TỌA ĐÀM GÓP Ý LUẬT THỦY LỢI 2017

Ngày 24/4/2017, tại trụ sở Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Viện nghiên cứu lập Pháp Quốc Hội đã phối hợp với Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Thủy lợi 2017”. Tham dự Tọa đàm có các đại biểu của UBTV Quốc Hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban KHCN&MT, Uỷ ban các vấn đề xã hội, Hội đồng Dân tộc, Viện NCLP, đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Bình, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND một số tỉnh, các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan thông tấn… Ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Quốc hội và PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện NCLP đồng chủ trì buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Hoàng Văn Tú đã tóm tắt lại quá trình xây dựng, góp ý cho Dự thảo Luật thủy lợi qua kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến để UBTV Quốc hội tham khảo, hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, tập trung vào 8 vấn đề chính: (i)Các điều luật liên quan đến Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy lợi; (ii)Công tác quản lý vận hành; (iii)Vấn đề thủy lợi phí; (iv)Mô hình tổ chức quản lý các cơ quan chuyên môn; (v)Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý khai thác CTTL; (vi)Bình đẳng giới; (vii) Các quy định về xả thải và (viii)Quản lý, phát triển lưu vực sông xuyên quốc gia.

Hội nghị đã nghe Báo cáo tóm tắt quá trình phát triển thủy lợi tại Việt nam (TS. Đào Trọng Tứ Phó giám đốc CEWAREC); Báo cáo góp ý của Mạng lưới Sông ngòi Việt nam về Dự thảo Luật Thủy lợi (PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện NC Biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ); Các ý kiến thảo luận đóng góp của ông Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, ông Dương Xuân Hòa-Phó đoàn đại biểu Lạng Sơn, ông Phạm Văn Tuân- Phó đoàn đại biểu QH Thái Bình, bà Trần Hồng Nguyên, thường trực Ủy ban Pháp luật, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng cục quản lý Tài nguyên nước- Bộ TN&MT và các đại biểu tham dự tọa đàm.

Một số vấn đề đặt ra để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật bao gồm:

–   Các đề xuất về khai thác thủy lợi phải đảm bảo môi trường nước tránh suy thoái; Vai trò trung tâm  của cộng đồng dân cư, quyền tham gia vào tất cả các khâu của quá trình thủy lợi và vấn đề bình đẳng giới cần tiếp tục nghiên cứu, thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn để đi vào cuộc sống.

–   Trong Dự thảo còn thiếu các quy định cụ thể về môi trường, cơ chế xã hội hóa, hợp tác công tư, hình thức quản lý, chuyển đổi quản lý để xã hội hóa.

–   Vấn đề sử dụng dịch vụ và giá dịch vụ: phải quy định rõ Nhà nước không tính giá một số công trình trường hợp nào? Các công trình tư nhân đầu tư xây dựng phải tính giá, Nhà nước phải trả một phần phí nhất định phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội, phòng chống thiên tai…

Việc hỗ trợ giá tiếp cận theo hộ (hộ nghèo, cận nghèo …) là cách tiếp cận cũ, không khả thi. Nên nghiên cứu hỗ trợ theo vùng, theo hạn điền và giới hạn mục đích sử dụng dịch vụ.

Bổ sung thêm các quy định về mô hình thu phí dịch vụ, phương thức thu trong Luật, tạo khung khổ pháp lý, không nên giao phó cho Chính phủ quy định khi chưa định hình khung.

–   Cần có quy định về nghiêm cấm lợi dụng, độc quyền trong cung cấp dịch vụ thủy lợi.

–   Về đầu tư xây dựng: Ngoài các ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, cần có quy định ưu tiên đầu tư cho vùng trọng điểm về nông nghiệp, thủy sản để gia tăng nhanh chóng sản lượng, nâng cao chất lượng, giá trị.

Đối với các vùng khó khăn chưa thể áp dụng công nghệ hiện đại, việc sử dụng các công nghệ truyền thống có hiệu quả rất tốt nhất là cho vùng miền núi cũng cần được khuyến khích và đưa vào Luật để có khung hỗ trợ.

–   Về tổ chức quản lý cấp cơ sở: Mới chỉ đề cập 2 mô hình hợp tác xã và tổ hợp tác. Mô hình doanh nghiệp xã hội theo quy định trong Luật Doanh nghiệp có quản lý được không?

–   Về năng lực quản lý: Cấp xã, huyện được phân cấp quản lý nhưng không có đủ năng lực, vậy có bố trí nguồn lực, hỗ trợ để đảm bảo năng lực thực hiện không?

–   Luật phải thể hiện được nội dung quan trọng là: Quản lý khai thác hiệu quả CTTL bao gồm các quy định về duy tu, bảo trì công trình, là tài sản rất lớn của Nhà nước đầu tư nhiều năm. Nội dung này còn mờ nhạt trong dự thảo.

–   Sự lồng ghép, gắn với Luật tài nguyên nước thế nào để tránh chồng chéo, vấn đề xác định đâu là hệ thống công trình thủy lợi, đâu là tài nguyên nước vẫn rất khó khăn, nhất là vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Điều này có thể gây chồng chéo trong quản lý khai thác, nhất là xử lý xả thải ra nguồn nước.

–   Vấn đề cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho công trình thủy lợi chưa được đề cập.

Một số nội dung khác về khái niệm, quan điểm, phạm vi điều chỉnh, quyền trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, kỹ thuật xây dựng Luật… cũng được các đại biểu phân tích, đóng góp ý kiến.

Phát biểu kết thúc buổi Tọa đàm, ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT ghi nhận và đánh giá cao các báo cáo, ý kiến đóng góp của đại biểu, giúp cho Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra của UBTV Quốc hội rà soát lại, chuẩn bị tốt cho việc trình dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sắp tới./.
Đặng Minh Tuyến.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH BUỔI TỌA ĐÀM


Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm UB KHCN&MT Quốc Hội, chủ trì tọa đàm phát biểu.

Các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến.