GIẢI PHÁP QUẢN LÝ HIỆU QUẢ HỆ THỐNG ĐÊ BIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích gần 40.000km2, dân số gần 18 triệu người (chiếm 12% diện tích đất, 22% dân số cả nước). Đây là vùng đất có 3 mặt Đông, Tây, Nam giáp biển Đông và biển Tây Nam, diện tích vùng đặc quyền kinh tế khoảng 360.000km2, một trong số ít vùng trên thế giới có lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong những năm gần đây, toàn vùng đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, thu ngoại tệ khoảng 3 tỉ USD.

ThS. Đinh Vũ Thùy, PGS.TS Trần Chí Trung

Trung tâm PIM- Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích gần 40.000km2, dân số gần 18 triệu người (chiếm 12% diện tích đất, 22% dân số cả nước). Đây là vùng đất có 3 mặt Đông, Tây, Nam giáp biển Đông và biển Tây Nam, diện tích vùng đặc quyền kinh tế khoảng 360.000km2, một trong số ít vùng trên thế giới có lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong những năm gần đây, toàn vùng đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, thu ngoại tệ khoảng 3 tỉ USD.

Vùng ĐBSCL gồm có 8 tỉnh ven biển là: TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang với chiều dài bờ biển là gần 1.000km, chiếm 23% so với cả nước, và 25 cửa lạch lớn và nhỏ. Vùng đất khu vực này là vùng đất thấp, nhiều vùng trũng, dọc theo bờ biển có nhiều bãi bồi, đa số là các bãi bồi ngập nước không thường xuyên. Địa hình dải ven biển bị chia cắt thành nhiều khu vực bởi mạng lưới sông rạch chằng chịt, liên thông. Vùng ven biển là nơi có điều kiện lập địa khó khăn (đất đai khô hạn, cát bay, nguy cơ sa mạc hóa hoặc đất bị xâm nhập mặn, xói lở,…) và thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, gió bão, sóng biển, xâm nhập mặn. Ngoài raTình trạng sạt lở đang diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ ngày càng nhanh và nghiêm trọng gây ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống đê biển.

Việc tổ chức quản lý hệ thống đê biển vùng ĐBSCL có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì và phát triển hệ thống đê biển, góp phần giảm thiểu các tác hại của thiên tai, bảo vệ sản xuất, cuộc sống cho một bộ phận lớn người dân vùng ven biển.  Thực tế cho thấy việc quản lý hệ thống đê biển của vùng ĐBSCL hiện nay còn nhiều bất cập như mô hình quản lý chưa phù hợp, sự tham gia của cộng đồng còn rất hạn chế, chồng chéo trong quản lý, xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê giữa các tổ chức, cá nhân có liên quan.  Điều đó dẫn tới hệ thống đê biển bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều nơi bị mất đê, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân vùng ven biển ĐBSCL. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tại 5 tỉnh đại diện cho vùng ven biển ĐBSCL, nghiên cứu này đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả hệ thống đê biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

II. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐÊ BIỂN VÙNG ĐBSCL

2.1. Thực trạng hệ thống đê biển

Tính đến hết năm 2015, vùng ĐBSCL có hơn 753km đê biển (trong đó có 12 tuyến đê đã được xây dựng hoàn chỉnh với chiều dài 596,9km và 03 tuyến đê với tổng chiều dài 156,1km dự kiến xây dựng). Hầu hết các tuyến đê biển được xây dựng bằng đất, mặt trải đá. Theo phân cấp đê biển thì hiện nay toàn bộ hệ thống đê biển vùng ĐBSCL đều là đê cấp IV.  Chi tiết các tuyến đê như trong bảng sau:
Bảng 1: Hiện trạng các tuyến đê biển vùng ven biển ĐBSCL

