Hiệu quả của mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên cho vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu long

Tóm tắt: Dưới tác động của BĐKH xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn đã gây nên thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Rừng ngập mặn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo chức năng phòng hộ, phòng chống sạt lở, xói mòn đất, xói mòn bờ biển, bảo vệ đê biển, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển. Quản lý và sử dụng rừng ngập mặn bền vững được xem là một trong nhiều giải pháp có tính bền vững. Bài báo này phân tích hiệu quả mô hình đồng quản lý rừng và tài nguyên thiên nhiên ở ấp Âu Thọ B, tỉnh Sóc Trăng. Kết quả đánh giá cho thấy mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn bảo vệ và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước ven biển đã cải thiện sinh kế vì lợi ích của dân cư gắn với bảo vệ khôi phục hiệu quả rừng ngập mặn. Từ khóa: Rừng ngập mặn, quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng, đồng quản lý

 PGS.TS Trần Chí Trung, ThS. Đinh Vũ Thùy

Trung tâm PIM-Viện KHTLVN

Efficiency of mangrove and natural resources co-management model for coastal areas of Mekong Delta

                                                      Assoc.Prof. Dr. Tran Chi Trung, MSc. Dinh Vu Thuy

                                              PIM Center – Vietnam Academy for Water Resources

Summary: Under impact of climate change, coastal erosion and mangrove degradation have caused enormous economic, social and environmental damage. Mangroves play a particularly important role in ensuring functions of protection, prevention of landslides, soil erosion, coastal erosion, sea dyke, ecological environment and life as well as livelihoods of coastal communities. Sustainable management and use of mangroves is considered one of many sustainable solutions. This paper analyzes effectiveness of co-management of forests and natural resources in Au Tho B hamlet, Soc Trang province. Evaluation results show that co-management model of mangrove forest protection and sustainable use of coastal wetlands has improved livelihoods for benefit of people associated with effective protection and restoration of mangroves.

Keywords: Mangroves, community-based mangrove management, co-management

1. Đặt vấn đề

Vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) có diện tích rừng ngập mặn (RNM) lớn nhất toàn quốc với diện tích 73.281,6 ha, chiếm 50,4% diện tích RNM cả nước (Bộ NN&PTNT, 2018). Rừng ngâp mặn là là rừng phòng hộ chông gió biển, không chỉ là công cụ hữu hiệu giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH mà còn đem lại lợi ích kinh tế và hỗ trợ sinh kế bền vững. RNM có tác dụng về môi trường, xã hội và giá trị kinh tế, đặc biệt về phòng hộ đê biển, chống xói lở, cố định đất ven biển, hạn chế gió bão, sóng biển, triều cường và góp phần điều hòa khí hậu. Thực tế cho thấy những cơn bão đổ bộ vào Việt Nam trong các năm vừa qua, những nơi nào có rừng ngập mặn được bảo vệ tốt thì đê biển mặc dù chỉ được xây dựng bằng đất nện vẫn đứng vững hơn cả các đê biển bằng bê tông hoặc kè đá ở những khu vực không có rừng ngập mặn hoặc rừng bị chặt phá. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề sạt lở bờ biển đã gây tác động nghiêm trọng đến an toàn của các tuyến đê biển dài trên 700km ở vùng ĐBSCL. Theo kết quả nghiên cứu của Viện KHTLMN (2017) một số khu vực xói lở mạnh như: khu vực Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu), Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau với tốc độ lấn sâu vào đất liền từ 5-45m/năm, trên tổng chiều dài khoảng 250km. Trong những năm gần đây, vấn đề xói lở, bồi tụ, suy giảm RNM diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi lẫn quy mô. Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1980-1995 các tỉnh ĐBSCL đã bị mất 72.825 ha rừng, bình quân hàng năm bị mất 4.855 ha với tốc độ 5%/năm (Tổng cục Lâm nghiệp, 2012). Từ 2011 đến 2016, diện tích rừng ngập mặn dải ven biển hạ du sông Mekong đã giảm đi 15,339 ha (gần 10%), từ 194,723 ha năm 2011 xuống còn 179,384 ha năm 2016, ước tính mỗi năm mất rừng và đi theo là mất đất khoảng 500ha/năm (Bộ NN&PTNT, 2017). Hệ quả là rừng phòng hộ trước tuyến đê biển đã bị thu hẹp dần, có những vị trí rừng phòng hộ trước đê bị mất hoàn toàn. RNM đã và đang bị suy giảm về diện tích cũng như chất lượng do tác động tiêu cực từ tự nhiên và con người, trong đó yếu tố con người là nguyên nhân chính làm suy giảm RNM do chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngập mặn, do khai thác trái phép. Tình hình vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng ở các tỉnh hầu như vẫn còn diễn ra. Các hộ dân được giao khoán quản lý bảo vệ rừng hầu hết là các hộ nghèo (khi có quy định giao khoán UBND xã lựa chọn ưu tiên giao khoán cho các hộ nghèo), nguồn thu từ rừng là nguồn thu chính vì vậy nhiều hộ dân đào kênh rạch quá diện tích cho phép để nuôi trồng thủy sản (NTTS) phục vụ nhu cầu cuộc sống. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động sâu vào đời sống kinh tế – xã hội hiện nay thì quản lý và sử dụng rừng ngập mặn bền vững được xem là một trong nhiều giải pháp có tính bền vững. Sự tham gia của cộng đồng sẽ phát huy tính tương trợ cộng đồng do nhận thức của người dân dần thay đổi sẽ giải quyết khắc phục được các mâu thuẫn giữa chính quyền, và người dân hay giữa chủ rừng và người dân. Trên cơ sở kết quả xây dựng thí điểm mô hình mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên ở ấp Âu Thọ B tỉnh Sóc Trăng, nghiên cứu này phân tích đánh giá hiệu quả của mô hình này, là giải pháp quan trọng để quản lý, sử dụng bền vững rừng ngập mặn cho vùng ven biển ĐBSCL.

2. Khái niệm về Đồng quản lý

Đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên là một phần của quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICM). Định nghĩa được thừa nhận và sử dụng rộng rãi trên thế giới đối với cho đồng quản lý là tình huống mà trong đó 2 hay nhiều hơn 2 chủ thể xã hội bàn thảo, xác định và đảm bảo với nhau về việc chia sẻ một cách công bằng các chức năng quản lý, lợi ích, nhiệm vụ và trách nhiệm đối với một khu vực hoặc các nguồn tài nguyên. Ở Việt Nam, khái niệm đồng quản lý rừng đang được xây dựng, chuẩn hoá bằng văn bản pháp luật của nhà nước, trong đó đáng chú ý nhất là dự thảo quyết định của Thủ tướng chính phủ về cơ chế đồng quản lý rừng, theo đó đồng quản lý là một cách thức tổ chức quản lý rừng, có nhiều chủ thể tham gia bao gồm chủ rừng, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân và các bên liên quan khác tự nguyện tham gia quản lý rừng thông qua thỏa thuận đồng quản lý. Như vậy, đồng quản lý được xác lập dựa trên mối quan hệ đối tác trong đó có các quyền ra quyết định, trách nhiệm quản lý và sự minh bạch được đảm bảo và được chia sẽ giữa các cơ quan nhà nước địa phương, cộng đồng và các bên liên quan khác. Nói cách khác đồng quản lý rừng là một phương thức quản lý trong đó chủ rừng nhà nước chia sẻ quyền, lợi ích và nghĩa vụ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng với cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương (xã, thôn) ở các mức độ khác nhau tùy theo năng lực của mỗi bên, nhưng không làm mất vai trò chủ đạo của chủ rừng nhà nước (Chu Mạnh Trinh, 2011). Theo đó các cấp độ trong đồng quản lý được minh họa ở Hình 1.

Hình 1. Các cấp độ trong đồng quản lý (Chu Mạnh Trinh, 2011)

Đến nay đã có một số mô hình quản lý, bảo vệ bền vững rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng, chủ yếu do sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, như mô hình tổ tự quản quản lý tổng hợp rừng ngập mặn ở Cần Giờ (UNCN, 2015), các mô hình Đồng quản lý rừng ngập mặn ở tỉnh Sóc Trăng (Richard Lloyd, 2010), mô hình đồng quản lý rừng ở Cà Mau (Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ, 2013). Các mô hình đồng quản lý đã trở thành các điểm sáng trong việc phối hợp giữa chính quyền và người dân trong trồng, bảo vệ và chia sẻ lợi ích từ rừng mà không làm ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên. Các mô hình này vừa có ý nghĩa đối với sinh kế, văn hoá của người dân địa phương, vừa có tác dụng tích cực về môi trường, sinh thái. Các mô hình đồng quản lý nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ lớn từ phía chính quyền các cấp tỉnh huyện xã lẫn người dân, đặc biệt các bên chú trọng đến sinh kế của người dân dựa vào nguồn lợi hợp pháp từ rừng ngập mặn nên đã thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng, tuy nhiên sự thành công hay hạn chế của mô hình đối với các khía cạnh của hệ sinh thái, tài nguyên sinh vật các vấn đề kinh tế xã hội hoàn toàn ở các mức độ khác nhau, các mô hình này còn phụ thuộc nhiều vào các trợ giúp kỷ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế, không có cơ chế ràng buộc pháp lý lâu dài (GTZ, 2017).

3. Hiệu quả và tính bền vững của mô hình Đồng quản lý

3.1 Củng cố mô hình Đồng quản lý rừng và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B

Trước đây, mô hình Đồng quản lý rừng ấp Âu Thọ B được dụ án GTZ hỗ trợ thành lập từ năm 2009 (GTZ, 2010). Trong những năm đầu, mô hình đã phat huy hiệu quả trong bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn, phát triển mô hình sinh kế dưới tán rừng, đem lại tác dụng tích cực về môi trường, sinh thái. Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động của mô hình đồng quản lý kém hiệu quả, thiếu sự phối hợp và vai trò trách nhiệm của các bên không rõ ràng. Trong quá trình triển khai các mô hình đồng quản lý, các nhóm cộng đồng tham gia đã nâng cao nhận thức và năng lực của họ nhưng sự tham gia của người dân vẫn thể hiện tính thụ động và chưa hiểu biết đầy đủ về đồng quản lý, vì vậy người dân vẫn chưa tạo ra được vị trí thương lượng mạnh mẽ cho mình để tương tác hiệu quả hơn với chính quyền và người dân bên ngoài trong các vấn đề về quản lý và sử dụng tài nguyên (GTZ, 2017). Mô hình này cũng còn tồn tại một số vấn đề là không có cơ chế ràng buộc pháp lý lâu dài, hình thức này ràng buộc rất lớn vào mối quan hệ đối tác, nhóm đồng quản lý chưa được trao quyền; khả năng của cộng đồng còn giới hạn trong đó vai trò lảnh đạo, năng lực, trách nhiệm giải trình, sinh hoạt, tổ chức và chia sẽ lợi ích còn bị hạn chế, nên gặp khó khăn trong quản lý điều hành, người ngoài vào khai thác tài nguyên chưa có biện pháp chế tài và thiếu kinh phí cho công tác tuần tra của cấp chính quyền điạ phương hỗ trợ do ngân sách nhà nước hạn hẹp. Do vậy mà mô hình đồng quản lý đã được UBND xã Vĩnh Hải thay thế bằng Tổ bảo vệ rừng từ năm 2016.

Đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B được củng cố từ tháng 5/2019 (Viện KHTLVN, 2019). Mô hình đồng quản lý được củng cố theo 3 hướng tiếp cận: (i) phối hợp trong quản lý rừng, (ii) quản lý rừng dựa vào cộng đồng và (iii) cơ chế chia sẻ các lợi ích từ rừng. Theo đó, các hoạt động củng cố mô hình này là xác định sự phối hợp giữa các bên tham gia đồng quản lý, thành lập Nhóm đồng quản lý, xây dựng quy chế đồng quản lý và tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng quản lý bền vững rừng. Mô hình đồng quản lý có sự phối hợp của các bên tham gia là UBND xã, Hạt kiểm lâm và Nhóm đồng quản lý. Nhóm Đồng quản lý đại diện cho 213 thành viên, chủ yếu là người dân tộc Khome để quản lý, bảo vệ 270ha rừng ngập mặn rất xung yếu. Các yếu tố về tổ chức và hoạt động của mô hình Đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B được thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1. Hình thức tổ chức và hoạt động của mô hình Đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B

Tổ chức và hoạt động của mô hình Các yếu tố về tổ chức và hoạt động của mô hình đồng quản lý được củng cố
Phối hợp giữa các bên –   UBND xã kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các hoạt động của Nhóm đồng quản lý để đảm bảo rừng và nguồn lợi thủy sản được bảo vệ và khai thác hợp lý, hiệu quả.

–    Hạt kiểm lâm phối hợp với UBND xã xây dựng và thực hiện kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng; tiếp nhận thông tin và xử lý vi phạm

–    Nhóm đồng quản đại diện cho cộng đồng, có quyết định của UBND xã; chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của ỦBND xã và kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Hạt Kiểm lâm.

–   Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động đồng quản lý có xác nhận của các bên

Bảo vệ rừng – Tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng;

– Tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm rừng, đất rừng

– Kịp thời báo cáo với UBND xã và Hạt kiểm lâm về tình hình bảo vệ rừng

Quản lý tài nguyên thiên nhiên

 

–   Làm chủ cùng với chính quyền lập kế hoạch bảo vệ, sử dụng và phát triển tài nguyên thông qua một mối quan hệ đối tác đồng quản lý;

–   Quy định chỉ những thành viên trong nhóm được vào rừng khai thác, đánh bắt thủy sản.

Mô hình được củng cố có sự điều chỉnh một số yếu tố về hình thức tổ chức và hoạt động so với mô hình do Tổ chức GTZ thành lập trước đây về sự phối hợp giữa các bên, sinh kế và tài chính cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Trước đây, đồng quản lý có sự phối hợp giữa cộng đồng và chính quyền địa phương, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của các đoàn thể xã hội như hội nông dân, người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ và các cơ quan quản lý nhà nước như phòng kinh tế huyện, thủy sản, môi trường, kiểm lâm. Tuy nhiên đồng quản lý chủ yếu dựa trên sự phối hợp giữa cộng đồng và chính quyền địa phương, trong khi đó sự phối hợp, hỗ trợ của các đoàn thể xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước chỉ mang tính hình thức, không có quy định rõ ràng về vai trò, trách nhiệm cụ thể. Nhóm cộng đồng được hỗ trợ xây dựng mô hình sinh thái nuôi ốc len trên diện tích 2ha, tuy nhiên đến nay không còn được duy trì, một phần do khu vực khoanh nuôi ốc ở khu đất gò cao, rừng quá dày kết hợp thiếu nước và ánh sáng cũng ít tạo được rong rêu làm thức ăn cho ốc. Do vậy khi dự án kết thúc thì đồng quản lý cũng không còn được hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo vệ rừng, hơn nữa do hiệu quả kinh tế không cao, nên không phát triển được mô hình sinh thái nuôi ốc len dưới tán rừng.

Sau khi được củng cố, mô hình đồng quản lý phát huy sự phối hợp giữa chính quyền, chủ rừng và cộng đồng trong quản lý bền vững rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên thông qua quy chế đồng quản lý, cơ chế chia sẻ lợi ích từ khai thác tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, các yếu tố chính về hình thức tổ chức và hoạt động của mô hình Đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B như sau:

– Phối hợp giữa các bên liên quan: Đông quản lý rừng gắn với quản lý tài nguyên thiên nhiên gồm các bên tham gia chủ yếu là Nhóm đồng quản lý, Ban quản lý rừng phòng hộ (chủ rừng) và UBND xã. Sự phối hợp giữa Ban quản lý rừng, UBND xã và Nhóm đồng quản lý thông qua quy chế phối hợp hoạt động trong đồng quản lý. Quy chế này xác định trách nhiệm, nhiệm vụ của các bên liên quan cũng như trách nhiệm, quyền lợi của cộng đồng đã huy động được sự tham gia của cộng đồng, huy động nguồn lực tại chỗ của người dân địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng gắn với quản lý tài nguyên thiên nhiên.

– Quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng: Nhóm đồng quản lý thành lập ra ban quản lý và 4 tổ tuần tra bảo vệ rừng, tất cả thành viên của cộng đồng có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, đồng quản lý còn có khả năng huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình tái tạo, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.

 Quản lý tài nguyên thiên nhiên: Chính quyền đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ trong khi đó cộng đồng làm chủ cùng với chính quyền lập kế hoạch khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển các mô hình sinh kế. Nhóm cộng đồng xây dựng quy định về khai thác tài nguyên thiên nhiên, quy định những việc được phép, và cấm không được phép làm đối với từng khu vực rừng, theo đó chỉ thành viên của Nhóm đồng quản lý có thể vào thu lượm, đánh bắt tài nguyên, người dân khác muốn khai thác phải được sự đồng ý của cộng đồng.

3.2 Tiêu chí đánh giá hiệu quả và tính bền vững của mô hình đồng quản lý

Trên cơ sở cách tiếp cận quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng và thực tiễn quan lý rừng ngập mặn ở vùng ven biển ĐBSCL như trình bầy ở trên, các tiêu chí đánh giá và ý nghĩa của các tiêu chí phản ánh hiệu quả và tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của mô hình đồng quản lý RNM và tài nguyên thiên nhiên được thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 2. Tiêu chí đánh giá hiệu quả và tính bền vững của mô hình đồng quản lý
TT Tiêu chí đánh giá/Các chỉ số Ý nghĩa của tiêu chí
1 Sự phối hợp của các bên:

–    Có sự tham gia phối hợp của chủ rừng, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư thôn và các bên liên quan khác

–    tỷ lệ tham gia của cộng đồng (%)

–    nhóm đồng quản lý đại diện cho cộng đồng

–    sự tiếp cận thông tin của cộng đồng

–   Sự phối hợp giữa UBND xã, Hạt kiểm lâm và cộng đồng là yếu tố quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên thiên nhiên.

–   Nhóm đồng quản lý được các thành viên bầu ra đại diện cho cộng đồng sẽ huy động cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

–   Sự tham gia của cộng đồng phát huy tính tương trợ cộng đồng do nhận thức của người dân dần thay đổi sẽ giải quyết khắc phục được các mâu thuẫn giữa chính quyền, chủ rừng và người nhận giao khoán bảo vệ rừng

2 Xây dựng quy chế đồng quản lý:

–    Quy chế đồng quản lý xác định vai trò, trách nhiệm của các bên, cơ chế hưởng lợi từ rừng cho cộng đồng.

–    Quy chế đồng quản lý được được các bên xác nhận

Quy chế phối hợp hoạt động giữa các bên là yếu tố quan trọng để triển khai các hoạt động quản lý rừng và tài nguyên thiên nhiên, huy động sự tham gia của cộng đồng cũng như phát huy hiệu lực về xử lý vi phạm.
3 Duy trì diện tích rừng ngập mặn:

– không xảy ra các hành vi vi phạm quy chế quản lý và sử dụng bền vững RNM

Duy trì diện tích rừng ngập mặn phản ánh mức độ đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, phòng chống sạt lở, xói mòn đất, chắn sóng lấn biển, bảo vệ đê biển
4 Quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên:

– Khai thác nguồn lợi thiên nhiên, phát triển sinh kế để tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, đảm bảo môi trường sinh thái

Khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên, phát triển sinh kế đảm bảo sinh thái sẽ giải quyết việc làm, tăng thu nhập tạo động lực cho cộng đồng rừng gắn bó với rừng và có ý thức, trách nhiệm hơn trong bảo vệ rừng
5 Bảo vệ môi trường:

–    không còn các hoạt động khai thác trái phép

–    không có các hoạt động gây ô nhiễm môi trường

–    không có các hoạt động gây hại hoặc xói mòn bờ biển

Phản ánh mức độ khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên RNM, đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, phòng chống sạt lở, xói mòn đất, xói mòn bờ biển. bảo vệ đê biển, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan
6 Có nguồn tài chính bền vững:

– Có nguồn thu ổn định cho hoạt động bảo vệ rừng

Có nguồn thu ổ định,đặc biệt là nguồn thu từ hoạt động sinh kế dưới tán rừng cho hoạt động bảo vệ rừng là yếu tố quyết định đến tính bền vững của mô hình quản lý bảo vệ rừng

 

3.3 Hiệu quả và tính bền vững của mô hình Đồng quản lý rừng và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B

Hiệu quả và tính bền vững của mô hình Đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B được đánh giá qua các tiêu chí đánh giá. Kết quả xác định các tiêu chí đánh giá hiệu quả ban đầu và tính bền vững của mô hình được thể hiện ở Bảng 3.

Bảng 3. Đánh giá hiệu quả và tính bền vững của mô hình Mô hình Đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B

TT Tiêu chí Kết quả xác định các tiêu chí
  Sự phối hợp của các bên –    Gia tăng sự phối hợp giữa UBND xã, Hạt kiểm lâm và cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên thiên nhiên.

–    100% người dân trong ấp tham gia Nhóm đồng quản lý

–    Nhóm đồng quản lý được cộng đồng dân cư trong ấp bầu ra và có quyết định của UBND xã

–    Cộng đồng được tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý bền vững rừng

2 Xây dựng quy chế đồng quản lý –    Xây dựng quy chế đồng quản lý, trong đó xác định vai trò, trách nhiệm của UBND xã, Hạt kiểm lâm cũng như trách nhiệm, cơ chế hưởng lợi từ rừng cho cộng đồng.

–    Quy chế đồng quản lý được thông qua hội nghị đại diện cho cộng đồng, UBND xã, Hạt kiểm lâm; được các bên xác nhận

3 Duy trì diện tích rừng ngập mặn –    Không xảy ra các hành vi vi phạm quy chế quản lý và sử dụng bền vững RNM
4 Quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên – Khai thác nguồn lợi thủy sản như tôm cua, cá tép, ngêu, sò huyết ba khía và các loại thủy sản khác có từ rừng, đất bãi bồi ven biển  đảm bảo môi trường sinh thái, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống cho cộng đồng dân cư

– Chưa xây dựng được mô hình sinh kế phù hợp

5 Bảo vệ môi trường –    Gần như không còn các hoạt động khai thác trái phép, xâm hại, chặt phá rừng hay các hoạt động khai thác tận diệt.

–    Không có các hoạt động gây hại hoặc xói mòn bờ biển

6 Có nguồn tài chính bền vững –   Có nguồn thu từ nhận khoán bảo vệ rừng (mức khoán 450.000đ/ha/năm)

– Cộng đồng dân cư còn có nguồn thu từ khai thác, đánh bắt thủy sản tự nhiên để cải thiện thu nhập

Từ kết quả xác định các tiêu chí đánh giá ở bảng trên có thể nói mô hình Đồng quản lý và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B là mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, phát triển sinh kế hợp lý về sinh thái nhưng vẫn đảm bảo quản lý rừng bền vững. Mô hình đồng quản lý đã gia tăng được trách nhiệm, phối hợp giữa UBND xã, Hạt kiểm lâm và cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên thiên nhiên. Sự phối hợp hiệu quả giữa các bên được thực hiện thông qua quy chế phối hợp trong đồng quản lý, tăng cường giám sát trách nhiệm các bên liên quan. Nhóm đồng quản lý được các thành viên bầu ra đại diện cho cộng đồng đã huy động cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhóm đồng quản lý đã phối hợp chặt chẽ với Hạt kiểm lâm trong việc tuần tra bảo vệ rừng, không xảy ra các hành vi vi phạm quy chế quản lý và sử dụng bền vững RNM. Trách nhiệm, ý thức làm chủ của người dân tạo nên sự đoàn kết hơn trong việc bảo vệ rừng là yếu tố chính của đồng quản lý để ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác và sử dụng rừng trái phép, không xảy ra hiện tượng vi phạm chặt phát rừng hay các hoạt động xâm hại, khai thác tận diệt, do đó đã giảm nguy cơ bị mất rừng hoặc thay đổi mục đích, chức năng rừng. Đồng quản lý cũng tạo điều kiên cho cộng đồng được trực tiếp tham gia ra quyết định qua thương lượng và thỏa thuận với chính quyền về cách quản lý tài nguyên để cải thiện sinh kế. Cộng đồng tham gia vào quá trình quản lý các loại lâm sản, thủy, hải sản trong khu rừng mà việc khai thác, sử dụng không ảnh hưởng tới chức năng của khu rừng là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ, khôi phục rừng phòng hộ. Rừng được sử dụng là rừng phòng hộ, không tác động vào cây, nhưng cộng đồng có thể khai khác củi theo quy định và các nguồn lợi thủy sản như tôm cua, cá tép, ngêu, sò huyết ba khía và các loại thủy sản khác có từ rừng, đất bãi bồi ven biển và biển trong khu vực của ấp. Từ kết quả đánh giá ban đầu, khoảng 40% cộng đồng dân cư trong ấp được hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng, giúp thu nhập của họ được 100-200.000 đồng/ngày. Việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ thiên nhiên đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập tạo động lực cho cộng đồng gắn bó với rừng và có ý thức, trách nhiệm hơn trong bảo vệ rừng. Từ việc thực hiện quản lý bảo vệ rừng gắn với quản lý tài nguyên thiên nhiên, Nhóm đồng quản lý có các nguồn thu từ kinh phí nhận giao khoán bảo vệ rừng theo quy định của tỉnh Sóc Trăng (mức khoán 450.000đ/ha/năm). Ngoài ra cộng đồng dân cư còn có nguồn thu từ khai thác tận thu, tận dụng, gỗ theo quy định. Các nguồn thu này là khá ổn định đảm bảo cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng là yếu

