Thực trạng tổ chức quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng tỉnh Tuyên Quang

Th.S. Uông Huy Hiệp, Th.S. Phạm Duy Anh Tuấn

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có tổng số 140 Ban quản lý công trình thủy lợi (CTTL), trong đó có 1 Ban quản lý công trình cấp tỉnh, 3 Ban quản ý công trình liên xã và 136 Ban quản lý công trình thủy lợi ở các xã (Ban thủy lợi cơ sở). Các Ban quản lý CTTL cấp xã chủ yếu gắn với bộ máy quản lý của các HTX nông lâm nghiệp, ngoài ra có một số Ban quản lý CTTL chuyên trách về quản lý công trình thủy lợi, một số ban quản lý CTTL do cán bộ, lãnh đạo UBND xã kiêm nhiệm chủ yếu ở 2 huyện Na Hang và Sơn Dương.

  1. Khái quát về tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi của tỉnh Tuyên Quang

Ban quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang gắn với bộ máy quản lý của các HTX nông lâm nghiệp là chủ yếu chiếm 60% số tổ chức trên địa bàn tỉnh. Các ban này được kiện toàn và củng cố dựa trên các hợp tác xã nông lâm nghiệp đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Trong đó, các nhân sự trong bộ máy quản lý điều hành đều là thành viên thuộc bộ máy của HTX nông lâm nghiệp (giám đốc, phó giám đốc, cán bộ kỹ thuật, kế toán, thủ quỹ…). Trụ sở các ban này thường là trụ sở của các HTX. Các ban có thể sử dụng con dấu riêng hoặc con dấu của HTX để thực hiện các giao dịch với bên ngoài. Tài khoản sử dụng trong giao dịch là tài khoản riêng (không sử dụng tài khoản của HTX). Bộ máy quản lý điều hành được hưởng lương hoặc phụ cấp từ hoạt động dịch vụ thủy lợi và các dịch vụ sản xuất kinh doanh khác của đơn vị.

Ban quản lý CTTL cơ sở thực hiện chuyên trách, chiếm 31% trên tổng số tổ chức trên địa bàn tỉnh. Các ban này chủ yếu ở các xã có hoặc không có hợp tác xã. Thông thường, các ban này hình thành ở các xã có HTX cũ đã giải thể hoặc hoạt động kém hiệu quả hoặc ở các địa phương trước đây đã có tổ chức của người dân thực hiện quản lý khai thác công trình thủy lợi nhưng chưa đủ điều kiện để thành lập các hợp tác xã. Các ban này có con dấu và tài khoản riêng. Phạm vi hoạt động chỉ một dịch vụ thủy lợi.

Cơ cấu tổ chức của tổ chức Ban quản lý công trình thủy lợi cơ sở được UBND cấp xã ra quyết định thành lập chỉ bao gồm 4-5 người bao gồm trưởng ban quản lý, cán bộ kỹ thuật (1-2 người), thủ quỹ và kế toán. Đối với công tác quản lý vận hành công trình thủy lợi, Ban quản lý ký hợp đồng với các thủy nông viên (thông thường là trưởng các thôn xóm) để tổ vận hành công trình thủy lợi, bảo dưỡng thường xuyên công trình thủy lợi và huy động cộng đồng trên địa bàn tham gia duy tu, sửa chữa công trình khi nguồn kinh phí không đáp ứng được yêu cầu.

Theo Báo cáo của Ban quản lý CTTL Tuyên Quang (năm 2020), tổng số người trực tiếp tham gia công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thuộc các Ban quản lý công CTTL cơ sở là 2.247 người, gồm: 592 người hoạt động chuyên trách (trưởng ban, cán bộ kỹ thuật, kế toán, thủ quỹ); 1.655 người hoạt động kiêm nhiệm (trưởng thôn hoặc đội trưởng các đội sản xuất có sử dụng nước từ công trình, làm nhiệm vụ điều tiết nước và các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, khai thác và bảo vệ CTTL tại các thôn, đội sản xuất).

Hình 1: Sơ đồ tổ chức của Ban quản lý công trình thủy lợi cơ sở

  1. Tổ chức quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Nằm trong nội dung của dự án nhóm thực hiện đã điều tra tại 8 xã, phường, thị trấn trên địa bàn của 3 huyện và thành phố bao gồm Phường Mỹ Lâm, Đội Cấn thuộc thành phố Tuyên Quang; Xã Nhữ Hán, Nhữ Khê, Kim Quan, TT Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn; Xã Trung Yên, Tân Trào thuộc huyện Sơn Dương.

Một số đặc điểm cơ bản về tổ chức và hoạt động của các Ban quản ký CTTL được điều tra là:

– Qui mô diện tích sản xuất trung bình là 233,59 ha/tổ chức.