TT Vị trí xây dựng công trình Chiều dài (km) Ghi chú
Tỉnh Tên công trình
1 TP Hồ Chí Minh Kè biển Cần Giờ 1,0 Có bãi bồi phía ngoài
2 Tiền Giang Đê Gò Công Đông 43,0 Đang bị xói lở mạnh, tốc độ >10m/năm
Đê biển Ân Phú Đông (dự kiến xây dựng) 24,5 Có bãi bồi phía ngoài
3 Bến Tre Đê biển Bình Đại 47,9 Bãi trước bồi tụ mạnh
Đê biển Ba Tri 15,0 Bãi trước bồi tụ mạnh
Đê biển Thạnh Phú (đã Thiết kế, đang xây dựng) 50,1 Bãi trước bồi tụ mạnh
4 Trà Vinh Đê biển Trà Vinh 85,5 Bãi trước xói, bồi tùy từng khu vực (xói lở từ 5 – 30 m/năm; bồi từ 30 – 60m/năm
5 Sóc Trăng Đê biển Cù Lao  Dung 22,4 Bãi trước đê bồi tụ
Đê biển Long Phú 12,5 Bãi trước đê bồi tụ
Đê biển Vĩnh Châu 51,4 Bãi trước xói, bồi tùy từng khu vực (xói lở khoảng 7m/năm)
6 Bạc Liêu Đê biển Bạc Liêu 52,4 Bãi trước xói, bồi tùy từng khu vực
7 Cà Mau Đê biển đông Cà Mau (dự kiến) 81,5 Bãi trước xói, bồi tùy từng khu vực
Đê biển tây Cà Mau 97,0 Bãi trước xói, bồi tùy từng khu vực
8 Kiên Giang Đê biển An Biên-An Minh 67,8 Bãi trước xói, bồi tùy từng khu vực
Rạch Giá-Ba Hòn 101,0 Bãi trước xói, bồi tùy từng khu vực

                                           (Nguồn: Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, 2015)

 Hình 1: Bản đồ hiện trạng đê biển vùng ven biển ĐBSCL

Theo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tính đến hết năm 2017 chiều dài bờ biển của 5 tỉnh đại diện vùng ĐBSCL là 780km, đã xây dựng được hơn 470km đê biển (đạt khoảng 60%), còn lại hơn 300km đường bờ biển chưa xây dựng đê biển

Bảng 2: Hiện trạng đê biển của một số tỉnh vùng ĐBSCL

  Hình 2: Đê biển của Sóc Trăng và Kiên Giang

Vùng ven biển ĐBSCL được chia làm 2 vùng có điều kiện riêng biệt là vùng biển Đông và vùng biển Tây, ranh giới của 02 vùng là mũi Cà Mau. Hiện trạng đê biển của các vùng như sau:

–         Vùng biển Đông bao gồm có 4 tỉnh là Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và một phần của tỉnh Cà Mau. Vùng biển Đông có 472km đường bờ biển, tuy nhiên hiện nay mới xây dựng được 229km đê biển (chiếm 48,5% tổng chiều dài đường bờ biển). Bạc Liêu là địa phương xây dựng được gần như hoàn chỉnh tuyến đê biển (93% chiều dài bờ biển), trong khi đó phía biển Đông của tỉnh Cà Mau chưa xây dựng đê biển. Các tuyến đề của tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng chiếm từ 63- 67% chiều dài đường bờ biển. Điều đó cho thấy việc xây dựng hệ thống đê biển của các tỉnh vùng biển Đông là rất khác nhau, dẫn tới việc bảo vệ, tránh tác động của sóng gió, xâm nhập mặn…là rất khác nhau giữa các tỉnh. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là khả năng huy động kinh phí xây dựng đê biển còn hạn chế, công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng chưa được thực hiện tốt. Cao trình mặt đê phổ biển của từ +3,5 đến +4,0m. Đê biển chủ yếu bằng đất, một số tuyến đã được cứng hóa kết hợp làm đường giao thông.

–         Vùng biển Tây bao gồm có 3 tỉnh là Kiên Giang và một phần của tỉnh Cà Mau Vùng biển Tây có 308km đường bờ biển, hiện nay đã xây dựng được 241km đê biển (chiếm 78,3% tổng chiều dài đường bờ biển). Trong đó Cà Mau đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê biển phía Tây với tổng chiều dài là 108km, Kiên Giang đã xây dựng được 133km đê biển (chiếm 67% chiều dài đường bờ biển). Có thể thấy việc xây dựng hệ thống đê biển ở vùng biển Tây khá được quan tâm và chú trọng. Hệ thống đê biển ở vùng biển Tây cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo vệ dân sinh, kinh tế xã hội cho vùng ven biển. Cao trình mặt đê phổ biển của từ +2,0 đến +3,0m. Đê biển chủ yếu bằng đất, một số tuyến đã được cứng hóa kết hợp làm đường giao thông.

Qua kết quả điều tra đánh giá tại các tỉnh có thể thấy việc xây dựng đê biển của các tỉnh phía Tây được chú trọng hơn, tình trạng xói lở, xâm nhập mặn, …đã được hạn chế đáng kể. Ngoài ra, đê biển vùng ĐBSCL có cao trình rất thấp (dao động từ +2 đến +4m), chiều cao các tuyến đê biển của vùng biển Tây  thấp hơn khu vực biển Đông (khoảng 1m) nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố gây hại cho đê biển như sóng, gió,…ở khu vực biển Đông là lớn và khắc nghiệt hơn.

2.2. Sạt lở bờ biển

Trên các tuyến đê biển vùng ĐBSCL, tình trạng sạt lở đang diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ ngày càng nhanh và nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn cho tính mạng và tài sản nhân dân cũng như cơ sở hạ tầng ven biển. Sạt lở còn làm biến đổi cảnh quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, môi trường vùng ven biển. Một số đoạn đê có vị trí nằm trực diện với biển do tình trạng xói lở, suy thoái rừng ngập mặn, dẫn đến đê chưa đảm bảo khả năng phòng chống thiên tai trước nước dâng do gió bão, triều cường. Hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ bờ ngoài hệ thống đê bao gồm hệ thống kè bờ, kè giảm sóng gây bồi tạo bãi, kè mềm giảm sóng kết hợp khôi phục rừng ngập mặn là các công trình chống đỡ, công trình bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, do xói lở và các hoạt động khai thác dải ven biển mạnh mẽ, xu thế mất rừng ngập mặn ven biển đã uy hiếp mạnh đến hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ bờ biển ĐBSCL.

Đê biển vùng ĐBSCL được xây dựng trên nền đất yếu, sức chịu tải nhỏ, thời gian cố kết chậm. Phía ngoài tuyến đê biển đa số đã có rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn có tác dụng bảo vệ bãi, chống xói lở bờ biển, giảm năng lượng sóng, giảm chiều cao sóng tác động đến đê, đồng thời còn có vai trò quan trọng trong cải tạo môi trường sinh thái, môi trường kinh tế xã hội. Những tồn tại chủ yếu của đê biển vùng đồng bằng sông Cửu Long như sau:

Một số đoạn đê có vị trí nằm trực diện với biển do tình trạng xói lở, suy thoái rừng ngập mặn, dẫn đến đê chưa đảm bảo khả năng phòng chống thiên tai, trước nước dâng do gió bão, triều cường.

Nhiều đoạn đê qua một thời gian sử dụng đã bị hư hỏng xuống cấp, do không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời (một phần khó khăn về vốn), đặc biệt là việc đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở bảo vệ bờ biển, đê biển

     Xói lở bờ biển ở tỉnh Kiên Giang

                   Xói lở bờ biển ở tỉnh Cà Mau

Xói lở bờ biển làm mất rừng phòng hộ và gây vỡ đê tại K41, năm 2011 tại
Sóc Trăng

Xói lở chân đê tại cống số 2 ở Lai Hòa, Sóc Trăng

Hình 3: Tình trạng xói lở bờ biển ở các tỉnh ven biển ĐBSCL

2.3. Tổ chức quản lý hệ thống đê biển

Lực lượng trực tiếp quản lý đê biển bao gồm lực lượng quản lý đê chuyên trách và lực lượng quản lý đê nhân dân. Thực tế hiện nay các tỉnh ĐBSCL hiện nay đều có lực lượng quản lý đê chuyên trách tuy nhiên lực lượng quản lý đê nhân dân thì chỉ được thành lập ở 2 tỉnh là Tiền Giang và Cà Mau.

a) Lực lượng quản lý đê chuyên trách:

Lực lượng quản lý đê chuyên trách ở các tỉnh ven biển ĐBSCL được tổ chức khá đa dạng như Hạt quản lý đê điều, Chi cục Thủy lợi (Kiên Giang), Công ty cổ phần Thủy lợi (Sóc Trăng).

          Bảng 3: Mô hình quản lý đê chuyên trách ở một số tỉnh
ven biển vùng ĐBSCL

+) Hạt quản lý đê

Hiện nay hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều tổ chức quản lý đê theo loại hình này (5/7 tỉnh). Hạt quản lý đê là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục Thủy lợi. Hạt có đầy đủ tư cách pháp lý (Quyết định thành lập, tài khoản, con dấu, giấy phép đăng ký hoạt động, quy chế hoạt động…). Kính phí hoạt động của Hạt quản lý đê được lấy từ ngân sách nhà nước.

