Hội thảo “Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm sinh thái, lúa hữu cơ vùng ven biển Tây-ĐBSCL”

Ngày 23 tháng 5 năm 2019 tại UBND huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang tổ chức Hội thảo “Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm sinh thái, lúa hữu cơ vùng ven biển Tây-ĐBSCL”

Hội thảo là sự tham dự của 4 nhà trong chuỗi giá trị, gồm:

–         Về phía cơ quan quản lý Nhà nước: TS. Đỗ Minh Nhựt – Phó Giám Đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Kiên Giang, Ông Nguyễn Viết Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, Phòng Nông nghiệp huyện An Biên, An Minh

–         Về Phía nhà khoa học: Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Viện Nghiên Cứu Nuôi trồng thủy sản II

–         Về phía các Doanh Nghiệp tiêu thụ nông sản: Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Đại Dương Xanh, Tập Đoàn Minh Phú, Công ty Vinacam, Doanh nghiệp Hồ Quang Trí…

–         Về phía người dân: các HTX/THT và đại diện người dân hai huyện An Biên và An Minh

Nuôi tôm-lúa là hình thức nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh ở ĐBSCL, năm 2000 diện tích nuôi tôm-lúa là khoảng 71.000 ha, năm 2014 tổng diện tích nuôi tôm-lúa ở ĐBSCL đạt khoảng 152.977ha. Nuôi tôm – lúa lớn nhất là ở vùng ven biển Tây, tỉnh Kiên Giang có diện tích 77.264 ha (ước tính năm 2015) và Cà Mau có diện tích 43.297ha (năm 2014). Nuôi tôm-lúa là hình thức nuôi trồng được đánh giá là mô hình canh tác hiệu quả, đầu tư thấp. Tôm nuôi trong ruộng sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh, tôm nuôi thương phẩm có chất lượng (do ít dùng hóa chất, kháng sinh), môi trường sinh thái được bảo vệ do lúa sử dụng các sản phẩm thải từ nuôi tôm và là mô hình nuôi trồng phù hợp với điều kiện sinh thái ở các vùng ven biển bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, không có khả năng trồng lúa quanh năm. Tuy nhiên, phát triển hệ thống tôm-lúa cũng đang đứng trước các thách thức, nhất là sự tác động của biến đổi khí hậu. Xu thế nước biển dâng cao, sự xâm nhập mặn sâu hơn, mùa khô kéo dài, nắng nóng hơn, mùa mưa ngắn hơn, lượng mưa ít, sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững hệ thống tôm-lúa. Hơn nữa, do mô hình mới phát triển, người dân còn thiếu các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, thiếu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sự tham gia trong đầu tư xây dựng quản lý hệ thống thủy lợi nhằm kiểm soát hạn-mặn để phát huy hiệu quả bền vững của mô hình canh tác.

Hội thảo đã nghe các báo cáo trình bày của các Nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam về: Mô hình nông dân tham gia quản lý công trình thủy lợi, SX và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL; Báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam về Hệ thống thủy lợi hỗ trợ kiểm soát hạn-mặn phục vụ SX tôm-lúa tại 2 HTX Bầu Trâm và Thạnh An; Báo cáo của Viện lúa ĐBSCL về: Quy trình kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ trong mô hình luân canh tôm-lúa và Báo cáo của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 về: Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sinh thái trong mô hình luân canh tôm-lúa. Ngoài ra, báo cáo tham luận của HTX NN Bào Trâm về SX-tiêu thụ SP tôm-lúa HTX Bầu Trâm, khó khăn, đề xuất.

Trong không khí thắng thắn và cởi mở, trao đổi thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức trong sản xuất tôm-lúa vùng ven biển Tây ĐBSCL. Các đại biểu cho rằng nhờ diễn biến phức tạp của thời tiết đã tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng thích ứng cho người nông dân, thu nhập của người dân được cải thiện, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường, là xu thế tất yếu của thời đại, là cơ hội đầu tư cho cả nông dân và doanh nghiệp.  Tuy nhiên, các đại biểu tham dự cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức hiện tại trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và nuôi tôm sinh thái như: thiếu hệ thống công trình thủy lợi nhằm kiểm soát hạn-mặn, thiếu các tổ chức của nông dân nhằm kiểm soát quy trình canh tác tôm-lúa, thị trường đầu ra chưa ổn định, nhu cầu đầu vào như giống, phân bón, khó khăn về cấp giấy chứng nhận, người tiêu dùng chưa đủ lòng tin vào sản phẩm hữu cơ…

Thông qua Hội thảo, Cơ quan quản lý Nhà nước, Nhà Khoa học, đại diện nông dân và các Doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến và tham luận thiết thực nhằm xây dựng vùng sản xuất tôm sinh thái, lúa hữu cơ tại hai huyện An Minh và An Biên. Hội thảo mong muốn bốn Nhà trong chuỗi giá trị nông sản tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xây dựng mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm-lúa vùng ven biển Tây đạt hiệu quả và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.

Hội thảo kết thúc lúc 12h cùng ngày

Một số hình ảnh hội thảo

Ông Đỗ Minh Nhựt – Phó Giám Đốc Sở NN Kiên Giang
phát biểu khai mạc hội thảo

ThS. Trần Việt Dũng – Viện KHTL Việt Nam
trình bày tham luận tại Hội thảo

ThS. Doãn Văn Huế – Viện KHTL miền Nam
trình bày tham luận tại hội thảo

TS. Dương Hoàng Sơn – Viện Lúa ĐBSCL trình bày
tham luận tại hội thảo

ThS. Nguyễn Đức Minh – Viện Nghiên cứu NTTS II
trình bày tham luận tại hội thảo

Các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tôm-lúa phát biểu tại hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo