh dẫn nước và tiêu nước.

b) Tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi
Mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện nay ở các tỉnh ĐBSCL có thể chia làm 4 hình thức cơ bản:

– Trung tâm Quản lý Khai thác CTTL-Trạm thủy nông huyện – HTX/tổ đường nước: các tỉnh thực hiện theo mô hình này gồm có Long An, Bạc Liêu.

– Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi-Xí nghiệp/trạm thủy nông cấp huyện-cụm/tổ quản lý công trình: gồm các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang.

– Công ty cổ phần thủy lợi- Trạm Quản lý thủy nông cấp huyện- nhân viên quản lý công trình: Cần Thơ, Sóc Trăng.

– Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão- Phòng nông nghiệp/kinh tế huyện – Ban Nông nghiêp/ thủy lợi xã: hình thức này được thực hiện ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau.

Ngoài ra, tỉnh hậu Giang, thực hiện mô hình: Chi cục thủy lợi- trạm Quản lý đê điều-HTX nông nghiệp.

Ở cấp tỉnh, các tổ chức quản lý đa dạng về hình thức nhưng ở nhiều nơi chưa tách biệt được giữa việc quản lý nhà nước và quản lý công trình; thiếu nhiều cán bộ, đặc biệt là cán bộ có chuyên môn sâu. Ở các tỉnh thực hiện mô hình tổ chức quản lý Công ty/ Trung tâm Quản lý KTCTTL cấp tỉnh – Xí nghiệp/ trạm thủy nông cấp huyện có hiệu quả khá tốt do các tổ chức quản lý thủy nông các cấp trong mô hình này là những đơn vị chuyên quản lý khai thác công trình với những cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

Ở cấp cơ sở, đến tháng 11/2012 vùng ĐBSCL có tổng cộng 3.769 tổ chức hợp tác dùng nước, trong đó chủ yếu là loại hình “tổ chức hợp tác” chiếm đến 87,4%, loại hình HTX có dịch vụ thủy nông chiếm 12%, còn lại là 28 Ban quản lý thủy nông. Các “tổ chức hợp tác” chủ yếu do người dân tự lập ra, hầu hết chưa được đào tạo chuyên môn, không được đảm bảo về tài chính, hoạt động hiệu quả thấp. Đến nay chỉ có một số ít thành lập được các tổ chức thủy nông cơ sở nhưng chưa theo đúng quy định và hướng dẫn của nhà nước, nhiều địa phương giao quản lý công trình xuống cho các xã, với lực lượng cán bộ kiêm nhiệm nhiều công việc, không có chuyên môn về quản lý nước, quản lý công trình nên không thể phát huy được hiệu quả của hệ thống. Do vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ và thành lập, củng cố, phát triển các tổ chức thủy nông cơ sở nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở mới có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống hiện có.

c) Một số kết quả xây dựng Tổ chức dùng nước ở ĐBSCL

Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển mô hình tổ chức dùng nước ở các vùng miền trên cả nước: Thông tư 75 (2004), thông tư 65 (2009), thông tư 40 (2011), Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có và Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi (2014)… Đặc biệt,Chương trình Nông thôn mới đã có riêng một tiêu chí về thủy lợi, trong đó quy định cụ thể phải có Tổ chức dùng nước quản lý hiệu quả công trình. Đồng thời, Bộ cũng đã triển khai nhiều Dự án ODA phát triển hạ tầng thủy lợi gắn với thúc đẩy quản lý tưới có sự tham gia (PIM). Đối với ĐBSCL, một số Dự án ODA và chương trình phát triển bơm điện đã đạt được kết quả bước đầu thúc đẩy quản lý tưới có sự tham gia.

i) Dự án thủy lợi Bắc Vàm Nao: Dự án được Chính phủ Úc tài trợ, kết hợp với nguồn vốn của Chính phủ Việt nam, có nhiệm vụ kiểm soát lũ cho 31.000 ha và phục vụ tưới cho hơn 24.000ha đất nông nghiệp. Để quản lý khai thác hệ thống, Dự án đã tổ chức thí điểm mô hình PIM. Mô hình quản lý hệ thống bao gồm:

