Họp Hội đồng nghiệm thu, đánh giá cấp Quốc gia Đề tài KHCN thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng Nông thôn mới

Ngày 01/9/2021, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Văn phòng Chương trình KHCN phục vụ xây dựng Nông thôn mới đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu, đánh giá cấp Quốc gia đề tài thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng Nông thôn mới. Hình thức họp trực tuyến qua ứng dụng Zoom.

Tên đề tài ““Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng ở nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới” do ThS. Đặng Minh Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Trung tâm tư vấn PIM chủ nhiệm.

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Quốc gia gồm có: TS. Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện QH&TK Nông nghiệp làm Chủ tịch; PGS.TS Đinh Vũ Thanh phó Chủ tịch; ThS. Tăng Minh Lộc phản biện 1; TS.KTX Quyền Thị Lan Phương – Học viện Nông nghiệp VN phản biện 2; Các ủy viên: ThS. Nguyễn Hoàng Yến – Cục KTHT&PTNT, TS. Nguyễn Việt Anh – TCTL, PGS.TS Nguyễn Việt Phương – ĐHXD, PGS.TS Trần Văn Điền – ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, ThS. Vi Việt Hoàng – VP ĐPNTM Trung Ương; tham dự Hội nghị có GS.TS Nguyễn Tuấn Anh- Chủ nhiệm Chương trình; ThS. Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh VP ĐPNTM TƯ, ThS. Vi Thanh Hoài, Cục phó Cục Văn hóa cơ sở Bộ VH, TT&DL; PGS.TS Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Trung tâm tư vấn PIM; đại diện Vụ KHCN&MT, VP Chương trình, VPĐPNTM TW và nhóm thực hiện Đề tài.

Báo cáo kết quả của Đề tài trước Hội đồng, ThS. Đặng Minh Tuyến – Chủ nhiệm đề tài cho biết: Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới là một Chương trình lớn, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tam nông; phục vụ trực tiếp cho trên 65% người dân sinh sống ở nông thôn; Từ 6/2010 đến nay cả nước đã huy động gần 3 triệu tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; Trong đó kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm đến 90%, riêng 2 vùng ĐBSH và ĐBSCL chiếm khoảng 40% cả nước. Tuy nhiên vấn đề tổ chức quản lý, khai thác và bào trì CSHT nông thôn còn nhiều bất cập, chưa có mô hình quản trị phù hợp, năng lực yếu kém, kinh phí dành cho bảo trì rất thiếu thốn, chưa có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa, sự tham gia của cộng đồng trong quản lý khai thác, bảo trì, chưa có tiêu chí đánh giá tính hiệu quả, bền vững của CSHT nông thôn, phục vụ cho duy trì, nâng chất tiêu chí nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020. Chính vì vậy, đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cấp bách góp phần giải quyết các bất cập trên.

Trong giới hạn về thời gian và phạm vi nghiên cứu cho 2 vùng ĐBSH và ĐBSCL, nhóm thực hiện đề tài đã sử dụng cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu phù hợp, hoàn thành vượt kế hoạch các sản phẩm theo đề cương được duyệt gồm:

  1. Xây dựng 07 mô hình điểm quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng ở nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới:
  • 02 mô hình cộng đồng tham gia quản lý đường GTNT tại xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (vùng ĐBSH) và tại xã Đại Thành, Thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang (vùng ĐBSCL).
  • 02 mô hình cộng đồng tham gia quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (HTXDVNN Tân Quới tại An Giang và HTXDVNN Tứ Xuyên tại Hải Dương).
  • Mô hình cộng đồng tham gia quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
  • Mô hình quản lý Trung tâm văn hóa – Thể thao xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
  • 01 mô hình quản lý tổng hợp CSHT nông thôn: Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp và Môi trường xã Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
  1. Báo cáo đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, nước sinh hoạt) cho 02 vùng ĐBSH và ĐBSCL;
  2. Nghiên cứu CSKH, pháp lý, sử dụng phương pháp Delphi và công cụ SPSS xây dựng, đề xuất áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá định lượng hiệu quả, tính bền vững của cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới với 02 nhóm tiêu chí, 24 tiêu chí thành phần;
  3. Báo cáo giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng ở nông thôn (giao thông, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, nước sinh hoạt) phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau 2020;
  4. Báo cáo đề xuất các mô hình quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng ở nông thôn cho các loại CSHT thiết yếu (giao thông, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, nước sinh hoạt) phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau 2020;
  5. Sổ tay hướng dẫn xây dựng mô hình quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng ở nông thôn (giao thông, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, nước sinh hoạt) phục vụ xây dựng nông thôn mới;
  6. Báo cáo đề xuất, khuyến nghị về chính sách huy động cộng đồng tham gia, giám sát trong đầu tư và quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng ở nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới; Đề xuất bổ sung, sửa đổi tiêu chi về CSHT nông thôn giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt.
  7. 04 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành.
  8. Tham gia đào tạo 02 Thạc sĩ.

Sau khi các ủy viên phản biện, thành viên Hội đồng nhận xét, thay mặt Hội đồng, Ts Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao tính khoa học và thực tiễn, các kết quả đạt được của Đề tài; Đề tài có phạm vi rộng, liên ngành, khối lượng thực hiện lớn; nhóm thực hiện đã hoàn thành đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt, đồng thời vượt kế hoạch 01 mô hình, 01 bài báo. Chủ tịch Hội đồng cũng đề nghị Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa hoàn thiện báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, phân tích làm rõ thêm các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn cho các nhận định, đánh giá về chính sách; phạm vi ứng dụng các mô hình, phương án áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá; đối tượng, phạm vi sử dụng Sổ tay hướng dẫn và hoàn thiện thêm các sản phẩm chính của đề tài.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Quốc gia nghiệm thu, đánh giá đạt yêu cầu.