– Bộ máy quản lý điều hành từ 3-4 người

– Số lượng thủy nông viên trung bình 12 người/tổ chức trong đó mỗi thủy nông viên đảm nhận vận hành theo diện tích tưới tiêu bình quân sấp sỉ 22,68ha/TNV (lớn nhất là 42,67ha và nhỏ nhất là 3,35ha).

– Chiều dài kênh mương bình quân 1 TNV thực hiện quản lý là 1,65km/TNV (lớn nhất 3,34km/TNV và nhỏ nhất 0,15km/TNV).

– Mỗi TNV phụ trách 1-2 đầu điểm công trình, nhiều nhất là xấp sỉ 3 đầu điểm công trình.

Chi tiết được thể hiện tại Bảng dưới đây:

Bảng 1: Tổ chức và hoạt động của các tổ chức TLCS

TT Tổ chức TLCS Diện tích  (ha) Ban QL (người) Thủy nông viên (người) Diện tích/thủy nông viên (người) Chiều dài kênh/TNV (km/người)
1 BQLCTTL Mỹ Lâm 166,69 3 10 16,67 1,14
2 BQLCTTL Đội Cấn 396,8 4 11 36,07 1,52
3 BQLCTTL TT Yên Sơn 323,25 4 17 19,01 1,55
4 BQLCTTL Nhữ Hán 67,08 4 20 3,35 0,15
5 BQLCTTL Nhữ Khê 184,55 3 12 15,37 1,21
6 BQLCTTL Kim Quan 218,43 4 11 19,86 2,76
7 BQLCTTL Trung Yên 341,35 3 8 42,67 3,34
8 BQLCTTL Tân Trào 170,55 3 6 28,4 1,54
Trung bình 233,59 3 12 22,68 1,65

Ghi chú: TNV – Thủy nông viên

Như vậy, có thể cho rằng số lượng bộ máy quản lý điều hành của các ban là tương đương nhau, bình quân mỗi thủy nông viên phụ trách 1-2  đầu điểm công trình và 1,65km kênh mương tương ứng với diện tích tưới sấp sỉ 22,68ha. Nhìn chung, phạm vi phụ trách của một thủy nông viên tương đối nhỏ so với qui mô diện tích nhưng lại tương đối lớn đối với số đầu điểm công trình. Thảo luận với các tổ chức TLCS cho thấy, các công trình thường có qui mô nhỏ, phạm vi phụ vụ thường chỉ trong thôn xóm, chính vì vậy mỗi thôn xóm đều có đại diện tham gia với vai trò thủy nông viên. Các thủy nông viên này thường là các trưởng thôn xóm. Các thủy nông viên này vừa có nhiệm vụ thực hiện điều tiết nước theo kế hoạch của BQL đồng thời huy động nguồn lực tại chỗ phục vụ duy tu, bảo dưỡng công trình trên địa bàn.

  1. Thực hiện dịch vụ sản xuất nông nghiệp của các tổ chức TLCS

Các hoạt động dịch vụ của tổ chức thủy lợi cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tổ chức có hoạt động hiệu quả hay không. Trên thực tế chủ yếu các Ban quản lý công trình thủy lợi dựa trên nền tảng các HTXNLN mới có điều kiện hoạt động đa dịch vụ, trong khi đó đối với các Ban cơ sở không gắn với các HTXNLN chỉ thuần túy hoạt động dịch vụ thủy lợi. Thực tế khảo sát ở 8 xã cho thấy, các Ban cơ sở hiện nay chủ yếu chỉ thực hiện một dịch vụ thủy lợi.

  1. Tài chính cho công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Tự chủ tài chính cho công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là yếu tố quyết định đến hiệu quả và tính bền vững của các tổ chức TLCS. Các yếu tố quan trọng về tài chính cho công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được đánh giá qua các tổ chức TLCS ở các xã điều tra như dưới đây.

Từ kết quả phân tích tại 8 xã có thể đánh giá hiện trạng tài chính cho hoạt động dịch vụ thủy lợi của các tổ chức TLCS như sau:

+ Các ban cơ sở kể cả hình thành dựa trên nền tảng HTX thì hoạt động thực tế hiện nay hầu hết chỉ dựa trên dịch vụ thủy lợi công ích. 98% nguồn doanh thu của các tổ chức đến từ kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi công ích của nhà nước, chỉ có ¼ tổ chức có nguồn thu ngoài dịch vụ thủy lợi và ¾ tổ chức hoạt động dịch vụ thủy lợi phụ thuộc hoàn toàn vào  nguồn hỗ trợ DVTL công ích của nhà nước.

+ Các ban cơ sở không thực hiện thu giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi nội đồng. Mặc dù mức thu qui định ở các tổ chức này từ 1-2kg thóc/sào/vụ nhưng việc thu, quản lý kinh phí này do các thôn xóm tự tổ chức thực hiện tùy theo điều kiện công trình và mùa vụ gieo trồng theo điều kiện thực tế ở các thôn, xóm.

+ Thu nhập của cán bộ Ban quản lý bình quân khoảng 25 triệu đồng/người/năm tương ứng với sấp sỉ 2 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này chỉ có tính chất hỗ trợ cho các thành viên BQL chứ không đảm bảo các cán bộ thực hiện với vai trò chuyên trách;

+ Thu nhập của thủy nông viên bình quân là 750 nghìn đồng/người/năm tương ứng với 62 nghìn đồng/người/tháng. Nếu xét trên góc độ diện tích tưới thì bình quân chi phí cho công tác vận hành là 72 ngàn đồng/ha. Trong khi đó, bình quân mỗi TNV phụ trách khoảng 1-2 điểm công trình và 1,65km kênh mương. Với mức thu nhập này là rất thấp không khuyến khích được người dân tích cực tham gia với vai trò thủy nông viên. Chính vì vậy, đội ngũ thủy nông viên ở hầu hết các ban quản lý là trưởng các thôn, xóm trên địa bàn;

  1. Năng lực của tổ chức thủy lợi cơ sở:

Năng lực của tổ chức thủy lợi cơ sở được đánh giá qua thành viên trong bộ máy của tổ chức thủy lợi cơ sở, cán bộ vận hành công trình, thủy nông viên có đủ năng lực đảm nhiệm công việc hay không thông qua các văn bằng chứng chỉ phù hợp hoặc được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực. Theo báo cáo của Ban quản lý CTTL Tuyên Quang (2020), trình độ chuyên môn của các thành viên hoạt động chuyên trách trong các Ban quản lý công trình thủy lợi cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang như sau:

+ Đại học: 116 người (có 11 người học chuyên ngành Thủy lợi).

+ Cao đẳng: 29 người (không có người học chuyên ngành Thủy lợi).

+ Trung cấp: 220 người (có 7 người học chuyên ngành Thủy lợi).

+ Chưa qua đào tạo chuyên ngành: 227 người (hầu hết đã tốt nghiệp THPT và được bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn thuộc các chuyên ngành khác).

– Số thành viên hoạt động chuyên trách đã được cấp chứng nhận bồi dưỡng về nghiệp vụ Thủy lợi: 311 người (gồm: nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi: 218 người; nghiệp vụ quản lý đập, hồ chứa: 93 người).

Kết quả khảo sát năng lực quản lý ở các xã điều tra có 1 cán bộ trung cấp thủy lợi, 16 THPT và 20 người qua lớp đào tạo tập huấn. Đối chiếu với qui định tại Nghị định 67/2018/NĐ-CP về năng lực quản lý công trình hô đập, trạm bơm thì:

+ Tỷ lệ cán bộ trung cấp thủy lợi đạt 0%, mặc dù thống kê chung ở 8 xã có 01 cán bộ trung cấp thủy lợi và yêu cầu là 01 cán bộ trung cấp thủy lợi nhưng thực tế ở xã có yêu cầu trình độ trung cấp thủy lợi nhưng lại không có người trong khi ở xã không yêu cầu bắt buộc thì lại có;

+ Cán bộ có trình độ THPT  đạt 75% theo yêu cầu.

+ Cán bộ đã có chứng nhận đào tạo năng lực quản lý khai thác CTTL chỉ đạt 20% theo yêu cầu.

6. Kết quả đạt được và tồn tại

Tóm lại, đánh giá về thực trạng quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang như sau:

1) Kết quả đạt được:

Tuyên Quang có thể coi là một trong các tỉnh dẫn đầu trong công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi ở miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

– Hệ thống quản lý gồm có Ban quản lý khai thác CTTL Tuyên Quang và các Ban quản ý công trình thủy lợi ở các xã, liên xã (các Ban thủy lợi cơ sở), trong đó Ban quản lý khai thác CTTL Tuyên Quang xây dựng kế hoạch tưới, tiêu và hướng dẫn các Ban quản lý công trình thủy lợi cơ sở quản lý vận hành công trình, xây dựng và thực hiện kế hoạch tưới, tiêu là hợp lý cho vùng MNPB, do năng lực trình độ quản lý của các tổ chức TLCS còn thấp.

