THÚC ĐẨY PIM PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ, GÓP PHẦN QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG

THÚC ĐẨY PIM PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ, GÓP PHẦN QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG

TS. Cao Đức Phát

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT

Trong nhiều thập kỷ qua, nhà nước, nhân dân ta đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi đa mục tiêu góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, môi trường, kinh tế xã hội và phát triển nông thôn bền vững.

Tuy nhiên theo báo cáo đánh giá của Cục Thuỷ lợi thì hiệu quả khai thác của nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi còn thấp, chưa tương xứng với đầu tư, nhiều công trình đã và đang xuống cấp. Đó là do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là thiếu cơ chế chính sách và tổ chức quản lý hệ thống thuỷ lợi phù hợp, đặc biệt thiếu sự tham gia mạnh mẽ của người dân trong quản lý vận hành công trình.

Kể từ những năm đầu 1990 đến nay, các chương trình Quản lý thuỷ nông có sự tham gia của người dân (PIM) ở nhiều nước như Mehico, Colombia, Nepal và Trung Quốc đã chứng tỏ rằng việc trao cho người dân vai trò chính trong vận hành, quản lý hệ thống thuỷ nông là hoàn toàn đúng đắn và hiệu quả.

Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, người dân có truyền thống đóng góp công sức cùng với nhà nước xây dựng công trình thuỷ lợi phòng chống hạn úng, lũ lụt để phát triển sản xuất và đời sống. Trong những năm gần đây, với nỗ lực của nhà nước, các tổ chức quốc tế, và các địa phương, một số mô hình PIM đang được thử nghiệm, củng cố, trên cả 3 miền của đất nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành nhiều văn bản về PIM, tạo hành lang pháp lý và cơ hội cho PIM phát triển và PIM đã được khẳng định và được ràng buộc ngay từ chính sách đầu tư: ”Đầu tư xây dựng công trình phải tiến hành đồng thời với tổ chức quản lý trong đó có PIM, các dự án đầu tư kể cả các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài chỉ được giải ngân khi đã hình thành tổ chức quản lý phù hợp có vai trò của PIM….coi đó là nội dung quan trọng để quyết định chủ trương đầu tư và ưu tiên đầu tư…”

Nhưng việc thành lập và hoạt động của các tổ chức quản lý theo hướng PIM còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thiếu năng lực, kinh nghiệm và tư vấn để thực hiện PIM trong bối cảnh Việt Nam. Vì vậy ngày 22 tháng 12 năm 2004 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thông qua quyết định số 4579/QĐ/BNN-TCCB, thành lập  ”Trung tâm tư vấn PIM”, trực thuộc Viện Khoa Học Thuỷ Lợi (KHTL), nhằm thống nhất việc nghiên cứu, tư vấn và thúc đẩy phát triển PIM trong phạm vi cả nước.

Để Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Viện KHTL đã tập trung, huy động cho Trung tâm những cán bộ được đào tạo về PIM từ nhiều nước khác nhau. Hiện Trung tâm có trên 80% cán bộ có trình độ học vấn trên đại học, có nhiều chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm về PIM để triển khai nghiên cứu và thực hiện nghiên cứu và tư vấn về PIM.

Trung tâm tư vấn PIM là tổ chức mới, lại hoạt động trong lĩnh vực phức tạp nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu. Vì vậy, Trung tâm cần có sự giúp đỡ của các đơn vị liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Với đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, tôi tin tưởng rằng Trung tâm tư vấn PIM, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Viện Khoa Học Thuỷ Lợi, sẽ phối kết hợp tốt với các cơ quan liên quan trong ngành, ngoài ngành ở Trung ương, địa phương, các tổ chức Quốc tế, các tổ chức phi chính phủ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn về PIM, thúc đẩy PIM phát triển mạnh mẽ, góp phần quản lý khai thác công trình thuỷ lợi hiệu quả, bền vững.