Trung tâm tư vấn PIM xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sổ tay “Kỹ thuật tưới cho thâm canh Lúa”. Đây là tài liệu tổng kết các kết quả nghiên cứu và thực tiễn triển khai mô hình thành kỹ thuật và chế độ tưới thâm canh – tiết kiệm nước cho lúa canh tác theo thâm canh cải tiến. Cuốn sổ tay nhằm trang bị kiến thức phục vụ đào tạo và thực hành cho các cán bộ, kỹ sư thủy lợi, khuyến nông và bà con nông dân tại các địa phương, đồng thời làm sách tham khảo cho sinh viên và các nhà nghiên cứu.
Những năm gần đây thời tiết biến đổi bất thường, hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó với sự phát triển xã hội, nhu cầu nước ngày càng tăng của các ngành công nghiệp, thủy điện, dân sinh và du lịch đang gây sức ép lên việc sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất lúa nước.
Trong sản xuất lúa hiện nay, nông dân nhiều nơi vẫn áp dụng theo tập quán canh tác cũ: sử dụng mạ già hơn 20 ngày tuổi, lượng nước trên ruộng cao 5-7 cm, sử dụng nhiều giống và phân hóa học, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng phân đạm quá mức, cấy dày là nguyên nhân chính làm cho cây lúa yếu, dễ bị sâu bệnh tấn công do đó phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Tập quán tưới ngập, đưa nước vào ruộng quá nhiều làm cho các lỗ rỗng trong đất bị chiếm chỗ dẫn đến hiện tượng giảm không khí và oxy trong đất, tạo nên môi trường yếm khí (khử), ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, hiệu quả sản xuất không cao.
Cây lúa, tuy là cây chịu nước nhưng không phải là cây thủy sinh, có những thời gian cây lúa rất cần nước, nhưng cũng có thời gian cây lúa không cần nước. Nếu thừa nước hay thiếu nước trong những thời gian nhất định đều ảnh hưởng đến năng suất. Một chế độ nước tưới thích hợp cho cây lúa sẽ đem lại hai mục tiêu: Tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước.
Trung tâm Tư vấn PIM, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở các tỉnh miền núi phía bắc” đã tiến hành nghiên cứu, thí nghiệm các chế độ tưới thâm canh – tiết kiệm nước cho canh tác lúa theo phương pháp thâm canh cải tiến (SRI) tìm ra được chế độ nước và biện pháp canh tác “tối ưu” – tạo điều kiện tốt nhất cho cây lúa phát triển khỏe mạnh. Với kết quả nghiên cứu thí nghiệm đồng ruộng, Trung tâm triển khai xây dựng mô hình thử nghiệm tưới thâm canh – tiết kiệm nước và canh tác lúa tối ưu. Kết quả cho thấy, chế độ tưới và canh tác “tối ưu” cho cây lúa đem lại hiệu quả cao về sử dụng đất, nước và vốn đầu tư.
Cuốn sổ tay “Kỹ thuật tưới cho thâm canh Lúa” này tổng kết các kết quả nghiên cứu và thực tiễn triển khai mô hình thành kỹ thuật và chế độ tưới thâm canh – tiết kiệm nước cho lúa canh tác theo thâm canh cải tiến. Cuốn sổ tay này nhằm trang bị kiến thức phục vụ đào tạo và thực hành cho các cán bộ, kỹ sư thủy lợi, khuyến nông và bà con nông dân tại các địa phương, đồng thời làm sách tham khảo cho sinh viên và các nhà nghiên cứu.
Nội dung cuốn sách gồm:
Giới thiệu
1. Kỹ thuật làm mạ, tuổi mạ khi cấy
– Ruộng mạ
– Ngâm, ủ hạt giống
– Gieo mạ
– Chăm sóc mạ
2. Kỹ thuật làm đất cấy
3. Kỹ thuật và mật độ cấy
4. Kỹ thuật sử dụng phân bón
5. Quản lý sâu bệnh và cỏ dại
– Phòng trừ cỏ dại
– Phòng trừ sâu bệnh
6. Quy trình quản lý nước trên ruộng
– Hệ thống kênh mương và bờ ruộng:
– Quy trình quản lý nước trên ruộng
7. Hiệu quả của mô hình
Tài liệu tham khảo
Bạn đọc có nhu cầu, xin liên hệ:
Đặng Minh Tuyến, Trung tâm tư vấn PIM. ĐT: 0435639745 – 0913342885