Kết quả thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Hà Tĩnh

Xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn có ý nghĩa quan trọng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Bài báo này giới thiệu kết quả thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Hà Tĩnh. Các giải pháp thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Hà Tĩnh là bài học kinh nghiệm có giá trị cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu khoa học cũng như các địa phương tham khảo áp dụng. PGS.TS Trần Chí Trung ThS. Nguyễn Danh Minh Trung tâm tư vấn PIM

  1. Đặt vấn đề

Khi nói đến cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới chúng ta thường nhắc tới các hạng mục công trình như: Đường giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện, công trình văn hoá thể thao, trạm y tế, trường học, thông tin liên lạc. Hệ thống công trình thủy lợi, giao thông nông thôn là cơ sở hạ tầng quan trọng bậc nhất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Hạ tầng kỹ thuật thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, cấp nước dân sinh và các ngành kinh tế khác, đồng thời cũng góp phần phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác. Hạ tầng giao thông nông thôn là một bộ phận không thể thiếu trong kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển đã tác động tích cực đến việc thực hiện các chương trình cơ giới hóa trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở kết quả điều tra đánh giá của đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ về giao thông nông thôn, thủy lợi phù hợp với quy hoạch làng xã phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ” do Trung tâm PIM thực hiện (2013), bài viết này trình bầy kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh.
2. Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới

Theo Báo cáo sơ kết kết quả xây dựng Nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2013 của tỉnh Hà Tĩnh thì đến nay trên địa bàn tỉnh có 100% xã đã hoàn thành tiêu chí quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng chưa có xã nào đạt được 19 tiêu chí, có 14 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (đạt 3%); 64 xã xã đạt từ 10-14 tiêu chí (đạt 19%), 136 xã đạt từ 5-9 tiêu chí (đạt 69%) và có 21 xã xã đạt dưới 5 tiêu chí (đạt 9%). Trong đó có 26 xã đạt tiêu chí về thủy lợi (11,1%) và 11 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn (7%). Huyện đạt tiêu chí thủy lợi cao nhất là huyện Đức Thọ (6 xã); các huyện đạt thấp (1 xã) là huyện Lộc Hà, huyện Vũ Quang, thậm chí huyện Can Lộc chưa có xã nào đạt tiêu chí thủy lợi. Huyện đạt tiêu chí gia thông nông thôn cao nhất là huyện Kỳ Anh (3 xã), huyện Đức Thọ (2 xã), các huyện chưa có xã nào đạt tiêu chí giao thông là Lộc Hà, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà và huyện Can Lộc

Như vậy tỷ lệ các xã đạt tiêu chí thủy lợi, giao thông là rất thấp, đặc biệt là TP. Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh và huyện Can Lộc chưa có xã nào hoàn thành tiêu chí thủy lợi. Các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Vũ Quang, Can Lộc và TP. Hà Tĩnh cũng chưa có xã nào đạt tiêu chí về giao thông. Theo đánh giá của địa phương thì thủy lợi, giao thông là các tiêu chí khó đạt trong xay dựng nông thôn mới.

3.      Kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi

Tỉnh Hà tĩnh có 750 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 345 hồ chứa, 381 trạm bơm, 57 đập dâng; 16 cống ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu thoát lũ và6.920,3 km kênh mương các loại.Hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới ổn định hàng năm 93.000 ha, trong đó diện tích lúa Đông xuân 50.000ha, vụ Hè thu 40.000 ha và 3000 ha lúa vụ mùa. Theo kết quả thực hiện phân cấp quản lý thì các công ty khai thác thủy lợi quản lý 49 hồ chứa, 29 trạm bơm, 06 đập dâng và 12 cống ngăn mặn và tiêu thoát lũ và 1.484,1 km kênh mương bao gồm các tuyến kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2 và một số tuyến kênh cấp 3 liên xã. Trong khi đó, các địa phương quản lý 296 hồ chứa, 49 đập dâng, 362 trạm bơm và5.436,2 km kênh mương bao gồm các hệ thống kênh của các công trình độc lập do xã quản lý và các tuyến kênh nội đồng trong hệ thống công trình thuộc các công ty quản lý. Điều này cho thấy xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi có vai trò quan trong trong việc nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và dân sinh góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hình 1. Kết quả thực hiện tiêu chí thủy lợi ở tỉnh Hà Tĩnh

 

