KẾT QUẢ XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC SẢN XUẤT TẠI HTX BÀO TRÂM, H.AN BIÊN, KIÊN GIANG

Tác giả: Nguyễn Duy Tiến

 I.   Giới thiệu chung về HTX

HTX Bào Trâm thuộc ấp Bàu Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên có diện tích tự nhiên khoảng 200 ha, với dân số 850 người sinh sống chủ yếu là nghề nông, trong đó dân tộc thiểu số (Khơ me) chiếm khỏang 40%. HTX được đăng kí lần thứ nhất vào ngày 15 tháng 06 năm 2016. HĐQT gồm 05 thành viên; Ban Kiểm soát 02 thành viên; 03 tổ bơm tát, 102 thành viên với vốn điều lệ là 58.482.000đ. Năm 2016, HTX được cục KTHT đầu tư 32 ha tôm lúa đến năm 2018; Mô hình HTX kiểu mới liên kết với doanh nghiệp với tổng số tiền là 1.379 triệu đồng. Hợp tác xã hoạt động chủ yếu về dịch vụ tôm-lúa mặc dù ban đầu HTX đăng ký nhiều loại hình sản xuất kinh doanh gồm: Dịch vụ bơm nước tập trung, phá vỡ đất, dịch vụ thu hoạch lúa, cung ứng giống nông nghiệp và thủy sản, mua bán vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.

II.    Thực trạng hạ tầng và tổ chức sản xuất

2.1. Hệ thống CTTL:

Hệ thống thủy lợi của HTX hiện nay gồm: kênh Thứ 3 (cấp II), kênh Xáng Mới (cấp III) có nhiệm vụ cấp thoát nước cho toàn vùng, ngoài ra còn có 5 kênh ngang cấp và tiêu thoát nội đồng là: kênh Ông Kiểm, kênh Chín Bò, kênh Bà Sượt, kênh Ba Đằng, kênh Ông Thọ và, kênh Thầy Cai. Đầu các kênh đổ ra phía kênh Thứ Ba, trên lộ nhựa đi Nam Yên có cống ngầm F100 cm còn phía kênh Xáng Mới các kênh đều thông ra kênh chưa có cống, HTX đang đắp đập tạm để giữ nước.

Vị trí khu vực sản xuất HTX Bào Trâm

Hệ thống thủy lợi từ trước đến nay chủ yếu phục vụ công tác tưới, tiêu, ngăn mặn và trữ nước mưa phục vụ canh tác 2 vụ lúa. Khi sản xuất trong vùng chuyển đổi sang mô hình canh tác lúa-tôm hệ thống công trình chưa đáp ứng kịp, thiếu tính đồng bộ.

Tuyến đường GTNT đi về trung tâm xã chỉ đủ lưu thông đối với xe ô tô nhỏ và xe thô sơ, chủ yếu là phục vụ cho nhân dân đi lại bằng xe gắn máy, mùa mưa nhiều đoạn rất lầy lội, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa hiện nay và trong tương lai, thiếu đường giao thông từ Kênh Thứ 3 đến kênh Xáng Mới, hiện nay phải đi bộ, khi có mưa bờ đất lầy lội gây khó khăn trong việc thăm đồng và vận chuyển vật tư nông nghiệp ra đồng. Giao thông thủy chủ yếu trên kênh Thứ Ba và kênh Xáng Mới thông với kênh Chống Mỹ và kênh Cán Gáo

2.2. Thực trạng SX

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bào Trâm nằm cạnh kênh xáng Xẻo Rô hiện có 82 ha diện tích sản xuất tôm-lúa và trên 200 ha đất nông nghiệp, thuộc ấp Bàu Trâm xã Nam Yên, huyện An Biên.

