Nghiên cứu đề xuất qui trình vận hành trạm bơm Như Quỳnh nhằm mạng lại hiệu quả, giảm chi phí vận hành và tiết kiệm nước

Nhiều biện pháp kỹ thuật đã được áp dụng để nâng cao hiệu quả quản lý nhưng thực tế cho thấy, tình trạng hạn hán vẫn xảy ra trầm trọng ở một số nơi, đặc biệt là vào các giai đoạn có yêu cầu nước căng thẳng và nguồn nước bị hạn chế. Theo số liệu đánh giá của Cục Thuỷ Lợi, hiện nay diện tích được tưới của các hệ thống thuỷ nông chỉ đạt 50% đến 65% so với chỉ tiêu thiết kế

NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT QUI TRÌNH VẬN HÀNH TRẠM BƠM NHƯ QUỲNH NHẰM MẠNG LẠI HIỆU QUẢ, GIẢM CHI PHÍ VẬN HÀNH VÀ TIẾT KIỆM NƯỚC

 

  Chủ nhiệm đề tài : Thạc sỹ Trần Văn Đạt
Trung tâm tư vấn PIM – Viện Khoa học thủy lợi

Giới thiệu

Hiện nay cả nước có 172 công ty quản lý thuỷ nông với 75 hệ thống thuỷ lợi vừa và lớn, nhiều hệ thống thuỷ lợi nhỏ, trong đó có khoảng 2000 trạm bơm điện lớn vừa có công suất lắp máy 250 MW cho tưới và 300 MW cho tiêu và hơn 755.000 máy bơm vừa và nhỏ do hợp tác xã và hộ nông dân mua sắm.

Nhiều biện pháp kỹ thuật đã được áp dụng để nâng cao hiệu quả quản lý nhưng thực tế cho thấy, tình trạng hạn hán vẫn xảy ra trầm trọng ở một số nơi, đặc biệt là vào các giai đoạn có yêu cầu nước căng thẳng và nguồn nước bị hạn chế. Theo số liệu đánh giá của Cục Thuỷ Lợi, hiện nay diện tích được tưới của các hệ thống thuỷ nông chỉ đạt 50% đến 65% so với chỉ tiêu thiết kế.

Báo cáo của các CTKTCTTL ở Hội nghị sơ kết công tác đổi mới quản lý thuỷ nông cho thấy, tình trạng tài chính của hầu hết doanh nghiệp quản lý đều không lành mạnh. Nguồn thu của các doanh nghiệp không đủ cho các hoạt động vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình. ở nhiều hệ thống tưới động lực, thuỷ lợi phí thu được chỉ đủ để doanh nghiệp trả lương cho cán bộ.

Chi phí vận hành của các trạm bơm điện (chủ yếu là điện năng) là rất lớn, ước tính trung bình chiếm 45% đến 50% tổng chi phí quản lý vận hành. Như vậy, nếu tính trên bình diện cả nước thì chi phí vận hành bơm hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thời gian gần đây, Chính phủ đã khuyến cáo các doanh nghiệp phải tìm các biện pháp để giảm nhỏ chi phí vận hành các hệ thống tưới, đặc biệt là ở các hệ thống tưới bằng động lực. Thực hiện chủ trương này, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện các qui trình phân phối nước tưới. Trong đó, giải pháp thay đổi cường độ bơm nước theo theo giá điện (giờ cao điểm và thấp điểm) hoặc diễn biến mực nước trên kênh đã được áp dụng.  Thời lượng bơm thấp điểm ở nhiều hệ thống chiếm từ 20 đến 35%.

Theo qui định của ngành điện lực, giờ cao điểm là thời gian có phụ tải lớn (ban ngày) và giờ thấp điểm là thời gian có phụ tải nhỏ (ban đêm). Trong khi quản lý nước tưới ở cấp mặt ruộng là công việc do nhân dân địa phương đảm nhiệm và thường rất khó có thể thực hiện tốt ở thời gian nghỉ ngơi, không có các hoạt động canh tác. Do vậy, nếu xét trên khía cạnh hiệu quả tổng hợp thì việc tăng cường độ bơm nước ở ban đêm để được hưởng giá điện thấp chưa hẳn đã mang lại hiệu quả vì chính thời gian này thường xảy ra tổn thất lãng phí nước lớn. Có thể, tiêu chí về tiết kiệm điện năng sẽ đạt được ở những nơi có kinh nghiệm, tập quán canh tác tốt vì lượng nước lấy vào ruộng vào thời gian ban đêm được phân phối sử dụng có hiệu quả. Ngược lại, đối với những kênh mà ở đó quản lý nước mặt ruộng kém, lượng nước chảy xuống kênh tiêu rất.

 Để có giải quyết vấn đề thực tế trên đây, Bộ NN&PTNT và Viện Khoa học Thuỷ lợi đã cho phép thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất qui trình vận hành trạm bơm Như Quỳnh nhằm mạng lại hiệu quả, giảm chi phí vận hành và tiết kiệm nước”. Đề tài này được Viện Khoa học Thủy lợi giao cho Thạc sỹ Trần Văn Đạt làm chủ nhiệm.

Mục tiêu của đề tài:

Trên cơ sở nghiên cứu ở hệ thống trạm bơm điện Như Quỳnh, đề xuất được cơ sở khoa học để lập qui trình vận hành tối ưu các hệ thống tưới bằng trạm bơm điện trong các điều kiện hạn chế về nguồn nước và yêu cầu tiết kiệm chi phí vận hành.
Nội dung của đề tài:

Đề tài tập trung vào một số hoạt động chủ yếu, bao gồm:

–   Nghiên cứu tổng quan, tổng kết kết quả nghiên cứu trong nước và trên thế giới về phương pháp xây dựng qui trình vận hành hệ thống tưới; ảnh hưởng của nước tưới đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; hiệu quả tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí vận hành của một số biện pháp quản lý;

–   Nghiên cứu thực nghiệm ngoài hiện trường: đánh giá thực trạng sử dụng nước đối với các chế độ vận hành theo giá điện;

–   Phân tích hiệu quả kinh tế, hiệu quả tiết kiệm chi phí và hiệu quả sử dụng nước ứng với các chế độ vận hành theo giá điện khác nhau;

–   Đề xuất qui trình vận hành hệ thống tưới Như Quỳnh và khái quát thành nguyên tắc khi xây dựng qui trình vận hành cho các hệ thống tưới khác có điều kiện tương tự.

Thời gian thực hiện đề tài:

Đề tài được thực hiện trong 2 năm: từ 2006 đến 2007.

Kết quả thực hiện đề tài:

–   Các chuyên đề nghiên cứu:

  1. Phương pháp phân tích hiệu quả hoạt động của hệ thống tưới;
  2. Phương pháp đo đạc, giám sát vận hành hệ thống thuỷ tưới.
  3. Các nguyên tắc xây dựng qui trình vận hành hệ thống tưới.

–   Báo cáo kết quả thực hiện đề tài, bao gồm:

  1. Đánh giá, phân tích các chế độ phân phối nước tưới áp dụng ở các hệ thống thuỷ nông ở nước ta hiện nay.
  2. Đánh giá ảnh hưởng của chế độ phân phối nước tưới theo giá điện đến hiệu quả sử dụng nước và chi phí vận hành trạm bơm.
  3. Đánh giá ảnh hưởng của chế độ điều tiết nước trên kênh đến hiệu quả sử dụng nước và chi phí vận hành các trạm bơm.
  4. Qui trình vận hành hệ thống tưới trạm bơm Như Quỳnh.