Để tổ chức việc quản lý đê, Hạt thành lập các Trạm quản lý đê tại các huyện (mỗi huyện có 1 Trạm) để trực tiếp quản lý đê trên địa bàn. Các trạm trực tiếp phối hợp với chính quyền địa phương (UBND cấp xã) để xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến đê điều
   Hình 4: Sơ đồ tổ chức của Hạt quản lý đê

Có thể thấy mô hình Hạt quản lý đê cơ bản đáp ứng các yêu cầu tại Luật đê điều và các quy định hướng dẫn Luật đê điều. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc thành lập các Hạt quản lý đê đối với các tỉnh chưa có hạt quản lý đê là rất khó khăn do vướng mắc các quy định về tinh giảm biên chế.

+) Chi cục Thủy lợi trực tiếp quản lý đê

Loại hình Chi cục Thủy lợi trực tiếp quản lý đê được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang. Chi cục Thủy lợi cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vận hành các cống dưới đê trên địa bàn toàn tỉnh. Để đáp ứng được nhiệm vụ quản lý đê và vận hành các cống dưới đê Chi cục Thủy lợi thành lập các đội quản lý tại huyện có đê để trực tiếp quản lý đê và các cống dưới đê.

Nhân sự của các đội do Chi cục thủy lợi trực tiếp hợp đồng với công nhân, cán bộ kỹ thuật tại chỗ có trình độ sơ cấp. Hiện nay tại Kiên Giang có 07 đội quản lý đê tại 7 huyện có đê với 84 hợp đồng lao động phụ trách quản lý bảo vệ đê và vận hành các cống dưới đê.

Kinh phí hoạt động của lực lượng này lấy từ nguồn kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi công ích của Chính phủ. Điều này không phù hợp với quy định về hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi công ích.
Hình 5: Sơ đồ tổ chức của Hạt quản lý đê

Đây là mô hình chưa phù hợp với Luật đê điều, chưa tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và quản lý đê chuyên trách, ngoài ra một trong những tồn tại lớn nhất của mô hình này là cán bộ quản lý đê chuyên trách là lao động hợp đồng nên gặp khó khăn trong việc lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều. Tuy nhiên việc lực lượng quản lý cống dưới đê kiêm việc quản lý đê chuyên trách sẽ giải quyết được vấn đề chồng chéo trong công tác quản lý khi cán bộ vừa vận hành cống dưới đê vừa kiểm tra, theo dõi bảo vệ đê điều.

+) Công ty cổ phần Thủy lợi quản lý đê

Mô hình Công ty cổ phần Thủy lợi trực tiếp quản lý đê chỉ tồn tại tại tỉnh Sóc Trăng. Công ty cổ phần Thủy lợi Sóc Trăng cũng là tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý vận hành các cống dưới đê trên địa bàn tỉnh.

Công ty cổ phần Thủy lợi Sóc Trăng là doanh nghiệp tư nhân, hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Dưới Công ty là các Trạm thủy nông quản lý trên địa bàn huyện.

Kinh phí hoạt động của lực lượng này lấy từ nguồn kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi công ích của Chính phủ. Điều này không phù hợp với quy định về hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi công ích.

Đây là mô hình chưa phù hợp với Luật đê điều. Ngoài ra một trong những tồn tại lớn nhất của mô hình này là Công ty cổ phần thủy lợi là doanh nghiệp tư nhân nên không có thẩm quyền lập biên bản và xử lý các vi phạm hành chính về đê điều. Tuy nhiên việc lực lượng quản lý cống dưới đê kiêm việc quản lý đê chuyên trách sẽ giải quyết được vấn đề chồng chéo trong công tác quản lý khi cán bộ vừa vận hành cống dưới đê vừa kiểm tra, theo dõi bảo vệ đê điều

Hình 6: Sơ đồ tổ chức Công ty Cổ phần Thủy lợi Sóc Trăng

+) Tồn tại, bất cập của lực lượng quản lý đê chuyên trách vùng ĐBSCL

Loại hình tổ chức: Trong khi quy định tại Nghị định số 113/2007/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật Đê điều quy định các tỉnh phải thành lập các Hạt quản lý đê, tuy nhiên một số tỉnh chưa thành lập được các hạt quản lý đê theo quy định (Sóc Trăng, Kiên Giang). Nguyên nhân chủ yếu là do không được tăng biên chế hiện có của Chi cục Thủy lợi (trong khi đó số lượng biên chế hiện có không đủ để thực hiện nhiệm vụ trực tiếp quản lý đê điều) nên không thành lập được các Hạt quản lý đê theo quy định. Trong khi tỉnh Sóc Trăng giao cho Công ty cổ phẩn Thủy lợi trực tiếp quản lý đê thì tỉnh Kiên Giang, Chi cục Thủy lợi hợp đồng với cán bộ tại chỗ để trực tiếp quản lý đê.

Tư cách pháp lý: Đối với các tỉnh đã thành lập được các Hạt quản lý đê với đầy đủ tư cách pháp lý theo Quy định thì việc quản lý đê việc quản lý bảo vệ đê được thực hiện thuận lợi và đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, đối với các tỉnh chưa thành lập được Hạt quản lý đê (đặc biệt là Sóc Trăng) thì việc quản lý, bảo vệ đê điều và phát hiện, xử lý các vi phạm là hết sức khó khăn và bất cập do các bộ trực tiếp quản lý đê không phải là công chức, viên chức nhà nước đang thực thi nhiệm vụ nên không được lập biên bản xử phạt, sự phối hợp với các đơn vị liên quan còn nhiều hạn chế, …

Hoạt động quản lý bảo vệ đê: Đối với các tỉnh đã thành lập Hạt quản lý đê thì lực lượng quản lý đê chỉ thực hiện quản lý, bảo vệ đê nhưng quản lý cống dưới đê lại do Công ty/Trung tâm quản lý thủy lợi thực hiện dẫn tới chồng chéo trong quản lý. Ngoài ra đê kết hợp làm đường giao thông có sự chồng chéo trong quản lý với ngành giao thông vận tải như tải trọng cho phép của đê và cầu đường bộ là khác nhau. Do sự chồng chéo trong quản lý dẫn tới sự phối hợp trong quản lý, bảo vệ đê là chưa tốt, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Nguyên nhân chủ yếu là chưa ban hành được các quy chế phối hợp để phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân trong quản lý, bảo vệ đê.

Định biên cán bộ: Số lượng cán bộ quản lý đê tại các tỉnh là khác nhau do chiều dài đê của các tỉnh là khác nhau. Chiều dài đê cho 1 cán bộ quản lý ở các tỉnh là khá lớn như tỉnh Bến Tre 8km/người, tỉnh Sóc Trăng 9km/người so với quy định là từ 3-4km/người, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ do đê biển trải dài, việc đi lại khó khăn dẫn đến hiệu quả quản lý đê chưa cao, công việc bảo vệ đê hầu hết giao cho nhân viên vận hành cống dưới đê kiêm nhiệm (trong khi chỉ nhận kinh phí vận hành cống). Tuy nhiên một số tỉnh đã đáp ứng được tiêu chí này như Cà Mau và Kiên Giang (mỗi cán bộ quản lý từ 2-3km đê)

Kinh phí hoạt động: Theo Quy định thì kinh phí dành cho lực lượng quản lý đê chuyên trách được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong khi đó một số tỉnh lại sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí (hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi công ích) điều này dẫn tới kinh phí hoạt động quản lý vận hành bảo dưỡng công trình thủy lợi sẽ bị thiếu, không đáp ứng được yêu cầu về quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình thủy lợi. Nguyên nhân là do cán bộ quản lý đê chuyên trách không phải công chức, viên chức nhà nước nên không thể sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho lực lượng này (Sóc Trăng, Kiên Giang)

a)  Lực lượng quản lý đê nhân dân

Hiện nay, vùng ven biển ĐBSCL tổ chức quản lý đê nhân dân mới được thành lập ở 02 tỉnh là Cà Mau và Tiền Giang. Lực lượng quản lý đê nhân dân đã được tổ chức và hoạt động theo đúng Quy định tại Thông tư số 26/2009/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân.

Tổ chức hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân tại tỉnh Cà Mau như sau: Các xã giáp biển Tây có đê biển thuộc ba huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân đã thành lập tổ quản lý đê nhân dân (khu vực biển Đông không có đê biển nên chưa thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân).

Hình 7: Sơ đồ Tổ quản lý đê nhân dân xã Khánh Tiến- U Minh- Cà Mau

Tổ quản lý đê nhân dân do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã ra quyết định, cơ cấu bao gồm 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và các thành viên, được UBND ký hợp đồng lao động hàng năm; lực lượng này hưởng lương từ ngân sách của UBND xã.

Số lượng thành viên phụ thuộc vào chiều dài tuyến đê, trung bình 1 người từ 2-3km đê. Thành phần tham gia lực lượng quản lý đê nhân dân là những người sống dọc phía ngoài hành lang bảo vệ đê.

Nhiệm vụ: Các tổ quản lý đê nhân dân có nhiệm vụ phối hợp với các trạm quản lý đê trực thuộc Hạt quản lý đê trong việc quản lý, bảo vệ đê và phát hiện, lập biên bản, ngăn chặn các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều. Hồ sơ vi phạm được chuyển đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý (UBND các cấp, công an, thanh tra…) tùy theo mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, do chưa xây dựng được Quy chế hoạt động cho các Tổ quản lý đê nhân dân nên sự gắn kết giữa lực lượng này với hạt quản lý đê chuyên trách là chưa cao.

Trong khi đó hầu hết các tỉnh ven biển còn lại trong vùng ĐBSCL chưa thành lập được lực lượng quản lý đê nhân dân. Điều này đã ảnh hướng rất lớn tới công tác quản lý, bảo vệ đê biển tại địa phương do lực lượng quản lý đê nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ lực lượng quản lý đê chuyên trách trong công tác kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê, xử lý sự cố đê điều, lập biên bản vi phạm…Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương chưa bố trí được nguồn kinh phí cho tổ chức này hoạt động.

III. GIẢI PHÁP QUẢN LÝ HIỆU QUẢ HỆ THỐNG ĐÊ BIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG  SÔNG CỬU LONG

3.1. Mô hình tổ chức quản lý phù hợp

Thành lập, củng cố và tổ chức lại lực lượng quản lý đê trên địa bàn gồm 02 lực lượng là quản lý đê chuyên trách và quản lý đê nhân dân.

              Hình 8: Mô hình quản lý đê điều các tỉnh ĐBSCL

a)Lực lượng quản lý đê chuyên trách

Hiện nay lực lượng quản lý đê chuyên trách tại các tỉnh vùng ĐBSCL là rất khác nhau có tỉnh là Hạt quản lý đê trực thuộc Chi cục thủy lợi (Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre), Chi cục thủy lợi (Kiên Giang) hay Công ty cổ phần thủy lợi (Sóc Trăng). Vì vậy để đảm bảo mô hình tổ chức phù hợp và hiệu quả thì đối với các tỉnh đã thành lập Hạt quản lý đê thì tiếp tục duy trì và tổ chức hoạt động như sơ đồ Hình 6. Đối với các tỉnh hiện chưa thành lập được các Hạt quản lý đê thì tổ chức triển khai thành lập Hạt quản lý đê, đối với trường hợp không thể thành lập do vướng các quy định khác thì cần củng cố, duy trì hình thức tổ chức quản lý hiện tại nhưng cần tăng cường sự giám sát, theo dõi và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước như Sở NN và PTNT, UBND các cấp…thông qua các quy chế phối hợp. Đặc biệt các tỉnh cần căn cứ vào quy định về chiều dài đê do một cán bộ quản lý để bố trí số lượng cán bộ phù hợp. Sơ đồ tổ chức của Hạt quản lý đê nên được bố trí như sau:

                  Hình 9: Sơ đồ tổ chức của hạt quản lý đê

a)Lực lượng quản lý đê nhân dân

Lực lượng quản lý đê nhân dân là lực lượng hết sức quan trọng và cần thiết nhằm huy động được sự tham gia của người dân địa phương có đê trong việc bảo vệ và xử lý các sự cố về đê điều.

Việc tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân trên địa bàn các tỉnh cần được tổ chức hoạt động theo đúng Quy định tại Thông tư 26/2009/TT-BNNPNTNT của Bộ NN và PTNT. Trong đó có một số nội dung quan trọng cần lưu ý như:

–       Cấp thành lập: Sở NN và PTNT các tỉnh chủ trì đề xuất để UBND cấp tỉnh ban hành đề án tổ chức và hoạt động của Lực lượng quản lý đê nhân dân trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện được ủy quyền để thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân. Lực lượng quản lý đê nhân dân không thuộc biên chế nhà nước và cần được thành lập theo nhóm tổ theo quy mô xã, chịu sự quản lý của UBND cấp xã có đê.

–       Mỗi nhân viên quản lý đê nhân dân chịu trách nhiệm quản lý không quá 3 km đê. Trường hợp những xã có dưới 3 km đê, tùy tính chất phức tạp của đê điều trên địa bàn thì địa phương có thể bố trí từ 1 đến 2 nhân viên Quản lý đê nhân dân cho phù hợp.

–       Chủ tịch UBND xã trình UBND cấp Huyện thẩm định, quyết định số lượng nhân viên và thành lập “Tổ Quản lý đê Nhân dân”.

–       Nhân viên quản lý đê nhân dân do UBND cấp xã ký hợp đồng theo quy định hiện hành của Luật lao động, thời hạn hợp đồng là 01-03 năm.

–       Quy định nhiệm vụ của nhân viên quản lý đê nhân dân

–       Quy định Nguồn kinh phí và chế độ chính sách đối với nhân viên quản lý đê nhân dân

3.2. Giải pháp về cơ chế chính sách

Để đảm bảo việc tổ chức hoạt động quản lý hệ thống đê biển hiệu quả thì các giải pháp về cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động là rất cần thiết. Một số giải pháp về cơ chế chính sách cần được thực hiện như sau:

–       Ban hành Quy định vai trò trách nhiệm các bên liên quan  trong hoạt động quản lý và bảo vệ đê điều: Thực tế hiện nay cho thấy Luật Đê điều và các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật đê điều đã có một số quy định về quản lý và bảo vệ đê điều. Tuy nhiên, một số tỉnh chưa ban hành các quy định về quản lý và bảo vệ đê điều dẫn tới việc quản lý bảo vệ còn nhiều vướng mắc, chồng chéo. Để việc quản lý và bảo vệ đê điều được thực hiện hiệu quả và bền vững, Sở NN và PTNT cần rà soát, đánh giá và đề xuất chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành làm cơ sở trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều trên địa bàn các tỉnh.

–       Ban hành Quy chế phối hợp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều: Hiện nay tình hình xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn các tỉnh còn nhiều vướng mắc và bất cập, vì vậy để đảm bảo việc xử lý vi phạm không bị chồng chéo và  hiệu quả thì việc ban hành “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn các tỉnh” là hết sức cần thiết.

3.3. Các giải pháp khác

Nâng cao nhận thức cộng đồng: Có thể thấy việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng ngừa rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và vai trò trách nhiệm trong quản lý bảo vệ đê biển là hết sức quan trọng và cần thiết. Chỉ có sự tham gia chung tay của cộng đồng trong việc quản lý bảo vệ đê biển mới đem lại hiệu quả to lớn và thiết thực;

Trồng và bảo vệ đai rừng phòng hộ ven biển: Có thể nói rừng phòng hộ ven biển có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ đê biển tránh được các tác hại của sóng, gió, triều cường và các hình thái thiên tai làm ảnh hưởng đến đê biển. Tăng cường việc trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển là một trong những giải pháp hiệu quả và bền vững nhất.

Nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý đê: Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực là hoạt động rất hiệu quả và cần thiết đối với lực lượng quản lý đê. Ngoài ra, để phực vụ công tác quản lý, bảo vệ đê thì cần bổ sung các trang thiết bị thiết yếu phụ vụ công tác quản lý bảo vệ đê như bảo hệ lao động, thiết bị thông tin liên lạc và đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo vệ đê như sử dụng ảnh viễn thám để theo dõi diễn biến, ảnh hưởng của thiên và phát hiện sự cố,…

IV. KẾT LUẬN

Vùng ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vì vậy việc quản lý hiệu quả hệ thống đê biển vùng ĐBSCL có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ dân sinh, kinh tế, xã hội cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc tổ chức hoạt động quản lý đê biển vùng ĐBSCL còn chưa thật sự hiệu quả và còn nhiều bất cập. Một số giải pháp về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, trồng và bảo vệ đai rừng phòng hộ ven biển…góp phần quan trọng trong việc quản lý hệ thống đê biển cho vùng ĐBSCL. Các giải pháp là cơ sở khoa học cho các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương áp dụng trong việc xây dựng chường trình, đề án tổ chức quản lý hiệu quả hệ thống đê biển vùng ĐBSCL.