Kết quả điều tra chi tiết tại 15 xã điển hình thuộc huyện Thạch Hà, Đức Thọ và huyện Hương Khê cho thấy diện tích tưới chủ động bình quân đạt 84% và tỷ lệ kênh mương được kiên cố bình quân đạt 49,7%. Hình thức kiên cố hóa kênh phổ biến là xây gạch taplo, xây gạch chỉ, đá hộc xây và có một số tuyến gần đây đã được cứng hóa bằng bê tông. Nhìn chung tỷ lệ các xã đạt tiêu chí thủy lợi là rất thấp. Có 10 xã (67%) có công trình thủy lợi đảm bảo chủ động tưới tiêu và 5 xã (33%) đạt tiêu chí về kiên cố hóa kênh mương, trong đó các xã điển hình đạt có tỷ lệ kiên có hóa kênh mương cao là xã Thạch Tân, Thạch Vĩnh, Đức Nhân, Đức La và xã Gia Phố, trong khi đó có xã đạt thấp như xã Phương Điền (8%), thậm chí xã Thạch Bàn chưa thực hiện kiên cố hóa kênh mương. Nếu xét theo 2 chỉ tiêu này thì số xã đạt chỉ tiêu về chủ động tưới cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu kiên cố hóa kênh nội đồng, ví dụ xã Phương Điền tưới chủ động đạt 96%, nhưng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương mới đạt 8%.

Theo Thông tư 41 của Bộ NN&PTNT (2013) đã bổ sung một chỉ tiêu để đánh giá tiêu chí thủy lợi là chỉ tiêu có tổ chức quản lý công trình hiệu quả, bền vững. Trong 15 xã điều tra có 12 xã (75%) đạt chỉ tiêu này là các xã có HTX dịch vụ nông nghiệp quản lý công trình thủy lợi, còn 3 xã (25%) chưa đạt có mô hình thôn quản lý công trình thủy lợi. Đánh giá kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi theo Thông tư 41 của Bộ NN&PTNT thì trong số 15 xã điều tra chỉ có 4 xã đạt tiêu chí thủy lợi là các xã Thạch Tân, Thạch Đài, Túng Ảnh và xã Gia Phố.

4. Kết quả xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn

Tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương là từng bước xây dựng, phát triển và quản lý đường giao thông nông thôn (GTNT), đảm bảo thông suốt, đồng bộ, cứng hóa đạt chuẩn, đảm bảo kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông chung. Đến tháng 10/2013 toàn tỉnh có 16.1717km đường GTNT, trong đó đường huyện dài 1.436km đạt tiêu chuẩn đường cấp 6; đường trục xã, liên xã dài 1.949 km đạt chuẩn NTM 406,2km (chiếm 20,8%), đường trục thôn, xóm 2.991 km, đạt chuẩn NTM được 1.9191,4km (chiếm 39,8%), đường ngõ xóm 4.586 km, đạt chuẩn NTM được 2.073,9km (chiếm 45,2%), đường trục chính nội đồng 5.209km, đạt chuẩn nông thôn mới được 350,2km (chiếm 6,7%).

Hình 2. Kết quả thực hiện cứng hóa đường GTNT ở tỉnh Hà Tĩnh

Theo kết quả điều tra chi tiết tại 15 xã thì kết quả thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn cho thấy tỷ lệ cứng hóa các loại đường, trục xã đạt 67,29%, đường trục thôn cứng hóa đạt 61,32%, đường ngõ xóm cứng hóa đạt 64,79% và đạt tỷ lệ cứng hóa thấp nhất là đường nội đồng 26,54%. Hình thức cứng hóa mặt đường phổ biến là bằng nhựa đường (trục xã, môt số tuyến trục thôn) và bê tông xi măng (trục thôn, ngõ xóm, trục chính nội đông). Loại đường có tỷ lệ cứng hóa đạt chuẩn cao nhất là đường đường trục xã, liên xã. Riêng 2  xã Thạch Bàn (xã ven biển huyện Thạch Hà) và Phương Điền (xã miền núi huyện Hương Khê) là hai xã khó khăn, không chỉ riêng tỉ lệ cứng hóa đường trục xã, liên xã thấp mà tỉ lệ cứng hóa đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm và nội đồng cũng đạt tỉ lệ thấp. Nhiều xã đạt được tỉ lệ cứng hóa đường giao thông nhưng được xây dựng từ trước nên không đạt yêu cầu về độ dày hoặc bề rộng đường theo chuẩn xây dựng đường giao thông nông thôn. Kết quả đánh giá tổng hợp các chỉ tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn cho thấy trong 15 xã điều tra mới có 3 xã đạt tiêu chí giao thông xã Đức Yên – Đức Thọ, Gia Phố – Hương Khê và xã Tùng Ảnh – huyện Đức Thọ. Các xã chưa đạt tiêu chí đường giao thông chủ yếu là do khó đạt về tiêu chi cứng hóa đường trục chính nội đồng.

