Hiện đại hóa thủy lợi trung du, miền núi phía Bắc – Bài 2: Đổi mới tư duy, tạo đột phá

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, muốn quy hoạch thủy lợi phục vụ đắc lực tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chúng ta cần thay đổi tư duy…

Đối với những giải pháp phi công trình, cần nghiên cứu, đề xuất chính sách để thuc đẩy xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, gắn với xây dựng NTM, đẩy mạnh áp dụng giải pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước, khai thác nước từ công trình thủy điện nhỏ (cơ chế chính sách mua nước từ các trạm thủy điện… Ví dụ, tỉnh Lào Cai đang đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ 20 tỷ đồng/50 tỷ để Cty chuối Hoàng Lan mở rộng quy mô trồng thêm 300ha chuối mô.

Ngoài ra, cần nghiên cứu các mô hình trình diễn tưới tiết kiệm nước cho chè, cam, cà phê, rau an toàn… Hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất lúa kém hiệu quả. Ví dụ, Hà Giang hỗ trợ 100% giống, phân bón và thuốc BVTV cho diện tích lúa chuyển đổi. Tăng cường đào tạo, hướng dẫn thiết kế, lắp đặt vận hành hệ thống tưới tiết kiệm. Hiện Tổng cục Thủy lợi đã công nhận hai tiến bộ về tưới tiết kiệm đề nghị được phát miễn phí cho địa phương để thực hiện.

Song song với đó, cần nâng cao năng lực cộng đồng, tổ chức tham quan, học tập tại các điểm mô hình trình diễn, những mô hình sản xuất có hiệu quả để người dân làm theo. Cho vay vốn ưu đãi đối với những hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp để áp dụng tưới tiết kiệm, khuyến khích phát triển mạng lưới cung ứng thiết bị vật tư, gắn với khuyến nông

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, muốn quy hoạch thủy lợi phục vụ đắc lực tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chúng ta cần thay đổi tư duy về đầu tư hệ thống công trình, quản lý khai thác và hình thức thu hút vốn đầu tư

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhận định, ở khu vực trung du, MNPB khoảng 85 – 95% những vùng đất bằng phẳng trồng lúa đã có hệ thống thủy lợi phục vụ. Ngược lại, nhiều diện tích đất dốc, mới được canh tác hoặc khai hoang, mạng lưới thủy lợi đang rất thiếu

Ngoài việc cấp kinh phí xây dựng các hạng mục công trình lớn, công trình đầu mối, cần có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích địa phương và những tổ chức, cá nhân sử dụng nước tự bỏ tiền đầu tư các công trình thủy lợi cỡ nhỏ.

Đi thăm một số mô hình tưới ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có những công trình khiến chúng ta thay đổi hẳn tư duy làm thủy lợi. Như tại vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) hoặc vùng trồng chuối ở Lào Cai, chúng ta nhìn mỏi mắt chẳng thấy nguồn nước đâu cả. Nhưng ở đó hoàn toàn là một nền nông nghiệp có tưới. Những ống nước len lỏi lên tít tận sườn núi, dẫn nước từ các khe suối nhỏ rồi tập trung tại các bể chứa cỡ nhỏ, cỡ vừa trong vườn. Từ đây, nước được bơm (hoặc chảy tự động) theo các đường ống, tưới cho từng gốc cây.

Các nhà hoạch định chính sách cần đúc rút kinh nghiệm của những mô hình này, chứ không phải chỉ đưa ra giải pháp xây dựng hồ chứa lớn để trữ nước cho cả một vùng. Đổi mới tư duy làm thủy lợi sẽ tạo sự đột phá trên các vùng đất dốc và phát triển bền vững. Đó chính là khẩu hiệu trong tái cơ cấu của khu vực miền núi phía Bắc.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, đối với khu vực trung du, MNPB chúng ta cần tập trung thiết kế và xây dựng những kịch bản lớn để cấp nước cho các vùng khô cạn.

Điển hình như Dự án Hệ thống dẫn nước từ sông Bưởi (dự án Hồ Cánh Tạng (dung tích trữ 80 triệu m3, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) có các mục tiêu giảm lũ quét chính vụ cho vùng hạ du sông Bưởi, chủ động nguồn nước tưới cho 410ha đất canh tác vùng hạ lưu công trình và cấp nước sinh hoạt cho 3.500 hộ dân tại thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn); cấp nước trực tiếp từ hồ, cấp nước cho khu công nghiệp Lạc Thịnh và 2.100ha đất canh tác vùng 6 xã khó khăn nguồn nước của huyện Yên Thủy; xả bổ sung cho vùng tưới bằng bơm ven dòng chính vùng hạ du sông Bưởi trong mùa nước kiệt.

Ở Hà Giang, họ dẫn nước từ hồ thủy điện 302, 304 nằm ở trên cao thông qua hệ thống đường ống với chiều dài khoảng 3km đưa nước qua sông Lô, cả vùng Phong Quang (huyện Vị Xuyên) rộng mênh mông từ chỗ thường xuyên khô hạn thành dồi dào nguồn nước.

Từ những mô hình trên, chúng ta phải quay lại bài toán gốc về mặt nguyên tắc. Việc quản lý tổng hợp nguồn nước giữa thủy lợi, thủy điện phải chuyển sang hướng đa mục tiêu. Nếu tìm hiểu sẽ thấy, dọc theo dãy Tây Côn Lĩnh, Hoàng Liên Sơn có hàng loạt hồ thủy điện. Nếu chúng ta mua nước bằng với giá phát điện là 400 đồng/m3 (nhà nước hỗ trợ một phần) để phục vụ tưới cũng là một giải pháp tốt.
Đối với hệ thống dẫn nước, bài toán đặt ra là có thể làm đường ống được không? Dù chi phí đầu tư cao, nhưng quy hoạch thủy lợi cần một tầm nhìn khá dài, chúng ta đừng sợ không có tiền mà không làm
Trong tái cơ cấu thủy lợi cho khu vực MNPB, vấn đề quản lý khai thác thủy lợi đang bộc lộ nhiều bất cập. Nguyên nhân do cả điều kiện khách quan như trượt sạt, bồi lấp, vốn đầu tư eo hép… và cả lỗi do con người. Nguy cơ thiếu nước trong mùa hạn, lụt úng vào mùa mưa sẽ gia tăng

Bởi vậy, quy hoạch thủy lợi phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Chúng ta không thể làm tốt thủy lợi được nếu không thay đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng công nghệ cao.

Một số doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu xây dựng những công trình cấp nước phục sản xuất nông nghiệp hiện đại như cấp nước sinh hoạt trong gia đình, vặn vòi là có nước. Chúng ta phải có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng những mô hình đó để xã hội hóa công tác thủy lợi theo hình thức đối tác công tư

 

Nguồn: Bài tham khảo trên trang Nông nghiệp thực hành-
Báo Nông nghiệp Việt Nam số 160 ngày 11/8/2016