Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, ngày 21/8/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Tầm nhìn và giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh và bền vững
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hội thảo quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ về nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đóng góp 17% GDP quốc gia. Sau hơn 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đã có bước tiến vượt bậc, từng bước được hiện đại hóa, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, đóng góp tỷ trọng xuất khẩu cao. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,44 tỷ USD và năm 2018 phấn đấu đạt trên 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện ngành nông nghiệp vẫn còn có những khó khăn, thách thức như quy mô sản xuất còn manh mún, chất lượng và giá trị gia tăng của nông phẩm chưa cao; Khả năng ứng phó thiên tai do biến đổi khí hậu còn hạn chế; Trình độ khoa học công nghệ chưa cao, tổ chức sản xuất chưa liên kết mạnh mẽ để tạo giá trị gia tăng cao; Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những thách thức trong vấn đề cạnh tranh, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh nông sản.
Toàn cảnh hội thảo.Ảnh Minh Hậu (MPI)
Nhận diện được những khó khăn, thách thức trên, năm 2013, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được phê duyệt theo Quyết định số 899/QĐ-TTg, trong đó đưa ra 2 giải pháp trụ cột về khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất nhằm tạo ra chuỗi giá trị, liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng để phát triển bền vững. Để làm được điều này ngoài nội lực cần hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cơ hội quý báu cho Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới diễn ra trên khắp thế giới để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới nói chung và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Để làm được điều này, bên cạnh việc xác định được những thách thức mang tính khách quan, Việt Nam cần tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tiếp cận, ứng dụng và đủ năng lực hòa nhập với xu thế công nghệ của toàn cầu, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam đứng đầu thế giới.
Tính đến năm 2017, Việt Nam có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Hậu Giang, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.
Đại diện các chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên thế giới cho rằng, để phát triển ngành nông nghiệp thông minh 4.0, cần xây dựng dữ liệu về nông nghiệp và đưa ra các ứng dụng trong ngành nông nghiệp như robots, công nghệ tự động hóa, ứng dụng của hạt phân bón nano trong sản xuất,…
Chủ tọa phiên thảo luận. Ảnh Minh Hậu (MPI)
Hội thảo là cơ hội kết nối những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, chuyên gia người Việt trên thế giới với lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, từ đó tìm ra giải pháp để tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả hơn.
Cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Ngân hàng nhà nước tổ các Hội thảo về Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018; Công nghệ Robotics-Mehchatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam; Phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng.
Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 nhằm chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu. Đồng thời, kết nối, hội tụ, chia sẻ và định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng về lĩnh vực AI cho Việt Nam, của Việt Nam và tại Việt Nam. Qua đó, tạo dựng mạng lưới kết nối các trí thức người Việt trên thế giới với đội ngũ làm khoa học, công nghệ trong nước để có thể tham gia góp phần xây dựng các định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đại diện chuyên gia, nhà khoa học trình bày tại
Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018
Ảnh Minh Hậu (MPI)
Các Hội thảo đã có sự tham gia của 100 chuyên gia, nhà khoa học người Việt, là những đại diện tiêu biểu cho những tài năng, trí tuệ người Việt Nam giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và đang công tác trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Các chuyên gia, nhà khoa học đã có những trao đổi, chia sẻ, bàn luận và đưa ra những phương pháp, kỹ thuật công nghệ chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, ngân hàng…nhằm mang lại những cơ hội bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.
Tùng Linh- Bộ Kế hoạch và đầu tư
Nguồn: Báo điện tử Báo Mới.com