– Các Hợp tác xã NLN của Tuyên Quang vốn có từ trước được duy trì để tiếp tục củng cố, đổi mới phát triển gắn với các Ban quản lý CTTL cơ sở để thực hiện tốt dịch vụ thủy lợi

– Hệ thống công trình thủy lợi từ đầu mối đến mặt ruộng đều có chủ quản lý thực sự, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để người hưởng lợi có thể tham gia trực tiếp vào quản lý, khai thác và bảo vệ công trình. Nhờ việc phân cấp, quản lý mà ý thức trách nhiệm của người dùng nước trong việc giám sát, bảo vệ công trình được nâng cao rõ rệt, hạn chế tình trạng phá hoại và lấy nước bừa bãi từ công trình; công trình được kiểm tra theo dõi, phát hiện xử lý kịp thời, góp phần hạn chế tình trạng xuống cấp của công trình.

– Việc rà soát tổng hợp diện tích đề nghị hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hằng năm được thực hiện nhanh chóng, chính xác hơn, thuận lợi cho việc thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và báo cáo Bộ Tài chính theo đúng quy định. Tổ chức thực hiện thanh, quyết toán dứt điểm nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi giữa Ban quản lý khai thác CTTL Tuyên Quang và các Ban quản lý CTTL cơ sở, hồ sơ quyết toán kịp thời, nhanh chóng ngay sau khi kết thúc năm theo đúng quy định. Tránh được tình trạng quyết toán kinh phí không dứt điểm, không đồng bộ….

– Hằng năm dành một phần kinh phí hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi tập trung tại một đầu mối (Ban quản lý khai thác CTTL Tuyên Quang) nên đã thực hiện được việc kiểm định an toàn đập đối với các hồ chứa có chiều cao và dung tích lớn; thực hiện sửa chữa, nâng cấp được nhiều công trình hư hỏng thiết yếu, cấp bách; tránh được tình trạng sử dụng kinh phí manh mún không thực hiện được việc sửa chữa lớn đối với các công trình.

2) Các tồn tại:

Do đặc điểm tự nhiên, hiện trạng công trình thủy lợi, điều kiện kinh tế xã hội đã có những chuyển dịch mới và đặc biệt là việc triển khai thực hiện Luật thủy lợi, công tác quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng tỉnh Tuyên Quang còn có một số vấn đề tồn tại như dưới đây.

Loại hình tổ chức TLCS chưa phù hợp với Luật Thủy lợi:

– Các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật thủy lợi, do ở tỉnh Tuyên Quang toàn bộ các đơn vị thủy lợi cơ sở là các Ban quản lý khai thác CTTL và do UBND cấp xã ra Quyết định thành lập.

– Các Ban quản lý CTTL chưa xây dựng quy chế hoạt động dịch vụ thủy lợi

– Trình độ cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi còn hạn chế. Số cán bộ có chuyên ngành đào tạo về thủy lợi chiếm tỷ lệ thấp, nhiều cán bộ tham gia công tác quản lý, vận hành công trình mới qua tốt nghiệp PTTH, chưa qua đào tạo chuyên ngành, chỉ được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức do vậy chất lượng quản lý công trình còn hạn chế.

Các bất cập về quản lý khai thác CTTL:

– Nguồn thu hiện nay của các Ban quản lý CTTL phụ thuộc gần như hoàn toàn vào kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ thủy lợi công ích của nhà nước chiếm bình quân 98% tổng nguồn thu của các tổ chức TLCS, hầu như không thu được phí dịch vụ thủy lợi nội đồng

– Hầu hết các Ban quản lý CTTL chủ yếu chỉ thực hiện dịch vụ thủy lợi. Ở các Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp, mặc dù đăng ký kinh doanh có từ 3-4 dịch vụ nhưng chỉ có dịch vụ thủy lợi là còn hoạt động. Do chỉ thực hiện dịch vụ thủy lợi nên các HTXNLN không có nguồn thu đẻ hỗ trợ cho công tác vận hành bảo dưỡng công trình thủy lợi

– Cơ chế hỗ trợ sản phẩm dịch vụ thủy lợi của tỉnh tạo điều kiện để tập trung nguồn lực đầu tư vào tu sửa các công trình trọng yếu trên địa bàn và kiên cố hóa kênh mương nhưng có hạn chế là tỷ lệ hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị cơ sở ở mức thấp dẫn tới thu nhập của các thủy nông viên rất hạn chế bình quân chỉ đạt 60 nghìn đồng/người/tháng không khuyến khích được các thủy nông viên tích cực tham gia quản lý khai thác CTTL

– Nhiệm vụ quản lý các công trình hồ đập do các tổ chức TLCS quản lý, nhưng ở một số địa phương nguồn thu từ dịch vụ khai thác lòng hồ do xã quản lý đã không tạo thêm nguồn thu cho công tác vận hành, bảo dưỡng công trình.