Phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi ở Việt Nam -TS. Trần Chí Trung, Trung tâm tư vấn PIM , Viện KHTL Việt Nam

Phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi là một trong những yêu cầu đảm bảo cho các hệ thống công trình thuỷ lợi phát huy hiệu quả đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác. Trên cơ sở phân tích hệ thống tổ chức quản lý và thực tiễn phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, bài báo này đưa ra một số kiến nghị để thực hiện phân cấp quản lý khai thác nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thuỷ lợi ở nước ta.

Nhiều công trình thuỷ lợi ở nước ta hiện nay có hiệu quả tưới thấp. Nguyên nhân cơ bản đối với hiệu quả thấp ở các công trình thuỷ lợi là do yếu tố thể chế hơn là yếu tố kỹ thuật [1]. Do vậy, cần phải tìm ra hệ thống thể chế, mô hình quản lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống tưới. Huppert và các cộng sự [2] đã khuyến nghị việc quản lý công trình thuỷ lợi hiệu quả không chỉ đơn thuần là thiết kế một tổ chức quản lý thích hợp, mà cần phải tạo nên một mô hình gồm nhiều tổ chức khác nhau, được phân cấp nhiệm vụ và quyền lợi rõ ràng nhưng lại hoạt động và kết hợp với nhau trong một khung thể chế thống nhất phù hợp. Phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi là sự phân công trách nhiệm từ các cơ quan quản lý công trình thủy lợi Trung ương cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới, ở địa phương. Việc phân cấp quản lý cho các tổ chức quản lý địa phương là cơ sở để thực hiện chuyển giao trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi cho các tổ chức hợp tác dùng nước thực hiện quan điểm, chủ trương của thế giới và trong nước về quản lý công trình thuỷ lợi. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy việc phân công, phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi là cần thiết. Đây là một trong những yêu cầu đảm bảo cho các hệ thống công trình thuỷ lợi phát huy hiệu quả đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp. Thực tế đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất theo hướng công ty không quản lý các công trình thuỷ lợi mà năng lực của cộng đồng có thể quản lý, để tinh giảm biên chế, giảm chi phí quản lý, tăng thu nhập, tạo điều kiện để củng cố và phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.