Thực trạng sản xuất nông nghiệp và giải pháp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho vùng bãi sông Thành phố Hà Nội

Trên cơ sở kết quả điều tra tại 15 xã vùng bãi sông (Trung tâm PIM, 2016), bài báo này trình bầy kết quả đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp và áp dụng tưới tiết kiệm nước ở vùng bãi sông, từ đó đề xuất một số giải pháp xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước, mô hình quản lý và tổ chức sản xuất để khai thác vùng đất phì nhiêu, màu mỡ cho vùng bãi sông phục vụ phát triển các vùng sản xuất hàng hóa trên vùng bãi sông phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch chung của Thành phố.

 PGS.TS. Trần Chí Trung, ThS Uông Huy Hiệp
Trung tâm tư vấn PIM, Viện KHTLVN

1. Đặt vấn đề

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp trên cả nước nói chung và ở Hà Nội nói riêng đang có xu hướng giảm, để đảm bảo cung ứng cho thị trường rau quả và các sản phẩm nông nghiệp, đặt ra yêu cầu cần phải đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng để thu được hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phải đặc biệt chú trọng khai hoang những vùng đất mới. Dọc theo các sông chính trên địa bàn thành phố như sông Hồng, sông Đáy và sông Đuống đều có đê bảo vệ từ nhiều năm nay, do tác dụng bồi lắng của phù sa của sông, cao trình vùng mặt đất bãi sông ngoài đê thường cao hơn cao trình mặt đất, là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ đặc biệt lý tưởng cho canh tác nông nghiệp. Một số mô hình sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả  trên vùng đất bãi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng đến  nay chưa có nghiên cứu đánh giá tiềm năng khai thác đất vùng bãi sông, cũng như giải pháp cấp nước phục vụ sản xuất cho các vùng này

Thành phố Hà Nội có diện tích lớn vùng bãi sông là vùng đất phì nhiêu màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên diện tích vùng bãi hầu như chưa được tưới, chủ yếu là dựa vào nước trời dẫn đến năng xuất còn thấp. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và trong điều kiện hạn hán, cạn kiệt nguồn nước như hiện nay thì giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là yêu cầu cấp bách cần phải đẩy mạnh áp dụng. Một lợi thế quan trọng nữa, đó là áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có thể tạo ra phương thức sản xuất nông nghiệp mới trên những vùng đất bãi sông và nhờ đó mở ra những cơ hội mới cho sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, đến nay việc nghiên cứu các giải pháp khai thác nguồn nước và công nghệ xây dựng hệ thống cấp nước tưới cho các vùng bãi sông chưa được quan tâm nhiều, do hầu hết các nghiên cứu chưa nhắm tới đối tượng nghiên cứu là vùng bãi sông.

Trên cơ sở kết quả điều tra tại 15 xã vùng bãi sông (Trung tâm PIM, 2016), bài báo này trình bầy kết quả đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp và áp dụng tưới tiết kiệm nước ở vùng bãi sông, từ đó đề xuất một số giải pháp xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước, mô hình quản lý và tổ chức sản xuất để khai thác vùng đất phì nhiêu, màu mỡ cho vùng bãi sông phục vụ phát triển các vùng sản xuất hàng hóa trên vùng bãi sông phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch chung của Thành phố.

2. Thực trạng sản xuất nông nghiệp và áp dụng tưới tiết kiệm nước ở vùng bãi sông

2.1 Hiện trạng sản xuất nông nghiệp

Theo Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 diện tích vùng bãi, chủ yếu là các bãi ven sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống là 29.400 ha (UBND Thành phố Hà Nội, 2012).

