Chiều ngày 8/10/2020, tại Hà Nội, Ban Quản lý Trung ưng các Dự án Thủy lợi phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằn sông Cửu Long (Dự án GEF-ICRSL)”
Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ mục tiêu, ý tưởng nghiên cứu để đưa vào Dự án Hỗ trợ kỹ thuật chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằn sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tổ chức triển khai thực hiện.
Tham dự Hội thảo có chị Phương – Chủ nhiệm Dự án – Ngân hàng thế giới WB; đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp Nông thôn; đại diện Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi – ICRSL và các chuyên gia có kinh nghiệm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong – Phó Giám đốc Viện; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Trung tâm Tư vấn và Quản lý Thủy nông có sự tham gia của người dân, Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường; Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết Viện đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ về nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ, thể chế chính sách, đào tạo. Đặc biệt đối với đồng bằng sông Cửu Long, Viện đã có một quá trình dài nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến sạt lở, dự báo, hạn hán, xâm nhập mặn, thể chế chính sách, tổ chức quản lý thủy lợi cũng như phát triển nông nghiệp nông thôn và hiện nay Viện tham gia nhiều dự án trong đó có Dự án WB9, Dự án hợp tác với Đức (VIWAT). Bên cạnh đó, Viện đã và đang phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long.
Thay mặt Ban Quản lý Dự án và Ngân hàng Thế giới, Đại diện Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi đã chia sẻ thông tin và nội dung của Dự án. Theo đó, tên Dự án là “Hỗ trợ kỹ thuật chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằn sông Cửu Long (Dự án GEF-ICRSL)”. Nhà tài trợ: Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), ủy thác thông qua Ngân hàng thế giới (WB). Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Chủ dự án: Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO). Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2022. Địa điểm của Dự án tập trung vào 03 vùng chính dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu gồm vùng thượng nguồn (An Giang, Đồng Tháp); vùng cửa sông ven biển (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng) và vùng bán đảo (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang).
Vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, trong phạm vi dự án có 09 tỉnh, có một số tỉnh nằm ở vùng lõi ĐBSCL như Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An không nằm trong vùng dự án WB9 cũng như Dự án hỗ trợ kỹ thuật này.
Đại diện Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi cho biết mục tiêu cuối cùng của Dự án sẽ tập trung nâng cao về năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để xây dựng và áp dụng các thực tiễn quản lý tài nguyên thiên nhiên, nông lâm ngư nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long nhằm nâng cao hiệu quả cho Dự án vốn vay.
Kết quả đầu ra dự kiến có 04 kết quả chính đó là (1) Thành lập liên minh nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long; Thực hiện hiệu quả các nghiên cứu nền; Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo; (2) Thực hiện nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để xây dựng cơ sở khoa học cho ứng dụng nông lâm ngư nghiệp và quản lý nước thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; (3) Các mô hình nông lâm ngư nghiệp và quản lý nước thông minh với biến đổi khí hậu có khả năng sinh lợi lớn cho 03 vùng sinh thái đồng bằng sông Cửu Long đang được thử nghiệm; (4) Các sản phẩm truyền thông, thông tin về các sáng kiến AAWF thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được xây dựng và nhân rộng.
Dự án Hô trợ kỹ thuật chia làm 5 hợp phần và mỗi hợp phần chia thành các hoạt động nhỏ để triển khai và tổ chức thực hiện.Thời gian thực hiện cuối năm 2020 và kết thúc vào 31/12/2022.
Thay mặt cho nhóm thực hiện Dự án WB9, Đại diện Ngân hàng thế giới đã gửi lời cảm ơn đến Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo và mong muốn qua Hội thảo sẽ đưa ra được các ý tưởng và từ các ý tưởng tiếp tục xây dựng các đề xuất cụ thể cho các hoạt động nghiên cứu.
Đại diện Ngân hàng thế giới khẳng định phía WB đánh giá Hợp phần GEF là hợp phần quan trọng trong Dự án WB9. Lý giải vấn đề này, Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng Hợp phần này sử dụng phần vốn không hoàn lại cho phép Chính phủ Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có khả năng sử dụng một cách linh hoạt hơn so với nguồn vốn vay để phục vụ cho mục tiêu GEF mong muốn hỗ trợ đó là các hoạt động liên quan đến nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo.
Đại diện Ngân hàng Thế giới mong muốn các đại biểu trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn để từ đó đưa ra các đề xuất có tính ứng dụng và thiết thực cho đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới và gắn chặt với mục tiêu phát triển của Dự án chính WB9.
Về ý tưởng cho hoạt động nghiên cứu, Đại diện WB đã đưa ra 02 hướng gợi ý và cho rằng sẽ rất thiết thực và đóng góp cho sự phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Thứ nhất, tập trung hỗ trợ cho việc thực hiện các chiến lược, chính sách, chương trình của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương trong giai đoạn tới như Nghị quyết 120 của Chính phủ về việc phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thực hiện Nghị quyết 120, Chương trình tổng thể chuyển đổi nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long…Thứ 2, tập trung vào các nghiên cứu để hỗ trợ cho việc đưa ra các giải pháp kỹ thuật hoặc thiết kế cho các dự án đầu tư cho giai đoạn 2021 – 2025. Các đề xuất này cần có sự tham gia của khối các Viện Nghiên cứu, các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia để đưa ra các giải pháp kỹ thuật có tính chất chuyển đổi, sáng tạo, đổi mới với nhu cầu hiện nay với đồng bằng sông Cửu Long như giải pháp trữ nước, cấp nước, chuyển nước cho vùng bán đảo Cà Mau; ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở, chuyển phù sơ; trung tâm đầu mối về nông nghiệp, dịch vụ…
Chuyên gia Hà Lan về biến đổi khí hậu – thành viên của nhóm chuyên gia hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030 đã gợi ý và đưa ra một số nguyên tắc và tiêu chí để căn cứ đánh giá thế nào là nghiên cứu mang tính hiệu quả.
“Nghiên cứu mang tính hiệu quả là những nghiên cứu có thể giúp chúng ta đưa ra các thiết kế tốt đối với dự án liên quan và là những căn cứ để chúng ta thực hiện được quyết định của Chính phủ; Nghiên cứu hiệu quả là nghiên cứu giúp chúng ta đưa ra giải pháp mang tính thích hợp, thống nhất và đạt được nhiều lợi ích hơn so với một lợi ích đơn lẻ và nghiên cứu không chỉ đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề mà nghiên cứu phải chỉ ra được cơ hội và nắm bắt được cơ hội.”
Chuyên gia Hà Lan cho rằng Việt Nam chưa có quy trình quản lý hiệu quả cho toàn bộ hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long do vậy các đề xuất cần đưa ra nghiên cứu mang tính chất đồng bộ, tổng thể trong đó có những điểm mới, sáng tạo có liên quan đến AI, IOT, 4.0, phần cứng, phần mềm…
Báo cáo tại Hội thảo, ThS. Đặng Minh Tuyến – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn PIM – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã giới thiệu về tầm quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long và các chính sách của Chính phủ để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tới.
ThS. Đặng Minh Tuyến cho biết mục tiêu phát triển bền vững Viện nhìn nhận đó là sẽ đảm bảo sinh kế cho người dân, hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ, phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp – đây là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long cần dựa vào 03 giải pháp chính đó là an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và an ninh về xã hội.
Trong quan điểm phát triển mới tại Quyết định 324 của Chính phủ đã nhấn mạnh một số ý như tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch; Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ để bảo đảm an ninh lương thực mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, phục vụ công tác phòng, chữa bệnh tạo nên những thương hiệu nổi tiếng; Chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai. Ngoài ra, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng căn cứ vào Chương trình phát triển lâm nghiệp của Chính phủ đã đưa ra định hướng phát triển cho 03 vùng bao gồm vùng thượng đồng bằng, vùng giữa và vùng ven biển, ThS. Đặng Minh Tuyến cho biết.
ThS. Đặng Minh Tuyến cũng đã đưa ra các thách thức đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt dể phát triển bền vững đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng; gia tăng dân số và di dân; khai thác tài nguyên quá mức; suy giảm chất lượng môi trường đất – nước; thay đổi sử dụng đất; phát triển chuỗi đập thủy điện và chuyển nước thượng nguồn. Trong các thách thức, có thách thức có thể can thiệp, điều chỉnh được nhưng có những thách thức không thể điều chỉnh được và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam sẽ tập trung vào nghiên cứu đề xuất các giải pháp để thay đổi, ứng phó với các thách thức này.
Dựa trên mục tiêu của Dự án WB9 và tập trung vào các vấn đề về sinh kế, điều tiết nước, hạn chế xói lở bờ, biển, thích ứng xâm nhập mặn…, các đề xuất của Viện sẽ đi vào giải pháp phi công trình đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp và sẽ hướng đến hỗ trợ cho Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như địa phương ban hành các chính sách, hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình nhân rộng, sản phẩm truyền thông, đào tạo. Đề xuất của Viện bao gồm 02 hợp phần đó là Tăng cường năng lực nghiên cứu cho ĐBSCL và Hỗ trợ phân tích & kỹ thuật, Phục vụ nghiên cứu và đổi mới sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu. Trong 02 hợp phần có 05 nhóm vấn đề và 20 nhiệm vụ cụ thể nằm trong các nhóm giải pháp.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các trình bày như báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn; Báo cáo Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước vùng cửa sông ven biển ĐBSCL nhằm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Kông; Báo cáo ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái.
Nguồn: Báo điện tử Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam