GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh-Chủ nhiệm chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM
PGS.TS Trần Chí Trung, thư ký chương trình
I. Đặt vấn đề
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp cần tiến hành trong suốt quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó có nhiệm vụ “ Phát triển nhanh nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn” và “ Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân”
Đến nay đã có một số chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ để phát triển nông thôn, trong đó phải kể đến chương trinh KHCN quan trọng là “Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn miền núi”. Các đề tài, chương trình này đã có nhiều kết quả nghiên cứu phục vụ xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó nhiều kết quả đã được chuyển giao cho địa phương, nông dân. Tuy nhiên, các kết quả này còn hạn chế ở mặt ứng dụng, nhiều đề tài, dự án sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất, các kết quả áp dụng cho xây dựng nông thôn mới chưa nhiều. Để khắc phục, theo Bộ NN&PTNT, phải xây dựng một chiến lược phát triển KHCN cho nông nghiệp và nông thôn để từ nay đến năm 2020 các thành tựu KHCN sẽ đóng góp từ 40-50% GDP nông nghiệp, trong đó sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện xây dựng nông thôn mới thành công là cần đưa ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân.
II. Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2015
Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2015 được thực hiện theo Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình do Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ nghành và địa phương (Bộ KHCN, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh) tổ chức triển khai thực hiện.
Mục tiêu của chương trình:
- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình nông thôn mới để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách giải pháp khoa học và công nghệ xây dựng nông thôn mới để áp dụng cho Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
- Xây dựng một số mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, từ đó đánh giá hiệu quả để tổ chức nhân rộng trên phạm vi cả nước trong quá trình xây dựng nông thôn mới
- Nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ của người nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nông thôn mới
Đây là chương trình KHCN đề cập tương đối toàn diện đến các lĩnh vực KHCN phục vụ xây dựng NTM bao gồm 6 nội dung sau
- Nghiên cứu đề xuất, bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình nông thôn mới: đưa ra những luận cứ khoa học để xác định và hoàn thiện mô hình nông thôn mới của Việt Nam
- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới, bao gồm: Cơ chế chính sách về tích tụ đất đai, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa, cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, sự tham gia của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, cơ chế chính sách bảo đảm xây dựng nông thôn bền vững.
- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ để xây dựng nông thôn mới.
– Các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường cảnh quan nông thôn mới
– Các giải pháp xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới
– Các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội nông thôn.
– Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nông htoon mới
- Xây dựng một số mô hình trình diễn về nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các thành tựu, giải pháp khoa học và công nghệ, bao gồm:
– Mô hình quy hoạch-kiến trúc nông thôn mới.
– Mô hình tổ chức xã hội nông thôn mới.
– Mô hình ứng dụng công nghệ tưới kết hợp biện pháp canh tác nông nghiệp giám phát thải Mêtan và hiệu ứng nhà kính.
– Mô hình nông nghiệp xanh.
– Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp cơ giới hóa nông nghiệp.
– Mô hình thí điểm áp dụng cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư, xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng nông thôn mới.
– Mô hình áp dụng công nghệ năng lượng tái tạo xây dựng nông thôn mới
– Mô hình quản lý môi trường nông thôn
- Xây dựng nội dung và tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyển giao công nghệ, nông dân và doanh nghiệp.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nông thôn mới
Một số nét chính về đặc thù của chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM như sau:
– Là chương trình KHCN cấp nhà nước phục vụ trực tiếp Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.
– Chương trình chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của TW về nội dung và kế hoạch thực hiện.
– Là một chương trình KHCN cấp nhà nước mang tính tổng hợp, đa ngành, bao gồm nhiều lĩnh vực: Khoa học công nghệ, khoa học xà hội, khoa học tự nhiên, Nghiên cứu cơ bản (Lý luận), nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, truyền thông, v.v….
– Đối tượng phục vụ của chương trình là Tam nông: Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn, trong đó người hưởng lợi trực tiếp là nông dân chiếm tỷ lệ lớn trong xã hội nước ta hiện nay.
– Chương trình còn đề xuất cho Chính Phủ có cơ chế chính sách phù hợp trong việc đầu tư phát triển nông thôn mới cho từng giai đoạn khác nhau và vùng miền khác nhau và xây dựng được luận cứ khoa học để Đảng và Nhà nước tham khảo trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta những năm tiếp theo.