 Theo Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, diện tích vùng bãi ven sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống..) là 29.400 ha. Đây là vùng đất bãi rộng lớn, chất lượng đất phù hợp để canh tác nhiều loại cây trồng có giá trị cao như: Rau mầu (cải, xu hào, rau thơm…), cây ăn quả (ổi, táo, chuối, cam, bưởi…), hoa cây cảnh (phật thủ, hoa cúc, hoa hồng…), ngô, lạc, đỗ… Thế mạnh cây trồng tùy theo từng địa phương như: Rau mầu và cây ngô trồng nhiều ở các huyện Phú Xuyên, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phúc Thọ; rau an toàn trồng nhiều ở huyện Thanh Trì, xã Tiền Yên (Hoài Đức); chuối trồng nhiều ở xã Vân Nam (Phúc Thọ), xã Thọ An (Đan Phượng), xã Tự Nhiên (Thường Tín), huyện Gia Lâm; Cây ổi trồng nhiều ở huyện Gia Lâm, một vài xã ở Hoài Đức; cây ăn quả khác trồng rải rác khá nhiều ở các địa phương.

Theo thống kê, diện tích vùng bãi trên địa bàn thành phố Hà Nội chiếm khoảng 8,8% diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Tại các xã điều tra, diện tích đất nông nghiệp vùng bãi chiếm khoảng 74,77% diện tích tự nhiên vùng bãi sông. Thành phố Hà Nội quy hoạch và xây dựng các vùng rau an toàn, rau cao cấp tại một khu vực ven sông Đáy và bãi sông Hồng thuộc các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thường Tín và Ứng Hoà. Hiện tại, kết quả điều tra các địa phương có diện tích vùng bãi sông ở 11 huyện là 9.346,4 ha (2015), trong đó tỷ lệ diện tích đối với các loại cây trồng chính như trình bầy ở Bảng 1.

Bảng 1. Tỷ lệ diện tích và thu nhập bình quân đối với các loại cây trồng

                                        ở vùng bãi sông
TT Loại cây trồng Tỷ lệ diện tích (%) Thu nhập trung bình (Tr.đ/ha/năm)
1 Lúa 5,4 18,2
2 Ngô 13,7 30,5
3 Rau lấy thân lá, củ 49,3 262,5
4 Cây ăn quả 19,4 280,0
5 Hoa cây cảnh 3,2 315,0
6 Các loại cây trồng khác 8,9 120,5
Tổng 100 171,1

 Kết quả phân tích ở bảng trên cho  thấy việc canh tác các loại cây trồng trên vùng đất bãi là rất đa dạng với nhiều loại cây trồng khác nhau, tập trung chủ yếu vào 2 nhóm loại cây trồng là các loại rau mầu và cây ăn quả. Diện tích các loại rau lấy thân lá, củ là nhiều nhất (49,3%), sau đó là cây ăn quả (19,4%).

Xét theo vùng bãi các sông:

+ Bãi sông Hồng: Tỷ lệ diện tích trồng cây lương thực khoảng 13,50%; cây rau các loại khoảng 55,02%; cây ăn quả khoảng 18,21%; hoa, cây cảnh khoảng 0,64%, nuôi trồng thủy sản khoảng 2,22%; loại hình khác khoảng 10,42%.

+ Bãi sông Đuống: Tỷ lệ diện tích trồng cây lương thực khoảng 27,36%; cây rau các loại khoảng 29,37%; cây ăn quả khoảng 6,67%; hoa, cây cảnh khoảng 0%, nuôi trồng thủy sản khoảng 0%; loại hình khác khoảng 36,59%.

+ Bãi sông Đáy: Tỷ lệ diện tích trồng cây lương thực khoảng 33,33%; cây rau các loại khoảng 31,48%; cây ăn quả khoảng 29,12%; hoa, cây cảnh khoảng 5,47%, nuôi trồng thủy sản khoảng 0%; loại hình khác khoảng 0,59%.

Như vậy các loại cây trồng được trồng nhiều ở vùng bãi hiện nay là cây rau xanh, cây ăn quả và cây lương thực. Đây đều là cây trồng chủ lực của địa phương, có diện tích đất canh tác lớn, giúp nâng cao thu nhập, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế nông thôn, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Trong đó:

+ Cây rau xanh được trồng nhiều nhất ở vùng bãi, đặc biệt vùng bãi sông Hồng có tỷ lệ diện tích gieo trồng lớn hơn các vung bãi sông Đuống và sông Đáy.

