Nhân dịp đầu xuân năm mới Giáp Ngọ 2014, Công đoàn Trung tâm đã tổ chức 2 trận giao hữu bóng đá và chuyến Du xuân cho toàn thể cán bộ và người thân tại Đền Chúa Thác Bờ tỉnh Hòa Bình.
Giao hữu bóng đá
Đây là hoạt động thường niên do Công đoàn và Đoàn thanh niên phối hợp tổ chức, năm nay với sự tham gia của nhiều cầu thủ trẻ Trung tâm đã có đủ 2 đội bóng để thi đấu giao hữu. Các trận đấu diễn ra rất sôi nổi trong không khí vui tươi với rất nhiều bàn thắng được ghi. Kết quả sau mỗi trận đấu không có sự chênh lệch đáng kể, điều đó thể hiện sức khỏe, tinh thần thi đấu cũng như sự nhiệt huyết của các cán bộ trong công việc.
Du xuân 2014
Địa điểm tổ chức chuyến Du xuân cho toàn thể cán bộ và người thân là tại Đền Chúa Thác Bờ tỉnh Hòa Bình.
Đôi nét về Đền Chúa Thác Bờ:
Thác bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ, được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà. Tương truyền vào khoảng năm 1430-1432, vua Lê Lợi niên hiệu Thuận Thiên đem quân đi dẹp loạn giặc Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Sơn La. Khi vua Lê Lợi kéo quân đến khu vực Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy phía trước là một thác nước hiểm trở xô bọt trắng trời, với muôn vàn mỏm đá lởm chởm nên đoàn quân không thể tiến lên được. Lúc bấy giờ ở xã Hào Tráng có cô gái người dân tộc Mường tên là Đinh Thị Vân và cô gái người dân tộc Dao (không rõ tên) ở xóm Mó Nẻ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc đứng lên vận động trai tráng trong bản lên rừng xẻ ván, đóng thuyền độc mộc, kêu gọi nhân dân chặt nứa kết thành bè mảng, góp lương thực, thực phẩm cho nhà vua nuôi quân và chở giúp quân sĩ qua Thác Bờ đi đánh giặc.
Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp nhân dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận gió hòa. Bởi vậy, nhân dân trong vùng phong cả hai là Bà chúa Thác Bờ và lập đền thờ phụng.
Đền Thác Bờ phía tả ngạn thuộc huyện Đà Bắc nằm trên đỉnh đồi Hang Thần ở xóm Phố Bờ. Từ dưới bến thuyền du khách phải leo hơn 100 bậc, sau đó theo một triền dốc thoải mới mới đến nơi. Đền gồm 3 gian, mái đền bằng bê tông cốt thép, được thiết kế theo kiểu vòm cuốn và kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh gồm: nhà Đại bái và nhà Hậu cung, phía trước đền gồm 5 cửa (ngũ quan). Hiện nay tại di tích này còn lưu giữ được một quả chuông đồng được đúc vào tháng 2, năm Thành Thái thứ 6.
Đền Thác Bờ phía hữu ngạn huyện Cao Phong tọa lạc trên sườn đồi Sầm Lông, thuộc xóm Đền. Trước đây đền Thác Bờ chủ yếu được dựng lên từ tranh, tre, nứa, lá ngay dưới chân Thác Bờ. Sau này, nước dâng cao do Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà khởi công xây dựng nên ngôi đền phải di rời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông. Vào mùa khô muốn thăm đền, du khách phải leo bộ hết 108 bậc. Nhưng vào mùa mưa nước dâng lên sát nền móng đền, khách có thể lên thẳng khi thuyền bè cập bến.
Ngoài thờ bà Chúa Thác Bờ, đền hiện nay còn thờ các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt như: Công đồng quan lớn, Ngũ vị Tôn ông; bà chúa Sơn Trang (Động Sơn Trang); Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu; Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn; Tứ phủ Chầu bà; Tam toà Đức Thánh Mẫu…
Đền Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác nhưng vẫn rất uy nghi và nổi tiếng linh thiêng. Nơi đây có địa thế phong thủy hài hòa và hùng vĩ, sau lưng là núi, trước mặt là sông nước hữu tình, thuyền bè qua lại. Lễ hội Đền Bờ diễn ra từ ngày mùng 7 tháng giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên ngay từ tháng Chạp, nơi đây đã tấp nập dòng người đổ về lễ tạ cầu mong mọi sự tốt lành trong năm mới.
Chuyến thăm quan giúp cán bộ trong trung tâm hiểu thêm về truyền thống đánh giặc, văn hóa của người dân Việt Nam, các phong tục tập quán của địa phương, các món ăn đặc sản vùng sông nước. Đồng thời chuyến thăm quan cũng là cơ hội để các cán bộ trong Trung tâm giao lưu chia sẻ tăng cường tình đồng chí đồng nghiệp góp phần xây dựng Trung tâm ngày càng lớn mạnh.