Đề xuất bỏ hạn điền và hình thành ngân hàng đất

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Điều 129 Luật Đất đai, cụ thể cần bỏ hạn điền. Còn Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng, phải có căn cứ pháp lý cho tích tụ đất đai

Ông Hà cho biết, hai Bộ sẽ sớm trình Chính phủ đề án thành lập ngân hàng đất. Ai có đất mà chưa sử dụng có thể gửi vào ngân hàng này. Ngày 2/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm tới và tình hình KT – XH năm 2016, kế hoạch 2017

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định
việc tích tụ đất được thực hiện mạnh mẽ thì nông nghiệp sẽ đột phá lớn

Các ĐBQH có chung nhận định, đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp song nguy cơ tiềm ẩn rủi ro vẫn đang rình rập

Đất đai quá manh mún Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được nhiều ĐBQH tham gia thảo luận cho ý kiến. Đề cập đến những hạn chế đã thành cố hữu, là lực cản ngành nông nghiệp, ĐB Lê Thị Hồng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng đất đai manh mún, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, khó áp dụng cơ giới hóa, khó tiếp cận thị trường, thêm vào đó là việc lạm dụng phân bón hóa học quá mức… khiến người tiêu dùng trong nước ngày càng quay lưng lại với sản phẩm do nông dân sản xuất ra. Quan điểm của ĐB Hồng là phải nhất quán chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới nông nghiệp hữu cơ để chủ động hội nhập. “Nhà nước phải từng bước xóa bỏ bao cấp về nông nghiệp. Theo đó việc nuôi, trồng cây con gì theo thời vụ như thế nào… nên để doanh nghiệp, người dân tự lo. Nhà nước chỉ tập trung vào quy hoạch các vùng và xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển”, ĐB Hồng đề xuất. ĐB Lê Thị Hồng cho rằng muốn hút được doanh nghiệp vào đầu tư cho nông nghiệp thì Nhà nước phải hoàn thiện chính sách về đất đai để tạo thuận lợi nhất cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất. “Cần sớm nghiên cứu cơ chế thuê ruộng đất ổn định, lâu dài. Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp bảo đảm tầm nhìn dài hạn; khẩn trương xây dựng quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của từng địa phương để bổ sung vào quy hoạch chung”, ĐB Hồng nêu ý kiến. Khẳng định nước ta có nhiều sản phẩm nông nghiệp ngon, chất lượng cao nhưng còn bị bỏ ngỏ, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) thẳng thắn nói: “Người nông dân phải tự bơi trong cơ chế thị trường”. Theo ĐB Công đây là nguyên nhân làm cho nông nghiệp chúng ta chậm phát triển, đời sống người nông dân tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều hộ nông dân bỏ đất, dời làng đi tìm kế sinh nhai khác. Từ thực tiễn trên, cử tri kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa ngay những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, chưa mang lại lợi ích cho nông dân. Hoàn thành quy hoạch vùng, sản phẩm thế mạnh của địa phương, thiết lập hệ thống thông tin quốc gia về nông nghiệp, hình thành các thương hiệu và ổn định thị trường tiêu thụ

Theo ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận), nông nghiệp nước ta tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng nên giá trị gia tăng còn thấp, sức cạnh tranh yếu, đầu ra của không ít nông sản còn nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh. Rõ ràng, nông nghiệp và nông thôn trước yêu cầu hội nhập và biến đổi khí hậu chịu nhiều áp lực bị rủi ro, tổn thương và thiệt hại nhiều nhất, nhưng biện pháp khắc phục còn chậm và nhiều khó khăn, nhất là thiếu nguồn lực. ĐB Cảnh đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo và có chính sách đầu tư hỗ trợ thỏa đáng để thực hiện tái cơ cấu một cách tổng thể, căn bản trên từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.   Gỡ các nút thắt Giải trình làm rõ các vấn đề mà ĐBQH nêu ý kiến, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nông nghiệp nước ta đang dựa trên hộ nhỏ lẻ nên đời sống của nông dân vẫn đang khó khăn. Sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, nhận thấy đã có chuyển biến. Chăn nuôi lợn đã hoàn thiện được công đoạn ban đầu. Trong 30 triệu lợn thì có 15% dòng giống nhập tiên tiến trên thế giới, đã sản xuất được 15 triệu tấn. Thủy sản tôm nước nước lợ và cá tra tiếp cận được hội nhập. Ngành sữa tốc độ tăng trưởng liên tục, sản phẩm xuất khẩu đến 40 nước; có DN trong nước tổ chức sản xuất ở Nga. Nhiều DN lớn đầu tư vào nông nghiệp. Tái cơ cấu bước đầu có sự thành công. Tuy nhiên theo tư lệnh ngành nông nghiệp, bất cập của sức sản xuất lớn chính là quy mô công nghệ nhỏ, lạc hậu nên khó kiểm soát an toàn thực phẩm. Chuỗi sản phẩm tạo ra, hầu hết là chế biến thô, kể cả mặt hàng xuất khẩu cả tỷ đô la; thị trường thiếu ổn định, một số thị trường tiểu ngạch rủi ro cao. Nhân tố hạt nhân trong sản xuất là DN và HTX thì còn ít và yếu. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thẳng thắn chỉ ra hàng loạt các nguyên nhân. Đó là, nhận thức tái cơ cấu chưa sâu rộng. Chính sách ban hành nhiều nhưng khó đi vào cuộc sống; nguồn nhân lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Nghị quyết 26 của Trung ương đặt ra đầu tư cho nông nghiệp 5 năm sau phải tăng 2 lần so với 5 năm trước nhưng thực tế mới đạt 1,83 lần. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn. “Nghẽn nhất hiện nay là đất đai”, Bộ trưởng thật lòng nói và chứng minh rằng tất cả các DN và nông dân nơi nào tích tụ được hàng trăm ha đất là sản xuất rất tốt. Ở Hải Dương có người sản xuất 200ha lúa là có sản phẩm xuất khẩu; ở Hưng Yên có người quản lý 120 ha trồng chuối thì có sản phẩm xuất khẩu. “Rõ ràng nút thắt đầu tiên là đất đai. Nếu Quốc hội cho phép sửa Điều 129 Luật Đất đai tức là không còn hạn điền nữa thì sẽ rất tốt. Thực tiễn chúng tôi đã đi kiểm tra và nhận thấy nếu tích tụ được đất nông nghiệp sẽ có đột phá cho phát triển và chúng ta không phải lo ngại việc nông dân mất đất, mất việc làm”, ông Cường kiến nghị. Tiếp đó Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đăng đàn cho biết sớm hoàn thiện cơ chế luật pháp để đẩy mạnh tích tụ đất đai. “Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT sẽ đề xuất thành lập ngân hàng đất do Nhà nước quản lý, sớm trình Chính phủ xem xét quyết định. Cách làm là ai có đất mà chưa sử dụng thì có thể gửi vào ngân hàng đất này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay

                                                                    VĂN HÙNG- KIÊN CƯỜNG
                                                           Bài tham khảo trên trang Thời sự
Báo Nông nghiệp Việt Nam số 220 ngày 3/11/2016