Trung tâm Tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân (Trung tâm PIM) đã tham gia tuyển chọn và được Bộ NN&PTNT giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu mô hình và giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên“. Tổ chức phối hợp thực hiện: Viện Kinh tế và quản lý thủy lợi, Chi cục thủy lợi tỉnh Hòa Bình, Chi cục thủy lợi tỉnh Lâm Đồng Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Trần Chí Trung; Thời gian thực hiện: 30 tháng, (từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2018)
Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Trần Chí Trung;
1. Sự cần thiết thực hiện đề tài
Hồ đập nhỏ là loại hình công trình khá phổ biến, đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở các vùng có điều kiện địa hình phức tạp như vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay các hồ đập nhỏ này chưa thể đáp ứng nhu cầu nước ngày càng cao của khu vực do công trình đang bị xuống cấp, hiệu quả khai thác kém, thậm chí dẫn đến mức mất an toàn vì nhiều nguyên nhân khác nhau như đã phân tích trong phần trên, do vậy việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển thêm hồ đập để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân ở những vùng này là yêu cầu bức thiết. Để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh nguồn kinh phí của nhà nước đầu tư cho dịch vụ công có hạn thì việc xã hội hóa để huy động cộng đồng và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ là một trong những giải pháp khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển chung, nên nhiều đề tài/ dự án đã tập trung nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho việc đầu tư và quản lý các công trình thủy lợi nhỏ nói chung và hồ đập nhỏ nói riêng theo hướng này.
Những luận giải nêu trên cho thấy, để thực hiện tốt mô hình xã hội hóa đầu tư, quản lý khai thác các công trình thủy lợi nói chung và các công trình hồ đập nhỏ nói riêng cần phải có những điều chỉnh cần thiết trong cách tiếp cận có sự tham gia cũng như xây dựng được một hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Vì vậy “Nghiên cứu mô hình và giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên” nhằm quản lý hiệu quả và bền vững công trình thủy lợi, phục vụ phát triển nông nghiệp và dân sinh là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
2. Mục tiêu của đề tài:
– Đề xuất được mô hình xã hội hóa(cộng đồng, các thành phần kinh tế)đầu tư xây dựng và quản lý công trình hồ đập nhỏ để thực hiện chính sách đối tác công-tư trong lĩnh vực thủy lợi, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi cho vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
– Đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện xã hội hóađầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
3. Nội dung nghiên cứu:
Nội dung 1:Tổng quan về xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng thủy lợi
Nội dung 2.Đánh giá hiện trạng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên
Nội dung 3. Đề xuất mô hình xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ phù hợp cho vùng Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên
Nội dung 4: Xây dựng thử nghiệm mô hình xã hội hóa quản lý hồ đập nhỏ
Nội dung 5: Đề xuất giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên
4. Ý nghĩa khoa học và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu:
– Về phương diện khoa học: Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần làm rõ hơn khái niệm xã hội hóa và khái niệm đối tác công – tư vốn có nguồn gốc từ các nước phương Tây, hiện còn tồn tại nhiều khái niệm và cách hiểu khác nhau. Trên cơ sở đó sẽ góp phần định hình khung lý thuyết phù hợp với đặc điểm Việt Nam.
– Về phương diện thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ hội khắc phục tình trạng phân tách cơ học giữa khu vực công và khu vực tư, tìm cơ chế kết nối hai khu vực này thành một phức thể trong đời sống kinh tế, xã hội; năng động hóa khu vực công; thúc đẩy bình đẳng giữa khu vực tư với khu vực công; Xây dựng các mô hình mẫu về xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ cho vùng MNPB và Tây Nguyên, từ đó tổng kết đưa ra kiến nghị áp dụng nhân rộng mô hình để quản lý an toàn, hiệu quả công trình hồ đập nhỏ góp phần thực hiện mục tiêu Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
– Về phương diện thể chế, chính sách: Kết quả của nghiên cứu này sẽ góp phần hình thành nhận thức chung của xã hội, bổ sung những thể chế chính sách còn thiếu trong lĩnh vực liên quan phục vụ cho quá trình phát triển phù hợp với chuyển biến của thực tiễn.
Hồ chứa Nước Tra, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình