Với mục tiêu chính là đề xuất được các mô hình xã hội hóa (cộng đồng, các thành phần kinh tế) tham gia đầu tư xây dựng và quản lý công trình hồ đập nhỏ để thực hiện chính sách đối tác công-tư trong lĩnh vực thủy lợi, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi cũng như các cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì, Trung tâm Tư vấn PIM thực hiện đề tài “Nghiên cứu mô hình và giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên”, thời gian thực hiện từ 2016-2018.
Để nghiệm thu, đánh giá các kết quả nghiên cứu của đề tài, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Hội đồng gồm các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của đề tài và am hiểu về đặc điểm vùng nghiên cứu, gồm: GS. TS. Nguyễn Văn Tỉnh, PGS. TS. Lê Thị Kim Cúc, PGS. TS. Đoàn Thế Lợi, TS. Lê Văn Chính, TS. Nguyễn Đình Ninh, TS. Nguyễn Việt Anh và KSC. Lê Thanh Xuân. Ngoài ra còn có đại diện của Vụ KHCN và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT); Vụ KHCN và HTQT, Vụ An toàn đập, Vụ Tài chính (Tổng cục Thủy lợi) là những đơn vị có liên quan tham gia buổi nghiệm thu kết quả đề tài.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS Trần Chí Trung – Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo trước Hội đồng về các kết quả của đề tài. Trong đó nhấn mạnh đến hiện trạng công trình và tổ chức quản lý công trình hồ đập nhỏ vùng MNPB và Tây Nguyên đặt ra yêu cầu cần thiết phải có những mô hình đầu tư, tổ chức quản lý và chính sách khuyến khích để thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia nhiều hơn vào việc đầu tư và quản lý khai thác hiệu quả loại hình công trình này phục vụ cho sản xuất và dân sinh, đồng thời đề tài cũng đã đề xuất một số mô hình và giải pháp cụ thể cụ để đạt được mục tiêu nêu trên.
PGS.TS. Trần Chí Trung báo cáo kết quả của đề tài trước Hội đồng
Một số kết quả chính gồm:
– Về hiện trạng công trình và quản lý khai thác hồ đập nhỏ: kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện nay trên địa bàn vùng Miền núi phía bắc và Tây Nguyên số lượng công trình hồ đập nhỏ đang chiếm một tỷ lệ rất lớn, vùng miền núi phía bắc là 71%, vùng Tây Nguyên là 48,8%, các công trình hồ đập nhỏ được xây dựng chủ yếu từ giai đoạn những năm 1970 đến nay. Hầu hết các tổ chức quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nói chung và hồ đập nhỏ nói riêng đều ít hoặc nhiều chưa đáp ứng được quy định của Luật thủy lợi đối với tổ chức thủy lợi cơ sở, về: mô hình tổ chức, số lượng thành viên, trình độ năng lực,… cụ thể như: tỷ lệ các tổ chức có hình thức chưa phù hợp Luật thủy lợi ở vùng MNPB là 34% còn ở vùng Tây Nguyên là 39%; tất cả các tổ chức quản lý thủy lợi cấp cơ sở đề tài đã khảo sát chưa có đủ các hộ sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi tham gia thành viên; nhiều tổ chức quản lý thủy lợi cơ sở không do người sử dụng nước thành lập và bầu cử dân chủ các thành viên ban quản lý, điều hành; nhiều địa phương chưa thu được phí thủy lợi nội đồng, v.v.
– Dựa trên việc phân tích các cơ sở khoa học và thực tiễn, Đề tài đã đề xuất 5 mô hình XHH đầu tư và quản lý khai thác công trình hồ đập nhỏ là: (1) Mô hình cộng đồng đầu tư xây dựng ao hồ nhỏ, (2) Mô hình doanh nghiệp đầu tư xây dựng hồ đập nhỏ, (3) Mô hình nhà nước hỗ trợ, cộng đồng tham gia đóng góp xây dựng hồ đập nhỏ. (4) Mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác hồ đập nhỏ và (5) Mô hình cá nhân quản lý khai thác hồ đập nhỏ.
– Đề tài đã tiến hành xây dựng thử nghiệm 02 mô hình xã hội hóa quản lý hồ đập nhỏ tại 02 vùng nghiên cứu, gồm: mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác công trình hồ đập nhỏ ở vùng MNPB (xã Liên Vũ, Lạc Sơn, Hòa Bình) và Tây Nguyên (xã Hà Tam, Đắk Pơ, Gia Lai) và mô hình cá nhân quản lý hồ đập nhỏ (xã Hà Tam, Đắk Pơ, Gia Lai) và đề xuất các giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
– Đề tài cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn lực đầu tư, quản lý công trình hồ đập nhỏ ở các vùng nghiên cứu. Một trong số các kết quả nghiên cứu của đề tài đã được sử dụng để xây dựng Chương 5 của Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT đã được Bộ ban hành và sổ tay Hướng dẫn thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, quản lý khai thác hồ đập nhỏ vùng Miền núi phía bắc và Tây Nguyên.
Với những kết quả nêu trên, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đáp ứng được yêu cầu về khối lượng và chất lượng so với đặt hàng của Bộ. Qua đó hội đồng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiệm thu kết quả của Đề tài.
Một số hình ảnh tại hội đồng nghiệm thu Đề tài:
Hội đồng nghiệm thu
PGS.TS. Đoàn Thế Lợi, UV phản biện 1, đọc phiếu đánh giá
trước Hội đồng