BQL Hệ thống Bắc Vàm Nao:Là tổ chức trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, khai thác hệ thống công trình, có 18 thành viên, trong đó kiêm nhiệm 16 người và chuyên trách 02 người. BQL trực tiếp quản lý, khai thác và duy tu bảo dưỡng các công trình đê vành đai, các cống dưới đê vành đai và các kênh ranh tiểu vùng. BQLký hợp đồng đặt hàng với C.ty TNHH 01 TV KTTL AG để thực hiện nhiệm vụ và kiểm tra, giám sát các hoạt động của công ty đối với vùng kiểm soát lũ BVN; Hàng năm lập kế hoạch nạo vét kênh tạo nguồn, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống cống.Công ty có chức năng là quản lý, vận hành hệ thống công trình kênh, cống ngoài tiểu vùng điều tiết, tạo nguồn nước đảm bảo các trạm bơm lấy nước tưới, tiêu nước và chống lũ cho tiểu vùng. Hàng năm công ty có trách nhiệm thực hiện nạo vét kênh tạo nguồn, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống cống.
Hệ thống có 23 tiểu vùng gắn với vùng sản xuất.Ban quản lý tiểu vùng (BQL) do hộ hưởng lợi bầu ra, mỗi tiểu vùng có 5 thành viên, tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động 200.000 đ/tháng/người. BQL tiểu vùng trực tiếp quản lý, khai thác và duy tu bảo dưỡng các công trình đê tiểu vùng, các cống dưới đê tiểu vùng và các kênh nội vùng; Xây dựng phương án phối hợp hiệu quả với tổ chức cung cấp dịch vụ; Tổ chức để hộ dùng nước tham gia xây dựng kế hoạch khai thác và bảo vệ công trình.BQL tiểu vùng có điều lệ hoạt động, 2-3 năm đại hội nhiệm kỳ.Hàng năm có tổ chức họp, tập huấn để nâng cao kiến thức thành viên.

Tổ chức cung cấp dịch vụ trực thuộc BQL tiểu vùng là các tổ chức cung cấp dịch vụ tưới tiêu, tu bổ nạo vét công trình như: HTX, tổ đường nước, cá nhân bơm dịch vụ. Các tổ chức cung cấp dịch vụ trực tiếp khai thác duy tu bảo dưỡng và sửa chữa công trình thủy lợi, đê vành đai, các cống dưới đê, nạo vét kênh nội đồng theo phân cấp. Tổ chức vận hành hệ thống công trình đáp ứng yêu cầu dịch vụ theo hợp đồng với hộ dùng nước; Phối hợp với BQL tiểu vùng trong hoạt động khai thác, duy tu và chủ động tạo điều kiện để hộ dùng nước tham gia xây dựng kế hoạch khai thác và bảo vệ công trình.

Đây là một dạng của mô hình PIM, có vai trò như đầu mối để tập hợp hộ dùng nước và nhà cung cấp dịch vụ để cùng nhau giải quyết việc quản lý khai thác.Nhưng BQL tiểu vùng chưa gắn bó chặt chẽ với hộ dùng nước.

ii) Dự án Thủy lợi Phước Hòa: Năm 2002 Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án Thủy lợi Phước Hòa, với mục tiêu lấy nước từ Sông Bé cấp tại chỗ cho các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và chuyển về hồ Dầu Tiếng để cấp bổ sung cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay các hạng mục xây dựng của Dự án đã cơ bản hoàn thành, dự kiến đầu năm 2015 sẽ đi vào vận hành, khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp dân sinh. Là một tỉnh hưởng lợi từ dự án, Long An được đầu tư hệ thống kênh tưới tiêu, phục vụ cho 10.181ha đất nông nghiệp trong phạm vi 12 xã của huyện Đức Hòa. Đây là một huyện rất khó khăn về nước tưới, hiện tại chỉ có 2 hệ thống trạm bơm điện nhỏ, cung cấp nước tưới cho tối đa 1.300ha (khoảng 10% diện tích nông nghiệp của huyện), còn lại dựa vào kênh rạch tự nhiên, nước mưa, nước ngầm.Về tổ chức quản lý, cấp tỉnh có Trung tâm QLKTCTTL và ở các huyện có Trạm quản lý KTCTTL. Tổ chức quản lý của người dân có các tổ đường nước do xã thành lập, đại diện người dân ký hợp đồng với Trạm thủy lợi, và được hỗ trợ kinh phí từ thủy lợi phí cấp bù 6.330đ/ha/đợt lấy nước.

Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, Dự án đã triển khai một Chương trình hỗ trợ xã hội và nội đồng cho khu tưới Đức Hòa (dự án OSDP). Trung tâm tư vấn PIM thuộc Viện KHTLVN là đơn vị tư vấn thực hiện Chương trình này.Một trong 3 hợp phần chính của Chương trình sẽ thành lập các TCDN có đủ tư cách pháp nhân, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, đưa vào hoạt động để phát triển kênh nội đồng và tiếp nhận, quản lý, khai thác HTTL nội đồng. Giai đoạn 1 của Chương trình (2010-2013) đã thực hiện phân chia 120 đơn vị tưới cấp 3 (TU) thuộc khu tưới; Xác định biên tưới, số hộ dùng nước, tiến hành các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực để chuẩn bị thành lập khoảng 90 tổ chức dùng nước, đi vào hoạt động để phát triển kênh nội đồng và tham gia quản lý tưới. Về mặt thể chế, tỉnh Long An đã ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động QLKTCTTL của tỉnh, xây dựng lộ trình phát triển PIM cho khu tưới Đức Hòa và đang chuẩn bị thành lập đơn vị tiếp nhận, quản lý khu tưới Đức Hòa. Tuy nhiên, để mô hình PIM triển khai có hiệu quả, trong thời gian tới tỉnh còn rất nhiều việc phải làm: Ban hành Chiến lược, lộ trình phát triển PIM, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện; Triển khai phân cấp quản lý, xác định quy mô cống đầu kênh, ban hành các chính sách hỗ trợ: Trần phí thủy lợi nội đồng, chính sách tài chính cho hoạt động của TCDN…

iii) Mô hình hợp tác công tư trong đầu tư, quản lý trạm bơm điện tại ĐBSCL

Hình thức Hợp tác công tư trong đầu tư xây dựng và quản lý trạm bơm điện tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển mạnh và đạt nhiều kết quả khả quan, giải quyết nhu cầu tưới tiêu nước cho hàng trăm nghìn ha đất canh tác, điển hình như tỉnh An Giang. Hiện ĐBSCL có 3 mô hình đầu tư và quản lý trạm bơm điện theo hình thức này, đó là: (i) Mô hình HTX/THT, (ii) Mô hình Doanh nghiệp tư nhân và (iii) Mô hình Cá nhân/Cá thể. Các mô hình có đặc điểm chung là phí dịch vụ thủy lợi nội đồng (dịch vụ bơm nước) xác định thông qua “Hiệp thương” với nông dân; thời gian thu hồi vốn từ 3-5 năm hoặc lâu hơn, nhưng thường không quá 10 năm. Mỗi mô hình có một số ưu nhược điểm riêng, nhưng nhìn chung có thể đánh giá sơ bộ như sau:

Thuận lợi, ưu điểm

Các mô hình hợp tác công tư đều có tư cách pháp nhân, thuận tiện trong giao dịch và nhận các khoản hỗ trợ từ cơ quan cấp trên.Về vốn, được vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.Trong đó, mô hình doanh nghiệp thường có nguồn vốn lớn và chủ động hơn trong đầu tư, quản lý.Với mô hình HTXthường được ưu tiên sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp và cộng đồng.Về hoạt động, mô hình doanh nghiệp có thuận lợi hơn về hoạt động chuyên môn và quản lý do có đội ngũ cán bộ có trình độ; Mô hình HTX có tính chất hoạt động vừa mang tính dịch vụ vừa mang tính phục vụ do đó giá dịch vụ thủy lợi nội đồng thấp hơn các mô hình khác, tỉ lệ dân đóng phí dịch vụ cao hơn, 80-95%. Với mô hình Tổ hợp tác, cá nhân thì thủ tục thành lập, hoạt động đơn giản hơn và tiết kiệm hơn về chi phí quản lý.Về quan hệ với chính quyền và cơ quan chuyên môn, các mô hình này đều nhận được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho hoạt động.Đối với HTX thường xuyên được dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Khó khăn, nhược điểm

Các HTX phải đăng ký kinh doanh và nộp các loại thuế, bộ máy rườm rà vì phải có đủ các thành phần, là gánh nặng về tài chính và khó khăn bố trí nhân sự.Mô hình HTX, cá nhân thường thiếu kiến thức chuyên môn, gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành.Cơ chế đầu tư trạm bơm điện còn nhiều bất cập về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia đầu tư, quản lý.Với mô hình doanh nghiệp, còn gặp khó khăn về chi phí bồi hoàn cho các chủ sở hữu công trình thủy lợi nhỏ trong hệ thống. Việc hiệp thương phí thủy lợi nội đồng khó khăn, do doanh nghiệp chủ yếu quan tâm lợi nhuận, do đó mức phí thường cao hơn mô hình HTX, cá nhân.

3. Đề xuất một số giải pháp phát triển mô hình quản lý tưới hiệu quả, bền vững cho vùng ĐBSCL

a) Giải pháp cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức dùng nước

Qua thực tiễn triển khai, cho thấy một số nội dung của thông tư 75 của Bộ NN&PTNT (2004) hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức dùng nước cần phải được chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực hiện chính sách miễn giảm thủy lợi phítrên địa bàn cả nước nói chung và cho vùng ĐBSCL nói riêng. Một số điểm cần chỉnh sửa cho phù hợp như: hướng dẫn mô hình tổ chức phù hợp, tư cách pháp lý, chức năng nhiệm vụ, hoạt động tài chính, quy chế hoạt động của tổ chức và quy định gắn trách nhiệm của cơ quan địa phương, đặc biệt là cấp huyện và xã trong việc thành lập và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức dùng nước.

Về phân cấp quản lý công trình, Bộ cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chính sách phân cấp quản lý theo Thông tư số 65/2009 để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, theo hướng chuyển giao cho tổ chức này quản lý các công trình thủy lợi đơn giảm, ít phức tạp. Sau khi được phân cấp thì chính quyền, cơ quan chuyên môn tiếp tục phải có hướng dẫn, trình tự hỗ trợ về kỹ thuật chuyên môn.

Từ mô hình hợp tác công tư trong phát triển trạm bơm điện ở ĐBSCL, Bộ cần có tổng kết để ban hành chính sách về cơ chế hợp tác công tư đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nói chung, trong đó phải gắn với phát triển tổ chức dùng nước và chính sách phát triển xã hội hóa quản lý công trình thủy lợi.

Đối với việc đầu tư trạm điện phục vụ công trình thủy lợi, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp, cá nhân đầu tư; tạo điều kiện để gia hạn thời gian trả nợ[1] bằng thời gian khấu hao của công trình, hạ mức lãi suất để giảm bớt sự đóng góp của nông dân, đặc bịêt trong những năm đầu xây dựng trạm bơm; Tăng thời gian khai thác cho chủ đầu tư lên từ 10-20 năm.

Ở các địa phương, để chính sách của trung ương đi vào thực tế phát triển tổ chức dùng nước trên diện rộng thì các tỉnh cần ban hành các quy định phù hợp với điều kiện của tỉnh:quy định cụ thể về mô hình tổ chức dùng nước phù hợp, vai trò trách nhiệm của các các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn đối với các tổ chức dùng nước; Quy định cụ thể về vị trí cống đầu kênh, cơ chế chia sẻ kinh phí cấp bù thủy lợi phí giữa tất cả các bên tham gia quản lý khai thác công trình; Quy địnhmức lợi nhuận đối với tổ chức cung cấp dịch vụ thủy lợi, mức trần thu thủy lợi phí nội đồng và đinh mức kinh tế-kỹ thuật cho công tác vận hành, bảo dưỡng công trình thủy lợi.

Đối với các TCDN đã được thành lập, những bất cập trong cơ chế tài chính cũng là nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động cần phải được điều chỉnh, đảm bảo thù lao cho cán bộ tương xứng với trình độ yêu cầu và tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm phấn đấu, nâng cao trình độ. Mặt khác cần có cơ chế chia sẻ phí thủy lợi cấp bù và phí thủy lợi nội đồng giữa tất cả các bên tham gia quản lý khai thác công trình, để tăng cường trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi hài hòa.

b) Mô hình tổ chức dùng nước phù hợp cho vùng ĐBSCL

Mô hình tổ chức dùng nước phù hợp sẽ quyết định đến hiệu quả hoạt động và tính bền vững của TCDN. Các yếu tố cần xem xét để lựa chọn mô hình bao gồm: điều kiện công trình, điều kiện kinh tế xã hội, trình độ quản lý trong vùng,tính tự nguyện của người dân, sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp trong việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức dùng nước. Trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, khuyến khích tư nhân, hộ gia đình nhận khoán quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, về lâu dài cần phát triển loại hình này thành Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc Ban quản lý thủy nông. Đối với các hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh cần đẩy mạnh việc thành lập các TCDN có phạm vi quản lý ấp, liên ấp và phạm vi nằm gọn trong xã; thí điểm một số mô hình TCHTDN liên xã để quản lý các tiểu vùng, kênh cấp 3 nội xã, kênh nội đồng theo ranh giới thủy lực, chuyển giao quản lý công trình và thủy lợi phí cấp bù cho TCDN.