5. Giải pháp huy động vốn

Một trong những giải pháp quan trọng xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và GTNT là giải pháp huy động vốn. Giải pháp huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và GTNT được thực hiện ở tỉnh Hà Tĩnh như sau:

+ Thủy lợi

Kết quả phân tích cơ cấu nguồn vốn thực hiện kiên cố hóa kênh mương ở tỉnh Hà Tĩnh từ năm 1999-2012 như sau:

–            Ngân sách tỉnh: Hỗ trợ 45.924 tấn xi măng trị giá 48.525 tỷ đồng (chiếm 9,42%)

–            Ngân sách huyện: 20.187 triệu đồng (chiếm 3,92%)

–            Ngân sách xã: 75.460 triệu đồng (chiếm 14,65%)

–            Nguồn vốn NTM: 72.370 triệu đồng (chiếm 14%)

–            Nguồn vốn lồng ghép từ các Dự án: 113.245 triệu đồng (chiếm 21,99%)

–            Dân đóng góp 185,18 tỷ đồng, hàng vạn ngày công (chiếm 35,96%)

Năm 2012 tỉnh ban hành chính sách quy định mức hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình từ nguồn vốn trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM  là: Công trình thủy lợi mức hỗ trợ ≤30% tổng kinh phí. Phần kinh phí còn thiếu do các huyện/xã cân đối, huy động lồng ghép các chương trình và huy động cộng đồng tham gia. Để xây dựng kênh mương nội đồng tỉnh, huyện hỗ trợ 100% xi măng, còn lại do xã và người dân đóng góp. Điển hình một số xã thực hiện xây dựng kênh mương nội đồng với cơ cấu nguồn vốn như sau: xã Thạch Vĩnh xây 0,56km kênh từ nguồn tỉnh hỗ trợ 50kg xi măng/m, xã hỗ trợ 149 triệu đồng, dân góp công và vật liệu cát, đá, sỏi, gạch; xã Phúc Trạch xây 2,3km kênh từ nguồn tỉnh hỗ trợ 70% xi măng, huyện hỗ trợ 25% xi,  xã hỗ trợ 5% xi măng, dân đóng góp vật liệu phụ và ngày công lao động.

+ Giao thông nông nông thôn:

UBND tỉnh có chinh sách quy định về huy động vốn, cơ chế lồng ghép, quản lý các nguồn vốn trong xây dựng đường giao thông nông thôn như sau: Đường trục xã ≤80% tổng kinh phí, đường liên thôn ≤50%, đường trục thôn xóm và giao thông nội đồng mức hỗ trợ ≤30%. Phần kinh phí còn lại do các huyện, xã cân đối, vốn lồng ghép các chương trình dự án và huy động cộng đồng tham gia. Tính đến năm 2013, tổng kinh phí thực hiện xây dựng giao thông nông thôn là 4.567.436 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 290.367 triệu đồng (chiếm 6,3%); ngân sách huyện hỗ trợ 210.114 triệu đồng (chiếm 4,6%), ngân sách xã hỗ trợ 511.014 triệu đồng (chiếm 11,2%), nhân dân đóng góp 2.109.292 triệu đồng (chiếm 46,1%) và vốn lồng nghép các dự án khác 1.449.649 triệu đồng (chiếm 31,7%), ngoài ra còn huy động hàng triệu ngày công của người dân tham gia. Ở một số xã điển hình, các giải pháp huy động nguồn vôn từ cộng đồng được áp dụng tốt như phát động các phong trào thi đua khen thưởng để huy động hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn; huy động sự đóng góp của cộng đồng, con em xa quê hương; huy động nhân dân hiến đất, ngày công làm đường; đổi đất lấy công trình.

  1. Kết luận

Trong những năm qua với sự chỉ đạo mạnh mẽ từ các cấp chính quyền địa phương, được nhân dân đồng tình tham gia tích cực, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên đến nay việc thực hiện 2 tiêu chí về thủy lợi và đường giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới vẫn là 2 tiêu chí khó thực hiện do kinh phí xây dựng lớn, vốn hỗ trợ từ ngân sách khó đáp ứng, khả năng huy động các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, vốn lồng ghép, vốn đóng góp của người dân còn nhiều hạn chế. Để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và GTNT, UBND tỉnh đã ban hành chính sách cụ thể quy định về huy động vốn, cơ chế lồng ghép, quản lý các nguồn vốn trong xây dựng cơ sở thủy lợi và đường giao thông nông thôn. Một số giải pháp huy động tổng lực các nguồn vốn xây dựng đường giao thông nông thôn phát huy hiệu quả như đổi đất lấy công trình, thu hút các doanh nghiệp, con em xa quê, lồng ghép các chương trình dự án. Các giải pháp thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn ở tỉnh Hà Tĩnh là bài học kinh nghiệm có giá trị cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu khoa học cũng như các địa phương khác tham khảo áp dụng trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh. Kết quả thực hiện các tiêu chí của các xã đến 31/5/2013
  2. Sở Nông nghiệp và PTNT. Kết quả thực hiện kiên cố hóa kênh mương nội đồng do xã quản lý đến 26/9/2013
  3. Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh. Đề án kiên cố hóa hệ thống kênh mương do xã quản lý giai đoạn 2013 -2015 và định hướng đến năm 2020

4. Trung tâm PIM (2013). Kết quả điều tra thực hiện đề tài cấp nhà nước: ”Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ về giao thông nông thôn, thủy lợi phù hợp với quy hoạch làng xã phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ”