Ngày 11/3/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ “Xây dựng mô hình cộng đồng chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai thích ứng biến đổi khí hậu” do PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn chủ nhiệm và Trung tâm tư vấn PIM là đơn vị chủ trì thực hiện
Trong các loại hình công trình thủy lợi thì hồ chứa nước là loại hình công trình có tính chất tổng hợp nhất bao gồm cả việc cấp nước tưới, sinh hoạt, công nghiệp và phát triển các ngành kinh tế quốc dân khác, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái; cắt, chậm lũ để phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân vùng hạ lưu. Hiện nay, trên cả nước đã xây dựng được 6.648 hồ chứa nước các loại với tổng dung tích trữ trên 49,88 tỷ m3 nước, trong đó hồ chứa nước nhỏ có dung tích dưới 1 triệu m3 chiếm 87% tổng số hồ chứa. Các hồ này phần lớn tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Trong thời gian gần đây, nhiều hồ chứa có quy mô vừa và nhỏ đã bị vỡ và gây thiệt hại đáng kể tới người, tài sản của nhân dân. Các hồ bị vỡ do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chất lượng thi công không bảo đảm, mưa lũ quá lớn về mùa mưa và ít về mùa khô, không đủ kinh phí để sửa chữa nâng cấp, đặc biệt là công tác quản lý, vận hành, phòng chống thiên tai còn hạn chế. Vì vậy, để quản lý công trình hồ chứa nhỏ một cách hiệu quả, bền vững, không để xảy ra sự cố vỡ đập, cần phải nâng cao nhận thức của các bên liên quan, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, phân rõ vai trò trách nhiệm các bên, nâng cao năng lực cán bộ chính quyền, cán bộ quản lý và cộng đồng về thiên tai hồ chứa nhỏ. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã đề xuất đề tài “Xây dựng mô hình cộng đồng chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Mục tiêu của Đề tài là xây dựng được mô hình cộng đồng chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng duyên hải Trung Bộ tại 5 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định và Ninh Thuận (mô hình cộng đồng tham gia quản lý khai thác công trình hồ chứa vừa và nhỏ),
Sau thời gian thực hiện, Đề tài đã hoàn thành khối lượng và nội dung nghiên cứu so với đề cương thể hiện bằng các sản phẩm chính và 26 sản phẩm trung gian đã thực hiện như: (1) Báo cáo đánh giá hiện trạng cộng đồng quản lý công trình thủy lợi hồ chứa vừa và nhỏ chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; (2) Đã xây dựng bộ tiêu chí về mô hình cộng đồng quản lý công trình thủy lợi hồ chứa vừa và nhỏ chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; (3) Đã xây dựng 3 mô hình cộng đồng quản lý hồ chừa vừa và nhỏ chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu tại 3 tỉnh duyên hải miền Trung; (4) Đã xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng về thiên tai và cộng đồng quản lý hồ chứa vừa và nhỏ chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; (5) Áp dụng 3 quy trình quản lý và vận hành lũ và hạn cho 3 hồ chứa tại 3 xã của mô hình là hồ Khe Nu – Nghệ An, hồ Đập Lù – Hà Tĩnh, hồ Khe Khế – Quảng Trị; (6) Các tài liệu liên quan đến quản lý vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống công trình hồ chứa vừa và nhỏ; (7) Xây dựng Sổ tay hướng dẫn xây dựng mô hình cộng đồng quản lý hồ chứa vừa và nhỏ chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; (8) Đã đưa ra các giải pháp nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý hồ chứa vưaaf và nhỏ theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thay mặt Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong – Chủ tịch Hội đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, các kiến nghị của Đề tài có tính khả thi cao. Khối lượng nghiên cứu của Đề tài lớn; đề tài đã bám sát mục tiêu nghiên cứu, số lượng và chủng loại theo đúng đề cương được duyệt; phương pháp nghiên cứu phù hợp, đảm bảo độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu; đề tài đã phân tích được tính thực tiễn, cơ sở khoa học để đề xuất mô hình quản lý, các mô hình có khả năng nhân rộng và áp dụng cao trong chương trình nông thôn mới; kết quả nghiên cứu của Đề tài giúp cơ quan quản lý xây dựng chính sách và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tài liệu tham khảo của Đề tài phong phú, các kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được đăng báo và được công bố đầy đủ trên các Tạp chí khoa học của Ngành. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa kết cấu nội dung của báo cáo, các tài liệu tập huấn ở cơ sở, một số thuật ngữ trong nghiên cứu; làm rõ phạm vi nghiên cứu, các mô hình và cơ sở lựa chọn, cơ chế hoạt động của mô hình, tiêu chí lựa chọn điểm nghiên cứu; phân tích sâu về thực trạng cộng đồng quản lý thiên tai; xem xét thêm về tính ứng dụng của quy trình vận hành; bổ sung, hoàn chỉnh bộ tiêu chí khi đưa vào ứng dụng thử nghiệm; chỉnh sửa lại Sổ tay Hướng dẫn; hoàn thiện các tư liệu, văn bản kèm theo của Đề tài.
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài hoàn thiện sản phẩm của Đề tài theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.
Đề tài đạt nghiệm thu loại khá.
Một số hình Ảnh tại cuộc họp
Thay mặt chủ nhiệm Đề tài, ThS. Trần Việt Dũng – Trung tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài
PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong – Chủ tịch Hội đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại buổi họp