Tham dự cuộc họp sáng 11/9 có lãnh đạo các Tổng cục, lãnh đạo Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, lãnh đạo một số Cục, Vụ, Viện và Văn phòng Bộ. Tại cuộc họp, ông Tăng Thế Cường – Chánh Văn phòng Bộ – đã thông báo Kết luận số 420/TB-VPCP ngày 11/9 thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức các Hội nghị về biến đổi khí hậu và Hội nghị các nhà tài trợ tại ĐBSCL
Theo đó, ngày 5/9/2017 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức các Hội nghị về biến đổi khí hậu và Hội nghị các nhà tài trợ tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, NN&PTNT, Tài chính, Ngoại giao, GTVT, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND Thành phố Cần Thơ và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Xem xét toàn diện, có hệ thống việc chuyển đổi mô hình phát triển
Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, Cơ quan tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến kết luận như sau:
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm, vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước. Khu vực này hiện đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, trong đó đáng kể nhất là tác động của biến đổi khí hậu, đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông, lâm, thủy sản cũng như ảnh hưởng đến phát triển ổn định, bền vững về kinh tế xã hội và môi trường, đe dọa trực tiếp đến sinh kế, sản xuất, đời sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước những khó khăn, thách thức đó, Đảng, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo nhiều giải pháp để Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua những thách thức nêu trên.
Trong thời gian vừa qua đã có nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu đề xuất giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai công tác ứng với biến đổi khí hậu nhìn chung còn bị động, rời rạc, mang tính đơn lẻ và ngắn hạn, chưa huy động được toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia; việc lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch còn lúng túng, chưa đi vào thực chất; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong công tác ứng phó biến đối khí hậu chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, làm giảm hiệu quả đầu tư; nguồn lực dành cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, chưa sử dụng một cách có hiệu quả sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Vì vậy, đây là Hội nghị quan trọng, xem xét một cách toàn diện, có hệ thống việc chuyển đổi mô hình phát triển, để có các cơ chế, chính sách, giải pháp mang tính đột phá, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát huy các tiềm năng, lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu…
Đề ra giải pháp trước mắt và lâu dài cho cuộc sống người dân ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ cũng các yêu cầu đối với Hội nghị như: Hội nghị cần chi tiết, toàn diện, đồng bộ để đạt được hiệu quả cao nhất, phản ánh tư duy đổi mới, phù hợp với quy luật khách quan, nhưng trên cơ sở khoa học để có các giải pháp tổng thể và cụ thể nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phương án, giải pháp đề ra tại Hội nghị phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, phát triển.
Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và quản lý trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn; phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong nước và quốc tế thẩm định, thẩm tra, phát biểu phản biện về những giải pháp, trình bày tại Hội nghị.
Qua Hội nghị này phải thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…) nhằm phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu; trước hết phải sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực từ các chương trình, dự án hiện đang và chuẩn bị triển khai (kể cả các Hiệp định đã ký với Chính phủ các nước và các định chế tài chính nước ngoài)…
Chuẩn bị Hội nghị: Khoa học, kỹ lưỡng và khẩn trương
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã thống nhất với tên gọi: Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/9/2017, tại Thành phố Cần Thơ.
Dự kiến sẽ có khoảng 500 đại biểu, bao gồm: các tổ chức, đối tác phát triển, thành phần tư nhân, các nhà khoa học, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long… tham dự Hội nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ có các phiên họp chuyên đề như: Phiên họp về tổng quan và thách thức, cơ hội của ĐBSCL; Phiên họp về tích hợp về quy hoạch ĐBSCL; Phiên họp về chuyển đổi sinh kế bền vững, phòng chống thiên tai, chống sụt lún, sạt lở vùng ĐBSCL; Phiên thảo luận về huy động nguồn lực, cơ chế phân bổ điều phối vùng ĐBSCL…
Dự kiến ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị toàn thể, xem xét kết luận về những giải pháp tổng thể có tầm nhìn chiến lược cũng như giải pháp cụ thể về mô hình phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL.
Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND Thành phố Cần Thơ, các Bộ: NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, địa phương có liên quan xây dựng đề án, kịch bản cụ thể, chuẩn bị các tài liệu, báo cáo để Hội nghị và các phiên họp, phiên thảo luận đạt kết quả tốt. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chịu trách nhiệm chủ trì, điều phối chung công tác tổ chức Hội nghị…
Tại cuộc họp triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tổ chức Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH diễn ra sáng 11/9, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ chuẩn bị hội nghị trên tinh thần Khoa học, kỹ lưỡng và khẩn trương.
Sau khi nghe Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cũng như lãnh đạo các đơn vị chức năng báo cáo về tình hình công tác chuẩn bị Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Văn phòng Bộ, Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ… tham mưu đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Hội nghị bao gồm: Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND TP Cần Thơ…
Ban chỉ đạo Hội nghị sẽ chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương chuẩn bị một cách khoa học các báo cáo chuyên đề cũng như công tác hậu cần để tổ chức Hội nghị sắp tới một cách hiệu quả nhất.
Nguồn tham khảo: Báo điện tử Tài nguyên và môi trường