Hiện nay hai HTX sản xuất theo mô hình luân canh lúa-tôm: lúa truyền thống giống OM 2517 và ST24 được sử dụng phổ biến năng suất thấp trung bình chất lượng còn khiêm tốn được trồng một vụ mỗi năm trong mùa mưa bằng cách sử dụng nước mưa, sau đó là vụ tôm trong mùa khô, dựa vào nguồn nước mặn từ biển theo kênh Thứ 3, Xẻo Nhào để nuôi tôm được thực hiện theo mô hình quảng canh, không đòi hỏi hoặc ít đòi hỏi thức ăn bổ sung, sản lượng tôm trong khoảng từ 250-300 kg/ha/vụ. Cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức vì vậy hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, người dân chưa mạnh dạn tham gia vào HTX

Hiện trạng canh tác tôm-lúa HTX Bào Trâm

2.3. Tình hình xâm nhập mặn

Nguồn nước mặn phục vụ NTTS thuận lợi, tuy nhiên nguồn nước ngọt trồng lúa không thể chủ động được, phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nguồn nước từ sông Cái Lớn. Hệ thống cống dưới đê biển chưa được xây dựng để bảo vệ sản xuất, hàng năm địa phương phải tiến hành đắp đập tạm để giữ nước gây hiện tượng ô nhiễm phía trong các đập. Trong khu vực sản xuất, nguồn nước mặt bị ô nhiễm nhẹ, chủ yếu là ô nhiễm do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh.

Phần lớn diện tích là đất phèn và phèn mặn, sau một mùa khô kéo dài đất đai bị nứt nẻ và quá trình ôxy hóa trong đất diễn ra nhanh, đầu mùa mưa, nước mưa rửa trôi và đẩy phèn xuống kênh rạch làm cho hầu hết nước trong các kênh rạch trong vùng bị nhiễm phèn nặng, thời điểm này mưa chưa nhiều nên thời gian nhiễm phèn kéo dài gây tác hại rất lớn đến các loại cây trồng và vật nuôi. Kết quả đo giá trị pH thời điểm tháng 02/2019 được ghi nhận tại các vị trí lấy mẫu của cả hai khu vực dự kiến đặt mô hình đều tương đối ổn định, dao động từ 6,48- 7,02, không có sự sai khác nhiều tại các vị trí lấy mẫu và các thời điểm lấy mẫu. Giá trị pH cho thấy nguồn nước hoàn toàn không bị nhiễm phèn và nằm trong quy chuẩn chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/ BTNMT loại A1).

Tình hình hạn hán: mùa khô, lượng mưa ở vùng dự án chỉ chiếm khoảng 5% lượng mưa năm, nguồn nước ngọt sông Hậu dẫn về qua các kênh nối sông Hậu với Cái Lớn – Cái Bé chưa đủ khả năng cấp ngọt và đẩy mặn, vì thế tình hình hạn hán ở đây xảy ra rất trầm trọng. Ngay cả trong mùa mưa, tuy có lượng mưa lớn nhưng do không có công trình giữ nước nên khi dứt mưa, mặn xâm nhập vào các kênh nội động, dẫn đến không có nước tưới. Trung bình trong mùa mưa thường xảy ra 3-6 đợt hạn 7 ngày, từ 1-2 đợt hạn 10 ngày.

Xâm nhập mặn: toàn bộ vùng ven biển chưa được khép kín, còn nhiều cửa sông đổ ra biển nên vào mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn luôn diễn ra nghiêm trọng thông qua sông Cái Lớn, Cán Gáo và các kênh nối ra biển Tây, như kênh Thứ 2, thứ 3, thứ 5. Thời gian bị nhiễm mặn khoảng 4-6 tháng, tùy thuộc từng vị trí, xuất hiện vào tháng XII đến cuối tháng V; vào các tháng mùa kiệt, hầu như toàn bộ diện tích vùng có độ mặn vượt 4g/lít. Kết quả khảo sát tháng 02/2019 cho thấy nguồn nước trong vùng nghiên cứu khá mặn, giá trị EC ghi nhận được tại các điểm lấy mẫu ở khu vực An Biên là 3,0-18,3‰.

