HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH QUẢN LÝ RỪNG NGẬP MẶN DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG CHO VÙNG VEN BIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Trần Chí Trung, Đinh Vũ Thùy

Tóm tắt

Rừng ngập mặn giữ vai trò quan trọng và then chốt trong việc bảo vệ bờ biển, chống xói lở bờ biển, chống gió bão, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho cộng đồng dân cư ven biển. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn đã gây nên thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, do vậy quản lý và sử dụng rừng ngập mặn bền vững được xem là một trong nhiều giải pháp có tính bền vững. Trên cơ sở đánh giá thực trạng quản lý rừng ngập mặn, nghiên cứu này đã đề xuất mô hình quản lý bền vững rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng cho vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng thí điểm mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng ở ấp Xẻo Lá A, tỉnh Kiên Giang. Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy mô hình này là mô hình phát triển sinh kế hợp lý về sinh thái nhưng vẫn đảm bảo quản lý rừng bền vững.

Từ khóa: Rừng ngập mặn, quản lý rừng bền vững rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng.

  1. Đặt vấn đề

Rừng ngập mặn (RNM) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo chức năng phòng hộ, phòng chống sạt lở, xói mòn đất, xói mòn bờ biển, bảo vệ đê biển, môi trường sinh thái, cuộc sống và sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển. Rừng ngập mặn không chỉ là công cụ hữu hiệu giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) mà còn đem lại lợi ích kinh tế và hỗ trợ sinh kế bền vững. Tuy nhiên, RNM vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCK) đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do sạt lở bờ biển và việc giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản. Trong những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề sạt lở bờ biển đang xảy ra rất nghiêm trọng ở vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều khu vực thường xuyên bị xói lở, với tốc độ lấn sâu vào đất liền từ 5-45 m/năm, trên tổng chiều dài khoảng 250km (Viện Khoa học Thủy lợi Miền nam, 2017). Sự thay đổi dòng chảy ven bờ và tác động của triều cường dâng cao bất thường kết hợp với sóng biển đã làm cho rừng phòng hộ trước tuyến đê biển đã bị thu hẹp dần, có những vị trí rừng phòng hộ trước đê bị mất hoàn toàn, có những cây mắm cao 4 – 5 m vẫn bị sóng cuốn trôi cả gốc ra biển. Sạt lở bờ biển cũng là một tác nhân làm cho tình trạng suy giảm RNM đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi lẫn quy mô. Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1980 – 1995 các tỉnh ĐBSCL đã bị mất 72.825 ha rừng, bình quân hàng năm bị mất 4.855 ha với tốc độ 5%/năm (Tổng cục Lâm nghiệp, 2012). Chỉ tính riêng trong 5 năm (2011-2016), diện tích RNM toàn vùng đã giảm khoảng 15.339ha (gần 10%), từ 194.723ha năm 2011 xuống còn 179.384ha vào năm 2016 (Bộ NN&PTNT, 2017). Khi chiều rộng đai rừng phòng hộ càng bị  giảm thì quá trình xói lở sẽ diễn ra càng nhanh do vậy khi RNM tự nhiên được bảo vệ hoặc các rừng trồng đủ rộng sẽ tạo thành những bức tường vững chắc, bảo vệ bờ biển, đê biển khỏi bị xói lở do bão lụt và nước biển dâng. Từ đó có thể thấy xói lở bờ biển và suy thoái RNM là nguy cơ lớn đến an toàn hệ thống đê biển, gây nên thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội và môi trường cho vùng ven biển. Trong bối cảnh BĐKH đang tác động sâu vào đời sống kinh tế – xã hội hiện nay thì quản lý và sử dụng RNM bền vững được xem là một trong nhiều giải pháp có tính bền vững.

  1. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Nội dung nghiên cứu

– Đánh giá thực trạng quản lý RNM, từ đó đề xuất mô hình quản lý bền vững RNM dựa vào cộng đồng cho vùng ven biển ĐBSCL.

– Xây dựng thí điểm mô hình quản lý bền vững RNM dựa vào cộng đồng, đánh hiệu quả của mô hình.

– Đề xuất giải pháp phát triển quản lý RNM bền vững dựa vào cộng đồng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Áp dụng các phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (PRA), phát triển cộng đồng có sự tham gia của người dân để điều tra đánh giá thực trạng quản lý RNM và xây dựng thí điểm mô hình quản lý bền vững RNM dựa vào cộng đồng.

