Vùng đồng bằng sông Cửu Long một vùng cực nam của Việt Nam, còn được gọi là Vùng đồng bằng Nam Bộ có 1 thành phố trực thuộc trung ương là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh với tổng diện tích theo số liệu thống kê năm 2011 là 40.548,2 km², tổng dân số của các tỉnh trong vùng là 17.330.900 người và là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông
Vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, tây nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau.
Sự tham gia của sông Cửu Long đóng vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình hình thành vùng châu thổ. Lượng nước trung bình hàng năm của sông này cung cấp vào khoảng 4.000 tỷ m³ nước và vào khoảng 100 triệu tấn vật liệu phù sa tạo lên vùng đồng bằng thấp và đồng bằng ngập nước, nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam. Nó được giới hạn trong phạm vi các dòng sông, kênh, rạch, tự nhiên hoặc nhân tao chảy trong lãnh thổ Việt Nam, nhận nước từ 2 dòng chính sông Mekong (từ sông Hậu Giang và sông Tiền Giang), đổ ra biển Đông và vịnh Thái Lan (cũng là một phần của biển Đông).
Đồng bằng Sông Cửu Long có khí hậu cận xích đạo vùng, thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp (mưa nhiều, nắng nóng) đặc biệt là phát triển trồng lúa nước và cây lương thực, cây ăn trái.
Trước năm 1975, vùng đồng bằng sông Cửu Long phần lớn chỉ canh tác 1 vụ, hoạt động nông nghiệp cũng chủ yếu dựa vào thiên nhiên do phần lớn diện tích bị nhiễm phèn, mặn; một vùng rộng lớn trên một nửa diện tích đất hàng năm bị ngập lụt 0,5 mét trở lên. Cơ sở hạ tấng đồng bằng sông Cửu Long lúc đó còn rất yếu kém, đi lại chủ yếu là phương tiện đường thủy. Thủy lợi có thể nói chưa có gì, kênh rạch chằng chịt là do tự nhiên kiến tạo.
Ngay sau những ngày đầu thống nhất, nhìn nhận và đáng giá đúng tầm quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và vai trò của cây lúa. Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách đúng đắn để đầu tư phát triển vùng đất giầu tiềm năng này. Cuối năm 1975 và liên tục cho tới những năm đầu của thế kỷ 21, rất nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch của Bộ Thủy Lợi, Trường Đại học Thủy Lợi, các Viện, các đoàn, các tổ chức, bộ máy quản lý các cấp Nhà nước được tăng cường, tập trung cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Công tác thủy lợi cải tạo đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn cuối năm 75 và những năm 90 của thế kỷ trước có thế gọi là cuộc cách mạng về thủy lợi cải tạo đất châu thổ sông Cửu Long. Đo vậy, diện tích canh tác nông nghiệp hiện nay miền tây Nam bộ đóng góp hơn 50% diện tích lúa, diện tích và sản lượng thu hoạch chiếm hơn 50% so với cả nước, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước. Bình quân lương thực đầu người gấp 2.3 lần so với lương thực trung bình cả nước, và là nơi xuất khẩu gạo chủ lực của cả đất nước. Ngoài ra cây ăn quả còn đặc sản nổi tiếng của vùng, với sự đa dạng về số lượng, cũng như chất lượng ngày càng được nâng cao. Thủy sản và chăn nuôi cũng rất phát triển.
Mạng lưới đường bộ đã được quy hoạch, nâng cấp, xây mới nhiều, tạo liên kết với nhau một cách hợp lý. Nhiều trục quốc lộ đã và đang được nâng cấp, xây mới: quốc lộ 1A, tuyến đường nam sông Hậu, tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp, theo đó là những cầu lớn được hình thành.
Những năm gần đây, do sự thay đổi và tác động cực đoan của nhiều yếu tố khác của khí hậu, thời tiết, cùng với tác động ở thượng nguồn như nạn phá rừng và một loạt các đập nước phía thượng nguồn sông Mê Kông đã giảm thiểu lượng phù sa bồi đắp ở các cửa sông, vùng ven biển bị ngập dần. Nước biển dâng và độ mặn có xu hướng ảnh hưởng ngày càng sâu vào các vùng nội địa. Trên các phương tiện thông tin đại chúng năm 2015 và đầu năm 2016 cho thấy nạn hạn hán, nước ngọt nhiễm mặn đang là những quan tâm, lo lắng của Nhà nước, xã hội. Và rõ ràng, những kết quả của cuộc cách mạng về thủy lợi cải tạo đất vùng đồng bằng sông Cửu Long trước đây đang bị tác động, xuống cấp, suy giảm, ảnh hưởng tới hiệu quả, hạn chế tới năng lực, và cả không còn sự phù hợp của các công trình thủy lợi. Đó cũng là những đặc điểm rất tự nhiên đang đặt ra những thức thách mới ngành nông nghiệp, công tác thủy lợi của đất nước cho đồng bằng sông Cửu Long. Công tác quy hoạch chung, quy hoạch thủy lợi, nước nông nghiệp, nước sinh hoạt, phân vùng kinh tế, dân cư, trữ nước, lọc nước, biến đổi nước, đưa nước thau chua, ém phèn, liên kết nguồn nước giữa các sông, vùng đang đòi hỏi các nhà quản lý sớm, mau thực hiện. Thành quả của con người đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ mọi mặt trước đây đối chọi với đồng bằng tự nhiên sông Cửu Long, nay lại khó khăn sao?.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất quý cực nam của Tổ quốc. Công tác thủy lợi về nước sản xuất, sinh hoạt không thể xem nhẹ bất cứ lúc nào. Thủy lợi sẽ bảo vệ đất, giữ đất cho thời cầm gươm đi mở nước. Thiết nghĩ, chỉ cần có những con người cùng với khoa học và công nghệ được phát huy, sử dụng đúng nhất định sẽ tạo nên một bước ngoặt mới phát triển của vùng đất phương Nam này./.
Tác giả bài viết: Trần Sỹ Quý
Nguồn: Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam