Tóm tắt : Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao….., do điều kiện tự nhiên có nhiều bất lợi, lượng mưa phân bố trong năm không đều, địa hình bị chia cắt, dẫn đến tình trạng nhiều vùng còn thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Mặt khác, việc quản lý công trình cấp nước lỏng lẻo cũng là nguyên nhân dẫn tới việc công trình phát huy hiệu quả chưa cao, nhiều công trình đã dừng hoạt động. Bài viết đề xuất các mô hình quản lý công trình cấp nước sinh hoạt phù hợp trong tỉnh và giới thiệu mô hình thử nghiệm tại cụm dân cư thôn Nà Cằm, xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Từ khóa: quản lý công trình cấp nước sinh hoạt, mô hình thôn Nà Cằm, mô hình cấp nước dân sinh.
Phạm Văn Ban, Trần Việt Dũng
Trung tâm Tư vấn PIM-Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
Summary : Bac Kan province located in the mountainous region of the Northwestern, inhabited by Kinh, Tay, Nung, Dao ethnic people. Due to some disadvantageous natural conditions such as uneven rainfall in a year, high and fragmented terrain, many areas are lack of domestic water in the dry season. Moreover, poor management of the existing water supply facilities in this area is one of the reasons that lead to low effectiveness of the facilities. Many of water supply systems in the province are no longer working. This paper aimed to present proposals of suitable water supply facility management models for the province and introduce a pilot model at Na Cam village, Con Minh commune, Na Ri district, Bac Kan province.
1. Đặt vấn đề
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 20.000 người Việt Nam chết vì các bệnh liên quan tới việc dùng nước sinh hoạt ô nhiễm và thiếu vệ sinh. Khu vực thiếu nước sạch trầm trọng nhất là khu vực miền núi, đặc biệt ở các tỉnh biên giới phía Bắc, với tỷ lệ 30% dân số thường xuyên không có nước sinh hoạt, đặc biệt là trong những tháng mùa khô. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã được ứng dụng công nghệ để tìm kiếm, thu trữ nguồn nước sạch cho người dân vùng khan hiếm nước vào mùa khô.
Bắc Kạn là một trong những tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, địa hình chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt, lượng mưa phân bố không đồng đều, mùa mưa chiếm 85-90% tổng lượng mưa cả năm, dân cư phân bố không tập trung, nguồn sinh thủy thấp, suất đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung vùng núi thường cao hơn nhiều so với vùng đồng bằng có cùng quy mô. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ đầu tư, xây dựng nhiều công trình cấp nước tập trung nông thôn lớn, nhỏ, cơ bản đến nay đã có 96,01% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 23,25% được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn quốc gia QCVN 02:2009/BYT. Tuy nhiên, công tác quản lý sau đầu tư vẫn là vấn đề đáng quan tâm khi nhiều hệ thống công trình cấp nước tập trung nông thôn chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí không được đưa vào sử dụng. Do vậy, để phát huy hiệu quả công trình cấp nước tập trung nông thôn rất cần có sự tham gia của các bên liên quan trong đổi mới cơ chế chính sách, thay đổi cơ chế quản lý, nâng cao nhận thức về cấp nước sinh hoạt nông thôn.
2- Thực trạng công trình và tổ chức quản lý công trình cấp nước sạch tập trung tỉnh Bắc Kạn:
2.1. Thực trạng công trình cấp nước sinh hoạt
Đến năm 2018, tỉnh Bắc Kạn được đầu tư khoảng 614 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (CNTT) nông thôn, chiếm 48,1% các loại hình công trình cấp nước (trong đó công trình tự chảy chiếm 99%, công trình sử dụng bơm dẫn 1%). Người dân sử dụng từ giếng đào, giếng khoan, giếng công cộng 36%; Nước từ lu bể chứa nước mưa là 9%; còn lại là sử dụng loại hình hỗn hợp khác.
Hình 1. Tỷ lệ người dân sử dụng nước theo các loại hình
cấp nước trong tỉnh
Các công trình cấp nước tập trung được đầu tư đã góp phần nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2018, tỉ lệ nước hợp vệ sinh tại các huyện đạt từ 91,2-97,7%. Tuy nhiên, hiện trạng hoạt động công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở mức yếu và trung bình trong tỉnh vẫn chưa cao và cần có giải pháp thích hợp nhằm duy trì hiệu quả bền vững công trình cấp nước tập trung.
2.2. Thực trạng quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn:
Công tác quản lý Nhà nước công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cấp tỉnh được giao cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, cấp huyện giao cho phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện quản lý, cấp xã giao cho UBND xã quản lý.
Về công tác quản lý, vận hành, trên địa bàn toàn tỉnh tồn tại 3 mô hình thực hiện quản lý, vận hành 614 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung gồm:
– Mô hình Hợp tác xã: quản lý 02 công trình
– Mô hình doanh nghiệp: quản lý vận hành 03 công trình
– Công đồng quản lý: quản lý vận hành 609 công trình
Một số công trình thành lập được Tổ quản lý dùng nước, tuy nhiên chỉ sau một thời gian hoạt động đã bị dừng lại, do không có nguồn kinh phí hỗ trợ quản lý. Hầu hết các công trình đều không thu được tiền sử dụng nước, chỉ một số ít công trình thu được từ 500-3.000đ/m3 là nguồn kinh phí hỗ trợ cho công trình hoạt động bền vững. Do công tác duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư chưa được kịp thời, nên nhiều công trình từ hỏng hóc nhỏ để lâu ngày dẫn tới hư hỏng lớn, công trình xuống cấp nhanh, kém hiệu quả.
2.3. Đánh giá tồn tại, nguyên nhân và hạn chế
Một đặc điểm chung của các công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng trên địa bàn tỉnh đều là các xã vùng sâu vùng xa, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hàng năm mưa lũ nhiều nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình như: Tình trạng sói lở phá hỏng công trình sau những trận mưa lũ, thời tiết khắc nghiệt đã làm cho tuổi thọ công công trình xuống cấp nhanh. Mặt khác, quản lý công trình chưa được quan tâm, chỉ sau một thời gian sử dụng công trình đã xuống cấp, một số nguyên nhân chủ yếu là:
– Công tác duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư chưa được kịp thời do thiếu nguồn kinh phí nên nhiều công trình từ hỏng hóc nhỏ không sửa chữa kịp thời lâu ngày dẫn tới hư hỏng lớn, công trình xuống cấp nhanh.
– Công tác quản lý công trình sau đầu tư theo quy định tại Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính về quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung chưa được thực hiện.
– Chưa có chính sách khuyến khích xã hội hóa về nước sạch nông thôn tại địa phương, chính sách cấp bù giá nước.
– Hầu hết các công trình được bàn giao lại cho cộng đồng không xây dựng thành các tổ quản lý, một số đã được thành lập được tổ chức thì thiếu qui chế hoạt động cụ thể, chưa phân công quản lý điều tiết kinh phí cho hoạt động duy tu bảo dưỡng thiếu hoặc không thu được.
– Các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND các xã chưa có biện pháp kiên quyết trong công tác quản lý, chưa đưa công tác quản lý thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
– Một số công trình đầu tư xây dựng không đồng bộ, công trình xây dựng sau làm hỏng công trình trước ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt của nhân dân.
3. Kết quả xây dựng mô hình tổ chức quản lý công trình cấp nước sinh hoạt thôn Nà Cằm – xã Côn Minh – huyện Na Rì – tỉnh Bắc Kạn
3.1. Hiện trạng cấp nước sinh hoạt thôn Nà Cằm
Thôn Nà Cằm thuộc xã Côn Minh, có 22 hộ dân là đồng bào dân tộc Tày, từ xa xưa người dân nơi đây đã sử dụng nguồn nước khe suối chảy qua thôn là nguồn nước chính cho sinh hoạt, mỗi gia đình tự lắp đường dẫn bằng ống nhựa, tre, nứa đưa nước từ suối về gia đình, nước được chứa trong bể xây gạch, téc inox, tuy nhiên đường ống không được bảo vệ và lắp đặt kiên cố, dẫn tới tình trạng thường xuyên bị dò, rỉ, đứt đoạn, hơn nữa, do nguồn nước khan hiếm trong mùa khô nên đã có hiện tượng tranh chấp vị trí đặt ống thu gom nước về các gia đình, thậm chí có thời điểm trong thôn thiếu nước sinh hoạt 15-20 ngày, nước sử dụng cho sinh hoạt không qua xử lý.
Sau khi đánh giá thực trạng từ cấp tỉnh xuống cấp xã và nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt từ người dân. Nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ xây dựng hệ thống thu trữ, xử lý và quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tại thôn Nà cằm như sau:
Hình 2. Sơ đồ công nghệ thu, trữ, xử lý nước thôn Nà Cằm
Dây chuyền công nghệ thu, trữ và xử lý nước bao gồm 01 công trình thu nước đầu nguồn; 01 hồ chứa nước 200m3; 01 modul xử lý nước; 01 bể 10m3 chứa nước sạch sinh hoạt; lắp đặt đường ống dẫn nước từ hồ 200m3 về bể 10m3; công suất xử lý 1m3/h, chất lượng nước đảm bảo theo QCVN 02/2009/BYT
Hình 3 : Một số hình ảnh về mô hình cấp nước sinh hoạt
thôn Nà Cằm, xã Côn Minh
3.2. Lựa chọn mô hình quản lý công trình cấp nước sinh hoạt thôn Nà Cằm
Hiện nay, Luật thủy lợi đã có hiệu lực, cùng với đó là các văn bản về lựa chọn mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn (Thông tư liên tịch số 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT). Trên cơ sở đánh giá thực trạng về quy mô công trình, đặc điểm kinh tế – xã hội tại thôn Nà Cằm, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 2 mô hình tổ chức quản lý công trình phù hợp là mô hình Hợp tác xã (HTX) và Tổ hợp tác (THT).
Đối với mô hình HTX thường thực hiện quản lý công trình cấp nước có quy mô công suất nhỏ (50-300 m3/ngày đêm) và một số có khả năng quản lý công suất trung bình (300-500 m3/ngày đêm) và quy mô hành chính liên thôn/xóm hoặc toàn xã. Mô hình này thường hoạt động nhiều dịch vụ nhằm tạo nguồn thu cho tổ chức. Do vậy, đối với địa bàn thôn nà Cằm quy mô công suất nhỏ (<50 m3/ngày đêm) và công trình nằm trọn trong phạm vi thôn nên mô hình HTX là chưa phù hợp.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn mô hình quản lý cấp nước sinh hoạt tại thôn Nà Cằm là mô hình Tổ hợp tác. Mô hình này sẽ phát huy được hiệu quả sự tham gia của toàn bộ người sử dụng nước và người sử dụng nước sẽ quyết định đến việc quản lý vận hành, nâng cấp sửa chữa công trình cấp nước.
Hình 4 : Sơ đồ mô hình Tổ hợp tác thôn Nà Cằm
3.3. Kết quả hoạt động xây dựng Tổ hợp tác quản lý nước sinh hoạt thôn Nà Cằm, xã Côn Minh.
Để tiến hành thành lập tổ chức quản lý công trình, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thành lập Tổ hợp tác quản lý công trình cấp nước sinh hoạt với các hoạt động như sau:
Bảng 1. Các hoạt động hỗ trợ xây dựng THT cấp nước sinh hoạt
TT | Hoạt động |
I | Đánh giá hiện trạng |
1.1 | Đánh giá chi tiết hiện trạng công trình cấp nước sinh hoạt |
1.2 | Đánh giá chi tiết các tổ chức quản lý công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã |
II | Hoạt động xây dựng tổ chức quản lý công trình cấp nước sinh hoạt |
2.1 | Hỗ trợ xây dựng cơ cấu Tổ chức |
2.2 | Hỗ trợ xây dựng quy chế hoạt động |
2.3 | Hỗ trợ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các hộ sử dụng nước |
2.4 | Hoàn thiện các thủ tục pháp lý |
- Điều tra đánh giá thực trạng công trình cấp nước sinh hoạt
– Tổ chức cuộc họp khởi động với chính quyền và các ban ngành liên quan để đạt được bản cam kết thực hiện giữa các bên liên quan.
– Tổ chức các cuộc họp dân ở xã giới thiệu về nội dung triển khai xây dựng công tình có sự tham gia, tuyên truyền về quản lý công trình cấp nước sinh hoạt, thảo luận về hiện trạng quản lý công trình cấp nước sinh hoạt
– Điều tra tình hình dân sinh, kinh tế xã hội trên địa bàn xã, thôn
– Điều tra khảo sát thực địa hiện trạng công trình cấp nước sinh hoạt có sự tham gia.
– Xác định kế hoạch vận hành phân phối nước, khối lượng bảo dưỡng và sửa chữa công trình thu trữ nước
- Thống nhất mô hình tổ chức quản lý công trình cấp nước sinh hoạt
– Tổ chức cuộc họp thống nhất mô hình tổ chức quản lý công trình cấp nước sinh hoạt với chính quyền và các ban ngành liên quan
– Tổ chức các cuộc họp dân thôn Nà Cằm để thảo luận thống nhất mô hình phù hợp với địa phương
Nhóm nghiên cứu đã tổ chức các cuộc họp làm việc thảo luận với lãnh đạo xã, đại diện Thôn Nà Cằm, người hưởng lợi để thống nhất thành lập tổ chức quản lý công trình cấp nước sinh hoạt cho phù hợp và hiệu quả hơn. Kết quả đã thống nhất xây dựng mô hình THT thực hiện quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tại thôn Nàm Cằm. Số lượng thành viên vào ban quản lý THT đều được thông qua người hưởng lợi ở các cuộc họp.
- Xây dựng quy chế hoạt động:
– Hướng dẫn Tổ hợp tác dự thảo quy chế quản lý công trình cấp nước sinh hoạt. Mục tiêu của xây dựng quy chế là để người dùng nước nhận thức được trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia xây dung và quản lý công trình cấp nước
– Báo cáo công tác chuẩn bị, thời gian, nội dung họp trù bị với chính quyền địa phương để có sự chỉ đạo của chính quyền.
– Hướng dẫn Nhóm sáng lập (đại diện thôn cử) tổ chức các cuộc họp dân để ý kiến người dân để hoàn chỉnh dự thảo Quy chế hoạt động.
– Thông qua cuộc họp với các hộ sử dụng nước để thống nhất mức thu, chi cho các hoạt động quản lý, vận hành và duy tu sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt
– Hướng dẫn Nhóm sang lập hoàn chỉnh Dự thảo Quy chế hoạt động của Tổ hợp tác trên cơ sở tập hợp các ý kiến đóng góp của người dân.
- Hội nghị lấy ý kiến các hộ sử dụng nước
Nhóm sáng lập tổ phối hợp với chính quyền xã, thôn tổ chức Hội người dùng nước thông qua Quy chế hoạt động và bầu Tổ trưởng, tổ phó cho Tổ hợp tác.
– Hội nghị người dùng nước được tổ chức thành công, với sự thảo luận dân chủ, nhất trí cao của người dùng nước thông qua Quy chế hoạt động
– Bầu 01 Tổ trưởng và 01 tổ phó
– THT đã thống nhất phân công trách nhiệm cho từ thành viên của THT trong quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt.
– Thống nhất mức thu phí dịch vụ và sửa chữa hư hỏng đột xuất
– Thông qua biên bản (nghị quyết) thống nhất thành lập tổ hợp tác
- Kết quả của việc thành lập Tổ hợp tác
+ Cơ cấu tổ chức
– Đã xây dựng mới bộ máy tổ chức cho các hộ dùng nước, có phân giao trách nhiệm cho tổ trưởng, các thành viên trong tổ
– Số lượng: gồm 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và 11 tổ viên
+ Quy chế hoạt động: Quy chế hoạt động đã được thông qua người dùng nước gồm 9 chương và 18 điều
– Quy chế hoạt động mới, cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi của các thành viên.
+ Năng lực quản lý
– Năng lực quản lý của các thành viên đã được nâng cao thông qua quá trình cùng học cùng làm, hướng dẫn sử dụng hệ thống thu trữ, xử lý nước.
– Các hộ sử dụng nước đã thống nhất nộp kinh phí 1.000 đ/m3 để vận hành, duy tu bảo dưỡng. Trường hợp hư hỏng lớn sẽ huy động hộ sử dụng nước đóng góp hoặc trình UBND xã để có kế hoạch duy tu, sửa chữa
Hình 5: Hội nghị thành lập Tổ hợp tác thôn Nà Cằm
6. Kết luận và kiến nghị
Quản lý công trình cấp nước tập trung nông thôn đã được triển khai và thực hiện nhiều trong thực tế. Mặc dù vậy, công trình cấp nước sạch nông thôn chưa thực sự đạt hiệu quả cao và rất nhiều công trình vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng, hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động sau khi được xây dựng xong, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng như vậy, trong đó nguyên nhân chính được cho là vấn đề quản lý sau đầu tư và chưa đánh giá đúng nhu cầu thực sự của ngưởi sử dụng nước.
Thông qua kết quả xây dựng mô hình quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Côn Minh tỉnh Bắc Kạn, nhận thấy một số yếu tố nhằm duy trì bền vững hệ thống cấp nước sinh hoạt:
– Người sử dụng nước nhận thức được vai trò của nước sạch đối với đời sống người dân
– Người sử dụng nước cần phải tham gia vào quá trình đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng hệ thống cấp nước (góp kinh phí, hiến đất, đấu nối vào từng hộ)
– Phải có quá trình tuyên truyền của các cấp chính quyền (từ tình xuống thôn/bản) về hiệu quả của sử dụng nước sạch và nâng cao nhận thức người dùng nước trong công tác quản lý, khai thác, vận hành hệ thống
– Phải xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, tõ ràng, phân công trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng.
– Có kinh phí cho duy tu bảo dưỡng công trình.
Lời cảm ơn
Bài báo này là một phần kết quả của Đề tài khoa học cấp Quốc gia “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp Công nghệ và Quản lý trong thu trữ nước mưa và nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013-2018 “ Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Trân trọng cảm ơn Đại học Quốc Gia Hà Nội, Văn phòng Chương trình Tây Bắc, sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn.
Bài viết đã được đăng trên tạp chí Tài Nguyên Nước số 2 tháng 5/2019