Thủy lợi phí mới ở Nghệ An: Kẻ cười, người khóc

Bốn năm sau kể từ khi NĐ 143 ra đời, ngày 15.10.2007, Chính phủ tiếp tục ban hành NĐ số 154/2007/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 154) “sửa đổi, bổ sung một số điểm của NĐ 143”, có hiệu lực từ 1.1.2008. Việc triển khai thực hiện chính sách thuỷ lợi phí mới này ở Nghệ An đang dẫn đến tình trạng “người cười, kẻ khóc”.

Chưa quy định rõ thuỷ lợi dân doanh

Nước là yếu tố đảm bảo sự sống, quyết định được mất đối với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách còn hạn hẹp, việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp, làm mới nhiều công trình thuỷ lợi thuộc các cấp Nhà nước quản lý tuy có làm nhưng mới đảm trách 45% diện tích trồng lúa của cả nước (với Nghệ An là 50%). Trong khi đó, khá nhiều công trình thuỷ lợi quy mô nhỏ cũng được làm bằng nguồn vốn đóng góp của dân lại đang phát huy hiệu quả  tốt.

Hiện trong số 635 hồ chứa nước thuỷ lợi rải khắp 19 huyện, thị của Nghệ An, có 54 hồ lớn đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước và do DN nhà nước quản lý, còn lại 581 hồ nhỏ đầu tư bằng nguồn vốn của dân đóng góp do xã và HTX quản lý. Vì chưa rạch ròi về mặt tổ chức trong quản lý, khai thác, bảo vệ hệ thống công trình thuỷ lợi thôn, xã, nên việc cụ thể hoá Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi tại 2 NĐ trên của Chính phủ xem ra cũng chưa rõ ràng đối với hệ thống công trình thuỷ lợi của dân doanh.

Người cười, kẻ khóc

Điều khiến cho kẻ cười người khóc trong việc triển khai chính sách thuỷ lợi phí (TLP) mới là: Theo NĐ 143/2003, đối với công trình tự chảy thì nông dân nộp mức TLP 480 ngàn đồng/ha/vụ (24 ngàn đồng/sào/vụ), bơm điện 30 ngàn đồng/sào/vụ và nộp cho tổ chức thuỷ nông cơ sở 10 ngàn đồng/sào/vụ. Như vậy, khoản TLP nông dân chi cho 1 sào/vụ lúa thấp nhiều so với 1 công lao động phổ thông.

Trong khi phần lớn diện tích trồng lúa chưa được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi đầu mối lại thuộc địa hình phức tạp, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì nhu cầu nước cho sản xuất và đời sống không ngừng dừng lại. Hơn 1 triệu nông dân Nghệ An ở các vùng này đã gồng mình bằng các khoản vay, mượn vốn, đóng góp vật liệu, ngày công xây dựng hồ đập, trạm bơm, tham gia quản lý hệ thống thuỷ lợi nhỏ, lại chịu khoản TLP và các chi phí kèm theo cao hơn so với đồng nghiệp được thụ hưởng công trình thuỷ lợi do Nhà nước đầu tư quản lý ở vùng xuôi. Vấn đề cốt lõi mà hàng triệu nông dân vùng đặc biệt khó khăn và khó khăn thuộc nhiều xã miền núi của các huyện đồng bằng, của 6 huyện vùng núi, vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông; Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp – những người từng tự bỏ vốn xây dựng, tu sửa, chi trả các khoản vay và các chi phí quản lý công trình thuỷ lợi nhỏ là mong Nhà nước miễn hoàn toàn TLP cho họ.

Nhưng tại NĐ 154/2007 mới chỉ miễn TLP cho nông dân trồng lúa thuộc vùng có hệ thống thuỷ lợi do Nhà nước đầu tư, quản lý và cũng chỉ được giảm một phần TLP nộp cho Cty khai thác công trình thuỷ lợi mà thôi. Do đó, cũng là nông dân trong một tỉnh, ai may mắn ở vùng lúa có hệ thống thuỷ lợi do Nhà nước đầu tư, quản lý thì được cười, còn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì vẫn phải khóc.


Giao Hưởng-Quang Hoà – Báo Lao Động