Ngày 9-12, Lào đã chính thức khánh thành Nhà máy thủy điện Nậm Thun 2, một trong những đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Không những thế, Lào còn chuẩn bị cho một dự án khác khổng lồ không kém trên dòng Mekong.
Từ lâu, dòng nước chảy xiết ầm ào của dòng Mekong hùng mạnh luôn làm du khách ngẩn ngơ, khuấy động cảm hứng của những người ưa khám phá và nuôi dưỡng 65 triệu dân nhờ nguồn cá nước ngọt lớn nhất thế giới này.
Từ thượng nguồn những ngọn núi phủ tuyết của Tây Tạng, dòng Mekong chảy dài suốt 1.880km qua Trung Quốc và xuyên qua Đông Nam Á tới vùng đồng bằng phì nhiêu ở Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Souvanna Thamavone – nhà nghiên cứu môi trường ở Vientiane (Lào), giải thích: “Với những người sinh ra ở đây, bên dòng Mekong, con sông này như máu của họ, là nguồn gốc của sự sống. Nếu con sông bị cản từ thượng nguồn xuống hạ nguồn (bởi các con đập) thì quả là điều đáng xấu hổ”.
Nơi dự kiến xây đập cho dự án thủy điện Xayaburi ở Lào –
(Ảnh: Internationalrivers.org)
|
Làm đập dễ kiếm tiền
Đi ngược lên trên sông Mekong ở Chiang Khong, bắc Thái Lan, một nhà giáo và cũng là người Thái đi đầu trong chiến dịch quốc tế “Cứu sông Mekong” lý giải sự tôn kính với con sông hùng vĩ này: “Mekong rất đặc biệt với người dân. Cộng đồng ở đây hiểu đâu là điều quan trọng cho cuộc sống của bạn: rừng, nước, đất và văn hóa”.
Nita, một nhà tổ chức cộng đồng luôn sống bên bờ dòng sông này, cho biết: “Nhiều chính phủ chỉ nghĩ về kinh tế. Không nghĩ gì về bản chất văn hóa, họ chỉ nghĩ tiền. Có các con đập thì dễ kiếm tiền”.
Giờ đây dòng sông Mekong, vốn có độ đa dạng sinh học lớn thứ hai thế giới và nuôi dưỡng bao thế hệ ngư dân, các làng chài, đang chịu đe dọa khốc liệt từ đầu tư vào việc mở rộng các con đập thủy điện.
Trung Quốc đã xây bốn đập ở sông Lan Thương (tên của phần sông Mekong ở Trung Quốc). Đập Tiểu Loan khổng lồ là đập hình cung cao nhất thế giới (292m) đã hoàn thành tháng 8-2010. Nó chỉ thấp hơn đỉnh tháp Eiffel ở Paris (Pháp) vài centimet. Bốn đập nữa ở Trung Quốc và 11 con đập được hoạch định tại Lào và Campuchia đã gây ra nhiều tranh cãi.
Tuy vậy chính quyền ở Lào muốn có đập và tin tưởng thủy điện là công thức để thoát khỏi đói nghèo qua việc bán điện cho Thái Lan và Việt Nam. Họ đã trở thành quốc gia đầu tiên trong các nước thuộc hạ lưu Mekong thúc đẩy dự án đập trên dòng Mekong ở Xayaburi. Trong dự án trị giá 3 tỉ USD này, Công ty Thái Ch Karnchang sẽ đầu tư đến 90% nhằm xây dựng nhà máy thủy điện công suất 1.260MW. Dự kiến sau quá trình xây dựng kéo dài bảy năm rưỡi, nhà máy sẽ bắt đầu bán điện cho Thái Lan từ năm 2019.
Cho dù các nhà đầu tư nước ngoài, các nhóm kỹ thuật và chính quyền Lào đều khẳng định thiết kế của họ sẽ mang lại phát triển cho quốc gia nghèo khó không có biển này, nhưng nhiều dân làng Lào vẫn hoài nghi. Bà Souvanna Thamavone kể khi nói chuyện với dân địa phương, họ đều nói: “Xây đập mang lại ánh sáng ở mắt nhưng bóng tối trong tim”.
Người dân nghĩ khác
Thật sự là gần đây giới khoa học môi trường, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư bên sông Mekong đã liên tục cảnh báo về một cuộc chạy đua xây đập khi còn chưa hiểu đầy đủ về tác động môi trường. Juha Sarkkala, một chuyên gia về Mekong từ Viện Môi trường Helsinki (Phần Lan), cảnh báo: “Tốc độ xây đập thủy điện hiện rất cao. Chúng ta cần phải nhìn lại. Chúng ta cần tạm ngừng việc xây đập để tìm một chiến lược phát triển khác”. Diễn đàn phi chính phủ Thái Lan gồm 24.000 người ở các cộng đồng ven sông đã kêu gọi thủ tướng Thái Lan hủy cam kết của Công ty Điện Thái Lan (EGAT) về việc mua điện từ đập Xayaburi.
