Phân bổ 120 tỷ ‘giải nguy’ cho 5 Cty thủy nông

Sáng 21/3, Sở NN-PTNT Hà Nội đã có văn bản đề nghị chi kinh phí tạm ứng đặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2017 (120 tỷ đồng) đã được phân bổ cho các công ty thủy nông…

Sáng 21/3, Sở NN-PTNT Hà Nội đã có văn bản đề nghị chi kinh phí tạm ứng đặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2017 (120 tỷ đồng) đã được phân bổ cho các công ty thủy nông duy trì vận hành, khai thác công trình thủy lợi và trả lương cho cán bộ, công nhân.

Vì sao giảm 1.400 lao động?

Chỉ ít giờ sau khi Báo NNVN có bài viết: “Bị “treo” lương, khoảng 3.700 công nhân thủy nông…”, ngày 16/3/2017 UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 1752/QĐ-UBND về việc ban hành quy trình, định mức kinh tế – kỹ thuật và đơn giá duy trì, vận hành hệ thống tưới, tiêu trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là cơ sở để thanh, quyết toán chi phí đặt hàng dịch vụ thủy lợi của TP với các Cty thủy nông năm 2015 – 2016 và đặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2017

Công nhân thủy nông Hà Nội đang sửa chữa máy móc, thiết bị
tại một trạm bơm dã chiến

Theo lý giải của đại diện Sở NN-PTNT Hà Nội, có nhiều lý do dẫn đến việc hàng ngàn công nhân thủy nông bị “treo” lương suốt nhiều tháng qua. Thứ nhất, UBND TP nhận thấy, chi phí đặt hàng dịch vụ thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội năm 2014 lên tới trên 700 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các tỉnh xung quanh Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp tương ứng. Bởi vậy, năm 2016, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán chi tiêu với 5 Cty thủy nông trên địa bàn TP năm 2015. Kiểm toán phát hiện ra một số điểm bất thường.

Ví dụ, định mức lao động của 5 Cty thủy nông được thành phố phê duyệt khoảng 5.100 lao động (với bậc lương trung bình 3,5/7), nhưng số lao động thực tế tại các Cty chỉ khoảng 3.700 người (tức ít hơn 1.400 người). Nguyên nhân bởi các Cty nỗ lực đẩy cao năng suất lao động, giảm số lượng nhân công để đảm bảo mức lương cao cho cán bộ, công nhân viên (khoảng 8 triệu đồng/người/tháng).

Thực tế, dù giảm số lao động so với định mức được phê duyệt nhưng doanh nghiệp vẫn đảm bảo được khối lượng công việc mà TP đặt hàng. Đúng lý ra, họ xứng đáng được hưởng tổng định mức lương (của 5.100 lao động như TP đặt hàng) khi thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất đạt kết quả cao. Nhưng quan điểm của kiểm toán thì như vậy là không đúng

Bên cạnh đó, con số thống kê diện tích phục vụ tưới, tiêu của các Cty thủy nông như kết luận kiểm toán cũng chưa chính xác. Có những diện tích đất nông nghiệp bà con gieo cấy hai vụ lúa và vụ đông (sản xuất rau, màu), Cty phải phục vụ tưới, tiêu đầy đủ. Tuy nhiên, cán bộ kiểm toán chỉ thống kê diện tích phục vụ tưới, tiêu cho hai vụ lúa (diện tích phục vụ tưới, tiêu cây vụ đông không được tính), dẫn đến kết quả kiểm toán chưa tính đủ hao phí về máy móc, điện và công lao động của các công ty.

Sau khi có kết quả kiểm toán năm 2015, UBND TP Hà Nội đã giảm trừ cấp phát chi phí đặt hàng năm 2015 tổng cộng khoảng 100 tỷ đồng với các Cty thủy nông.

Lương bị cắt giảm mạnh

Cũng trong năm 2016, UBND TP Hà Nội giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng lại định mức kinh tế – kỹ thuật và đơn giá duy trì, vận hành công trình thủy lợi với quan điểm tiết giảm tối đa chi phí đầu tư. Trong quá trình rà soát và xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật mới, TP Hà Nội chỉ có Quyết định tạm thời đặt hàng năm 2016 bằng với mức chi phí cấp bù miễn, giảm thủy lợi phí (bằng 40% giá trị đặt hàng so với năm 2014), dẫn đến việc công nhân bị “treo” lương (chỉ được tạm ứng).

Năm 2016, các sở, ngành đã phối hợp với đơn vị tư vấn (Trường Đại học Thủy lợi ) rà soát, lập phương án cắt giảm định mức lao động (khoảng 1.400 lao động); cắt giảm một số quy trình, khối lượng công việc, đặc biệt là chỉnh sửa định mức lương tối thiểu vùng của cán bộ, công nhân thủy lợi (từ mức 2.350.000 đồng xuống còn 1.210.000 đồng).

Vận hành máy bơm tại trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh,
TP Hà Nội

Theo Quyết định số 1752/QĐ-UBND ngày 16/3 vừa được UBND TP phê duyệt, tổng kinh phí đặt hàng dịch vụ thủy lợi giảm xuống chỉ còn 550 tỷ đồng (giảm hơn 200 tỷ đồng so với năm 2014). Dù gặp khó khăn về kinh phí, nhưng các doanh nghiệp cơ bản chấp nhận mức điều chỉnh này.

Lúng túng với Thông tư 280 của Bộ Tài chính

Đáng lẽ, từ tháng 1/2017 đến nay, công nhân thủy nông vẫn được hưởng lương bình thường. Bởi vì từ ngày 31/12/2016, Sở NN-PTNT đã có Quyết định 3042, phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017 với số tiền 120 tỷ đồng. Số tiền này đã nằm trong tài khoản của BQL dịch vụ thủy từ đầu năm nay, để tạm ứng cho các Cty thủy nông chi trả khấu hao dịch vụ thủy nông trong năm 2017.

Nhưng theo Sở NN-PTNT Hà Nội, vướng ở chỗ hiện nay nhà nước đang thực hiện chính sách miễn, giảm thủy lợi phí theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP. Trong khi đó, Luật Giá ban hành năm 2012 chưa tính đến đặc thù của dịch vụ thủy lợi và giá dịch vụ thủy lợi cũng chưa nêu rõ nội dung trợ giá, miễn, giảm tiền sử dụng dịch vụ thủy lợi cho người dân. Do vậy, TP không biết chi phí giá dịch vụ thủy lợi này sẽ được các tổ chức, cá nhân sử dụng nước chi trả hay nhà nước cấp ngân sách. Bởi vậy, số tiền 120 tỷ tuy đã có nhưng chưa dám chi tạm ứng cho các Cty thủy nông

Bên cạnh đó, mới đây Bộ Tài chính ra Thông tư 280/2016/TT-BTC quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Nếu chiếu mức giá trần dịch vụ thủy lợi như Thông tư trên, thì giá trị đặt hàng tối đa của TP Hà Nội chỉ khoảng 330 tỷ đồng (thấp hơn so với giá trị đặt hàng theo đơn giá của TP 220 tỷ đồng).

Ông Chu Phú Mỹ – GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội khẳng định: Mức giá trần dịch vụ thủy lợi được quy định tại Thông tư 280 chưa xem xét kỹ đến các điều kiện đặc thù của từng vùng miền, nhất là thủ đô Hà Nội. Bởi địa hình của TP rất phức tạp (bao gồm cả miền núi, trung du và đồng bằng), diện tích tưới, tiêu bằng động lực cực lớn, có những khu vực phải bơm 4 cấp (ứng với mỗi cấp là 1 trạm bơm) mới đưa nước vào ruộng được.

Bên cạnh đó, các công trình thủy nông không chỉ phục vụ tiêu cho diện tích đất nông nghiệp mà còn tiêu cho diện tích thổ cư, khu công nghiệp, thậm chí tiêu cả cho khu vực nội thành với hệ số tiêu cực lớn (do nguyên lý nước chảy chỗ trũng). Do đó, chi phí duy trì, vận hành công trình sẽ cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chi phí dịch vụ thủy lợi của các tỉnh đồng bằng (có lợi thế tưới tiêu chủ yếu bằng trọng lực).

Trước mắt, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị sử dụng kinh phí tạm ứng đặt hàng dịch vụ thủy lợi (120 tỷ đồng) để chi trả tiền lương cho cán bộ, công nhân thủy nông năm 2017 để công nhân ổn định đời sống, an tâm công tác. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT cho phép TP đặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2017 vượt mức giá trần theo quy định của Thông tư 280 với kinh phí lên tới 550 tỷ đồng (thay vì 330 tỷ đồng như quy định hiện hành).

Áp mức giá trần dịch vụ thủy lợi là không thể!

Ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc sở NN-PTNT Hà Nội

Nếu áp dụng giá dịch vụ thủy lợi để đặt hàng các Cty Thủy nông theo Thông tư 280 của Bộ Tài chính (với mức 330 tỷ đồng), ông Chu Phú Mỹ – GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội khẳng định: Ngành thủy nông Hà Nội sẽ không thể duy trì tốt được. Bởi, riêng 3 khoản chi cứng gồm: lương cho cán bộ, nhân viên, người lao động tại các Cty thủy lợi (với mức lương tối thiểu vùng là 1.210.000 đồng) 200 tỷ đồng + tiền BHXH khoảng 40 tỷ đồng + tiền hao phí điện năng khoảng 80 tỷ đồng = 320 tỷ đồng. Vậy thì làm sao có tiền để phục vụ công tác sửa chữa máy móc thường xuyên, duy trì, vận hành hệ thống và chi phí quản lý?

                                                                                        Nguồn: Minh Phúc