Ngày 24/9/2023, Sở KH&CN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ đề tài: “Ứng dụng công nghệ WEBGIS phục vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực khai thác công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai tỉnh Hòa Bình”. Đề tài do Trung tâm tư vấn Quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân (Trung tâm tư vấn PIM) đăng ký chủ trì thực hiện.

Hà Thị Thu – Trung tâm tư vấn PIM

Tham dự hội nghị có Hội đồng khoa học gồm TS. Đỗ Hải Hồ– GĐ Khoa học và công nghệ tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch hội đồng; KS. Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&CN tỉnh Hòa Bình, Phó chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên phản biện gồm: KS. Trần Quốc Toản – Chi cục Trưởng chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT, Ths. Hoàng Anh Vũ – Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu Trí tuệ, phản biện; và các ủy viên hội đồng đến từ các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Sở KH&CN Hòa Bình cũng cử đại diện các phòng, ban chuyên môn tham dự họp. Về phía Trung tâm tư vấn PIM có ThS. Đinh Vũ Thùy  – Thư kí đề tài và các thành viên thực hiện.

Tại hội nghị, ThS. Đinh Vũ Thùy thay mặt Trung tâm tư vấn PIM trình bày sự cần thiết, mục tiêu và các nội dung chính của đề tài: “Ứng dụng công nghệ WEBGIS phục vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực khai thác công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai tỉnh Hòa Bình.” Đề tài được UBND tỉnh Hòa Bình đặt hàng nghiên cứu với định hướng mục tiêu là Ứng dụng công nghệ WEBGIS xây dựng phần mềm quản lý, tích hợp, kết nối thông tin kỹ thuật số phục vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của đề tài được nhóm nghiên cứu đề xuất gồm có:

  • Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống hồ chứa, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai;
  • Xây dựng phần mềm có chức năng quản lý, thống kê, tổng hợp, xử lý các thông tin về công trình thủy lợi, phục vụ công tác quản lý nhà nước về thủy lợi và phòng chống thiên tai;
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu hồ chứa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình là một tỉnh có lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch nông thôn đa dạng; diện tích đất tự nhiên lớn: đất nông nghiệp chiếm 14,03%, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm cho hơn 80% dân cư nông thôn. Về lĩnh vực thủy lợi – PCTT, tỉnh có hệ thống công trình thủy lợi nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình, phân bố rộng khắp trên địa bàn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng đã được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp &PTNT quan tâm, chú trọng và mới đang được triển khai bước đầu. Về lĩnh vực thủy lợi – PCTT, hiện đang sử dụng hệ thống cảnh báo phòng chống thiên tai với thông tin mưa được cập nhật theo giờ để hỗ trợ trong theo dõi, cảnh báo, chỉ đạo trong công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh được tích hợp trên hệ thống thông tin quốc gia tại trang điện tử Vinarain.vn. Tuy nhiên công tác quản lý, khai thác số hóa còn nhiều bất cập, cần được giải quyết theo yêu cầu phát triển của ngành, của tỉnh, cụ thể:

– Dữ liệu về công trình được cập nhật từ những năm 2006-2007, đến nay đã có nhiều thay đổi. Mặt khác, công nghệ lưu trữ, số hóa dữ liệu (phần mềm Mapinfo) còn tồn tại nhiều hạn chế trong quản lý, xử lý, cập nhật thông tin.

– Hồ sơ, lý lịch công trình chủ yếu được quản lý bằng thủ công (dưới dạng văn bản, giấy) nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, dễ thất lạc, khó kiểm soát.

– Công tác phối hợp giữa các ngành, đặc biệt là trong công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ môi trường cơ bản còn theo phương pháp cũ (công văn, văn bản giấy), dữ liệu ngành nào do ngành đó quản lý, gây chậm trễ trong chia sẻ, xử lý thông tin cấp bách.

Với đặc thù phức tạp về công trình, mô hình quản lý, cùng với sự thay đổi về cơ chế chính sách (Luật Thủy lợi 2017), công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi và phòng chống lụt bão của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặt ra yêu cầu về đổi mới, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác quản lý.

Chính vì vậy, đề tài “Ứng dụng công nghệ WEBGIS phục vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai tỉnh Hòa Bình” là cần thiết, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh tái cơ cấu, chuyển đổi số, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước và phù hợp với định hướng chỉ đạo của tỉnh.

Sau khi nghe phần trình bày từ phía đơn vị chủ trì, Hội đồng Tư vấn đã đưa ra những góp ý, nhận xét đóng góp cho việc hoàn thiện nội dung của đề tài. Một số ý kiến chính như sau:

  • Về mục tiêu: đề tài có mục tiêu phù hợp với nôi dung yêu cầu;
  • Về tổng quan và tính cấp thiết: đề tài đã tổng quan tốt các nghiên cứu đã có, làm cơ sở để đề xuất nội dung, phương pháp phù hợp, tuy nhiên cần bổ sung thêm các căn cứ pháp lý và hiện trạng các công trình thủy lợi, hiện trạng ứng dụng các công nghệ trên địa bàn tỉnh để làm nổi bật hơn tính cấp thiết của đề tài;
  • Nội dung, phương pháp nghiên cứu đảm bảo hàm lượng khoa học và phù hợp với yêu cầu của đề tài;
  • Các sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng được yêu cầu, khả năng công bố trên tạp chí KHCN là khả thi;
  • Khả năng ứng dụng của đề tài cao, phương án chuyển giao kết quả nghiên cứu phù hợp với thực tiễn công tác quản lý thủy lợi ở địa phương;
  • Cơ quan chủ trì đề tài là đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiêm cứu về thể chế, chính sách; mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi có sự tham gia của người dân.

Thay mặt cho Hội đồng TS. Đỗ Hải Hồ đánh giá cao sự chuẩn bị, các báo cáo rõ ràng chi tiết của Trung tâm tư vấn PIM, đã đi vào giải quyết đúng nhu cầu cần thiết của địa phương. Hội đồng Tư vấn cũng ghi nhận tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc của đơn vị thực hiện, trong thời gian ngắn đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, không chỉ đưa ra những sản phẩm có chất lượng giải quyết được vấn đề đặt ra mà còn đảm bảo đúng tiến độ. Hội đồng đã chấm điểm và thống nhất thông qua thuyết minh với điểm trung bình: 75,6đ

Sau khi nghe các bên góp ý, thảo luận của các bên, Hội đồng đã kết luận đề tài có tính khả thi, hồ sơ tham gia tuyển chọn đã bám sát yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, đơn vị chủ trì cần tiếp thu, sửa đổi nội dung theo góp ý của Hội đồng.

Hội nghị đã thành công tốt đẹp.

Toàn cảnh Hội nghị