Mô hình hợp tác công tư trong đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi ở An Giang và các tỉnh ĐBSCL là một định hướng đúng, phù hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT, góp phần làm giảm đầu tư cho ngân sách Nhà nước, tăng cường vai trò của người dân và tư nhân, nâng cao hiệu quả hệ thống thủy lợi và sản lượng nông nghiệp. Mô hình này cần được nghiên cứu tổng kết để áp dụng cho toàn vùng ĐBSCL nói riêng và các vùng miền khác trên cả nước. Tuy nhiên, trước hết cần giải quyết các bất cập phát sinh từ thực tiễn ở An Giang. Người dân phải đóng góp để trả vốn gốc và lãi vay đầu tư hệ thống trung thế điện, trong khi lợi nhuận của tổ chức cung cấp dịch vụ cao và chưa được khống chế, sẽ làm giảm thu nhập của nông dân, giảm sự đồng thuận tham gia đầu tư.

Để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cũng như cho người nông dân, đảm bảo sự quan tâm đầu tư xây dựng và quản lý khai thác bền vững hệ thống thủy lợi nội đồng, chính quyền tỉnh cần có quy định về mức lợi nhuận đối với tổ chức cung cấp dịch vụ thủy lợi. Trên cơ sở đó chỉ đạo các huyện ra mức trần thủy lợi phí, đảm bảo nộp khấu hao, quản lý khai thác và lợi nhuận cho nhà cung cấp dịch vụ.

Sự tham gia đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi của tư nhân cần được thực hiện thông qua hợp đồng tham gia đầu tư và quản lý khai thác được ký giữa nhà nước (UBND huyện) và doanh nghiệp/tư nhân đầu tư, giao doanh nghiệp/tư nhân tham gia đầu tư, quản lý khai thác công trình trong khoảng thời gian nhất định, khoảng 10-20 năm, ký lại hợp đồng nếu có nhu cầu, đồng thời có điều khoản cho việc kết thúc quyền khai thác trước thời hạn đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.

4. Kết luận

ĐBSCL có lợi thế và tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, giữ vững vai trò chủ lực trong xuất khẩu lúa gạo, thủy sản của đất nước. So với các vùng miền khác, ĐBSCL có lợi thế về khí hậu, đất đai và nguồn nước đo đó công tác quản lý thủy lợi ít chịu áp lực hơn. Một số tỉnh chưa có Công ty quản lý khai thác và mới chỉ có số ít TCDN được thành lập. Nhìn chung các mô hình quản lý tưới từ cấp tỉnh đến cơ sở tồn tại nhiều loại hình và chưa phù hợp.Các chính sách của Nhà nước về công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi áp dụng vào địa phương còn bất cập và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền. Thực tiễn cho thấy, để lựa chọn, phát triển được các mô hình quản lý tưới hiệu quả, cần có chính sách đồng bộ phù hợp với từng địa phương, sự vào cuộc của chính quyền và người dân với vai trò người dân là trung tâm. Những kết quả bước đầu về thành lập các TCDN thông qua dự án ODA, chương trình phát triển bơm điện và mô hình xã hội hóa, hợp tác công tư ở ĐBSCL là hướng đi đúng cần được tổng kết, ban hành thành chính sách để phổ biến trên diện rộng. Một số giải pháp về cơ chế chính sách và mô hìnhquản lý thủy nông cơ sở được đề xuất trong bài viết này là cơ sở bước đầu để các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương vùng ĐBSCL tham khảo, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển TCDN phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng cục Thủy lợi (2012). Báo cáo đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của các tổ chức hợp tác dùng nước.

2. Sở Nông nghiệp&PTNT An Giang. 2012. Báo cáo Tổng kết công tác thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trạm bơm điện giai đoạn 2008-2012

3. Trung tâm PIM. 2012. Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện PIM và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển PIM ở Việt Nam.

4. Trung tâm PIM. 2013. Báo cáo tổng kết dự án Chương trình phát triển xã hội và nội đồng cho khu tưới Đức Hòa, Long An – Dự án Thủy lợi Phước Hòa.