– Phương pháp chuyên gia được áp dụng để lấy ý kiến các chuyên gia từ các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ và các nhà khoa học về mô hình quản lý RNM dựa vào cộng đồng.

  1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Thực trạng quản lý RNM vùng ĐBSCL

Phương thức giao khoán bảo vệ rừng được thực hiện phổ biến ở vùng ĐBSCL là các chủ rừng, như Ban quản lý rừng phòng hộ hay Chi cục kiểm lâm giao khoán rừng cho các hộ gia đình trực tiếp quản lý và bảo vệ theo đúng quy định về giao khoán bảo vệ rừng được quy định tại Nghị định số 168 của Chính phủ và các quy chế về quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Các hộ nhận giao khoán theo hình thức hợp đồng giao khoán giữa chủ rừng và các hộ. Hợp đồng giao khoán quản lý và bảo vệ rừng có thời hạn 20 năm. Theo quy định, các hộ được phép sử dụng 30% mặt nước để nuôi trồng thủy sản (NTTS) (đối với rừng phòng hộ, rừng sản xuất), không được NTTS trong rừng đặc dụng, các hộ dân được hưởng một phần sản phẩm trên đất rừng nhận khoán. Kinh phí chi trả khoán bảo vệ rừng ở các tỉnh cũng rất khác nhau, có tỉnh không có kinh phí chi trả, hay kinh phí khoán bảo vệ không đủ cho diện tích giao khoán bảo vệ rừng do nguồn kinh phí này không ổn định hàng năm.

Kết quả điều tra đánh giá thực trạng quản lý RNM ở vùng ĐBSCL cho thấy thực hiện cơ chế giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân hiện nay, sự tham gia của cộng đồng còn mang tính hình thức và phong trào, chưa góp phần tạo ra động lực cho quản lý rừng bền vững (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, 2017). Các hoạt động khai thác trái phép, xâm hại, chặt phá rừng, khai thác tận diệt rừng và đất rừng còn xảy ra ở nhiều địa phương do nhu cầu sử dụng đất đai và gỗ củi, đặc biệt là nhu cầu sử dụng đất để NTTS. Nhiều hộ nhận khoán sử dụng quá 30% diện tích để đào kênh mương NTTS theo quy định, thậm chí có nơi tỷ lệ này tới 40-50%. Do lợi nhuận của hoạt động nuôi tôm cao hơn nhiều so với thu nhập từ rừng nên người dân có xu hướng mở rộng diện tích kênh mương để nuôi tôm, trong khi lại thiếu các biện pháp quản lý kết hợp với việc xây dựng mô hình sinh kế ổn định và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên. Việc phát triển diện tích nuôi tôm trong RNM ở các tỉnh ĐBSCL là một tác nhân gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến công tác quản lý quy hoạch và khai thác bền vững nguồn tài nguyên ven biển. Nuôi tôm đem lại lợi ích kinh tế nhanh, nhưng hậu quả là làm suy giảm thảm rừng ngập mặn, làm biến đổi môi trường đất, môi trường nước và môi trường sinh thái. Việc quản lý nuôi trồng thủy sản trong RNM chưa được chặt chẽ, còn gây ra không ít hệ lụy cho rừng như bơm nước ngập sâu dẫn đến cây rừng bị chết. Chủ hộ nhận khoán khi làm cây chết do ngập nước, bật gốc, đứt rễ dẫn đến cây chết chưa có chế tài xử lý hiệu quả. Việc quản lý bảo vệ rừng còn một số khó khăn do ở vùng ven biển còn nhiều hộ dân sống dựa hoàn toàn vào thiên nhiên và rừng ngập mặn, nên việc tự do vào trong rừng bắt tôm, ngao, ốc làm cho cây bị trốc rễ khó phát triển. Việc giao quyền bảo vệ rừng cho cấp chính quyền cơ sở chưa đủ mạnh để phát huy hiệu quả, chỉ mang tính giáo dục, vận động, mọi việc xử phạt, cưỡng chế do lực lượng kiểm lâm thực hiện, nên hiệu quả chưa cao. Ý thức bảo vệ, quản lý và phát triển rừng của một bộ phận dân cư còn thấp dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để nuôi tôm vẫn còn tiếp diễn.

