ThS. Nguyễn Lê Dũng
Trung tâm tư vấn PIM
“Thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Trung tâm PIM về việc đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực khoa học, công nghệ; trong bối cảnh thực hiện chỉ thị 17 của Thành phố Hà Nội, ngày 28.07.2021, Phòng Hợp tác và Phát triển Tổ chức dùng nước tổ chức Hội nghị chuyên đề (trực tuyến) thảo luận về thực hiện liên kết sản xuất trong nông nghiệp và bài học kinh nghiệm từ mô hình Liên kết sản xuất lúa gạo ST25 tại tỉnh Kiên Giang – vụ Hè thu 2020”.
Hình. Tổng thể hội nghị
Hội nghị do ông Đặng Minh Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm PIM chủ trì. Tham dự hội nghị có ông Lê Văn Gia Nhỏ – chuyên gia về Nông nghiệp và Phát triển hợp tác xã, Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, và toàn bộ cán bộ phòng Hợp tác và Phát triển Tổ chức dùng nước (HTDN) – Trung tâm PIM. Báo cáo chính của hội nghị do ông Nguyễn Đức Mạnh, cán bộ phòng HTDN thực hiện. Nội dung chính của hội nghị gồm có:
- Tổng quan về khái niệm, sự cần thiết, mục tiêu và các nội dung chính của việc thực hiện liên kết sản xuất trong nông nghiệp;
- Trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện mô hình “Liên kết sản xuất lúa gạo ST25 tại tỉnh Kiên Giang – vụ Hè thu 2020”;
- Thảo luận các vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu cho phòng HTDN trong việc phát triển liên kết sản xuất cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là đối với vùng ĐBSCL.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu, gồm 13 tỉnh, có nhiều đặc điểm về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và con người phù hợp để sản xuất nông nghiệp. Trong đó chỉ riêng sản xuất lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước, xuất khẩu gạo của toàn vùng chiếm tới 90% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước. Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến hết sức mạnh mẽ, phức tạp, khó lường. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất thấp ven biển sẽ là khu vực bị tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Theo dự báo, trong vài chục năm tới, nước biển sẽ dâng cao làm ngập lụt phần lớn diện tích đất canh tác nông nghiệp của vùng. Hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn, nước lũ sẽ cao hơn, thời gian nhập lũ sẽ kéo dài hơn. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn tác động tiêu cực đến toàn vùng. Nhất là ảnh hưởng hoạt động sản xuất thấy rõ nhất là đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc sản xuất lúa gạo.
Trong điều kiện kinh tế thị trường và sự biến đổi khí hậu trên trái đất hiện nay, vấn đề sản xuất và tiêu thụ lúa – gạo trở thành vấn đề được không chỉ các nhà quản lý, người nông dân, mà còn rất nhiều “nhà” khác quan tâm. Vì vậy, chương trình liên kết 4 nhà đã được đặt ra và triển khai ở nhiều nơi trên cả nước, với kỳ vọng hỗ trợ thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường. Khi mối liên kết này xây dựng thành công sẽ hỗ trợ kịp thời cho người nông dân chủ động sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, khắc phục được tình trạng “được mùa rớt giá”, đồng thời hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra của quá trình sản xuất kinh doanh nông sản.
Trên thực tế, nhiều mô hình liên kết 4 nhà được triển khai thí điểm thành công đang mang lại những hiệu quả rất thiết thực, tuy nhiên mô hình này chưa thực sự tạo ra sự lan tỏa trong xã hội, chưa đạt được mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ số đông người nông dân với tư cách là nhà sản xuất tham gia thị trường một cách chủ động trong dòng chảy hội nhập kinh tế.
Vì vậy, làm thế nào để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả và bền vững là chủ đề được thảo luận chủ yếu tại hội nghị. Ngoài ra, vai trò của các nhà khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển cộng đồng và quản lý cơ sở hạ tầng nông thôn (một trong những lĩnh vực chính của phòng HTDN) được thể hiện như thế nào trong liên kết sản xuất cũng là vấn đề được quan tâm.
Sau khi nghe phần trình bày của ông Nguyễn Đức Mạnh và phần thảo luận sôi nổi của các đại biểu, ông Đặng Minh Tuyến đã đánh giá cao sự chuẩn bị của phòng cũng như báo cáo viên. Ông Đặng Minh Tuyến cũng đã tóm tắt lại các vấn đề thảo luận chính và có những chỉ đạo cụ thể như sau:
- Cần tiếp tục phát triển các nội dung của báo cáo, quy chuẩn hóa thành bộ tài liệu có chuyên môn sâu về liên kết sản xuất, mở rộng thêm nội dung về các mô hình liên kết sản xuất cho nông sản khác như thủy sản, cây ăn trái… Đây sẽ là bộ tài liệu riêng và quan trọng của phòng HTDN phục vụ công tác chuyên môn và đào tạo cán bộ trẻ.
- Cách làm này là rất hay, thiết thực và có ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều công việc không thể triển khai được trong thời gian ngắn. Phòng cần tiếp tục phát huy và nhân rộng cả về nội dung, quy mô.
Thay mặt cho phòng HTDN, ông Nguyễn Lê Dũng – Trưởng phòng, đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban lãnh đạo Trung tâm, các chuyên gia, báo cáo viên và toàn thể hội nghị.
Hội nghị đã thành công tốt đẹp.