Mô hình trồng lạc tưới tiết kiệm nước ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ
Từ hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bà Nguyễn Thị Gái ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, mặt tươi cười khoe giấc mơ được tưới nước cho cây lúa ở vùng quê này đã trở thành sự thực từ khi được cấp trên đầu tư xây dựng kênh mương thủy lợi đưa nước về tưới cho ruộng đồng. Nhiều đời qua bà con nông dân ở đây làm lúa chỉ trông vào trời, chứ không có hệ thống nước tưới tiêu. Vì vậy mùa nắng thì ruộng đồng khô hạn, mùa mưa thì ngập úng. Ông Hồ Xuân Hòe, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, nhờ Dự án Cải thiện Nông nghiệp có tưới do WB tài trợ (WB7) mà tỉnh Quảng Trị đã hoàn thiện nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi thuộc hồ La Ngà, hồ Trúc Kinh – Hà Thượng, chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng thâm canh, chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp trong vùng. Cụ thể, thông qua dự án nhằm nâng cấp, sữa chữa hệ thống thủy lợi La Ngà và Trúc Kinh – Hà Thượng, đảm bảo diện tích tưới nước tự chảy tăng lên, không còn diện tích không tưới được, cung cấp nước tưới cho hơn 6.000ha lúa, màu và thủy sản; tiêu úng cho 1.300ha đất canh tác, ngăn mặn cho 400ha diện tích tưới La Ngà nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững. Đáng chú ý dự án quan tâm đến nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống tưới. Đối với hệ thống La Ngà là đảm bảo cấp nước cho cây trồng nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với diện tích 2.450ha, trong đó tưới cho lúa tăng từ 1.450ha lên 1.800ha, tưới cho màu từ 100ha lên 200ha, mở rộng diện tích nuôi thủy sản từ 150ha lên 450ha, bổ sung nguồn nước cho sinh hoạt. Đối với hệ thống Trúc Kinh đảm bảo cấp nước cho cây trồng nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với diện tích 3.600ha và cấp bổ sung nguồn nước cho sinh hoạt… Một hợp phần quan trong của dự án là hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh và thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp thông minh có tưới, xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất và thâm canh lúa và các loại cây trồng ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, xây dựng hệ thống sản xuất đa dạng cây trồng cạn ở các huyện Vinh Linh, Gio Linh, Cam Lộ
Đến mô hình tưới tiết kiệm cho cây lạc Cam Lộ là huyện đi đầu của tỉnh Quảng Trị trong việc sử dụng hệ thống nước tưới của các dự án kênh mương thủy lợi để phục vụ tưới nhỏ giọt cho cây trồng. Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết địa phương này có địa hình bán sơn địa, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào năng lực tưới của các công trình thuỷ lợi và tình hình thời tiết, trong khi hệ thống thuỷ lợi nhỏ, các hồ chứa, đập dâng ở Cam Lộ dung tích chứa nhỏ nên rất dễ bị khô hạn. Vì vậy, vấn đề chuyển đổi cây trồng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu được xem là giải pháp căn cơ mà địa phương này lựa chọn. Ông Chiến nói rằng huyện quyết tâm chuyển những diện tích ruộng khô thiếu nước sang trồng cây trồng cạn, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm để phát triển cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu. Thăm cánh đồng lạc trải dài 27ha ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành, một mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa khó tưới sang trồng lạc đúng vào vụ chuẩn bị thu hoạch, mới thấy sự thuyết phục của mô hình thí điểm chuyển đổi. Ông Trần Văn Lương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quật Xá cho hay, hơn một năm trước, đây là cánh đồng lúa của HTX nhưng vì diện tích nằm ở vùng cao nên năm nào cũng thiếu nước, trễ thời vụ. Năm nào mưa thuận, gió hòa thì năng suất cao nhất cả vụ lúa cũng chỉ khoảng 90 tạ/ha, với giá lúa như hiện nay 600 ngàn đồng/tạ thì thu nhập bình quân 1ha lúa khoảng 54 triệu đồng. Từ khi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng lạc có tưới và gối vụ ngô thu đông theo hình thức luân canh lạc đông xuân – lạc hè thu – ngô đông xuân thì thu nhập tăng lên 190 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có một số hộ đạt 210 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, xã viên HTX còn phụ thu trên 21 tấn từ thân ngô tươi để chế biến thức ăn cho gia súc trong mùa mưa, bão, rét khan hiếm thức ăn. Việc luân canh các loại cây trồng liên tục cũng hạn chế tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ cỏ trước khi làm đất sang niên vụ mới, bảo vệ được môi trường vi sinh vật có ích trong đất, đồng thời tiết kiệm được 8.000 – 10.000m3 nước để sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Từ kết quả mô hình chuyển đổi sau vụ đông xuân 2015 – 2016, huyện Cam Lộ tiếp tục chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Quật Xá lập kế hoạch chuyển đổi 40ha đất lúa khó tưới sang trồng lạc vụ hè thu để làm giống cho vụ đông xuân năm sau. Sau đó, vụ thu đông sẽ xuống giống 30ha ngô chủ động tưới rải vụ từ 15/9 – 15/10/2016, đồng thời thí điểm thêm một số diện tích lạc xen sắn vùng thấp không ngập lũ, thu hoạch sớm chuyển trồng ngô thu đông, nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài mô hình sản xuất lạc tưới tiết kiệm thông qua hệ thống kênh mương trên đất lúa khó tưới ở trên, vụ đông xuân 2015 – 2016 huyện Cam Lộ còn triển khai thí điểm 12ha trồng lạc tưới tiết kiệm nước trên địa bàn 2 xã Cam Thuỷ và Cam Hiếu. Với xã Cam Thuỷ mô hình thí điểm trên 7ha vùng đất cát pha trước đây chủ yếu trồng sắn, thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/ha/năm bằng cách sử dụng nguồn nước từ đập Đá Lã. Ở xã Cam Hiếu sản xuất 5ha lạc thí điểm trên vùng đất thịt nhẹ chủ yếu trồng lạc xen sắn thu nhập bình quân 70 triệu đồng/ha, sử dụng nguồn nước hồi quy của hồ Nghĩa Hy. Với sự hỗ trợ ban đầu của UBND huyện Cam Lộ 210 triệu đồng đầu tư lắp đặt 100% hệ thống điện, hệ thống tưới tiết kiệm bằng ống phun mưa theo công nghệ Đài Loan. Kết quả bước đầu của vụ đông xuân 2015 – 2016 cho thấy, tại xã Cam Thuỷ năng suất lạc ước đạt 22 – 25 tạ/ha, giá thu mua hiện tại 23.000 đ/kg, thu nhập 50,6 – 57,5 triệu đồng/ha, cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với thu nhập trồng sắn trước đây. Tại xã Cam Hiếu năng suất đạt 30 – 32 tạ/ha, thu nhập 69 – 73 triệu đồng/ha.
Đánh giá các mô hình này, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cam Lộ cho biết đối chiếu mô hình thí điểm trồng lạc có tưới với các mô hình sản xuất lạc truyền thống trên các vùng bãi bồi ven sông Hiếu phụ thuộc nguồn nước tự nhiên cho thấy, năng suất lạc có tưới cao gấp đôi lạc không tưới. Điều đó có thể thấy, việc chủ động tưới tiết kiệm cho cây lạc là một giải pháp đồng bộ cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh ổn định và tạo đột phá về năng suất. Thời gian tới, Phòng NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương trong huyện tiếp tục sản xuất lạc bằng hệ thống tưới tiết kiệm. Kết quả mô hình sẽ làm cơ sở nhân rộng trên toàn huyện không những về sản xuất mà có thể xem xét nghiên cứu đầu tư cở sở hạ tầng tưới cho cây trồng cạn trong tình hình thời tiết ngày một khô hạn như hiện nay. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sử dụng nguồn nước các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiết kiệm cho cây trồng về hiệu quả kinh tế, đánh giá bước đầu cho thấy, trừ các chi phí đầu tư, lợi nhuận trung bình tính cho 1 vụ sản xuất có thể đạt từ 60 – 100 triệu đồng/ha/vụ tùy thuộc vào loại cây trồng và mùa vụ sản xuất. Về lượng nước sử dụng rất tiết kiệm, trong đó, việc sử dụng hình thức tưới phun mưa và nhỏ giọt đã giảm được sự thất thoát lãng phí nguồn nước và chủ động về lượng nước và thời gian tưới cho từng loại cây trồng. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên hiện nay tỷ lệ cây trồng được sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm ở Quảng Trị đang rất ít, chỉ mới triển khai ở huyện Cam Lộ.
Ông Hà Sỹ Đồng kiến nghị, nhằm tiếp cận với các công nghệ tưới tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất cây trồng, đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ tỉnh Quảng Trị xây dựng các hệ thống tưới tiết kiệm; đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình đầu mối đảm bảo an toàn và cấp nước tưới ổn định. + Ông Hồ Xuân Hòe, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, dự án này ngoài việc củng cố, hoàn thiện hệ thống kênh mương đáp ứng yêu cầu tưới tiêu cho lúa thì cũng nhằm phục vụ tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng khác. Về lâu dài không những tưới cho các cây ngắn ngày như lúa, lạc, mà cần đầu tư xây dựng hệ thống tưới thông minh cho các loại cây công nghiệp, cây trồng dài ngày có giá trị kinh tế cao
LÂM QUANG HUY
Bài tham khảo trên trang Nông nghiệp thực hành-
Báo Nông nghiệp Việt Nam số 163 ngày 16/8/2016