Tích tụ ruộng đất, nhìn từ Văn Lâm: Nhọc nhằn tìm doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp

Trước đây cũng từng có một DN về thuê đất SX lúa giống. Sau 5 năm hoạt động, vì một số lý do, đơn vị này chuyển đi, bàn giao lại 9,6 mẫu ruộng (tương đương 3,5ha) đã thuê của người dân. Từ đó, các lãnh đạo xã, mỗi người tự tìm cách kết nối, mời gọi các DN


Khi được hỏi, người dân đều đồng ý cho DN thuê đất làm mô hình NN

Là huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên, thời gian qua, Văn Lâm vẫn chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đa dạng. Tại một số địa phương, đã hình thành những vùng trồng rau sạch, cây dược liệu, dù vậy, sự tích tụ đất đai để SX nông nghiệp hàng hóa nơi đất chật người đông, là nỗi nhọc nhằn… Lạc Hồng là xã nằm ven QL5B, địa hình phức tạp, đồng ruộng, khu dân cư, khu công nghiệp (KCN) nằm xen kẹp nhau. Có những cánh đồng rộng 20ha đành phải bỏ hoang vì điều kiện canh tác bất lợi, bị chia cắt bởi KCN. Sau nhiều lần chính quyền xã “đốt đuốc” tìm kiếm, cũng đã có DN nhảy vào thuê một phần, đầu tư SX dù khởi đầu còn lắm gian nan. Theo ông Phạm Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Hồng, trên địa bàn xã hiện có khoảng 20ha đất ruộng bị bỏ hoang đã 2 năm. Trong đó, xứ đồng Văn Phú chiếm khoảng 15ha. 5ha còn lại nằm rải rải ở các thôn, không liền vùng, liền thửa. Người dân bỏ ruộng không phải không thiết tha với ruộng đồng, mà bởi điều kiện SX quá khó khăn. Xứ đồng Văn Phú là một ví dụ điển hình. Ông Đào Ngọc Hoa, cán bộ địa chính – NN xã cho biết, xứ đồng Văn Phú cách nhà dân tới gần 5 cây số. Khu vực này nằm khuất sau KCN Phố Nối. Muốn ra đồng, người dân phải đi cắt qua KCN, hòa chung dòng người, xe đông nườm nượp. Nhiều vụ va chạm giao thông đáng tiếc đã xảy ra. Đặc biệt, xứ đồng này nằm ở vùng trũng, việc điều tiết nước khó khăn, lúa kém năng suất. Lãnh đạo xã Lạc Hồng đã từng báo cáo lên huyện, xin phép được chuyển đổi cơ cấu SX sang trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, UBND huyện Văn Lâm không đồng ý với đề xuất này. Lý do là bởi, 15ha kể trên đã nằm trong diện tích quy hoạch xây dựng khu đô thị Phố Nối trong tương lai. Dù tới nay, chưa ai biết hình hài khu đô thị này tròn méo ra sao. Nói về chuyện mời gọi đầu tư, ông Hùng cho biết, trước đây cũng từng có một DN về thuê đất SX lúa giống. Sau 5 năm hoạt động, vì một số lý do, đơn vị này chuyển đi, bàn giao lại 9,6 mẫu ruộng (tương đương 3,5ha) đã thuê của người dân. Từ đó, các lãnh đạo xã, mỗi người tự tìm cách kết nối, mời gọi các DN trong lĩnh vực NN về đầu tư. Đầu năm 2016, một DN tư nhân, trụ sở tại xã Đại Đồng (cùng huyện Văn Lâm) đã về làm việc với người dân, thuê lại 3,5ha ruộng để trồng cà gai làm dược liệu, thời gian 10 năm. Đến nay, một phần dự án đã được triển khai, đem lại thu nhập, công ăn việc làm cho chính những người chủ của thửa ruộng.   Bà Nguyễn Thị Hà, 57 tuổi, thôn Minh Hải, đang hì hụi làm cỏ trên cánh đồng cà gai cho biết, đã cho DN thuê 1,1 sào ruộng làm dự án. Giá thuê thống nhất cho tất cả các hộ là 1,2 triệu đồng/sào/năm. Từ đó, bà Hà được thuê làm công nhân trên chính thửa ruộng của mình với số tiền 130 nghìn đồng/ngày….

Gia đình bà Hà vẫn còn hơn 8 sào ruộng để trồng lúa. “Trồng lúa bây giờ chỉ là để lấy hạt thóc ăn, chăn nuôi con lợn con gà thôi. Năm được mùa thì được 2 tạ/sào. Năm mất mùa chỉ được 1 tạ thôi. Nếu bây giờ có DN nào vào tiếp tục làm dự án, chúng tôi cho thuê hết luôn. Tuổi tác như chúng tôi có xin vào các KCN cũng không ai nhận. Vì vậy khi có các dự án SXNN thì chúng tôi rất phấn khởi, nhưng phải làm sao không bị ô nhiễm môi trường”, bà Hà chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Thoa, cùng thôn Minh Hải, cho biết, con đi làm KCN, nhà thì làm hơn mẫu ruộng, nên nhiều khi thấy vất vả. Gia đình bà Thoa cũng cho DN thuê hơn 1 sào ruộng để trồng cây dược liệu. Bà Thoa bảo, hàng ngày ra nhổ cỏ, làm thuê cho DN được trả 130 nghìn, vừa khỏe người mà vẫn có thu nhập. Trao đổi với PV, bà Ngô Thị Lương, Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng cho biết, diện tích dành cho SXNN còn 100ha, chỉ bằng 1/3 so với công nghiệp. Dù giá trị kinh tế kém hơn, nhưng không vì thế mà địa phương xem nhẹ vấn đề SXNN. Bà Lương khẳng định, xã luôn mở cửa chào đón, sẵn sàng tiếp nhận các dự án SXNN theo hướng hiện đại, công nghệ cao. Những diện tích SX lúa kém hiệu quả, xã sẵn sàng đứng ra kết nối để DN có thể thuê đất của người dân. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường phải được ưu tiên số 1 đối với các dự án. Ông Phạm Văn Hùng cũng khẳng định, quan điểm thống nhất từ trước tới giờ là luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho DN đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng có một cái khó, hiện nay Hưng Yên nói chung và riêng huyện Văn Lâm đang thực hiện việc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, về mặt hồ sơ, thủ tục thuê đất có thể bị vướng. Nhưng nếu người dân đồng ý, DN vẫn có thể tự thỏa thuận với người cho thuê rồi triển khai dự án…

                              Nguồn: Bài tham khảo trên trang Tái cơ cấu Nông nghiệp-
Báo Nông nghiệp Việt Nam số 159 ngày 10/8/2016