2.4. Khó khăn, tồn tại về Công trình thủy lợi, Sản xuất

Với thực trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất mô hình tôm-lúa hiện nay là chưa đảm bảo, cụ thể: hệ thống ao, ruộng nuôi chưa có ao lắng, hệ thống kênh mương cấp thoát nước chưa được bố trí khoa học, cấp thoát chung làm cho chất lượng nước thấp, dễ lấy nhầm nước mang mầm bệnh, hiện trạng hầu hết bị bồi lắng nên giảm khả năng trữ nước mưa. Tình trạng triều cường, nước biển dâng thường xuyên xảy ra làm mất rừng, sạt lở đê biển, phá vỡ các bờ bao NTTS, gây ô nhiễm môi trường đất và nước, lan truyền dịch bệnh,… ảnh hưởng và gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và điều kiện phát triển kinh tế của người dân. Bên cạnh đó, do không có các thông tin dự báo chất lượng nước, hạ tầng thủy lợi chưa đủ năng lực kiểm soát nước chủ động nên lịch thời vụ sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết

  • HTX gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, kiểm soát hạn-mặn (công trình & quản lý)
  • Quá trình chuyển đổi đất 2 lúa sang 1 tôm, 1 lúa gặp khó khăn do 1 số thành viên chưa đồng thuận
  • Công tác quản lý HTX gặp nhiều khó khăn (quy chế hoạt động), đặc biệt trong tiếp cận thị trường
  • Quy mô HTX chưa đủ lớn trong cả tiêu thụ lúa và tôm

III.     Kết quả hỗ trợ xây dựng mô hình tổ chức sản xuất

Sau khi điều tra đánh giá, phân tích công tác sản xuất, thực trạng hệ thống công trình thủy lợi, kiểm soát hạn-mặn, nhóm nghiên cứu nhận thấy để nhân rộng được mô hình sản xuất nhằm tiêu thụ được sản phẩm thì mô hình HTX là mô hình phù hợp với nhu cầu và sự phát triển hiện nay, mô hình HTX là mô hình có đầy đủ tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản nên việc thực hiện kết nối với các doanh nghiệp sẽ đảm bảo độ tin cậy. Để thực hiện xây dựng mô hình tổ chức sản xuất, hỗ trợ các bước xây dựng, mở rộng quy mô hợp tác xã theo quy định của Luật Thủy lợi và Luật HTX

Sau quá trình dự thảo xây dựng khung quy chế, dự thảo quy chế hoạt động của HTXNN Bào Trâm và tiến hành các bước thành lập/củng cố HTX. Kết quả tổ chức Đại hội với thành viên HTXNN Bào Trâm đạt được thống nhất  thông qua điều lệ, quy chế hoạt động của HTX, thông qua được số lượng thành viên tham gia vào HTX là 89 thành viên. HTX đã tổ chức, cơ cấu lại bộ máy trên tình thần tinh gọn, hiệu quả. Các dịch vụ của HTX sẽ được mở rộng và đi vào hoàn chỉnh, gồm:

+ Dịch vụ bơm chung

+ Dịch vụ bao tiêu sản phẩm

+ Dịch vụ: Hợp đồng làm đất:

+ Dịch vụ: Hợp đồng thu hoạch:

+ Dịch vụ khác

IV.    Kết luận và kiến nghị

Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn là vấn đề bức xúc, nhất là khi quá trình hội nhập kinh tế đòi hỏi phải tổ chức lại cơ bản nền sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu để đồng thời thỏa mãn yêu cầu về số lượng và chất lượng của người tiêu dùng. Các mô hình tổ chức sản xuất đã dần được hình thành trong vùng chuyển đổi đất 2 lúa thành diện tích đất tôm-lúa, tuy nhiên, các HTX/THT vẫn còn hoạt động nhỏ lẻ mang tính tự phát, chưa hình thành được phong cách làm ăn theo cơ chế thị trường, do đó việc kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Để hỗ trợ hơn nữa việc liên kết sản xuất của hộ nông dân, nhằm xây dựng thương hiệu, xây dựng được quy trình sản xuất chung, tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn nhằm đáp ứng yêu cầu từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhóm đề tài đã hỗ trợ Hợp tác xã xây dựng thành công  HTX NN Bào Trâm nhằm nâng cao năng lực HTX, nâng cao khả năng điều hành HTX và xây dựng được nề nếp hoạt động của HTX và các thành viên.

Một số hình ảnh các bước hỗ trợ thành lập mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở tại An Biên, tỉnh Kiên Giang

Tổ chức họp lấy ý kiến và thống nhất quy chế HTX Bào Trâm

Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát HTXNN Bào Trâm ra mắt trước Đại hội