Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả lập kế hoạch tưới đối với công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng ở Việt Nam

PGS.TS.Trần Chí Trung

Trung tâm PIM-Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

I. Khái quát về quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng ở Việt Nam

1.1 Công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hàng ngàn hệ thống công trình thủy lợi, gồm: 6.648 hồ chứa các loại, khoảng 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 234.000 km kênh mương, 25.960 km đê các loại. Các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu diện tích đất trồng lúa trên 7,3 triệu ha (vụ Đông Xuân 2,99 triệu ha, Hè Thu 2,05 triệu ha, Mùa 2,02 triệu ha), góp phần đưa sản xuất lương thực tăng nhanh và ổn định

Trong đó công trình thủy lợi nhỏ, TLNĐ gồm 3.957 hồ chứa nước có dung tích từ 50.000÷500.000 m3, 15.900 đập dâng kiên cố có chiều cao nhỏ hơn 10m, 16.000 đập tạm, gần 10.000 trạm bơm có tổng lưu lượng từ 1.000÷3.600 m3/h, 174.000 km kênh mương cấp 3 và nội đồng; ngoài ra, còn hàng ngàn ao, hồ có dung tích nhỏ hơn 50.000 m3, trạm bơm có tổng lưu lượng nhỏ hơn 1000 m3/h và các công trình trên kênh khác.

Cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đóng vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả sử dụng nước mặt ruộng, quyết định năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng có vai trò quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ tưới cho 47% diện tích tưới ở Việt Nam.

. 1.2  Chính sách về quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

  1. Luật Thủy lợi:
  • Tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng
  • Khi các tổ chức thủy lợi cơ sở có đủ năng lực thì thành lập liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở để nhận chuyển giao quản lý hệ thống dẫn, chuyển nước đấu nối với hệ thống thủy lợi nội đồng.
  • Kinh phí hoạt động thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng bao gồm: Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đóng góp và hỗ trợ của Nhà nước
  1. Thông tư 05-Bộ NN&PTNT:
  • Công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do tổ chức thủy lợi cơ sở trực tiếp quản lý, khai thác hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác.
  • Đối với công trình thủy lợi nhỏ, tổ chức thủy lợi cơ sở lập quy trình vận hành công trình
  • Điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi giữa công ty khai thác công trình thủy lợi với tổ chức thủy lợicơ sở là vị trí được xác định theo quy mô thủy lợi nội đồng (50 ha- 400 ha)
    • Tổ chức thủy lợi cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch cấp, tưới, tiêu và thoát nước, bảo trì công trình thủy lợi phải có sự tham gia của người sử dụng nước
    • Tổ chức thủy lợi cơ sở tham gia xây dựng kế hoạch cấp, tưới, tiêu, thoát nước của công ty khai thác công trình thủy lợi

  1. Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

Tiêu chí thủy lợi đối với xã nông nông thôn mới: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động: Đối với xã nông thôn mới đạt trên 80%, đối với xã nông thôn mới nâng cao đạt trên 90%

1.3 Tổ chức quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Cả nước có tổng số 97 tổ chức KTCTL cấp tỉnh, trong đó có 82 công ty KTCTTL (chiếm 84%), 3 ban quản lý khai thác công trình thủy lợi (5%), 6 trung tâm quản lý thủy lợi (6%) và 6 chi cục thủy lợi (5%) làm nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

Về quản lý các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, cả nước có 16.238 Tổ chức dùng nước, bao gồm các loại hình chủ yếu là: Hợp tác xã có làm dịch vụ thủy lợi (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và Hợp tác xã chuyên khâu thủy nông), Tổ chức hợp tác (Hội sử dụng nước, Tổ hợp tác, Tổ, Đội thủy nông) và Ban quản lý thủy nông. Trong đó, Hợp tác xã và Tổ hợp tác là hai loại hình chính, chiếm 90% Tổ chức dùng nước.

Công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi đang từng bước đi vào nền nếp, phục vụ tốt sản xuất, dân sinh. Hoạt động của các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, việc thành lập và hoạt động của tổ chức thủy nông cơ sở còn mang nặng tính áp đặt, thiếu sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Đây là nguyên nhân quan trọng, cơ bản nhất khiến nhiều tổ chức thiếu bền vững.