Sau 5 năm thực hiện, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” do Bộ NN-PTNT triển khai cho các tỉnh, TP ở ĐBSCL, đang có sức lan tỏa mạnh ở khu vực sản xuất lúa trọng điểm này.
Nhiều mô hình lớn
Việc tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL theo quy mô lớn đã được Bộ NN-PTNT tính tới từ lâu. Bắt đầu từ vụ đông xuân 2006-2007, Bộ đã triển khai kế hoạch sản xuất 1 triệu tấn lúa chất lượng cao ở 7 tỉnh ĐBSCL. Mục tiêu của mô hình là phát triển lúa gạo xuất khẩu ổn định, bền vững, có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất lúa và doanh nghiệp xuất khẩu, phát huy lợi thế cạnh tranh của lúa gạo ĐBSCL nói riêng và lúa gạo Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL, xây dựng mô hình 1 triệu tấn lúa để rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao (CLC) được Chính phủ phê duyệt cho ĐBSCL.
Ngay trong vụ lúa đó, các tỉnh đã triển khai chương trình xuống các huyện, xã và nông dân. Đồng thời, các tỉnh đã có quy hoạch, phân vùng sản xuất cụ thể đến từng xã, có sự phối hợp với các doanh nghiệp thu mua, chuẩn bị về giống xác nhận cho mô hình lúa CLC cao. Một số tỉnh còn trợ giá cho việc sản xuất giống xác nhận như An Giang, Bạc Liêu…, hay huy động sự tham gia chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn trong tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân. TCty Lương thực miền Nam cũng thông báo các bộ giống lúa, tiêu chuẩn lúa CLC, chỉ đạo Công ty lương thực các tỉnh triển khai xong việc ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa CLC theo tinh thần Quyết định số 80. Nhờ đó, diện tích thực hiện đạt 263.690 ha, bằng 110,1% so với diện tích đăng ký là 239.487 ha.
Tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về phương thức thu mua, tồn trữ, nhưng Chương trình đã tạo sự quy hoạch cho từng vùng, từng vụ về sản xuất lúa CLC ở các địa phương đăng ký, tạo ý thức trong nông dân về việc canh tác giống lúa xác nhận CLC để gia tăng hiệu quả, thực tế thu mua đã tạo sự khác biệt về nhận thức trong nông dân khi giá thu mua có sự chênh lệch so với giá mua của thương lái. Và quan trọng hơn, việc xây dựng các vùng chuyên canh lúa trên quy mô lớn ngày càng được chú trọng, đẩy mạnh ở nhiều tỉnh, TP thuộc ĐBSCL, thu hút sự tham gia của nhiều DN. Đến vụ đông xuân 2010-2011, tỉnh Long An đã triển khai thực hiện 1.000 ha tại các huyện Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh và Mộc Hóa. Trong đó DNTN Phú Thông đầu tư ứng trước phân bón, cuối vụ thu mua 600 ha tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng.
Từ năm 2008, ngành Nông nghiệp Đồng Tháp đã xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất theo hướng hiện đại, bắt đầu từ HTX Tân Cường (huyện Tam Nông) và HTX Thắng Lợi (huyện Tháp Mười). Đến năm 2011, toàn tỉnh đã có 10 mô hình, tổng diện tích 1.519 ha, với 1.190 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn ghi chép quá trình sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng VietGAP.
Ở An Giang, trong vụ đông xuân này, Cty CP BVTV An Giang đã triển khai mô hình xây dựng vùng nguyên liệu với quy mô 1.000 ha tại các huyện Châu Thành, Thoại Sơn và Tịnh Biên. Hình thức liên kết là công ty cung cấp đầu vào cho nông dân, hỗ trợ sấy lúa cho nông dân và lưu kho trong 1 tháng không tính chi phí lưu kho. Không chịu thua kém, Cty XNK An Giang đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu tại Châu Thành và Thoại Sơn với quy mô 900 ha. Hình thức liên kết là cung cấp phân bón cho nông dân và sẽ thu mua lúa cho nông dân sau khi thu hoạch với giá cao hơn thị trường là 200 đồng/kg nếu lúa đạt chất lượng theo yêu cầu của công ty. Cty Lương thực Thực phẩm An Giang đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu với quy mô 500 ha tại Châu Phú và Châu Thành. Công ty sẽ hỗ trợ cho nông dân chi phí vận chuyển đến kho là 30 đồng/kg…
Tập hợp nông dân ít ruộng
Các mô hình nói trên mang nhiều tên gọi khác nhau, vì thế Bộ NN-PTNT đã lấy một tên gọi thống nhất chung là “Cánh đồng mẫu lớn”. Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, “Cánh đồng mẫu lớn” mang ý nghĩa “cánh đồng lớn nhưng có nhiều nông dân nhỏ” hay nói cách khác là một hình thức mới để tập hợp nông dân ít ruộng đất trong điều kiện thâm canh sản xuất lúa hiện nay.
Trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, các bên tham gia đều thụ hưởng các lợi ích một cách cao nhất, trong đó nông dân được hưởng lợi thêm từ các dịch vụ phục vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và các giá trị tăng thêm cho lúa từ các hoạt động dịch vụ nhiều nhất. “Cánh đồng mẫu lớn” sẽ từng bước được dịch vụ hóa tất cả các khâu trong sản xuất từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ… Các hoạt động dịch vụ này sẽ góp phần gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo, gia tăng tính cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận. Theo Cục Trồng trọt, việc mở rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” sẽ giúp khắc phục thất thoát sau thu hoạch có thể lên đến hàng triệu tấn trong nhiều năm nay.
Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có được vùng nguyên liệu ổn định và từ đây có thể chào hàng các sản phẩm theo ý muốn hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng với giá trị cao hơn, điều mà trước đây rất ít doanh nghiệp thực hiện được. Trong thời gian qua, đã có những doanh nghiệp tham gia một cách tích cực chủ trương xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” của Bộ NN-PTNT như TCty LT miền Nam, Cty CP Phân bón Bình Điền, Cty CP BVTV An Giang, Công ty ADC, Công ty GenTraco…
Trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” bao gồm nhiều tiêu chí nhưng có một tiêu chí bắt buộc là phải “Ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP” do Cục Trồng trọt ban hành theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. Ông Phạm Văn Dư khẳng định, mục tiêu của việc xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” kết hợp với “Ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng VietGAP” là tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, sản xuất, xuất khẩu hiệu quả.
Trong vụ hè thu 2011, tổng diện tích “Cánh đồng mẫu lớn” ở ĐBSCL dự kiến từ 4.000 – 6.000 ha (trung bình mỗi tỉnh 300 – 500 ha/vụ). Trong năm 2012, tổng diện tích “Cánh đồng mẫu lớn” sẽ đạt từ 20.000 – 40.000 ha (trung bình mỗi tỉnh 1.500 – 4.000 ha/vụ). Tổng diện tích “Cánh đồng mẫu lớn” trong năm 2013 từ 50.000 – 80.000 ha (trung bình mỗi tỉnh 5.000 – 10.000 ha/vụ)…
(Theo NNVN)