Một ủy ban quốc hội của Thái Lan đang nghiên cứu tác động của đập với sông Mekong do nghị sĩ Kraisak Choonhavan làm chủ tịch. Ông là cựu thượng nghị sĩ và là phó chủ tịch Đảng Dân chủ đang cầm quyền. Ông bình luận: “Tác động của đập Xayaburi sẽ rất nặng nề với tất cả các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam”. Theo các thỏa thuận quốc tế giữa bốn quốc gia thuộc Ủy ban sông Mekong (MRC), Chính phủ Lào đã chính thức thông báo cho MRC việc này vào tháng trước. Tiếp theo sẽ là sáu tháng tư vấn với Campuchia, Thái Lan và Việt Nam – những nước có quyền phản đối.
Xayaburi trở thành bài thử đầu tiên với việc coi một dự án đập trên Mekong là vấn đề quốc tế. Quá trình tham vấn sáu tháng của MRC đã có hiệu lực giữa bốn quốc gia thành viên MRC về vấn đề liệu việc xây đập có được phép tiến hành hay không. Nếu Thái Lan và Việt Nam biểu lộ sự phản đối thật sự, con đập có thể phải dừng lại. Lào sẽ không đi tiếp trừ khi họ chắc chắn Thái Lan sẽ mua điện.
Với những quốc gia ở hạ lưu Mekong như Campuchia và Việt Nam, những con đập chặn dòng còn làm cạn kiệt nguồn thu từ cá. Với những người Campuchia sống dựa vào nghề đánh cá nước ngọt, các con đập cản sự di cư của cá sẽ là thảm họa cả về an ninh lương thực lẫn dinh dưỡng. Giáo sư So Nam từ Viện Nghề cá ở Phnom Penh giải thích: “Người dân phụ thuộc hoàn toàn vào cá. Chúng tôi có tỉ lệ tiêu dùng cá vào loại cao nhất thế giới. Hằng năm người Campuchia đánh bắt khoảng nửa triệu tấn cá. Đây là nguồn việc làm của hơn 6 triệu người”. Đại diện Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) ở Campuchia, Gordon Congdon, cho rằng “việc thay thế nguồn protein từ cá cho khoảng 65 triệu người có thể dẫn đến phí tổn khủng khiếp nếu như các chính phủ buộc phải nhập thêm thịt”.
Nhiều tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học ở Việt Nam cũng lên tiếng phản đối xây thêm đập. Ông Trịnh Lê Nguyên, giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên có trụ sở ở Hà Nội, nói: “Với Việt Nam, những con đập hiện có và đang được đề xuất trên dòng chính và dòng phụ sông Mekong rõ ràng đe dọa khoảng 20 triệu người sống ở đồng bằng sông Cửu Long”. Ông Trịnh Lê Nguyên phân tích: “Nếu đề xuất đập Xayaburi được thông qua và thực hiện, chúng tôi e là nó đồng nghĩa với sự đồng ý cho các dự án đập khác trên dòng chính. Đó là điều nguy hiểm. Suy cho cùng, “không có đập” là phương án tốt nhất cho tất cả các nước, không riêng gì Việt Nam”.
Quyết định về đập Xayaburi có thể xác định số phận sông Mekong cho nhiều thế hệ tiếp theo. Liệu những nguồn tài nguyên vĩ đại của nó chỉ có thể chuyển tải thành phát điện, hay các nhà hoạch định chính sách sẽ tính toán chi phí trước khi xảy ra thiệt hại không thể đảo chiều?
Giáo sư Philip Hirsch, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mekong ở ĐH Sydney (Úc), khẳng định vấn đề vô cùng quan trọng này “chỉ nên được quyết định dựa trên bằng chứng tốt nhất có thể. Hãy hoãn lại ít nhất mười năm”.
Bốn phương án
Ủy ban sông Mekong coi việc phát triển đập là nhu cầu cân bằng giữa cơ hội và rủi ro. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA) cuối cùng từ các nhà tư vấn độc lập cho MRC đã chỉ rõ những rủi ro khổng lồ nếu tiếp tục xây thêm đập.
Báo cáo cuối cùng của các tư vấn viên đánh giá môi trường chiến lược (tháng 10-2010) cho thấy tổng sản lượng cá chịu rủi ro từ các con đập ở dòng chính là từ 700.000 tấn tới 1,4 triệu tấn, trong đó Campuchia mất 170.000-340.000 tấn, Lào 60.000-120.000 tấn và Thái Lan 250.000-480.000 tấn.
Báo cáo cũng đưa ra bốn phương án chiến lược cho việc phát triển thủy điện ở dòng chính:
- Dừng mọi việc phát triển đập.
- Dừng mọi quyết định trong một khoảng thời gian.
- Phê duyệt có chọn lọc các dự án đập.
- Phát triển dựa trên thị trường và cho phép xây mọi con đập.
Các tư vấn viên của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gợi ý bốn nước thuộc MRC chọn phương án 2: “Các quyết định về đập trên dòng chính nên hoãn lại một thời gian khoảng 10 năm và cứ ba năm có đánh giá lại một lần”. Tuy nhiên, chủ tịch ban thư ký MRC đã từ chối thông qua báo cáo này mà sẽ chỉ gửi các đề xuất và phát hiện của họ tới các quốc gia thành viên.
Theo Tuổi trẻ