3.2. Mô hình quản lý bền vững RNM dựa vào cộng đồng

Quản lý rừng bền vững là cách quản lý đảm bảo được các lợi ích lâu dài, bền vững về kinh tế, xã hội, và môi trường cho con người cả ở thế hệ hiện tại và các thế hệ trong tương lai. Quản lý rừng bền vững phải đảm bảo ba mục tiêu cơ bản là: (i) Giữ vững sản xuất lâm nghiệp ổn định và phát triển lâu dài, đạt hiệu quả kinh tế cao; (ii) Bảo vệ và duy trì được diện tích và năng suất của rừng, không gây ô nhiễm môi trường sống; (iii) Góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của địa phương như tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập. Quản lý rừng dựa vào cộng đồng là sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với cộng đồng địa phương trong việc quản lý rừng mà cộng đồng được hưởng lợi (UNCN, 2014). Hay nói cách khác, quản lý rừng dựa vào cộng đồng là dựa vào những gì cộng đồng đã, đang và sẽ có và những hiểu biết của họ về tài nguyên môi trường khu vực quản lý, về tình trạng khai thác, sử dụng nguồn lợi, về tình hình kinh tế, xã hội, về văn hóa truyền thống và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Sự tham gia của cộng đồng có thể là tham gia hình thức và tham gia thực sự, khi tham gia thực sự thì các bên sẽ được đảm bảo về quyền, có được tiếng nói trong các quyết định. Sự tham gia của cộng đồng sẽ phát huy tính tương trợ cộng đồng do nhận thức của người dân dần thay đổi sẽ giải quyết khắc phục được các mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân hay giữa chủ rừng và người dân. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng còn gặp những rào cản về lợi ích kinh tế, văn hoá, năng lực và thể chế tạo điều kiện cho sự tham gia.

Gần đây, một số mô hình quản lý, bảo vệ bền vững RNM dựa vào cộng đồng được thành lập chủ yếu do sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, như mô hình tổ tự quản quản lý tổng hợp RNM ở Cần Giờ (UNCN, 2015) hay các mô hình đồng quản lý RNM ở Sóc Trăng (GTZ, 2010; Richard Lloyd, 2010). Các mô hình này vừa có ý nghĩa đối với sinh kế, văn hoá của người dân địa phương, vừa có tác dụng tích cực về môi trường, sinh thái. Tuy nhiên, các mô hình này còn phụ thuộc nhiều vào các trợ giúp kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế, không có cơ chế ràng buộc pháp lý lâu dài (GTZ, 2017), nên một số mô hình đến nay đã bộc lộ các hạn chế, thiếu nguồn tài chính cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Trên cơ sở áp dụng cách tiếp cận quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng và trao đổi, thảo luận với các Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ, cộng đồng dân cư, nghiên cứu này đề xuất mô hình tổ quản lý, bảo vệ rừng là mô hình quản lý RNM dựa vào cộng đồng gắn với phát triển sinh kế bền vững có thể áp dụng trên diện rộng cho vùng ĐBSCL (Hình 1).

                                                                               Hình 1. Mô hình Tổ quản lý, bảo vệ rừng

     – Tổ quản lý bảo vệ rừng: Tổ quản lý bảo vệ rừng có thể được thành lập theo quy mô ấp, liên ấp hay xã, đại diện cho những người dân trong cộng đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng. Số lượng thành viên của Tổ quản lý, bảo vệ rừng gồm 3 – 5 người do các thành viên trong ấp bầu ra, gồm Tổ trưởng và các tổ viên là thành viên là các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Tổ quản lý bảo vệ rừng xây dựng quy chế hoạt động, quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và trách nhiệm và tài chính cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng, quy chế hoạt động cần được thông qua hội nghị đại biểu các thành viên, được UBND xã xác nhận.

     – Bảo vệ rừng: Tổ quản lý bảo vệ rừng có thể thực hiện quản lý bảo vệ rừng phòng hộ xung yếu rừng phụ) và rừng phòng hộ rất xung yếu (đai rừng chính). Đối với khu rừng phòng hộ xung yếu, Tổ quản lý bảo vệ rừng có nhiệm vụ phối hợp với chủ rừng như ban quản lý rừng phòng hộ hay Hạt kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng. Đối với rừng phòng hộ rất xung yếu, Tổ quản lý bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo về rừng thông qua hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với chủ rừng.

  • Phát triển sinh kế: Để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, các tổ quản lý bảo vệ rừng cần gắn hoạt động quản lý bảo vệ rừng với phát triển sinh kế để tăng thu nhập cho người dân và là động lực để cộng đồng tham gia. Các hình thức tổ chức cộng đồng liên kết để phát triển sinh kế phù hợp như Nhóm sở thích hay các Hợp tác xã (HTX) NTTS dưới tán rừng để phát triển sinh kế nhưng vẫn đảm bảo quản lý bền vững RNM ven biển.

3.3. Hiệu quả của mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng rừng

3.3.1. Xây dựng thí điểm mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng ấp Xẻo Lá A

Mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng ấp Xẻo Lá A là Tổ quản lý bảo vệ rừng gắn với Hợp tác xã (HTX) NTTS được thí điểm thành lập từ tháng 5/2019 (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, 2019). Các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình là thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng, xây dựng quy chế hoạt động và tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng quản lý bền vững rừng. Tổ quản lý bảo vệ rừng gồm 3 người là lãnh đạo và thành viên của HTX được cộng đồng bầu ra, đại diện cho các hộ dân ở ấp Xẻo Lá A. Tổ chức quản lý bảo vệ rừng xây dựng quy chế hoạt động được thông qua hội nghị đại biểu các thành viên và được UBND xã xác nhận.

– Bảo vệ rừng: Tổ quản lý bảo vệ rừng tham gia bảo vệ khu rừng phòng hộ xung yếu (đai rừng phụ) và có kế hoạch nhận giao khoán bảo vệ rừng rất xung yếu. Đối với khu rừng phòng hộ xung yếu có diện tích 100 ha, các hoạt động tham gia bảo vệ rừng là: (i) Tuyên truyền hướng dẫn, quản lý, bảo vệ khu rừng; (ii) Phối hợp, hỗ trợ Ban quản lý rừng, Hạt Kiểm lâm trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn; (iii) Kịp thời báo cáo với UBND xã, Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ các vi phạm về bảo vệ rừng phòng hộ, tình hình hoạt động quản lý bảo vệ rừng được giao. Các thành viên của Tổ quản lý bảo vệ rừng đã thống nhất kế hoạch thực hiện nhận giao khoán bảo vệ rừng rất xung yếu (20 ha). Hiện nay Ban quản lý rừng đang rà soát lại diện tích, xây dựng kế hoạch để giao khoán quản lý bảo vệ rừng khu vực này cho Tổ quản lý bảo vệ rừng thực hiện vào năm 2020. Ở mô hình này, Hợp tác xã Thắng Lợi được thành lập có ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là cung cấp sò huyết giống và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.

– Phát triển sinh kế:  HTX Thắng lợi đã giúp các thành viên liên kết, tương trợ nhau trong việc cung cấp sò huyết giống và kỹ thuật nuôi sò huyết để nâng cao năng suất chất lượng thủy sản, qua đó sản phẩm sò huyết của HTX đã được đăng ký thương hiệu ở tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, HTX đã thống nhất kế hoạch nhận 100 ha bãi bồi để nuôi sò huyết giống và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay HTX đã làm các thủ tục với các cơ quan chức năng để thực hiện đánh bắt và nuôi trồng sò huyết giống vào năm tới.

3.3.2. Hiệu quả của mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng ấp Xẻo Lá A

Hiệu quả và tính bền vững của mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng ấp Xẻo Lá A được đánh giá qua các tiêu chí đánh giá về bảo vệ và duy trì được diện tích, năng suất của rừng, bảo vệ môi trường và góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của địa phương như tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng. Kết quả xác định các tiêu chí đánh giá hiệu quả ban đầu và tính bền vững của mô hình được thể hiện ở bảng 1.

 

                                        Bảng 1. Đánh giá hiệu quả và tính bền vững của mô hình
                                                        Tổ quản lý bảo vệ rừng ấp Xẻo Lá A
TT Tiêu chí Kết quả xác định các tiêu chí
1 Sự tham gia của cộng đồng –   Cộng đồng tham gia bầu cử và xây dựng quy chế hoạt động của Tổ của quản lý bảo vệ rừng

–   Cộng đồng được tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý bền vững rừng

2 Duy trì diện tích rừng ngập mặn –   Tỷ lệ diện tích NTTS trong rừng phòng hộ đảm bảo theo quy định (30%)

–   Không xảy ra các hành vi vi phạm quy chế quản lý và sử dụng bền vững RNM

3 Bảo vệ rừng kết hợp với phát triển sinh kế –   Thực hiện bảo vệ rừng kết hợp với các hoạt động NTTS của HTX (Sò huyết, tôm, cua dưới tán rừng).

–   Kế hoạch nhận 100 ha bãi bồi để nuôi sò huyết giống và khai thác tài nguyên thiên nhiên

Thu nhập từ sò huyết hiệu quả gấp 1,5 – 2 lần so với nuôi tôm cua

4 Bảo vệ môi trường –   Gần như không còn các hoạt động khai thác trái phép, xâm hại, chặt phá rừng hay các hoạt động khai thác tận diệt.

–   Không có các hoạt động gây ô nhiễm môi trường như để nước ngập lâu, ứ đọng sử dụng thức ăn, hóa chất trong NTTS trong khu rừng ngập mặn

–   Không có các hoạt động gây hại hoặc xói mòn bờ biển

5 Có nguồn tài chính bền vững –  Nguồn thu từ nhận giao khoán bảo vệ khu rừng phòng hộ rất xung yếu (mức khoán 450.000 đ/ha/năm)

– Nguồn thu từ hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, nuôi sò huyết giống ở vùng bãi bồi.

Kết quả xác định các tiêu chí ở bảng 1 cho thấy mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng đã quản lý, bảo vệ tốt RNM gắn với phát triển sinh kế bền vững. Sự tham gia của cộng đồng phát huy tính tương trợ cộng đồng do nhận thức của người dân dần thay đổi giải quyết khắc phục được các mâu thuẫn giữa chính quyền, chủ rừng và người nhận giao khoán bảo vệ rừng. Tổ quản lý bảo vệ rừng đã phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý rừng phòng hộ trong việc tuần tra bảo vệ rừng, không xảy ra các hành vi vi phạm quy chế quản lý và sử dụng bền vững RNM. Người dân ý thức và đoàn kết hơn trong việc bảo vệ rừng, duy trì diện tích đào mương NTTS theo quy định (30%), ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác và sử dụng rừng trái phép, không xảy ra hiện tượng vi phạm chặt phát rừng, gần như không còn các hoạt động khai thác trái phép, xâm hại, chặt phá rừng hay các hoạt động khai thác tận diệt. HTX đã giúp các thành viên liên kết, tương trợ nhau trong việc cung cấp sò huyết giống và kỹ thuật nuôi sò huyết để nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Thực hiện NTTS  theo mô hình sinh thái, các hộ dân không sử dụng thức ăn tăng trọng, việc lấy nước nuôi trồng thủy sản được kiểm soát chặt thời gian giữ nước trong rừng, không có các hoạt động gây ô nhiễm môi trường như để nước ngập lâu, ứ đọng sử dụng thức ăn, hóa chất trong NTTS trong khu rừng ngập mặn. Năng suất sò huyết đạt 1,5-2 tấn/ha/năm, năng suất tôm và cua khoảng 200-300 kg/ha/năm, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí của các hộ là 40-50 triệu/ha/năm. Riêng thu nhập từ sò huyết hiệu quả gấp 1,5-2 lần so với nuôi tôm cua phổ biến hiện nay. Mức thu nhập này đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng, gắn bó với rừng. Hiện nay, Tổ quản lý bảo vệ rừng tham gia phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ để bảo vệ khu rừng xung yếu trên tinh thần tự nguyện, gắn bảo vệ rừng với hoạt động NTTS  do theo quy định của tỉnh Kiên Giang thì các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng ở khu rừng phòng hộ xung yếu không được hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ rừng. Theo kế hoạch, Tổ quản lý bảo vệ rừng sẽ có nguồn thu cho bảo vệ rừng khu rừng phòng hộ rất xung yếu (mức khoán hiện nay là 450.000 đ/ha/năm) thông qua hợp đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng với Ban quản lý rừng phòng hộ và nguồn thu từ hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, nuôi sò huyết giống ở vùng bãi bồi. Các nguồn thu ổn định từ nhận khoán bảo vệ rừng và một phần từ hoạt động sinh kế dưới tán rừng là yếu tố quyết định đến tính bền vững của mô hình này.

3.3.3. Thành công, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của mô hình

Mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng ấp Xẻo Lá A đã khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng gắn với sinh kế bền vững, nhờ đó đã góp phần cải thiện được mối quan hệ hợp đồng giao khoán giữa Ban quản lý rừng phòng hộ và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Tổ quản lý bảo vệ rừng được các thành viên bầu ra, quy chế hoạt động được thông qua hội nghị đại biểu các thành viên, được UBND xã xác nhận là các yếu tố quan trọng để triển khai các hoạt động giám sát bảo vệ rừng, cũng như phát huy hiệu lực trong xử lý vi phạm. Tổ quản lý bảo vệ rừng gắn với HTX Thắng Lợi NTTS  dưới tán rừng để phát triển sinh kế đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập tạo động lực cho các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng gắn bó với rừng và có ý thức, trách nhiệm hơn trong bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng ấp Xẻo Lá A cũng còn một số hạn chế. Tổ quản lý bảo vệ rừng thực hiện bảo vệ khu rừng phòng hộ xung yếu (đai rừng phụ) nhưng không nhận được kinh phí giao khoán bảo vệ rừng theo quy định của tỉnh Kiên Giang. HTX đã chủ động tiếp cận với một số doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, nhưng do sản lượng không lớn nên chưa liên kết được với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, do vậy mà sản phẩm thủy sản mới được tiêu thụ ở thị trường địa phương.

3.3.4. Giải pháp phát triển quản lý RNM bền vững dựa vào cộng đồng

Từ kết quả đánh giá hiệu quả ban đầu của mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng ấp Xẻo Lá A cho thấy khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng gắn với sinh kế bền vững là giải pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững dựa vào cộng đồng. Để thúc đẩy cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng, một số giải pháp được đề xuất như sau:

– Các địa phương cần có cơ chế khuyến khích phát triển các tổ quản lý bảo vệ rừng, như hỗ trợ kinh phí giao khoán bảo vệ rừng xung yếu; thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò RNM, quản lý bền vững RNM, hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật về NTTS bền vững dưới tán rừng và hỗ trợ tổ chức sản xuất.

– Để hỗ trợ cho các tổ quản lý bảo vệ tham gia quản lý, bảo vệ RNM hiệu quả cần có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các ban ngành chức năng như Ban quản lý rừng, Hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương.

  1. Kết luận

Mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng là mô hình quản lý RNM dựa vào cộng đồng, góp phần cải thiện được mối quan hệ hợp đồng giao khoán giữa Ban quản lý rừng phòng hộ và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy mô hình Tổ quản lý bảo vệ rừng ấp Xẻo Lá A, phát huy sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển sinh kế hợp lý về sinh thái nhưng vẫn đảm bảo quản lý rừng bền vững. Thực hiện bảo vệ rừng kết hợp với các hoạt động phát triển sinh kế cho cộng đồng giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động để tạo động lực cho các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng gắn bó với rừng và có trách nhiệm hơn trong bảo vệ rừng. Tổ quản lý bảo vệ rừng có thể áp dụng rộng rãi cho các địa phương, tuy nhiên việc thành lập các HTX NTTS  phù hợp cho các địa phương mà cộng đồng có trình độ sản xuất, năng lực quản lý, có khả năng đầu tư. Để thúc đẩy cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích phát triển các tổ quản lý bảo vệ rừng, như hỗ trợ kinh phí giao khoán bảo vệ rừng xung yếu; thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và cần có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các ban ngành chức năng như Ban quản lý rừng, Hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (2017). Báo cáo kết quả đánh giá thực trạng quản lý RNM vùng ven biển ĐBSCL. Đề tài “Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm quản lý bền vững bờ biển ĐBSCL”.
  2. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (2017). Báo cáo kết quả đánh giá thực trạng xói lở bờ biển vùng ven biển ĐBSCL.
  3. Tổng cục Lâm nghiệp (2012). Báo cáo kết quả công tác lâm nghiệp tại hội nghị tổng kết năm 2012.
  4. Bộ Nông nghiệp và PTNT (2017). Báo cáo về tình hình xói lở bờ biển và suy thoái RNM khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
  5. UNCN (2015). Báo cáo kết quả dự án quản lý tổng hợp RNM tại Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh.
  6. UNCN (2014). Sổ tay kỹ năng thúc đẩy cộng đồng tham gia quản lý rừng. Nhà xuất bản Hồng Đức.
  7. GTZ (2010). Một số nhận định về đồng quản lý và quản trị rừng tại Việt Nam. Báo cáo tại hội thảo về đồng quản lý tổ chức tại Sóc Trăng, 17-19, 2010.
  8. Richard Lloyd (2010). Đồng quản lý tại ấp Âu Thọ B – Một thử nghiệm thí điểm cho vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng.
  9. GTZ (2017). Báo cáo mô hình đồng quản lý RNM ở tỉnh Sóc Trăng.
  10. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (2019). Báo cáo kết quả xây dựng mô hình quản lý RNM dựa vào cộng đồng ở vùng ven biển ĐBSCL. Đề tài “Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm quản lý bền vững dải bờ biển ĐBSCL.

                                                                                                                                                  Nguồn: Tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn