Tóm tắt: Xã hội hóa đầu tư và quản lý thủy lợi nội đồng ở nước ta hiện nay đang được thể hiện phổ biến dưới hình thức Quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng. Hình thức này đã hình thành và gắn liền với lịch sử phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai ở nước ta, sau đó được phát triển bài bản theo xu hướng, thông lệ chung của quốc tế trong khoảng gần 20 năm gần đây. Trong quá trình phát triển đó, quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng cũng còn không ít bất cập. Bài viết này sẽ giới thiệu những phân tích, đánh giá về thực trạng, từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư và quản lý các hệ thống thủy lợi nội đồng một cách bền vững trong điều kiện thực thi miễn thủy lợi phí hiện nay.
ThS. NCS Nguyễn Xuân Thịnh, ThS. Trần Việt Dũng
Trung tâm Tư vấn PIM
PGS. TS Đoàn Doãn Tuấn
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường
Từ khóa: Xã hội hóa thủy lợi, quản lý và phát triển thủy lợi nội đồng, miễn thủy lợi phí
Summary: Socialization of investments and management of on-farm irrigation works in Vietnam is presently existing in form of participatory irrigation management. This management has been formed long time ago and closely linked with the history of irrigation development serving agriculture production and natural disaster prevention and control of Vietnam. After that, it has been developed in a more methodological manner adopting international trends and approach in the last 20 years. During its development, certain achievements have been gained regarding to involving the participation of stakeholders in irrigation management, yet inadequacies are still observed. This article presents analyses and evaluations on the status of participatory irrigation management based on which some measures to promote socialization of investments and management of on-farm irrigation system in a sustainable manner will be developed given the irrigation service fee abolishment policy.
Key words: Socialization of irrigation development, Management and development of on-farm irrigation, abolishment of irrigation service fee.
Đặt vấn đề
Quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng là một hình thức xã hội hóa công tác thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là một trong những chủ trương của nhà nước nhằm mục tiêu huy động các hộ sử dụng nước tham gia vào công tác tưới tiêu góp phần phát triển và khai thác có hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi hiện có, đồng thời cũng là nhằm phát triển hoàn thiện các hệ thống thủy nông nội đồng.
Mặc dù thuật ngữ quản lý tưới có sự tham gia mới được dùng để chỉ sự tham gia của người dân trong các công tác thủy lợi ở nước ta kể từ nửa cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, trên thực tế, sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng và quản lý vận hành các hệ thống thủy lợi ở nước ta đã được ghi dấu ở nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, bảo vệ mùa màng, tính mạng của người dân, như kênh đào Đông Xuyên nối từ Long Xuyên xuống Rạch Giá, được xây dựng vào những năm 1817-1818 nhờ sự hợp tác dân – binh; kênh Vĩnh Tế nối từ Châu Đốc ra biển Hà Tiên, xây dựng năm 1820-1824. Đó là những công trình mang ý nghĩa quan trọng phục vụ sản xuất và dân sinh ở vùng Tây Nam Bộ của nước ta và có thể coi là những khái niệm đầu tiên về sự tham gia của cộng đồng trong lĩnh vực thủy lợi.
Sau này, việc huy động sự tham gia của người dân trong xây dựng công trình thủy lợi tiếp tục được thực hiện dưới nhiều cách tiếp cận và hình thức khác nhau như đóng góp tiền, ngày công,… chẳng hạn như lao động công ích tham gia xây dựng, tu bổ các công trình phúc lợicông cộng, trong đó có các công trình thủy lợi (bãi bỏ năm 2004).
Trong công tác quản lý, cách tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tưới ban đầu là tập trung huy động sự tham gia của nông dân vào những năm 1970, sau đó đã được phát triển lên cấp độ cao hơn là quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng, bao gồm tất cả các bên liên quan, đặc biệt là những người hưởng lợi nhằm chia sẻ trách nhiệm một cách toàn diện giữa nhà nước và nhân dân trong công tác quản thủy lợi.
Thực tế cho thấy, quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng là một trong những giải pháp có triển vọng ở nước ta, điều đó được thể hiện qua kết quả của nhiều dự án có nguồn vốn tài trợ bởi các tổ chức quốc tế như WB, JICA, ADB, AfD, v.v. Tuy nhiên, sự bền vững của các TCDN vẫn luôn là vấn đề đáng lo ngại khi mà mô hình tổ chức, cơ chế chính sách về tài chính, năng lực của các tổ chức và đặc biệt là khả năng tham gia, đóng góp của người dân còn hạn chế.
Theo nhận định chung, giải pháp phù hợp để phát triển bền vững hệ thống thủy lợi nội đồng theo hướng xã hội hóa trong bối cảnh miễn thủy lợi phí như hiện nay cần quan tâm đến 3 yếu tố then chốt là: (1) Mô hình tổ chức quản lý thủy nông cơ sở; (2) Tác động của chính sách miễn thủy lợi phí đối với hoạt động của các TCDN và (3) Hiệu quả sản xuất nông nghiệp và khả năng đầu tư cho quản lý và phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng. Bài viết này sẽ tập trung phân tích, đánh giá 3 yếu tố nêu trên để từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy xã hội hóa quản lý và phát triển bền vững hệ thống thủy lợi nội đồng trong điều kiện miễn thủy lợi phí như hiện nay.