– Địa bàn nghiên cứu và ứng dụng của chương trình là nông thôn nước ta, trong đó có các xã điểm trong chương trình mục tiêu quốc gia vầ xây dựng nông thôn mới.
– Công nghệ ứng dụng trong các đề tài, dự án thể hiện tính đột phá và đồng bộ phù hợp yêu cầu xây dựng NTM hiện nay.
– Chương trình tập trung mọi nguồn lực xã hội về cơ cấu tổ chức con người bao gồm cá nhân và tổ chức nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đặc biệt có sự tham gia của người dân.
– Nguồn vốn thực hiện chương trình từ Ngân sách NN, địa phương và dự án nước ngoài, các Chương trình KH khác phối hợp lồng ghép.
– Kết quả của đề tài, dự án KH trong Chương trình góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tạo mô hình tăng trưởng cho xã hội, nâng cao nhận thực của người dân một bước mới cả về trình độ hiểu biết những tiến bộ trong Nông nghiệp, dân trí xã hội và tính làm chủ trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
III. Một số kết quả triển khai thực hiện chương trình đến nay
Đến nay, chương trình đã đạt được một số kết quả chủ yếu triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình trong 3 năm (2012-2014) như sau:
– Đã triển khai thực hiện 22 đề tài khoa học thực hiện từ năm 2012, trong đó có 4 đề tài phục vụ nhiệm vụ của Ban bí thư và 3 đề tài phục vụ nhiệm vụ tổng kết 30 năm đổi mới của Bộ.
– Đã thực hiện tuyển chọn, xét chọn và đang làm thủ tục để triển khai thực hiện 14 dự án thực hiện từ năm 2012; 13 nhiệm vụ thực hiện từ năm 2013 (3 đề tài và 10 dự án)
– Các Hội đồng tư vấn của Bộ đang thực hiện tư vấn xác định danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện từ năm 2013-2015 (khoảng 50 nhiệm vụ)
Các đề tài, dự án hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, nội dung thực hiện của Chương trình theo Quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ. Đến nay, chương trình đã có được một số kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ ban đầu phục vụ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là:
– Đề xuất bổ sung hoàn thiện lý luận, cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới: Các đề tài đã có những kết quả kịp thời, phục vụ cho công tác tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới của ban bí thư và góp vào việc tổng kết lý luận và thực tiễn sau 30 năm đổi mới, như kiến nghị và giải pháp chính sách áp dụng KHCN trong nông nghiệp cho người nông dân, giải pháp đổi mới và hòan thiện thể chế phát triển nông nghiệp (các hình thức tổ chức sản xuất), giải pháp cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp – nông thôn, giải pháp đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển nông nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế…
– Đề xuất các giải pháp KHCN xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, như các giải pháp ứng dụng KHCN xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, cấp nước sinh hoạt phục vụ xây dựng nông thôn mới, giải pháp xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp…
– Đề xuất các giải pháp KHCN phát triển sản xuất nông nghiệp, như quy trình công nghệ canh tác lúa cải tiến nhằm tiết kiệm nước, tăng thu nhập cho người nông dân và giảm phát thải khí nhà kính, giải pháp ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao vùng đồng bằng sông Hồng…
IV. Một số giải pháp thực hiện chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
– Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới cần được chỉ đạo thực hiện xuyên suốt từ trung ương đến địa phương
– Để triển khai ứng dụng các khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp không chỉ có các cơ quan nghiên cứu khoa học mà rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân
– Kết hợp lồng ghép giữa chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới với các chương trình, dự án của các địa phương và lồng ghép với các chương trình khoa học liên quan.
– Chương trình tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao KHCN vào thực tiễn sản xuất. Lấy nông dân làm chủ, nông thôn là địa bàn, KHCN là bước đột phá
– Hợp tác tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu lựa chọn ứng dụng các công nghệ sản xuất nông nghiệp của nước ngoài như giống, máy cơ giới nông nghiệp, phân bón, tưới tiêu hiện đại tiết kiệm nước của các nước như Đài Loan, Hàn Quốc