+ Cây ăn quả được trồng tập trung ở các vùng bãi thuộc sông Hồng và sông Đáy, các địa phương vùng bãi sông Đuống trồng ít hơn.

+ Cây lương lực (ngô, lúa…) cũng được trồng khá nhiều, nhưng tỷ lệ diện tích gieo trồng lớn nhất là ở vùng bãi sông Đáy, sau đó đến sông Đuống, cuối cùng là sông Hồng.

Các loại cây rau, cây ăn quả và hoa cây cảnh là cây trồng mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất ở vung bãi, nhất là ở những diện tích gieo trồng đạt chuẩn sạch, an toàn. Do vậy mà một số địa phương đã thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang trồng rau, cây ăn quả, hoa cây cảnh đạt giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng khi phát triển kinh tế nông nghiệp vùng bãi sông của thành phố Hà Nội là có cơ sở thực tiễn, khai thác được tiềm năng của vùng bãi, nâng cao thu nhập của người dân.

 Hình 1. Khu sản xuất rau an toàn HTX Tiền Lệ

2.2 Các mô hình điểm về tổ chức sản xuất hiệu quả ở vùng bãi sông

Các mô hình điểm sản xuất hiệu quả có điện tích từ 1,5 ha đến 5,0 ha do một vài doanh nghiệp, cá nhân làm chủ, hoặc một vài mô hình là sự liên kết của người dân dưới sự quản lý của HTX (như trồng rau sạch ở xã Tiền Yên, Hoài Đức).

Một số đặc điểm của các mô hình hiện nay:

+ Quy mô diện tích: trung bình từ 2,0 – 5,0 ha; với các khu trồng rau an toàn có diện tích lớn 30ha là tập hợp của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, các khu ruộng có thể không liền nhau.

+ Quản lý mô hình: doanh nghiệp, cá nhân hoặc hộ gia đình đầu tư xây dựng mô hình, hoặc HTX dịch vụ nông nghiệp;

+ Vốn đầu tư: Vốn tự có của doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình;

+ Đầu ra sản phẩm: Chủ đầu tư, cá nhân, hộ gia đình tự tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Bảng 2. Một số mô hình sản xuất rau an toàn, cây ăn quả trên vùng đất bãi

TT Mô hình canh tác Địa điểm Kỹ thuật tưới Lợi nhuận
1 Mô hình sản xuất rau an toàn diện tích 70ha (gồm trên 20 loại rau ) và trông cây ăn quả 50ha Phường Lĩnh Nam, Q. Hoàng Mai (Vùng bãi sông Hồng) Sử dụng 3 trạm bơm nước ngầm do HTX quản lý tưới cho 50ha rau, còn lại 70ha người dân sử dụng giếng khoan của hộ gia đình để tưới. Thu nhập bình quân từ 400-500tr/ha/năm

 

 

2 Mô hình sử dụng nhà kính trồng phật thủ quy mô  45ha Xã Đắc Sở, h. Hoài Đức (Vùng bãi sông Đáy) Một số diện tích đã sử dụng tưới phun mưa và một số tưới thủ công sử dụng giếng khoan Thu nhập bình quân từ 600-900tr/ha/năm

 

3 Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn, quy mô chung 30ha Xã Tiền Yên, h. Hoài Đức (Vùng bãi sông Đáy) Một số diện tích đã sử dụng tưới phun mưa, còn lại tưới thủ công sử dụng giếng khoan Thu nhập bình quân từ 150-300tr/ha/năm

 

4 Mô hình sản xuất rau an toàn (su hào, bắp cải, cải ngọt), quy mô 30ha Xã Thụy Hương, h. Chương Mỹ-(Vùng bãi sông Đáy) -Nhà lưới sản xuất rau an toàn, quy mô 5ha sử dụng trạm bơm nước ngầm

– Còn lại là tưới thủ công, sử dụng giếng khoan

Thu nhập bình quân từ 90-120tr/ha/năm

 

 

5 Mô hình sản xuất rau an toàn (Hành, rau thơm, su hào, bắp cải, rau muống), quy mô 20ha Xã Tiến Thắng- Mê Linh (Vùng bãi sông Cà Lồ) Xây dựng trạm lấy nước từ sông Cà Lồ, cấp nước vào các bể trữ cho các hộ. Hầu hết vẫn sử dụng tưới  rãnh và tưới thủ công, cá biệt có một vài hộ sử dụng tưới phun mưa Thu nhập bình quân là 80- 120tr/ha/năm

Các lao động được sử dụng là nhân công địa phương. Mỗi ha đất canh tác cần từ 2-3 công nhân, thời gian làm việc từ 8-10 tiếng/ngày. Số lượng nhân công có thể tăng giảm tùy từng giai đoạn sản xuất và tùy từng loại cây.

Trồng cây Phật Thủ cảnh ở xã Đắc Sở, Hoài Đức

Trồng rau an toàn ở xã Tiền Yên, Hoài Đức

Hình 2. Một số mô hình sản xuất vùng bãi

2.3 Thực trạng áp dụng tưới tiết kiệm nước

Thành  phố Hà Nội sử dụng nguồn nước chủ yếu từ hệ thống sông Hồng, sông Đáy và sông Đuống, trong đó từ hệ thống sông Hồng là chính có hàm lượng phù sa lớn, là nguồn nước tưới quan trọng cho sản xuất nông nghiệp. Một đặc điểm nổi bật của vùng bãi sông là có sự khác biệt mực nước sông rất lớn giữa mùa lũ và mùa kiệt, như sông Hồng chênh lệch tới gần 10 m. Trước đây vùng bãi sông Hồng thường xuyên bị ngập về mùa lũ, nhưng từ ngày có điều tiết của hồ Hòa Bình, hồ Sơn La thi tình trạng ngập ở vùng bãi sông ít xảy ra. Tuy nhiên, những năm gần đây, mực nước trên sông Hồng về mùa kiệt đã giảm đi rõ rệt, cao trình mực nước sông Hồng mùa kiệt hạ thấp kỷ lục là một khó khăn, thách thức lớn cho ngành nông nghiệp. Sự biến động lớn về mực nước giữa mùa kiệt và mùa lũ là nguyên nhân chính dẫn đến việc khai thác nguồn nước mặt để cấp nước cho vùng bãi sông, nhất là sông Hồng gặp nhiều khó khăn. Do vậy ngoài khai thác nước mặt, thì nhiều địa phương đã áp dụng giải pháp khai thác nước ngầm để tưới cho cây trồng vùng bãi

Bảng 3. Các phương pháp tưới áp dụng phổ biến ở vùng bãi

TT Cây trồng Hiện trạng sử dụng phương pháp tưới mặt ruộng Phân tích, đánh giá hiện trạng
1 Rau lấy thân lá, củ – Lấy nước trực tiếp từ kênh mương sử dụng phương pháp tưới rãnh thông thường.

– Lấy nước từ nguồn nước ngầm lợi dụng áp lực do máy bơm sử dụng tưới tay bằng.

– Tưới phun mưa

– Với đặc thù chất đất có pha cát, việc sử dụng tưới rãnh dưới tác dụng của trọng lực gây tổn thất về nước do thấm trọng lực.

– Trong giai đoạn cây non việc sử dụng biện pháp tưới dí gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.

– Sử dụng dụng cụ tưới bằng tay, thủ công tốn rất nhiều công lao động.

2 Cây ăn quả ( Bưởi, táo, ổi) – Sử dụng máy bơm lấy nước mặt hoặc nước ngầm tưới vào các gốc cây qua hệ thống dây tưới bằng cao su. – Chất đất có pha cát, việc sử dụng tưới rãnh dưới tác dụng của trọng lực gây tổn thất về nước do thấm trọng lực.

– Với phần diện tích rộng việc việc di chuyển dây dưới đến từng vị trí gốc cây tốn công lao động.

– Phải sử dụng nhiều giếng khoan đối với phần diện tích rộng.

3 Cây cảnh (Đào, quất) – Sử dụng máy bơm lấy nước mặt hoặc nước ngầm tưới vào các gốc cây qua hệ thống dây tưới bằng cao su.

– Sử dụng tưới rãnh

– Chất đất có pha cát, việc sử dụng tưới rãnh dưới tác dụng của trọng lực gây tổn thất về nước do thấm trọng lực.

 

4 Lúa – Lấy nước trực tiếp từ kênh mương sử dụng phương pháp tưới ngập thông thường Đây là biện pháp duy nhấtđượcáp dụng với cây lúa. Tuy nhiên do đặcđiểm đất vùn bãi sông có tính thấm lớn nên lượng nước thất thoát khá lớn.
5 Ngô, mầu – Tưới thủ công (gánh nước tưới trong thời kì đầu cây con phát triển, kết hợp tưới phân)

– Tưới tràn, lấy nước trực tiếp từ kênh mương

Các cây này nhu cầu nước không cao so với lúa và rau… Biện pháp tưới như hiện nay là phù hợp.

 

Hình 3. Áp dụng tưới tiết kiệm nước cho cây rau

Bảng 4. Một số chỉ số phản ánh thực trạng áp dụng tưới tiết kiệm nước vùng bãi

       TT Chỉ số đánh giá Kết quả xác định các chi số
1 Tỷ lệ diện tích được tưới tiết kiệm nước (%) 9,4%
2 Tỷ lệ các xã có áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước (%) 26,7%
3 Tỷ lệ diện tích tưới tiết kiệm nước sử dụng nguồn nước mặt (%) 0%
4 Tỷ lệ diện tích tưới tiết kiệm nước sử dụng nguồn nước ngầm tập trung (%) 2,5%
5 Tỷ lệ diện tích tưới tiết kiệm nước sử dụng nguồn nước ngầm quy mô hộ gia đình (%) 97,5%

Từ số liệu phân tích ở bảng trên có thể thấy rằng diện tích được áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước tại các vùng bãi là còn thấp, trung bình mới đạt 9,4%. Tỷ lệ các xã có diện tích áp dụng hình thức tưới tiết kiệm nước chỉ chiếm 26,7% trong đó có xã chỉ có dưới 1 ha áp dụng tưới tiết kiệm nước. Điều này có thể  thấy rằng việc áp dụng tưới tiết kiệm trên vùng bãi chỉ tập trung vào một số địa phương. Về khía cạnh khai thác nguồn nước thì đến nay các địa phương đều chưa khai thác nguồn nước mặt để tưới tiết kiệm cho cây trồng, mà chủ yếu là khai thác nguồn nước ngầm. Hình thức khai thác nước ngầm phổ biến là sử dụng các giếng khoan quy mô hộ giá đình, chiếm tỷ lệ cao nhất 97,5%, trong khi đó hình thức khai thác nước ngầm từ các hệ thống cấp nước tập trung chỉ chiếm 2,5%. Đối với hình thức sử dụng các giếng khoan quy mô hộ gia đình biện pháp tưới phổ biến là tưới thủ công (tưới di). Hình thức khai thác nước ngầm để tưới tiết kiệm nước cho cây trồng vùng bãi chủ yếu là ở các mô hình điểm sản xuất rau an toàn do Thành phố đầu tư. Ở một số địa phương xây dựng mô hình điểm sản xuất rau an toàn, như xã Hát Môn, Thụy Hương, Duyên Hà, Yên Mỹ, phường Lĩnh Nam được các dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm khai thác nước ngầm có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn, hệ thống đường ống chính, ống nhánh, các ống chờ tại đầu các khu ruộng. Các hộ gia đình sử dụng các ống nhựa mềm để đấu nối vào các ống chờ để tưới thủ công (tưới dí) trong khu ruộng canh tác của các hộ. Tuy nhiên trong số các xã điều tra thi chỉ có trạm bơm khai thác nước ngầm ở phường Lĩnh Nam hoạt động, còn các trạm bơm khác hoạt động không hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động. Ở các hệ thống này, sau khi các công trình cấp nước không hoạt động, người dân lại sử dụng giếng khoan quy mô hộ và áp dụng hình thức tưới dí.
Từ phân tích trên có thể thấy rằng hiện nay áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên diện rộng còn nhiều hạn chề. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí đầu tư, nhất là đầu tư ban đầu, đối với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn cao so với thu nhập của người dân và đòi hỏi có một kiến thức, trình độ nhất định khi sử dụng, trong khi động lực của người sản xuất chưa đủ lớn (chưa thấy hết được lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế của việc áp dụng công nghệ này so với phương pháp tưới truyền thống) nên chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Ở một vấn đề khác, diện tích đất canh tác trung bình của các hộ gia đình rất thấp, trung bình 500-1000m2/hộ nên người dân chưa quan tâm đến áp dụng tưới tiết kiệm nước. Với diện tích nhỏ lẻ như vậy chưa phát huy hiệu quả của việc tưới tiết kiệm nước vì ngoài mục đích tiết kiệm nước, nâng cao năng suất cây trồng thì áp dụng tưới tiết kiệm nước còn có mục đích giảm chi phí công lao động. Từ thực tế đó, một số cá nhân đã thu gom, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất áp dụng tưới tiết kiệm nước, tuy nhiên số hộ gia đình sở hữu diện tích canh tác từ 1-2ha là rất ít.

1.4  Thực trạng quản lý hệ thống tưới tiết kiệm nước và tổ chức sản xuất

Qua số liệu điều tra của 15 xã vùng bãi sông cho thấy hình thức đầu tư áp dụng tưới tiết kiệm nước chủ yếu là các giếng khoan nhỏ quy mô hộ gia đình. Hiện nay đã có một số Hợp tác (HTX) quản lý hệ thống tưới tiết kiệm tập trung ở các xã được nhà nước hỗ trợ đầu tư các trạm bơm khai thác nước ngầm để tưới cho vùng trồng rau an toàn. Ở các xã này, sau khi hệ thống tưới được đầu tư xây dựng thì giao cho HTX dịch vụ nông nghiệp quản lý. Tuy nhiên trong các xã điều tra chỉ có HTX ở phường Lĩnh Nam duy trì được công tác quản lý, vận hành hiệu quả trạm bơm khai thác nước ngầm để tưới cho vùng trồng rau mầu, còn các địa phương khác việc quản lý các trạm bơm là chưa hiệu quả, hoặc không còn quản lý dẫn đến tình trạng các trạm bơm ngừng hoạt động. Một phần do các nguyên nhân về kỹ thuật khi thiết kế hệ thống tưới tiết kiệm nước chưa phù hợp, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề tổ chức quản lý, việc cấp nước không đáp ứng được yêu cầu sản xuất của các hộ dẫn đến không thu được phí dịch vụ cấp nước nên không có kinh phí để trả tiền điện và duy tu bảo dưỡng công trình.

Về hình thức tổ chức sản xuất ở vùng bãi sông, hầu hết là tổ chức sản xuất theo quy mô hộ còn manh mún. Hiện nay đã có một số loại hình tổ chức sản xuất là các Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân và cá nhân. Các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ yếu mới chỉ thực hiện được dịch vụ cung ứng vật tư cho sản xuất nhưng không nhiều và chưa đa dạng sản phẩm. Ở một số địa phương đã hình thành các tổ chức sản xuất rau an toàn như Hợp tác xã trồng cây ăn quả hay tổ trồng cây ăn quả thuộc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Riêng khâu quan trọng nhất trong sản xuất là phân phối, tiêu thụ sản phẩm thì gần như các HTX chưa làm được, chưa xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hóa ra thị trường. Có một số HTX đã thực hiện việc bao tiêu sản phẩm nhưng hoạt động chưa hiệu quả, sản lượng tiêu thụ chưa nhiều. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm chủ yếu vẫn là các hộ gia đình, nên thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, đây cũng là một nguyên nhân làm cho quy mô sản xuất chưa được mở rộng.

Hiện nay, có rất ít các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hay hoạt động trong chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất ở vùng bãi sông, với quy mô sản xuất khoảng 2 – 5 ha. Ở mô hình này, doanh nghiệp tư nhân thuê đất, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống tưới tiết kiệm nước. Do được đầu tư về vốn, nhân lực, khoa học kỹ thuật, cùng với ưu đãi của địa phương nên các doanh nghiệp này làm ăn khá hiệu quả, như các doanh nghiệp hoạt động ở xã Hát Môn huyện Phúc Thọ, xã Thụy Hương huyện Chương Mỹ. Ngoài ra, tại các xã điều tra đã xuất hiện một số tư nhân tích tụ ruộng đất, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống tưới tiết kiệm nước với quy mô trang trại từ 0,1 ha đến 2,0 ha. Đây cũng là mô hình bước đầu hoạt động có hiệu quả kinh tế cao.

Từ phân tích trên có thể thấy việc phát triển nông nghiệp vùng bãi sông hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, chưa tận dụng được diện tích lớn vùng bãi vào phát triển kinh tế. Các tổ chức sản xuất hiện nay chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình quy mô nhỏ, manh mún, chưa tập trung, tích tụ ruộng đất trên quy mô lớn để có cơ sở đầu tư hệ thống thủy lợi, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh để phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, đạt chuẩn và có giá trị kinh tế cao.

3. Đề xuất một số giải pháp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nướcphù hợp cho vùng bãi

3.1 Xây dựng các bể trữ điều tiết nước phục vụ tưới cho cây rau, mầu

 a) Xây dựng bể trữ được cấp nước từ các kênh tưới

Giải pháp xây dựng các bể trữ được cấp nước từ các kênh tưới để điều tiết nước cho hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây rau, mầu là giải pháp nhằm đáp ứng kịp thời, phù hợp, linh hoạt nhu cầu nước phục vụ yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Giải pháp này áp dụng cho các địa phương có hệ thống kênh tưới từ các công trình thủy lợi khai thác nước mặt để cấp nước cho khu vực trồng cây rau mầu quy mô nhỏ. Đối với vùng cách không quá xa công trình thủy lợi (50-300m) có thể làm kênh dẫn nước từ hệ thống kênh tưới đến vùng trồng cây trồng cạn, đưa vào ao để trữ nước làm nguồn nước phục vụ tưới cho cây trồng cạn.

Hình 4. Xây dựng bể trữ nước từ kênh tưới để tạo nguồn nước cho hệ thống
tưới tiết kiệm nước quy mô nhỏ

b) Xây dựng bể trữ nước tại mặt ruộng
Để chủ động trong việccấp nước tưới cho cây rau mầu có thể xây dựng các bể trữ nước tại mặt ruộng, sử dụng các bơm hút nước ngầm từ các giếng khoan nhỏ để cấp nước vào bể trữ tạo nguồn nước để cấp nước cho hệ thống tưới tiết kiệm nước quy mô nhỏ

 Hinh 5. Xây dựng bể trữ nước tại mặt ruộng

3.2 Xây dựng, cải tạo các ao hồ tự nhiên

Các ao hồ vùng bãi sông thường nằm gần các diện tích sản xuất; mức chênh cao trình giữa mực nước và mặt ruộng không lớn chỉ từ 1 – 2m nên có thể sử dụng nguồn nước này để tưới. Cần xây dựng hoặc tận dụng cải tạo các ao hồ, đầm tự nhiên có sẵn tích nước vào mùa mưa, hoặc tích nước từ hệ thống kênh mương khi trạm bơm đầu mối hoạt động. Sử dụng các máy bơm công xuất nhỏ để bơm nước từ ao, đầm cấp nước tưới cho cây trồng cạn. Quy mô các ao trữ nước có diện tích mặt thoáng 500-1000m2, độ sâu 1-3m, dung tích trữ 1000-1500 m3. Giải pháp xây dựng các ao hồ có ưu điểm là tận dụng được các ao hồ, đầm tự nhiên để tích nước, là nguồn nước phục vụ tưới cho cây trồng cạn vào mùa khô kết hợp với nuôi trồng thủy sản, kinh phí đầu tư nhỏ.

3.3 Giải pháp công nghệ tưới tiết kiệm nước

Tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng đã trở nên phổ biến trong điều kiện mới về kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Các công nghệ tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt đã được nghiên cứu, ứng dụng cho các loại cây trồng đã được triển khai ở một số địa phương ở nước ta. Để ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên diện rộng thì cơ chế đầu tư và công nghệ tưới mặt ruộng là các giải pháp quan trọng. Việc lựa chọn và áp dụng công nghệ, kỹ thuật tưới thích hợp vì các kỹ thuật tưới tại mặt ruộng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp, phân bố nước trực tiếp đến cây trồng và quyết định lượng nước tổn thất mặt ruộng nhiều hay ít.

Để khắc phục tình trạng nhiều hệ thống trạm bơm khai thác nước ngầm được đầu tư toàn bộ từ đầu mối đến mặt ruộng, nhưng không hoạt động như đã đề cập ở trên dẫn đến lãng phí đầu tư, thì cần áp dụng giải pháp xã hội hóa nhà nước hỗ trợ đầu tư các hạng mục công trình chính gồm đầu mối cấp nước, hệ thống đường ống chính, ống nhánh đến đầu ruộng, các hộ dân tham gia đóng góp đầu tư xây dựng hệ thống tưới tại mặt ruộng. Thực hiện giải pháp này sẽ làm giảm được gánh nặng đầu tư của nhà nước, đồng thời nâng cao trách nhiệm đầu tư, vận hành khai thác sử dụng hệ thống tưới mặt ruộng của người dân. Tuy nhiên để quản lý khai thác hiệu quả các hệ thống tưới tiết kiệm nước tập trung cần xây dựng các mô hình tổ chức quản lý như đề cập ở phần dưới đây.

4.   KẾT LUẬN

Thành phố Hà Nội có diện tích lớn vùng bãi sông là vùng đất phì nhiêu màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp vùng bãi sông hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, chưa tận dụng được phần lớn diện tích vùng bãi vào phát triển kinh tế. Các giải pháp khai thác nguồn nước, công nghệ, thiết bị tưới tiết kiệm nước là các giải pháp được nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn nên có tính áp dụng thực tiễn cao áp dụng tưới tiết kiệm nước trên diện rộng góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp cho vùng bãi sông.

Bên cạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, cần xây dựng các mô hình quản lý hệ thống tưới tiết kiệm nước tập trung gắn với tổ chức cho vùng bãi sông bao gồm các mô hình HTX, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân, nhóm hộ gia đình là các giải pháp quản lý khai thác hiệu quả bền vững hệ thống tưới tiết kiệm nước đồng thời tổ chức liên kết sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế xã hội cho vùng bãi sông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

    1. Trung tâm PIM (2016). Báo cáo điều tra, đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ khai thác nguồn nước và hệ thống tưới hợp lý cho vùng bãi sông trên địa bàn Hà Nội”
    2. UBND thành phố Hà Nội (2012). Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030