5. Kết luận

Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy mô hình Đồng quản lý rừng và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B là mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng. Mô hình đồng quản lý đã phát huy sự phối hợp giữa chính quyền, chủ rừng và cộng đồng trong quản lý bền vững rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên thông qua quy chế đồng quản lý, cơ chế chia sẻ lợi ích từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, từ đó phát huy sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển sinh kế hợp lý về sinh thái nhưng vẫn đảm bảo quản lý rừng bền vững. Đồng quản lý không những tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia vào quản lý tài nguyên, mà còn tạo cơ chế cho quản lý tổng hợp, nhiều cơ quan và tổ chức xã hội mà chức năng có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến bảo vệ rừng, tham gia vào quá trình quản lý tài nguyên do đã làm giảm mâu thuẩn trong cộng đồng vì trong quá trình thực hiện được công khai, minh bạch, công bằng, gắn trách nhiệm với lợi ích được chia sẻ tương xứng với sự đóng góp của các bên. Mô hình đồng quản lý phù hợp cho vùng rừng phòng hộ rất xung yếu hay rừng phòng hộ xung yếu mà chưa giao khoán cho các hộ dân, vùng có khả năng khai thác tài nguyên thiên nhiên, thuận lợi cho phát triển NTTS để áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và rừng ngập mặn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ NNN&PTNT (2018). Tổng hợp số liệu rừng toàn quốc năm 2017
  2. Tổng cục Lâm nghiệp (2012). Báo cáo kết quả công tác lâm nghiệp tại hội nghị tồng kết năm 2012
  3. Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam (2017). Báo cáo kêt quả đánh giá thực trạng xói lở bờ biển vùng ven biển ĐBSCL
  4. Bộ NN&PTNT (2017). Báo cáo về tình hình xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
  5. Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (2017). Báo cáo kêt quả đánh giá thực trạng quản lý rừng ngập mặn vùng ven biển ĐBSCL-Đề tài “Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm quản lý bền vũng bờ biển ĐBSCL”
  6. UNCN (2015). Báo cáo kết quả Dự án quản lý tổng hợp rừng ngập mặn tại khu dự trữ sinh quyển cần giờ, TP. Hồ chí Minh
  7. Chu Mạnh Trinh (2011). Luận án tiến sĩ “Xây dựng Mô hình Đồng quản lý tài nguyên môi trường tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam”, Trường Đại học khoa học xã hội & nhân văn- Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
  8. GTZ (2010). Một số nhận định về đồng quản lý và quản trị rừng tại Việt Nam-Báo cáo tại hội thảo về Đồng quản lý tổ chức tại Sóc Trăng từ ngày 17-19, 2010.
  9. Richard Lloyd (2010). Đồng quản lý tại Ấp Âu Thọ B-Một thử nghiệm thí điểm cho vùng ven biển  tỉnh Sóc Trăng
  10. GTZ (2017). Báo cáo mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ở tỉnh Sóc Trăng
  11. Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ (2013). Quy chế quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại ấp láng tròn, xã viên an đông, huyện ngọc hiển, tỉnh Cà Mau

Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (2019). Báo cáo kêt quả xây dựng mô hình quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng ở vùng ven biển ĐBSCL-Đề tài “Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm quản lý bền vững dải bờ biển ĐBSCL”